Vài điều kỳ lạ trong hành trang của Vua Trần Nhân Tông


Trong suốt chín tháng họ cũng đàm đạo về thiền, nhưng các sư Nam Tông chỉ nói trên lý thuyết, còn Ngài nói trên tâm chứng thực tế, làm các Sư vô cùng cảm phục. 


Sáng ngày 27/10/2018, (19/09/Mậu Tuất), Lễ hội Quán Thế Âm đã được tổ chức tại Thiền thất Hương Vân (đường 528, ấp Ngã Tư, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP. HCM) hết sức thiêng liêng và trang nghiêm, với sự tham dự của hơn 2.000 Phật tử gần xa. 

Nhận lời mời của HT.Thích Viên Giác, Viện chủ Thiền Thất Hương Vân, TT.Thích Chân Quang đã đến tham dự, trợ duyên và gửi lời chúc mừng đến Hòa thượng Viện chủ cùng toàn thể tăng, ni, phật tử nhân dịp khai trương Giảng đường mới.
 
Dịp này, Thượng tọa đã gửi đến các phật tử bài Pháp thoại với chủ đề "Vài điều kỳ lạ trong hành trạng của Vua Trần Nhân Tông”. Bằng một câu chuyện lịch sử có thật, bài Pháp thoại đã khắc họa thành công chân dung, công đức, trí tuệ, sự hy sinh cao cả của Vua Trần Nhân Tông đối với đất nước, đạo pháp và đại chúng, cho chúng ta thêm kính ngưỡng một vị Thánh quân siêu phàm của dân tộc mình. 

Qua đó, bài Pháp cũng làm rõ nguồn gốc, ý nghĩa lịch sử, đạo đức của cái tên "HƯƠNG VÂN". Chắc chắn, qua hôm nay, mọi người đã có thêm hứng thú trong việc tìm hiểu lịch sử của đất nước, con người Việt Nam, và dần dần nhận ra nhiều bài học sâu sắc hơn, để rồi bồi đắp thêm tình cảm sâu sắc của mình đối với Phật pháp và lòng tự hào về dân tộc.

Trước tiên, nói về Bồ tát Quán Thế Âm, Thượng tọa chia sẻ: Kinh Phổ Môn từng nói rằng Bồ tát Quán Thế Âm có thể thị hiện ra nhiều hình tướng để cứu độ chúng sinh, và bản thân Thượng tọa trong cuộc đời tu hành của mình vào những lúc khó khăn cũng đã cảm nhận được sự che chở của Bồ tát Quán Thế Âm theo mọi hình tướng. Cho nên, với Thượng tọa, niềm tôn kính dành cho Bồ tát Quán Thế Âm thật là sâu đậm. 

Kế đến, đi vào nội dung chính của bài giảng, Thượng tọa cho biết HT.Thích Viên Giác đã đặt tên cho Thiền thất Hương Vân bắt đầu từ lòng kính ngưỡng với vua Trần Nhân Tông – cũng là một vị Thánh sư được biết đến với danh xưng “Hương Vân Đại Đầu Đà”. Vì vậy, nhân dịp này, Thượng tọa muốn chia sẻ đôi điều chung quanh cuộc đời phi thường của vua Trần Nhân Tông, như một chút nỗ lực để làm sáng tỏ những sự kiện phi thường đã bị khuất giấu sau lớp bụi thời gian.  

Được biết, vào thời kỳ đầu đời nhà Trần, trong 30 năm, nước ta đã trải qua 3 đời vua (Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông) và cũng đi qua 3 cuộc chiến khốc liệt chống quân Nguyên Mông.

Theo Thượng tọa, những vị vua đầu tiên của nhà Trần từ vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông cho đến Trần Nhân Tông đều là những thiền sư ngộ đạo. Dù ở ngôi vị cao, các vị vẫn sống đạm bạc, ăn chay, vì vậy cái đức của các vị rất lớn. Sau chiến tranh Nguyên Mông, đất nước ta khôi phục rất nhanh (điều này được ghi chép trong sử sách của các quốc gia khác khi họ sang thăm Đại Việt), cũng là nhờ đức độ lớn của các vị vua. 
 
