Những điều đơn giản


Dưới đây là những bài pháp ngắn của ngài Ajahn Chah, được trích từ quyển In Simple Terms. Tuy ngắn, nhưng mỗi bài pháp của ngài là một bài học đáng cho ta suy gẫm. Mong là bạn cũng được nhiều lợi ích khi đọc chúng cũng như bản thân chúng tôi.

a phathoc.jpg
Cái bắt đầu là cái kết thúc; cái kết thúc là cái khởi đầu - Ảnh minh họa

Mồ côi

Tâm chúng ta, khi không được chăm sóc, quan tâm, thì giống như đứa trẻ không có cha mẹ chăm lo - một đứa trẻ mồ côi, một đứa trẻ không ai chăm sóc. Đứa trẻ không có người chăm lo phải khổ đau. Tâm ta cũng thế. Nếu nó không được rèn luyện, nếu quan điểm của nó không được chỉnh sửa thành chánh kiến, nó cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Làm toán

Pháp giống như toán. Có nhân, chia, cộng và trừ. Nếu ta có thể suy nghĩ theo cách đó, là ta thông minh. Ta biết thời điểm, nơi chốn cho mọi thứ. Ta làm toán trừ khi cần trừ, nhân khi cần nhân, chia khi cần chia và cộng khi cần cộng. Nếu lúc nào ta cũng nhân, thì ta sẽ chết vì gánh nặng. Nói cách khác là ta không biết đủ. Không biết đủ có nghĩa là ta không biết già.

Ai biết mình già là biết đủ. Khi biết đủ, những lời như, “OK, quá đủ rồi”, sẽ bật ra. Khi không biết đủ, thì tiếng OK không thể bật ra, vì ta vẫn còn muốn thêm. Ta không bao giờ biết buông thứ gì, không biết đặt thứ gì xuống. Ta luôn lấy thêm. Nếu ta có thể nói OK, thì ta nhẹ nhàng. Vậy là đủ rồi.

Cái gai

Các pháp đơn giản như chúng là. Chúng không làm ta đau khổ. Giống như cái gai. Cái gai nhọn có làm ta khổ không? Không. Nó chỉ là cái gai. Nó không khiến ai đau khổ. Nhưng nếu ta dẫm phải nó, ta khổ liền.

Tại sao ta khổ? Vì ta dẫm lên gai nhọn. Thế thì khổ là do ta mà ra.

Muối mà không mặn

Có lần một vị Tăng sĩ tự xưng là thiền giả đến thiền viện và xin ở lại với tôi. Ông ta hỏi về cách chúng tôi thực hành và tôi nói, “Nếu ông muốn sống ở đây, ông không được giữ tiền hay cất chứa đồ đạc. Chúng tôi tuân giữ Luật tạng”.

Vị ấy nói rằng mình thực hành hạnh không bám víu. Tôi bảo, “Tôi không hiểu ý ông”. Nên vị ấy hỏi, “Nếu tôi giữ tiền nhưng không bám víu vào chúng, tôi có thể ở lại đây chăng?”.

Nên tôi nói, “Dĩ nhiên rồi. Nếu ông có thể ăn muối mà không thấy vị mặn, thì ông có thể ở lại. Nếu ông chỉ bảo là ông không bám víu để không tuân theo những luật lệ rắc rối này, thì ông khó lòng ở lại đây. Nhưng nếu ông thực sự có thể ăn muối mà không thấy mặn thì tôi tin ông. Ông có thực sự ăn được nửa muỗng muối mà không thấy mặn không? Tâm không bám víu không phải là thứ mà ta có thể nói suông hay đoán chừng. Nếu ông nghĩ như thế, thì ông không thể ở lại đây”.

Thế là vị tu sĩ ấy ra đi.

Nước đổi màu

Tâm ta, lúc bình thường, giống như nước mưa. Nước mưa sạch, trong, bình thường. Nhưng nếu ta bỏ màu xanh hay màu vàng vào nước, thì màu nước biến thành xanh hay vàng.

