Sự dung hợp tam giáo: Nền tảng tư tưởng của thần đạo Nhật Bản


Ba tôn giáo lớn của khu vực Phật - Nho - Đạo cùng tồn tại, chi phối đời sống của con người nơi đây

TÓM TẮT:
Bài viết đề cập đến một trong các đặc trưng tôn giáo quan trọng và phổ biến nhất của vùng Đông Á, đó là sự dung hợp tam giáo (Phật-Nho-Đạo). Qua phân tích, bài viết chỉ ra những phương diện của văn hoá Nhật Bản và của Thần đạo, chịu ảnh hưởng bởi tam giáo như về tư tưởng, giáo lý, nghi lễ, phong tục dân gian… Từng tôn giáo trong tam giáo có vai trò nhất định trong xã hội Nhật Bản và đều góp phần hoàn thiện Thần đạo để được như hiện nay.
Sự dung hợp tam giáo tại Nhật Bản cũng đồng thời là ví dụ cho hiện tượng này của vùng Đông Á nói chung. Điều này có liên hệ đến đặc điểm của văn hoá gốc nông nghiệp tại Nhật Bản cũng như những quốc gia khác cùng chịu ảnh hưởng của loại hình văn hoá này.
TỪ KHOÁ: Thần đạo, Nhật Bản, Tam giáo, Sự dung hợp.
SUMMARY:
FUSION OF THE THREE RELIGIONS:
IDEOLOGICAL FOUNDATION OF JAPANESE SHINTO
This paper mentions one of the most important and popular religious features of East Asia – the fusion of the three religions (Buddhism, Confucianism, and Taoism). Having analyzed this feature in Japan, the paper pointed out some aspects in Japanese culture and Shinto that have effected by the three religions, such as ideology, religious tenet, rituals, and folk customs… Each of the three religions has certain roles in Japanese social and has contributed to improve Japanese Shinto as it today.
The fusion of the three religions in Japan is also an example for this religious phenomena in East Asia area. This is related to the original culture of rice farming of Japan as well as other nations under the influence of that culture.
KEYWORDS: Shinto, Japanese, The Three religions, The fusion.
 

 

 