Riêng Ngài Trần Nhân Tông từ khi còn trẻ đã ăn chay và ngộ đạo, xin vua cha cho phép nhường chức hoàng thái tử cho em mình, sau đó trốn lên Yên Tử như ông nội của Ngài (vua Trần Thái Tông) khi xưa. Trên đường đi, vì tướng mạo phi phàm khác với người thường, Ngài nhanh chóng bị phát hiện. Sau đó vua cha Trần Thánh Tông cho người lên tận Yên Tử dùng mọi lời lẽ khuyên ngăn. Cuối cùng, Ngài đành quay trở về nhận lấy sứ mệnh với đất nước. 

Điều lạ lùng đầu tiên về Ngài Trần Nhân Tông là sau khi làm vua, dù đã ngộ đạo, Ngài vẫn cầm quân đánh giặc Mông Nguyên, và có những trận đánh rất vẻ vang, tiêu biểu là trận đánh khiến Toa Đô bỏ mạng. Hành động của Ngài phải chăng đã mâu thuẫn với giới không sát sanh trong nhà Phật? Có thể thấy rằng nếu lúc đó Ngài giữ giới sát, không dám bảo vệ đất nước, cuối cùng để bao nhiêu con người phải lầm than thì đó mới là cái tội rất lớn.

Chính vì hiểu rõ nhân quả nên Ngài càng có trách nhiệm với đất nước mình, không cho đất nước bị kẻ giặc tàn phá. Nội tâm ngộ đạo dù thanh cao như mây như gió, nhưng không bao giờ là buông xuôi thụ động cả. Đó là lý do mà Ngài đã thân chinh chỉ huy trận đánh. Đây là bài học rất lớn cho hậu thế. 

Nhìn lại mình, chúng ta thấy rằng đã rất nhiều lần vì sợ cái tội nhỏ mà mình đã không làm được cái phước lớn. Ví dụ ta sợ nếu góp ý sẽ làm người khác giận, cho nên đành giữ im lặng không dám giúp ai sửa sai. Đó là sợ cái tội nhỏ mà không làm được cái phước lớn. Vì vậy, từ đây về sau để bảo vệ đạo đức, đạo lý và những văn hóa tốt đẹp, chúng ta cũng phải sẵn sàng dùng lời nói khuyên bảo, can ngăn, phải cứng rắn và dấn thân, còn nếu thụ động buông xuôi thì ta đã đi ngược lại với tinh thần của vua Trần Nhân Tông. 

Đến đây, Thượng tọa trình bày về một điểm đặc biệt khác trong cuộc đời vua Trần Nhân Tông. Vào năm 1293, Ngài đã nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, lui về làm Thái Thượng Hoàng. Sang năm 1294 Ngài xuất gia. Sau khi xuất gia, cũng trong năm này, Ngài lại đích thân cầm quân sang chinh phạt Ai Lao. Đây là sự kiện chưa từng có trong lịch sử Phật giáo thế giới. 

Đọc sử đến đây chúng ta lướt qua, không lý giải được. Tại sao một người đã xuất gia rồi vẫn cầm quân đánh giặc? Lý giải về điều này, Thượng tọa cho biết thật ra trước khi xuất gia Ngài Trần Nhân Tông đã từng đánh giặc Ai Lao một lần rồi, nên Ngài hiểu rất rõ về quân Ai Lao, Ngài cũng biết rằng nếu đích thân Ngài đánh thì sẽ thắng, và điều cốt yếu là ngăn chặn không cho hiếu sát. Nếu giao cho một tướng khác thì có thể ta vẫn thắng, nhưng vị tướng ấy sẽ truy sát đến cùng. Cho nên dù thắng vẫn tạo thành cái tội chung cho toàn dân tộc. Còn với trí tuệ của một thiền sư, một bậc Thánh, Ngài đủ sức tính toán đánh ngang đâu là vừa. Đó là nguyên nhân sâu xa mà hậu thế hiếm ai hiểu nổi.

Tiếp theo, sau khi đánh tan giặc Ai Lao, Ngài không ở yên trong chùa với tư cách là một Thái Thượng Hoàng, một thiền sư để mọi người đến học, thay vào đó Ngài đã đi du phương giáo hóa. Chống gậy đi khắp nơi, Ngài kiên nhẫn phá bỏ các “dâm từ”, khuyến hóa dân “tu thập thiện”. 