Tâm ta cũng thế. Khi được điều nó ưa thích, nó hạnh phúc. Khi gặp điều không ưa thích, nó bực bội, khó chịu - giống như nước chuyển màu xanh hay vàng khi ta cho màu xanh hay vàng vào đó. Nó luôn đổi màu.

Bắt đầu cũng là kết thúc

Bạn biết không, khi vừa được sinh ra chúng ta đã chết. Tuổi già và cái chết là một thứ. Giống như cây kia. Có chỗ là rễ, chỗ là ngọn. Khi có gốc thì có ngọn. Khi có ngọn thì có gốc. Không có ngọn thì không có gốc. Không thể có ngọn mà không có gốc. Là điều không tưởng. Đó là cách của cây.

Thế nên thật nực cười. Khi có người chết, ta buồn khổ. Ta ngồi khóc, đau đớn - đủ mọi thứ. Đó là vọng tưởng, bạn biết không. Khi có người ra đi, ta buồn khóc. Đó là cách người ta vẫn luôn làm, không biết từ bao giờ. Chúng ta không dừng lại để quán sát rõ ràng. Thực ra - hãy thứ lỗi khi tôi nói điều này - nếu bạn phải khóc khi người ta chết, thì tốt hơn hãy khóc khi người ta được sinh ra đời. Nhưng chúng ta làm tất cả ngược lại. Khi đứa trẻ được sinh ra, người ta cười nói, rạng ngời hạnh phúc. Nhưng thực ra sinh là tử. Tử là sinh. Cái bắt đầu là cái kết thúc; cái kết thúc là cái khởi đầu.

Tảng băng

Nếu đặt một tảng băng hay khối nước đá ngoài trời nắng, bạn có thể thấy nó tan chảy - giống như khi thân trở nên già nua - từng chút, từng chút một. Sau chỉ vài phút, sau chỉ vài giờ, tất cả đều chảy thành nước. Đó là sự kết thúc, sự hoại diệt.

Sự hoại diệt của vật chất được cấu thành đã diễn ra từ bao đời, từ khi có trái đất. Khi được sinh ra, chúng ta cũng hấp thụ những thứ này. Ta không vứt bỏ chúng đi đâu hết. Khi được sinh ra, ta đã hứng đầy bệnh hoạn, tuổi già và chết. Ta thâu tóm chúng cùng một lúc.

Hãy nhìn những cách nó hoại diệt đi, cái thân của ta này. Từng phần hoại diệt đi. Râu, tóc, lông rụng dần; móng tay, móng chân hư hoại, da khô hoại. Tất cả mọi thứ, không kể là gì, đều hoại diệt theo bản chất của nó.

Dạy trẻ

Khi hành thiền, đôi khi hơi thở của ta rối loạn. Nó quá dài, quá ngắn, nó khiến ta bấn loạn. Đó là vì bạn quá chú tâm đến hơi thở, bạn gò ép nó quá mức. Giống như khi bạn dạy trẻ ngồi. Nếu bạn cứ đánh trẻ, mỗi khi nó thất bại, liệu nó có trở nên thông minh?  Bạn kiềm chế nó quá. Việc hành thiền cũng thế. Hãy thử nghĩ: Khi bạn đi từ nhà ra vườn, hay từ nhà đến sở làm, tại sao bạn không bị hơi thở làm phiền hà? Vì bạn không nắm giữ nó. Bạn để nó tự nhiên làm công việc của nó. Đôi khi thân bị khó chịu vì bạn quá chú tâm vào đó. Bạn bám chặt tâm vào đó.

