Trống đồng Cảnh Thịnh – Văn hoá Tây Sơn.
Trống đồng Cảnh Thịnh – Văn hoá Tây Sơn.
Thời đại Tây Sơn tuy ngắn ngủi chỉ hơn 10 năm (1789-1802), nhưng đã để lại một nền mỹ thuật có những dấu ấn riêng. Nền mỹ thuật này phá bỏ những chuẩn mực cũ, đưa những nguyên mẫu đời thường vào nghệ thuật nhiều hơn.
Không giống với những trống đồng khác, trống Cảnh Thịnh được đúc mô phỏng theo kiểu trống da. Di vật quý hiếm của triều đại Quang Trung hiển hách nhưng ngắn ngủi còn mang những tư liệu đặc biệt trên thân mình. Nếu trống đồng truyền thống có những phình, thắt chia trống thành nhiều phần thì trống đồng Cảnh Thịnh lại hoàn toàn khác biệt. Thân trống nở nhẹ ở giữa, trông hệt một chiếc trống da thường thấy. Mặt trống cũng không có hình mặt trời như trống đồng truyền thống. Thay vào đó, chính giữa mặt trống cong vồng lên là hai vòng tròn nổi.
Thân và chân trống liền nhau trang trí nhiều loại hoa văn. Hoa văn trên thân trống chia thành 3 đoạn. Đoạn thứ nhất gồm các hoa văn nhũ đinh, hoa bốn cánh, kỳ lân, hoa, rồng phượng, mây như ý hình tim. Ngoài ra còn có những chữ Hán nêu ngày, địa điểm đúc trống đồng. Đó là nhóm chữ: “Đồng cổ tân chú dẫn thuyết”, “Đông Ngàn huyện Phù Ninh xã Đại Tự”, “Cảnh Thịnh bát niên nhuận tứ nguyệt cát nhật tân chú”.
Đoạn thứ hai cũng trang trí hồi văn, ở giữa khắc chữ Hán. Đoạn thứ ba có bốn nhóm minh văn, bốn nhóm hoa văn, hai nhóm trang trí kỳ lân, rùa. Trống đúc bằng phương pháp khuôn sáp. Trên trống có đôi quai tròn nay đã đứt một chiếc.
Một giá trị đặc biệt khác của trống chính là phần tư liệu - một bài minh dài 272 chữ được khắc trên thân trống. Bài văn này được viết bằng chữ Hán với nội dung nói về bà Nguyễn Thị Lộc, người góp công lập chùa Linh Ứng (Gia Lâm, Hà Nội). Ngôi chùa có tên cũ là chùa Nành này cũng chính là nơi lưu giữ trống trước khi nó được chuyển tới Bảo tàng Lịch sử.
Bài văn khắc rất rõ thân thế của bà Nguyễn Thị Lộc. Bà là vợ của Tổng thái giám Giao quận công thuộc năm Vĩnh Hựu thứ 2 triều Lê (1736). Đời vua Lê Ý Tông, bà đã góp công lập chùa Linh Ứng, cùng với nhiều công đức thờ cúng, tu bổ chùa khác.
Trống Cảnh Thịnh phản ánh sự sáng tạo trong nghệ thuật trang trí, kỹ thuật đúc trống cũng như nghề đúc đồng cổ truyền của dân tộc. Trống góp phần làm phong phú thêm bộ sưu tập trống đồng cổ và là nguồn sử liệu có giá trị về lịch sử đương thời. Trống Cảnh Thịnh còn được các nhà khoa học đánh giá là tiêu biểu nhất cho hiện tượng “trống da hóa” trống đồng, cũng như đưa cả một “sơ yếu lý lịch”, một câu chuyện cuộc sống lên trống. Ở chiếc trống đồng đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia này vẫn mãi tỏa sáng một tinh thần, một vẻ đẹp của thời đại Tây Sơn nói chung và của nước Việt Nam nói riêng.