Để giúp mọi người hiểu rõ, Thượng tọa lý giải “dâm từ” là gì. Ngày xưa ở miền Bắc có những đền thờ không thờ thần thánh mà chỉ thờ những biểu tượng giao cấu của nam nữ, đó gọi là dâm từ. Vì vào thời xa xưa những dâm từ rất nhiều nên Ngài Trần Nhân Tông phải cất công đến từng nơi dẹp sạch. Ngài dùng cái uy của một vị Thái Thượng Hoàng buộc người dân phải bỏ đi lối thờ cúng này. Quá trình lặn lội đến từng nơi như vậy thật là vất vả. Sau khi xóa bỏ các dâm từ, Ngài khuyến hóa dân chúng tu thập thiện, Quy y Tam Bảo, giữ gìn giới cấm. 
 
Thiết nghĩ, ngày xưa chưa có Internet, chưa có phương tiện đi lại như bây giờ, vậy mà trong suốt bao nhiêu năm Ngài phải đích thân chống gậy vượt đường xa gió bụi để phá bỏ tà kiến sai lầm, gieo rắc điều thập thiện trong dân chúng, tức là dùng Phật giáo mà xây dựng một văn hóa mới cho đất nước. Công đức đó thật là vĩ đại mà ngày hôm nay khi tưởng nhớ lại chúng ta không khỏi bồi hồi xúc động. 

Có thêm một chi tiết là trong suốt những năm đó, vua Trần Anh Tông là con trai của Ngài cũng cho những thị vệ xuất sắc đi theo bảo vệ cha mình, và điều kiện bắt buộc là những người này đều phải có tâm tu, phải xuất gia theo Ngài. Đương nhiên triều đình cũng đã chăm lo chu đáo cho thân quyến của họ đến cuối đời. Có thể thấy vua Trần Nhân Tông rất giỏi võ, lại thêm các vệ sĩ đi theo cũng xuất gia và rất giỏi võ. Như vậy chắc chắn là trong Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cũng tồn tại một võ phái, dù có lẽ ngày nay đã thất truyền.

Lại nữa, nói về những sự kiện trọng đại trong cuộc đời vua Trần Nhân Tông, không thể không nhắc đến việc vua Chiêm Thành cắt đất hiến tặng.

Sau cuộc chiến tranh với quân Mông Nguyên, Đại Việt bị tổn thất nặng nề, còn Chiêm Thành không thiệt hại nhiều vì đã có Đại Việt dẹp tan quân Mông Nguyên. Lại thêm vua Chế Mân sau khi lên ngôi đã tập trung phát triển quân sự rất nhiều, tiềm lực quân sự của họ càng ngày càng mạnh, trong khi nước ta đang yếu đi sau một cuộc chiến cam go. Đây thật sự là mối đe dọa cho Đại Việt, vì từ thời nhà Lý, Chiêm Thành cứ đem quân sang đánh nước ta đến nỗi các đời vua Lý đều phải thân chinh đánh giặc. 

Chúng ta không thể động binh, bởi sẽ gây ra tình trạng “chạy đua vũ trang” với các quốc gia láng giềng, nhất là Chiêm Thành. Giữa tình thế nước sôi lửa bỏng ấy, Ngài Trần Nhân Tông bằng trí tuệ của một thiền sư đã đích thân sang Chiêm Thành tạo mối giao hảo, dùng đức độ tu hành của mình mà cảm hóa Chế Mân, làm Chế Mân yên tâm rằng Đại Việt không bao giờ có ý đánh chiếm Chiêm Thành, và tạo ra tình cảm tốt đẹp để giữ được hòa bình cho đất nước.

Theo Thượng tọa, suy nghĩ của vua Trần Nhân Tông rất giống với suy nghĩ của Đảng và Nhà nước hiện nay: mặc dù có xung đột nhưng chúng ta vẫn ưu tiên giải quyết bằng các biện pháp hòa bình và luật pháp quốc tế trước. 

