Nhờ học Phật nên lạc quan với "án tử"


GNO - Bài báo "Ông Nam không đau" đăng trên Tuổi Trẻ ngày 2-7 dưới đây là câu chuyện xúc động và thú vị từ việc học Phật. Cuộc sống mầu nhiệm từ chính những người như ông và gia đình, Giác Ngộ online trân trọng giới thiệu tới bạn đọc:

Lời tâm sự của ông Lê Văn Nam (68 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) trong bài viết "World Cup cuối cùng của tôi!" (Tuổi Trẻ ngày 22-6) đã "kéo" chúng tôi đến thăm ông trong một con hẻm nhỏ ở quận Tân Phú.

"Đây có thể là World Cup cuối cùng của đời tôi. Nhưng dù sống những ngày cuối cùng bên cơn đau âm ỉ khắp cơ thể, tôi vẫn cứ hừng hực khí thế của người thanh niên yêu quả bóng tròn...".


Hằng ngày, ông Lê Văn Nam vẫn sống vui vẻ bên gia đình - Ảnh: Kim Cương

Còn sống một ngày là một ngày hạnh phúc

Buổi sáng, ông Nam gầy gò ngồi ngay ngắn trên ghế, hướng vào tivi theo dõi một bài pháp thoại. Ông cười tươi với khách, giọng yếu ớt đáp câu chào, bàn tay xương xẩu vẫn liên tục xoa trên bụng. Nơi ấy, cơn đau âm ỉ từ căn bệnh ung thư đại tràng giai đoạn cuối vẫn liên tục hoành hành.

"Được xem World Cup những ngày này quả là hạnh phúc với tôi. Cảm xúc vui buồn lăn theo trái bóng làm người nóng lên, cơn đau dịu đi. Tối tối các con tập hợp lại cùng làm một đội cổ vũ khiến cả nhà vui vẻ. Dẫu cho có phải là những ngày cuối cùng hay không thì chúng tôi vẫn sống vui đến cùng. Ban ngày nằm nghe giảng pháp, khỏe hơn thì đi chùa, đi làm từ thiện. Cứ vậy mà bệnh dường như cũng đỡ hơn...".

Bác sĩ nói thời gian của ông Nam còn 3-6 tháng. Nhưng đó là lời bác sĩ, còn gia đình ông thì vẫn sống nhẹ nhàng từng ngày như không có cái kỳ hạn ấy. Bà Nguyễn Thị Liễu, vợ ông, nhỏ nhẹ nói: "Chúng tôi theo Phật, đã hiểu lẽ sinh tử, còn một ngày thì vẫn là một ngày hạnh phúc. Không dao động, không sợ hãi".

Bắc nồi cháo lên bếp, mang cho chồng ly thuốc nam, cả hai lại cùng ngồi đọc báo, cùng mỉm cười khi đọc những bài bình luận về hai đội bóng yêu thích của ông là Brazil và Nga đã lọt vào vòng hai, cùng nhăn mặt trước những bản tin về các vụ tự tử, cướp giật xảy ra vì cá độ bóng đá.

"Bóng đá là thể thao. Được làm khán giả, được thưởng thức, được vui buồn, được kết nối với nhau trong đam mê, trong tinh thần thể thao thượng võ là đã được nhiều lắm rồi. Vậy mà người ta lại lợi dụng bóng đá để cờ bạc đến tan nhà nát cửa, đến phạm tội...

Sống đến những ngày cuối đời như tôi sẽ thấy hạnh phúc giản dị biết bao: chỉ là một bữa cơm với gia đình, một buổi sáng thức giấc thấy trời xanh, nắng lên. Tôi mừng là cả hai vợ chồng đã sống một đời giản dị, nỗ lực làm việc để nuôi con ăn học trưởng thành, những ngày này có là cuối đời cũng không còn gì để ham muốn, không có gì phải hối hận, day dứt. 

Đọc báo, thấy nhiều người vì tranh đoạt lợi danh, tiền bạc mà gây ra bao chuyện xấu, gây hại cho bao người, nghĩ những người ấy cuối đời sẽ không được sống yên ổn, thanh thản. Con người ta chỉ có một cuộc đời, một tấm thân, một cái bao tử, đâu có hưởng thụ được quá nhiều, mà nếu quá nhiều tất sẽ sinh thêm bệnh. 

Làm sai ắt sẽ phải chịu hậu quả, lúc ấy hối hận đâu còn kịp. Chi bằng hãy nghĩ trước mà phân định phải trái, tu thân tích đức, trước là cho mình, sau là cho con..." - ông tâm sự.

Say mê làm từ thiện

Bà Liễu mỉm cười kể chuyện hai vợ chồng bà đã cùng ăn chay hơn mười năm, từ khi ông Nam phát hiện bệnh. Mười năm từ ngày cả hai nghỉ hưu, vợ chồng bà say mê với những chuyến từ thiện cùng các nhóm, đoàn cho đến tận những ngày gần đây mới tạm dừng vì ông Nam không còn ngồi được quá một giờ đồng hồ.

Bà tiếp lời chồng: "Lúc còn trẻ, mọi thứ là để dành cho con. Nay bốn người con đều tự lập được cả, mình lại ăn chay, không có nhu cầu gì, dùng món tiền nào dù nhỏ cho bản thân cũng thấy tiếc. Ấy vậy mà trong các chuyến từ thiện, gặp những người khó khăn hơn mình, có bao nhiêu tiền trong túi đều dốc ra cũng không thấy đủ".

Bà kể một chuyện vui gần nhất của cả nhà: đọc trên báo Tuổi Trẻ thấy có trường hợp một cậu sinh viên bệnh nặng không có tiền phẫu thuật, bà đã gọi điện cho mấy người bạn, chờ chiều về nói với con trai, con gái để quyên được một món tiền đóng góp.

"Tôi nghĩ mình nuôi con cực khổ từng ngày, con người ta cũng vậy. Nếu vì không có tiền mà phải để con chết thì ruột đứt, tim gan cũng đứt. Đóng góp rồi, mấy tuần sau đọc báo thấy tin cậu ấy được mổ thành công, đang bình phục, tôi mừng như được tin của chính con cháu mình, lập tức cả buổi ngồi gọi điện thông báo khắp nơi...".

Ông Nam buông tờ báo xếp ngay ngắn dưới bàn rồi chậm rãi lên gác nằm nghỉ. Con gái, con rể ông đang chuẩn bị bữa trưa, nhìn theo bóng cha cười nói: "Hồi này ba chỉ đi mấy việc từ thiện mới khỏe ra, ngồi lâu được". Mấy tờ báo này cũng vậy, đọc xong xếp đó, cuối tháng ông gom góp cùng với giấy nháp của con, cho vào thùng chở lên chùa. "Trên ấy có nhiều việc cần dùng" - ông bảo vậy...

Hiếm khi đến thăm một người bệnh trọng mà câu chuyện lại nhẹ nhàng, vui vẻ như vậy. Tối nay, cả nhà ông Nam sẽ lại tập trung xem những trận bóng, cùng reo hò cổ vũ khi bóng vào lưới và cổ vũ cho cơn đau của ông lùi xa...