1. ĐẶT VẦN ĐỀ
Tôn giáo là sản phẩm do con người tạo ra, là một dạng văn hoá tinh thần. Việc nghiên cứu tôn giáo cho phép ta tiếp cận với các nền văn hoá. Tại khu vực châu Á với tính đa dạng văn hoá thì các vấn đề tôn giáo ở đây lại càng phức tạp. Đáng chú ý có vùng Đông Á là nơi phổ biến hiện tượng tam giáo. Ba tôn giáo lớn của khu vực Phật - Nho - Đạo cùng tồn tại, chi phối đời sống của con người nơi đây. Trong các quốc gia của vùng Đông Á có Nhật Bản là nước vừa có tôn giáo bản địa là Thần đạo, vừa có hiện tượng dung hợp tam giáo. Qua sự phát triển của Thần đạo có thể thấy được tư tưởng dung hợp tam giáo, một biểu hiện tôn giáo đặc trưng của vùng Đông Á. Đồng thời việc tìm hiểu về tư tưởng dung hợp tam giáo của Thần đạo tại Nhật Bản cũng cho thấy sự kết hợp các yếu tố văn hoá chung của khu vực tại một quốc gia cụ thể.
2. BIỂU HIỆN CỦA SỰ DUNG HỢP TAM GIÁO TRONG THẦN ĐẠO
Thần đạo Nhật Bản được hình thành trên cơ sở niềm tin về sự tồn tại của linh hồn trong các sự vật, hiện tượng của thế giới xung quanh, bản thân Thần đạo ngay buổi đầu cũng đã là sự tổng hợp của những tín ngưỡng dân gian rời rạc. Cho đến khi các tôn giáo từ đại lục du nhập vào Nhật Bản, Thần đạo mới chính thức có tên gọi với mục đích phân biệt với các tôn giáo mới vào. Vào lúc ấy, so với Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo thì Thần đạo vẫn là tôn giáo còn khá lỏng lẻo về cả nội dung lẫn hình thức. Nhờ các yếu tố tiếp thu được từ tam giáo mà Thần đạo dần được hoàn thiện. Đến nay thì tam giáo vẫn tồn tại bên cạnh Thần đạo. Trong đó thì sự phát triển và ảnh hưởng của Phật giáo có thể xem như rõ nét nhất trong tam giáo ở xã hội Nhật Bản.
Từ khi Phật giáo đến Nhật Bản thông qua con đường bán đảo Triều Tiên vào khoảng thế kỷ VI thì lịch sử Phật giáo ở Nhật Bản có nhiều biến đổi khác nhau. Trong đó có những thời kỳ phát triển cực thịnh, được giới cầm quyền công nhận như phương thức ổn định trật tự xã hội, chẳng hạn như dưới thời thời Thiên hoàng Suiko, Thái tử Shotoku (聖徳太子 Thánh Đức Thái tử) đã cho ban hành bộ Hiến pháp 17 điều. Từ đó về sau, Nhật Bản không chỉ tiếp thu Phật giáo qua Triều Tiên mà còn chủ động gửi người sang Trung Quốc học tập. Đánh dấu sự phát triển của Phật giáo tại Nhật Bản thì từ thời kỳ Mạc phủ trở đi, Phật giáo tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực chính trị, có những bước phát triển phức tạp, kết hợp với cả Nho giáo. Đáng chú ý là việc các đại sư bắt đầu biên soạn những tác phẩm thể hiện tư tưởng của mình bằng tiếng Nhật, có ý thức “dân tộc hoá giáo lý Phật giáo” và ngày càng trở thành “Phật giáo Nhật Bản” thể hiện tư tưởng của con người Nhật Bản ( ).
Phật giáo sau một thời gian du nhập vào xã hội Nhật Bản đã tạo được chỗ đứng vững chắc chủ yếu bởi nguyên nhân: đáp ứng được nhu cầu của xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ, thông qua các hình thức chữa bệnh, cầu nguyện…; được giai cấp thống trị hỗ trợ. Sự liên kết giữa Thần đạo và Phật giáo phản ánh rõ tính dung hợp của tôn giáo bản địa của Nhật Bản. Phật giáo đã bổ sung những hệ thống giá trị lý luận còn “lỏng lẻo” của Thần đạo. Bấy giờ các kinh điển và tư tưởng Phật giáo đã có ảnh hưởng đến văn hoá, chính trị của giới quý tộc Nhật Bản.Cùng với việc chữ viết đến Nhật Bản thông qua con đường kinh sách, giáo lý thì các thuật ngữ, tư tưởng Phật giáo cũng ảnh hưởng vào đời sống người Nhật. Chẳng hạn quan niệm về sự thuần khiết của Thần đạo được củng cố bởi quan niệm thanh tịnh của Phật giáo và phát triển trở thành tinh thần đề cao tính chính trực trong xã hội Nhật Bản. Phật giáo với những nội dung đề cập đến sự giải thoát sau khi chết cũng được xem là một sự bù đắp cho thiếu hụt to lớn trong Thần đạo… Không chỉ là về mặt lý luận trừu tượng mà Phật giáo còn tác động đến Thần đạo ở những phương diện cụ thể như các kiến trúc Thần xã (Jinja 神社).

Bởi vào thời kỳ cổ đại, Thần đạo chưa có nơi thờ cúng cố định, người Nhật thường lập bàn thờ làm lễ xong thì lại dọn dẹp ngay vì cho rằng thần linh không trú ngụ tại một nơi nhất định nào cả. Nhưng do ảnh hưởng từ Phật giáo mà những đền thờ Thần dần xuất hiện và hoàn thiện như hiện nay. Vào thời kỳ Nara thì những kiến trúc Thần đạo này chịu ảnh hưởng bởi Trung Hoa như Thần xã Kasuga ở Nara. Từ đó, qua thời gian, Thần đạo đã tìm được cách tạo nên hình ảnh riêng cho mình như hiện nay.