Thế là Ngài chống gậy đi dần về phương Nam, vượt qua biên giới Đại Việt về đến Đồ Bàn (Bình Định ngày nay). Vua Chế Mân nghe tin có một đoàn nhà Sư đến thăm viếng, đã tiếp đãi Ngài Trần Nhân Tông vừa như một Thái Thượng Hoàng, vừa như một nhà Sư.

Điều kì lạ là Ngài ở lại đó suốt chín tháng. Dò ra thì thấy ý Ngài muốn ở lâu, chưa muốn về, nên vua Chế Mân đã mời các sư Nam tông đang có mặt tại Chiêm Thành đến nói chuyện, đàm đạo với vua Trần Nhân Tông. Mà các sư Nam Tông có thói quen khi đã cảm mến ai sẽ cúng dường cho vị ấy chiếc y cà sa của mình. Đó là lý do mà sau chín tháng, khi trở về phương Bắc vua Trần Nhân Tông đã đắp y Nguyên thủy là vậy. (Cho đến ngày nay trên Trúc Lân Yên Tử chúng ta cũng thờ Ngài với hình tượng quấn y Nam Tông).
 Anh minh họa (Thường Nguyên)
Các sư Nam tông có thể chưa đắc đạo, nhưng Ngài Trần Nhân Tông thì đã đắc đạo, họ nói chuyện vài ba câu là đã lập tức phân định thầy trò, vì người có tâm linh chứng ngộ thì trong vài câu nói đã bộc lộ đức độ cao siêu. Trong suốt chín tháng họ cũng đàm đạo về thiền, nhưng các sư Nam Tông chỉ nói trên lý thuyết, còn Ngài nói trên tâm chứng thực tế, làm các Sư vô cùng cảm phục. 

Mà theo nguyên tắc của chính trị, tất cả các cuộc nói chuyện đều được các Sư báo cáo lại cho vua Chế Mân. Và dĩ nhiên, các Sư chỉ nói về đạo lý, về tâm chứng, về sự chứng ngộ của vua Trần Nhân Tông mà họ hiểu được. Nghĩa là trong suốt chín tháng trời, vua Trần Nhân Tông đã gián tiếp thuyết Pháp cho vua Chế Mân qua trung gian của các nhà Sư Nam Tông Phật giáo Nguyên thủy. Có thể thấy, đạo lý xuất phát từ tâm chứng thật sự, nên có sức thuyết phục rất cao. 

Từ đó, sự cảm phục của vua Chế Mân với Ngài Trần Nhân Tông cứ ngày một lớn dần. Cho đến khi lòng kính ngưỡng đã lên đến đỉnh điểm, ông muốn có điều gì đó cúng dường cho Ngài. Đây là lý do mà Đại Việt có được Châu Ô và Châu Lý của Chiêm Thành (kéo dài từ Quảng Trị đến Quảng Nam). 

Theo Thượng tọa, đây không phải là một hành vi chính trị, mà là sự cúng dường từ lòng kính phục của một vị vua dành cho một nhà sư, là sự cúng dường thanh tịnh thuần túy cho cá nhân vua Trần Nhân Tông, không phải là hành vi cấp đất cho Đại Việt. (Phải hiểu rằng: bao nhiêu năm Chiêm Thành lăm le đánh nước ta, thì không bao giờ có chuyện họ cắt đất cho một nước khác). 

Chế Mân vì cảm nhận sự chứng ngộ cao siêu của một Thánh sư sau khi làm tròn trách nhiệm của một vị vua đối với đất nước, đã từ bỏ ngai vàng mà tìm đạo, nên lòng kính phục của ông lên đến đỉnh điểm, và cắt đất cúng dường cho vua Trần Nhân Tông. Nhưng Ngài Trần Nhân Tông với tinh thần vô ngã đã không lấy đó làm thủ phủ Phật giáo của riêng Ngài, mà đã tặng lại, sát nhập hai châu này về cho Đại Việt.

Là người cực kì trí tuệ, vua Trần Nhân Tông cũng biết rằng sau này vua Chế Mân qua đời, cả triều đình và thần dân Chiêm Thành sẽ phản đối quyết định cắt đất cúng dường của Chế Mân, xem đó như hành vi phản quốc. Vì vậy, để bảo vệ uy tín của vua Chế Mân, Ngài Trần Nhân Tông phải tặng điều gì rất quý, rất xứng đáng lại cho Chiêm Thành. Đây chính là lý do tại sao đời nhà Trần, Huyền Trân công chúa được gả cho vua Chiêm Thành là Chế Mân. Có thể nói, Ngài Trần Nhân Tông đã giải được bài toán hóc búa này một cách cực kì xuất sắc, xưa nay hiếm ai làm được. 