Học viết

Hãy nhớ hành thiền mỗi ngày, mỗi ngày. Khi lười biếng, hãy thực hành. Khi tinh tấn, hãy thực hành. Hãy hành Pháp bất kể ngày, đêm. Khi tâm an bình, hãy thực hành. Khi tâm bấn loạn, hãy thực hành. Giống như khi còn nhỏ, lúc bạn bắt đầu học viết. Lúc đầu, chữ bạn viết không đẹp. Nhiều chữ ngoằn ngoèo vì bạn là đứa trẻ đang học viết. Tuy nhiên, với thời gian, chữ viết của bạn đẹp hơn, tròn nét hơn vì bạn luôn tiếp tục thực hành.

Con dao

Rèn luyện thân và rèn luyện tâm giống nhau vì cùng làm cho thân và tâm mạnh mẽ hơn, nhưng phương pháp tập luyện thì khác nhau. Khi luyện tập thân thể, ta phải chuyển động nhiều phần trên thân, nhưng khi luyện tâm, ta phải dừng nó lại, cho nó nghỉ. Như khi hành thiền, ta phải cố gắng để tâm buông xả mọi thứ. Đừng để tâm nghĩ đến điều này, điều nọ hay bất cứ thứ gì. Hãy để tâm trụ trên một đối tượng. Dần dần nó sẽ mạnh lên. Trí tuệ sẽ phát sinh. Giống như con dao ta đã mài giũa kỹ. Nếu ta dùng dao để cắt đá, cắt gạch, cắt cỏ, cắt bất cứ thứ gì không chọn lựa, thì dao sẽ mẻ, sẽ cùn.

Đóng bàn ghế

Nếu giữ được tâm trong sạch, thanh tịnh thì tốt rồi, nhưng không dễ. Bạn phải bắt đầu từ bên ngoài - từ hành động và lời nói - và tiến dần vào bên trong. Con đường đưa ta đến thanh tịnh, đến chánh niệm là con đường có thể rửa sạch tham, sân và si. Nhưng ta phải tập kiềm chế, tập làm chủ mình, đó là lý do tại sao không dễ - nhưng đã sao nếu nó không dễ?

Giống như khi bạn lấy gỗ làm bàn ghế. Gỗ cứng, nhưng cứng thì sao? Gỗ vẫn phải trải qua các giai đoạn từ nặng nề, thô ráp đến trở thành bàn, thành ghế. Chúng ta cũng vậy. Chúng ta phải trở nên thiện xảo với những điều chưa được thiện xảo, phải bản lĩnh với những gì chưa bản lĩnh, phải thuần thục với những gì chưa thuần thục.

Chuối có độc

Tôi đến sống ở thiền viện năm chín tuổi, khi tôi xuất gia làm Sa-di. Tôi luôn cố gắng tu hành, nhưng những ngày đó, tôi không hiểu biết nhiều. Tôi chỉ bắt đầu hiểu khi tôi được thọ giới làm Tỳ-kheo. Ô hô! Tôi thấy sợ tất cả mọi thứ. Tôi nhìn thấy mọi người sống trong ái dục, nhưng thay vì thấy vui thích như họ thì tôi thấy chúng chỉ đưa đến đau khổ. Giống như bánh chuối. Khi ta ăn vào, thấy nó ngon, ngọt. Ta biết vị ngọt của bánh. Nhưng nếu ta cũng biết có ai đó đã bỏ thuốc độc vào đó, thì dầu nó có ngon ngọt tới đâu, ta cũng không màng, vì ta biết nếu ăn vào, ta sẽ chết, đúng không? Đó luôn là quan điểm của tôi. Trước khi ăn, tôi luôn thấy nó có độc. Đó là cách giúp tôi ngày càng tránh xa mọi thứ, giúp tôi sống đời tu sĩ trong bao năm. Một khi bạn biết được như thế, những thứ đó không còn cám dỗ bạn được.

AJAHN CHA
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Trích dịch từ  In Simple Terms, do TS.Thanissaro
dịch từ tiếng Thái, Nxb Aruna, 2011)