Như vậy, Thần đạo nhận được bổ sung không những về nội dung mà cả hình thức từ Phật giáo. Trên tinh thần dân tộc nói chung thì Phật giáo với quan niệm mang tính ưu tư, trầm mặc có vai trò to lớn trong việc hạn chế sự bộc phát của văn hoá Nhật Bản, một nền văn hoá mang khát vọng vươn lên mãnh liệt, muốn khẳng định mình. Phật giáo không ngừng nhắc nhở con người nhớ rằng mọi “tham, sân, si” đều là nhất thời và hư ảo, cuộc sống đích thực là ở cõi Niết Bàn, đó như một sự tiết chế những tham vọng, hướng con người đến cách sống nhẹ nhàng, điềm đạm hơn. Cùng với Thần đạo, Phật giáo cũng hoà mình vào nếp sống của người Nhật, trở thành một trong những nét đặc sắc văn hoá không thể tách rời, có tác dụng chi phối con người Nhật Bản.

Tiếp theo phải kể đến những ảnh hưởng của Nho giáo đối với Thần đạo Nhật Bản lại càng làm tăng tính hiện thế của nền văn hoá đa dạng này. Nho giáo cũng đến Nhật Bản từ khá sớm và phần lớn vẫn là thông qua bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên vì Nhật Bản tiếp thu Nho giáo chủ yếu với mục đích nhằm hệ thống trật tự xã hội nên ban đầu Nho giáo chỉ phổ biến trong tầng lớp quý tộc là những người có học vấn cao, tham gia vào các công việc trị quốc mà không lan rộng trong dân gian như Phật giáo.
 

 

 