Đến khi hai bên đã giao hảo, đất nước được hòa bình thêm một thời gian nữa, Chiêm Thành không cần chạy đua vũ trang với Đại Việt, lúc đó Ngài mới trở về, trên mình đắp chiếc y nguyên thủy. 

Sau đó, vua Trần Anh Tông cho quân xuống trấn giữ Châu Ô và Châu Lý. Tại những vùng này người Đại Việt bắt đầu ở lẫn với người Chiêm Thành, và giọng nói Đại Việt và Chiêm Thành pha lẫn nhau, kết quả là giọng Quảng Trị như ngày nay. Vào thời đó, nếu người Chiêm Thành rút hết thì từ Quảng Trị đến Quảng Nam hôm nay chỉ nói giọng Hà Nội mà thôi. Đó là cái dấu ấn của lịch sử ta không thay đổi được, và đây là một điều lạ trong cuộc đời vua Trần Nhân Tông.


Sau khi trở về, Ngài lên Yên Tử lập ra phái mới, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Và mãi 5 năm sau Huyền Trân công chúa mới được gả cho vua Chế Mân. Nhưng tiếc rằng vua mất không lâu sau đó, mà theo tục lệ Chiêm Thành thì hoàng hậu phải chết thiêu theo vua. Nhưng không để điều đó xảy ra, Đại Việt đã chỉ đạo tráo người lên giàn hỏa thiêu, cứu công chúa về. Qua năm sau nữa (vào tháng 03 năm 1308) thì vua Trần Nhân Tông qua đời tại am Ngọa Vân, núi Yên Tử, Đông Triều, Quảng Ninh.

Rồi theo thời gian, qua ba năm khi mọi chuyện đã yên ấm, công chúa mới ra mặt. Khi đó, bản thân còn rất trẻ, nhưng trên danh nghĩa thì đã chết rồi, cho nên Huyền Trân công chúa như con người không còn tồn tại, không còn danh tính. Cuối cùng Bà đi tu. 

Dịp này, Thượng tọa đặt câu hỏi: tại sao chúng ta đánh thắng quân Nguyên Mông hùng mạnh, trong khi giặc Nguyên Mông cày hết thế giới này mà đất nước vua Trần Nhân Tông bé bằng bàn tay? Lý do là gì thì xưa giờ ta cũng lý luận, các nhà sử học, quân sự học cũng đã nghiên cứu rất nhiều, nhưng chỉ có Trương Hán Siêu đưa ra một lý do khác: 

 “Anh minh hai vị Thánh quân
Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh
Giặc tan muôn thủa thanh bình
Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao.”

 
Ta thắng giặc không phải vì đất hiểm hay là quân đội giỏi, mà vì đức độ của các vị vua lớn quá. Một vị vua đức độ không thể làm vua của một đất nước bại trận được. Một vị vua mà gần như vị Thánh thì phải được trời đất trên cao bảo vệ. Đó là cái nhìn rất trí tuệ của Trương Hán Siêu.

Thượng tọa còn nhấn mạnh rằng các vị vua nhà Trần có điểm đặc biệt là ngộ đạo, vì vậy các vị ở trên cõi Thánh không đầu thai, vẫn tiếp tục có trách nhiệm với đất nước này. Nơi nào còn con dân Đại Việt, nơi nào còn thờ các vị thì các vị còn yêu thương, bảo vệ, che chở. Sự thờ cúng các vị lan đến đâu thì sự yêu thương, thần lực, sự bảo vệ của các Ngài lan đến đó. 

Và trên tinh thần đó, HT. Thích Viên Giác lập Hương Vân thiền thất như là một nơi để ngưỡng vọng thờ kính Ngài Hương Vân Đại Đầu Đà Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông – một Thánh sư của dân tộc ta. Đó là thâm ý sâu xa của Hòa Thượng. 