Cũng như Phật giáo, Nho giáo trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau tại Nhật Bản, có lúc được sử dụng trong các quy định, Hiến pháp bởi giới cầm quyền, có lúc chỉ như chuẩn mực cho cách ứng xử, quan niệm đạo đức của con người Nhật. Nhưng nhìn chung, Nho giáo luôn hiện diện trong suốt quá trình lịch sử của Nhật Bản, góp phần hoàn thiện tư tưởng Nhật thông qua tác động đến Thần đạo, đồng thời cũng có những cải biên nhất định cho phù hợp với văn hoá ở đây.
Nhật Bản tiếp nhận các ảnh hưởng của Nho giáo có thể kể đến việc Thiên hoàng, hậu duệ của Nữ thần Mặt trời trong quan niệm Thần đạo sử dụng niên hiệu và cách dùng này còn tiếp diễn cho đến tận ngày nay. Thậm chí, cả cách gọi “thiên tử”, “thiên hạ” trong các văn thư cổ cũng được cho là ảnh hưởng từ Nho giáo. Nhật Bản cũng như hầu hết các quốc gia Đông Á khác xem Nho giáo như công cụ để củng cố vị thế của nhà vua trong xã hội. Và điều này luôn được sử dụng triệt để, cụ thể như giai đoạn Thái tử Shotoku (聖徳太子 Thánh Đức Thái tử) nhiếp chính. Bản Hiến pháp 17 điều do Thái tử ban hành là sự kết hợp tư tưởng của Phật giáo với trật tự của Nho giáo. Bên cạnh những nội dung đề cao Phật giáo thì Hiến pháp này còn chú trọng đến tầm quan trọng của hệ thống phân cấp, một đặc trưng của Nho giáo, cùng những giá trị nhân cách như lòng trung thành, chính trực… Nho giáo còn ảnh hưởng đến cách phân chia thứ bậc các chức quan trong triều đình Nhật Bản. Có thể xem Thái tử Shotoku là người đầu tiên, chính thức hợp pháp hoá hệ thống Thiên hoàng bằng những điều luật cụ thể, và nhờ đó Thiên hoàng được tôn kính như hậu duệ của Nữ thần Mặt trời ở hạ giới. Thiên hoàng vốn đã là người đứng đầu theo quan niệm Thần đạo thì nay lại được bảo vệ, củng cố quyền lực bởi Nho giáo. Thời gian tiếp theo sau đó, Nho giáo cùng với Phật giáo và Thần đạo trở thành trụ cột tư tưởng chính tại Nhật Bản. Một trong vài bằng chứng là trong thời gian từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XII, Daigakuryou (大學寮 Đại học liêu) là trường dạy, nghiên cứu về Nho giáo được xây dựng để giáo dục tư tưởng Nho giáo cho hoàng tộc và quý tộc sẽ tham gia vào công việc trị quốc.
Từ thời kỳ Kamakura trở về sau, Nhật Bản bắt đầu hình thành chế độ một quốc gia, hai chính quyền, trong đó thực quyền thuộc về Shogun (Tướng quân) cùng với tầng lớp võ sĩ. Nhờ thế mà Nho giáo càng được xem trọng bởi hiệu quả trong việc thiết lập trật tự xã hội với tính thứ bậc nghiêm ngặt.
Nhìn chung Phật giáo và Nho giáo cùng tồn tại trên cơ sở duy trì sự ổn định của xã hội Nhật. Nếu Phật giáo có ảnh hưởng đến văn hoá Nhật Bản như một tôn giáo hoàn chỉnh thì Nho giáo được xem trọng như một học thuyết chính trị để ổn định xã hội. Đáng chú ý là sau cuộc nội chiến tranh giành quyền lực kéo dài hơn một thế kỷ (1467-1573) vào cuối thời Mạc phủ Muromachi thì người Nhật lại càng có xu hướng tìm đến một học thuyết có thể phân định rạch ròi ngôi thứ, ràng buộc với các nghĩa vụ để chấm dứt tình trạng loạn lạc.
Trên thực tế thì Nhật Bản đã duy trì tính thứ bậc theo cách riêng thông qua các cấu kết xã hội từ trước khi Nho giáo đến. Về sau, Nho giáo đến Nhật Bản thì một lần nữa người Nhật tiếp thu và cải biến để phù hợp với quan niệm người Nhật, đó là việc đề cao quan hệ cha – con hơn cả quân – thần.Đây là nét khác biệt giữa văn hoá Nhật Bản nếu so với văn hoá Trung Hoa. Có quan niệm này là bởi do người Nhật quan niệm đơn vị cơ bản của xã hội là gia đinh. Sự ổn định của quốc gia trước hết cần phải tạo dựng ở đơn vị cấu tạo cơ bản nhất, đó là gia đình. Hình tượng Thiên hoàng cũng được xem như người đứng đầu “gia đình” to lớn là đất nước. Đến lượt mình, các Shogun (Tướng quân) cũng xây dựng mô hình kiểu gia đình cùng với các gia thần, tuỳ tùng. Có những trường hợp mối quan hệ này còn bền chặt hơn cả quan hệ huyết thống và kéo dài qua nhiều thế hệ như gia đình thực sự. Các Shogun tin tưởng các gia thần, ngược lại các gia thần này cũng tuyệt đối tin tưởng và trung thành với các quyết định của Shogun, họ xem mong muốn của Shogun cũng là nhiệm vụ của mình.