Đồng thời, hễ là người đệ tử Phật là phải tu thiền, vì Đức Phật luôn ngồi thiền suốt cuộc đời Ngài. Cũng vậy, hễ là con dân Đại Việt cũng phải tu thiền, bởi dòng phái Trúc Lâm của Ngài Trần Nhân Tông cũng tu thiền. 

Với 90 phút trôi qua không phí uổng, ai nấy đều cảm thấy ấm lòng khi nghe Thượng tọa giảng. Hạnh phúc thay, những bí mật của lịch sử, hôm nay giữa bầu trời Hương Vân Thiền thất đã được Thượng tọa tái hiện, phân tích lại rất sâu sắc, thú vị, khiến mọi người thêm cảm phục tôn kính vua Trần Nhân Tông, thêm cảm xúc đối với giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc mình. 

Riêng HT.Thích Viên Giác - Viện chủ Thiền thất Hương Vân, sau khi nghe bài Pháp thoại, Người rất xúc động. Hòa thượng bày tỏ sự ngưỡng mộ sâu sắc trước trí tuệ, đạo đức của TT.Thích Chân Quang. 

Trước hội chúng, HT.Thích Viên Giác chia sẻ: mặc dù Người được học hành chính quy về sử học và bản thân cũng có nghiên cứu, nhưng Hòa thượng biết rằng mình chưa bao giờ hiểu hết sử. bởi lịch sử luôn có những điều khuất giấu. Trong lịch sử về cuộc đời Đức Phật hay cuộc đời vua Trần Nhân Tông đều như vậy. Nếu chỉ căn cứ trên sự kiện, các nguồn sử liệu, thì chúng ta không bao giờ biết được sự thật, vì sử liệu để lại thường rất ít và ít nhiều đã bị mất chuẩn.

Có những sử liệu chuẩn, có những sử liệu không chuẩn. Cho nên, người nhận ra được những góc khuất đó để nối kết lại cái dòng lịch sử cho thông suốt, đó phải là người có tầm nhìn sâu rộng, phải thông suốt về tâm lí học, đạo học. Vậy mới hiểu rõ tâm lí của người tu hay sự vận động của xã hội. Đặc biệt phải có tâm linh. Bởi vì những góc khuất nó ẩn rất sâu, phải có đồng cảm về mặt tâm linh thì chúng ta mới có thể nhận ra được sự vận động gọi là logic của nó. Đây cũng là người rất có công đức vì đã làm sáng tỏ những gì ẩn khuất, dựng đứng lại những gì đã ngã xuống. 

Như hôm nay, qua bài Pháp thoại này, TT.Thích Chân Quang đã khiến chúng ta bất ngờ, nghiêng người nể phục, khi làm sáng tỏ vấn đề lịch sử thời Trần Nhân Tông bằng câu chuyện rất dung dị, với lối phân tích chặt chẽ, logic, trong đó liên hệ đến những tình tiết phù hợp, thậm chí đặt câu hỏi, gây bất ngờ cho người nghe bằng câu trả lời ít ai nghĩ đến, và dẫn dắt bằng cái nhìn tâm linh, nên có tính thuyết phục cao. Trong câu chuyện, những tình tiết ẩn khuất mà Người phân tích giống như ánh đèn trong đêm tối, làm sáng tỏ biết bao điều trong ta, giúp ta không chỉ hiểu rõ về lịch sử mà còn hiểu thêm về cuộc đời, đức hi sinh cao cả của các Bậc tiền nhân. Từ đó, chúng ta tăng thêm sự hiếu kính với các Ngài.

Tóm lại, đây là bài Pháp thực sự sâu sắc, cách truyền đạt của Thượng tọa đã tạo được hứng thú cho người nghe. Qua bài giảng này, chúng ta càng thêm có niềm tin vững chắc vào đạo lý mình đang tiếp nối từ cha ông, đặc biệt là từ vua Trần Nhân Tông. Chúng ta cũng thêm niềm kính ngưỡng với một bậc minh quân lỗi lạc hiếm có, mà cũng là một thiền sư trí tuệ xuất chúng, để lại ơn nghĩa muôn đời cho hậu thế, cho hôm nay chúng ta nhớ tưởng về Người với niềm thương kính sâu xa vô bờ. 


Tuệ Đăng