Có thể thấy đây không chỉ là mối quan hệ theo kiểu trung thành đơn thuần mà còn gắn với sự biết ơn, và dưới tác động của Nho giáo, tinh thần này được phát triển cao độ và được xây dựng thành bộ luật Bushidou (武士道 Võ Sĩ đạo) nổi tiếng. Đây là bộ luật do Yamaga Sokou (山鹿素行 Sơn Lộc Tố Hành) phát triển trên cơ sở kết hợp tinh thần Thần đạo và quy tắc của Nho giáo. Về mặt đạo đức thì sự đề cao tính thuần khiết của Thần đạo, dưới ảnh hưởng của Nho giáo trở thành yêu cầu về tính chính trực, thật thà, và đây chính là phẩm chất quan trọng nhất của con người. Việc Thần đạo và Nho giáo kết hợp với nhau tiêu biểu còn thể hiện qua việc biên soạn Hoà Luận ngữ (和論語), được cho là ghi lại lời dạy của các vị thần, có ảnh hưởng đến đời sống đạo đức và lối sống của người dân. Không chỉ vậy, khi tư tưởng muốn khôi phục lại vị thế của Thần đạo, thoát khỏi sự ảnh hưởng của Phật giáo thì việc kết hợp với Nho giáo có tác dụng tích cực khi những nhà Thần đạo học cũng là những người nghiên cứu sâu sắc Nho giáo, điều này giúp củng cố các lý luận của Thần đạo chặt chẽ hơn, dẫn đến sự ra đời của Fukko Shinto  (復古神道 Phục cổ Thần đạo) như thành quả nổi bật của phong trào Kokugaku (国學 Quốc học) trong thời Mạc phủ Tokugawa.

Trong tam giáo thì Đạo giáo cũng có vai trò quan trọng trong sự phát triển của Thần đạo thông qua việc kết hợp với cả Phật giáo và các yếu tố bản địa sẵn có. Đạo giáo đã du nhập vào Nhật Bản bằng nhiều hình thức khác nhau, cùng thời gian với Phật giáo. Đạo giáo vốn là sự tổng hợp của nhiều nội dung, không chỉ là tư tưởng của Lão Tử và Trang Tử mà đó còn là một phần kiến thức cổ điển của Trung Hoa như tiên tri, giải mộng, các học thuyết âm dương, ngũ hành, bói toán, cách tính lịch nông nghiệp (lịch âm), thiên văn, chiêm tinh, phong thuỷ… Và Nhật Bản tiếp nhận Đạo giáo như một dạng văn hoá Trung Hoa hơn là một tôn giáo.
Không giống như ở Triều Tiên, tại Nhật Bản, Đạo giáo hầu như không có bất kỳ quy định nghiêm ngặt nào phải tuân theo, không có nơi hành lễ, không có kinh điển. Đạo giáo ở đây chủ yếu là các lối thực hành nên thường được kết hợp với các hình mẫu lý thuyết của Phật giáo, tạo thành các phong tục, nghi lễ trong dân gian như tục Koshin (庚申 Canh Thân). Tục này vẫn còn được truyền lại cho đến ngày nay, được hình thành trên cơ sở niềm tin của Đạo giáo và lối thực hành của Phật giáo. Tục Koshin diễn ra vào ngày thứ năm mươi bảy trong chu kỳ sáu mươi ngày. Tục này tin rằng vào ngày đó thì ba sinh vật mang lại bất hạnh (có thể xem như những con bọ) trong con người sẽ báo lại với các thần linh những sai phạm, tội lỗi mà con người đã gây ra, sau đó nhận lệnh từ các thần và quay trở lại rút ngắn tuổi thọ của con người bằng cách gây ra bệnh tật và đau khổ cho họ.Để tránh những sinh vật này gây hại thì con người sẽ thức suốt đêm trong tục Koshin, thực hiện các nghi lễ trừ tà. Tục này được cho là xuất phát từ văn hoá Trung Hoa vào thế kỷ IV, và ở Nhật Bản tục này có từ thời kỳ Heian và kết hợp với những hình thức cúng lễ của Phật giáo từ thời Kamakura. Đến thời Muromachi còn có ghi chép về tục này là Koshin Engi (庚申縁起 Canh Thân duyên khởi), thậm chí còn chỉ ra mối liên hệ giữa tục Koshin với Sarutahiko (猿田彥 Viên Điền Ngạn), một kami của Thần đạo, có khả năng bảo vệ con người… Tục Koshin là ví dụ rõ nhất cho sự hiện diện của Đạo giáo tại Nhật Bản.
Đạo giáo tồn tại ở Nhật Bản trên cơ sở kết hợp với Phật giáo, thông qua những hình thức chữa bệnh. Chính vì Phật giáo lan truyền trong dân gian như một tôn giáo của lòng từ bi hỉ xả mà các phương thuật chữa bệnh của Đạo giáo cũng nhanh chóng được đa số người dân tiếp nhận, bởi thời kỳ Phật giáo mới du nhập vào Nhật Bản thì người dân “không tha thiết tìm hiểu kinh Phật mà chỉ nhờ cầu nguyện để mong kéo dài tuổi thọ, trừ tai ách, chữa bệnh, cầu mưa, giữ nước” ( ). Chính vì vậy mà Đạo giáo với tính chất gần gũi, phổ biến trong quần chúng nhanh chóng được phát triển.
Ảnh hưởng của Đạo giáo tại Nhật Bản thường được nói đến qua các phong tục dân gian, và thậm chí là cả những điều được xem như “mê tín” chẳng hạn như bói toán, bùa chú… và theo Livia Kohn, tác giả của nhiều cuốn sách về Đạo giáo như Daoism and Chinese Culture, Daoism Handbook… trong bài viết Taoism in Japan: Position and Evaluations thì nói tóm lại Nhật Bản chủ yếu tiếp nhận Đạo giáo thông qua ba phương diện. Thứ nhất, một phần tư duy của văn hoá Trung Hoa, cụ thể chính là nguyên lý Âm Dương. Thứ hai, hệ tư tưởng của Lão Tử và Trang Tử, bao gồm cả những quan niệm, truyền thuyết về sự bất tử và những thuật y học hướng đến cuộc sống trường thọ. Thứ ba, chính là những yếu tố thần thoại, hoang đường góp phần tạo nên những tập tục, tín ngưỡng trong dân gian.
Bên cạnh ảnh hưởng vừa nêu, mặt khác Đạo giáo còn ảnh hưởng thực sự đến việc củng cố nguồn gốc thần thánh của Thiên hoàng. Trong văn hoá Nhật Bản thì ban đầu không có sự phân biệt giữa chính trị và các công việc thờ cúng, vì vậy mà Thiên hoàng còn được xem như người đại diện, thực hiện các công việc tế lễ cao cấp của Thần đạo. Dưới một góc độ khác, chính sự nối tiếp của các thế hệ Thiên hoàng là sự đại diện cho vị thần bất tử, điều này được cho là “lấy cảm hứng” từ Đạo giáo.Theo nhà nghiên cứu Phạm Hồng Thái trong công trình Tư tưởng Thần đạo và xã hội Nhật Bản cận – hiện đại thì tên hiệu Thiên hoàng cũng có nguồn gốc từ Đạo giáo, “đã được người Nhật vay mượn để thể hiện tư tưởng đề cao tuyệt đối người thống trị đất nước của mình” ( ). Rõ ràng cách gọi Thiên hoàng về sau mới có, bởi trước đó, vào năm 607, Thái tử Shotoku (聖徳太子 Thánh Đức Thái tử) đã dùng từ “Thiên tử” chứ không dùng từ “Thiên hoàng” trong một bức quốc thư do sứ thần Nhật Bản đem sang trình vua nhà Tuỳ: “Thiên tử nước mặt trời mọc gửi cho Thiên tử nước mặt trời lặn” ( ).
Các vật biểu trưng của Thần đạo, đại diện cho sức mạnh quyền lực mà Nữ thần Mặt trời trao cho cháu trai mình là thanh kiếm, chiếc gương và viên ngọc thì trong đó chiếc gương được xem như ảnh hưởng của Đạo giáo. Theo Jean Chevalier và Alain Gheerbrant trong Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới thì do tính chất phản chiếu của gương mà trong Đạo giáo, đây được xem như vật có khả năng phát hiện, xua đuổi, bảo vệ con người khỏi các thế lực xấu.Kết hợp với quan niệm trong văn hoá Trung Hoa cho rằng gương là đại diện cho nữ tinh, sự hài hoà mà khi vào đến Nhật Bản, trở thành một trong ba vật báu của Thần đạo, chiếc gương còn có vai trò vô cùng quan trọng ( ). Đó chính là vật đại diện cho Nữ thần Amaterasu, và ở mức độ cao hơn, đó là biểu tượng cho sự trong sáng của tâm hồn, tự ý thức chính mình qua việc luôn soi rọi lại hành động của bản thân và còn là sự rực sáng về trí tuệ.

Điều này theo một số lý giải cho rằng có thể liên quan đến sự tích các vị thần dùng chiếc gương để “dụ” Nữ thần Mặt trời ra khỏi hang khi Người tự giam mình. Trong các biên niên sử ký của Nhật Bản được sáng tạo ra vào khoảng thế kỷ VII thì các yếu tố Đạo giáo, nhất là Đạo giáo thời nhà Hán tỏ ra rất hữu ích cho việc hợp pháp hoá vương quyền, qua các nội dung về trường sinh, bất tử, cõi vĩnh hằng được đề cập trong các di thư như trong Kojiki (古事記 Cổ sự ký) và Nihonshoki (日本書紀 Nhật Bản thư kỷ). Nhưng những nội dung này du nhập vào Nhật Bản không phải dưới dạng tôn giáo hoàn chỉnh mà bằng các điển tích.

3. KẾT LUẬN
Có thể thể thấy tam giáo đã có những tác động to lớn đến văn hoá Nhật Bản nói chung và Thần đạo nói riêng. Từ những vấn đề về giáo lý, lễ nghi, tư tưởng, kiến trúc… đến những tín ngưỡng, thông tục thờ cúng trong dân gian. Ngay cả chế độ Thiên hoàng cũng được xây dựng bởi những yếu tố thần thoại, huyền ảo của tam giáo.Sự dung hợp tam giáo tại Nhật Bản, một mặt “làm giàu” hơn cho Thần đạo, mặt khác lại dựa vào tôn giáo bản địa này mà duy trì ảnh hưởng của mình. Điều này phản ánh đặc trưng văn hoá chung của vùng Đông Á, có liên quan đến nguồn gốc nông nghiệp lúa nước, mà trường hợp Thần đạo Nhật Bản là minh chứng.
PGS.TS.Nguyễn Công Lý
CN.Nguyễn Xuân Quỳnh
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 6 năm 2014

---------------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Thuý Anh, 2011, Ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống tinh thần ở xã hội Nhật Bản, NXB Chính trị Quốc gia, HN.
2. Jean Chevalier và Alain Gheerbrant, 2002, Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Phạm Vĩnh Cư dịch (chủ biên), NXB Đà Nẵng, Trường Viết văn Nguyễn Du.
3. R. H. P. Mason và J. G. Caiger, 2008, Lịch sử Nhật Bản, Nguyễn Văn Sỹ dịch, NXB Lao động, HN.
4. Phạm Hồng Thái, 2008, Tư tưởng Thần đạo và xã hội Nhật Bản cận – hiện đại, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam – Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, NXB Khoa học Xã hội, HN.
5. Livia Kohn (1995), “Taoism in Japan: Positions and Evaluations”, Cashiers d’Extreme-Asie, Vol. 8, 389 – 412.
6. 西尾幹二, 1999, 国民の歴史, 産経新聞ニュースサービス(Kanji Nishio 1999, Lịch sử quốc dân, NXB Sankei shinbun nyusu sabisu).