Ni giới Việt Nam cùng Phật giáo trong dòng chảy lịch sử
Phật giáo có mặt ở Việt Nam từ bao giờ, cho tới nay còn nhiều quan điểm và sự lý giải khác nhau. Song những bằng chứng về khảo cổ cũng như những giai thoại hoặc ghi chép thành văn cho thấy Phật giáo vào Việt Nam từ khá sớm. Và điều đặc biệt là Ni giới ở Việt Nam đã làm rạng danh cho Phật giáo Việt Nam từ khi người Việt vùng lên để giành độc lập, tự chủ.
Lịch sử còn ghi vào năm 40-43 sau Công nguyên, trong 8 vị nữ tướng của Hai Bà Trưng đánh giặc Nam Hán, có 5 bà là Ni sư. Như vậy Phật giáo phải đến đất này trước đó khá lâu thì trong Tăng đoàn Phật giáo mới có nhiều vị sư Ni như thế. Hiện nay tại chùa Yên Phú, huyện Thanh Trì thuộc thành phố Hà Nội còn có bia ký, sắc phong về công lao của Ni sư Phương Dung, một trong 5 vị nữ tướng là Ni sư dưới trướng Hai Bà Trưng.
Từ khi được truyền vào Việt Nam, triết lý nhân quả, từ bi và trí tuệ của Phật giáo rất gần gũi với phẩm chất lối sống của người Việt nên Phật giáo đã được dân tộc Việt đón nhận. Trải qua thời gian gắn bó, qua quá trình tiếp biến, Phật giáo đã thấm dần vào người Việt, trở thành một thành tố không thể thiếu trong đời sống đạo đức, văn hoá của dân tộc và có giai đoạn Phật giáo trở thành giá trị cho tinh thần độc lập dân tộc.
Từ năm 544 đến 602 sau khi lãnh đạo nhân dân khỏi nghĩa đánh bại sự đô hộ của nhà Lương (Trung Quốc), Lý Bí đã xưng là Hoàng Đế và lấy Quốc hiệu của nước độc lập là Vạn Xuân, cho dựng chùa thờ Phật lấy tên là chùa Khai Quốc (sau nhiều lần đổi tên, trùng tu và chuyển dời địa điểm, nay là chùa Trấn Quốc ở hồ Tây, Hà Nội).
Thời Đinh (968- 980), sau khi dẹp loạn mười hai sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lập nước Đại Cồ Việt, lên ngôi Hoàng Đế. Vua đã cho mời nhà sư Ngô Chân Lưu (933-1011), làm Khuông Việt Đại sư, đứng đầu các vị sư giúp vua trong hộ quốc, thông qua phát triển Phật giáo, lấy đạo đức, tư tưởng Phật giáo để làm rường mối tư tưởng đạo đức xây dựng xã hội.
Thời tiền Lê (981-1009), Phật giáo tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong hộ quốc an dân, các bậc đại sư không chỉ là nhà tu hành làm gương về đạo đức cho xã hội mà các nhà sư là các bậc tri thức, những người có ảnh hưởng rất lớn về nhiều mặt như: chính trị, ngoại giao, văn hoá,… của đời sống xã hội như Đỗ Pháp Thuận (915-990), Ngô Chân Lưu (933-1011), Vạn Hạnh (938-1018)...
Thời Lý (1010-1225) Bậc minh quân khởi đầu triều Lý là một vị sư nhờ tài đức đã được xã hội tôn vinh làm vua. Thái Tổ Lý Công Uẩn, một thanh niên xuất thân trong chùa, dưới triều Tiền Lê làm tướng tới chức Tả Thân vệ tướng quân. Tới lúc nhà Tiền Lê suy vi thì lịch sử đã chọn Tả thân vệ tướng quân làm vua gánh vác việc xã tắc để: trong yên dân ngoài đủ sức đương đầu với giặc Tống ở phương Bắc. Với trí đức của người thấm nhuần đạo Phật, ngay sau khi lên ngôi được nửa năm, Lý Thái Tổ đã cho dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Trong hai năm đầu Vua chưa cho xây Tông miếu thờ tổ tiên mà đã sắc cho dân xây 8 ngôi chùa lớn nhằm lấy triết lý Phật giáo mà cố kết nhân tâm, vun bồi trí đức cho dân để trong đoàn kết vững bền, ngoài mạnh đủ chống được giặc. Với tầm nhìn của bậc minh quân, triều Lý đã tạo dựng nền tảng xã hội trên những cơ sở căn bản: đạo có Phật giáo, văn có Quốc Tử giám, võ có Giảng Võ đường để đào luyện tuyển chọn hiền tài làm cho nguyên khí quốc gia ngày thêm hưng thịnh để triều Lý trở thành một trong những triều đại thái bình trong suốt trên 200 năm “nhà có cửa không cần đóng”.
Trong thời Lý Ni giới đã có vị trí khá lớn có Ni sư Diệu Nhân (1041-1113) Ni sư tu hành đắc pháp được giới Phật giáo thời bấy giờ tôn kính như là bậc tôn túc kiệt xuất. Ni sư là người nữ đầu tiên ở Việt Nam được tôn vinh là Tổ sư thiền. Trí, đức cao dày của Ni sư Diệu Nhân góp phần tích cực vào phát triển Phật pháp, là tấm gương mãi mãi cho hàng hậu học, nhất là Ni giới. Trong nữ lưu Phật giáo thời Lý, cùng với các vị xuất gia còn có các nữ Phật tử tại gia làm rạng danh cho Phật giáo và dân tộc, điển hình như Linh Nhân Hoàng Thái hậu (Nguyên Phi Ỷ Lan (1044 -1117).
Thời Trần (1225-1400) là thời đại rực rỡ huy hoàng trong đấu tranh để bảo vệ độc lập dân tộc với ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông, một đội quân xâm lược mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Thời của đỉnh cao tư tưởng lấy dân làm gốc khi thực hiện hai hội nghị dân chủ trong xã hội Phong kiến Việt Nam, đó là hội nghị Diên Hồng và hội nghị Bình Than để vua nghe ý kiến của nhân dân và tướng sĩ về quyết tâm và kế sách chống giặc phương Bắc. Thời mà ảnh hưởng của Phật giáo thấm đẫm trong tinh thần của mỗi người dân từ vua quan tới người cày ruộng. Điển hình, vị vua thứ ba triều Trần là Trần Nhân Tông, sau hai lần lãnh đạo quân dân đánh tan cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông, 35 tuổi đã nhường ngôi cho con, để lui về làm Thái Thượng Hoàng, sau 6 năm giúp con vững trên ngai vàng, 41 tuổi xuất gia tu Phật.
Khác với Đức Phật xưa đi xuất gia để tìm đạo, Trần Nhân Tông xuất gia khi đã có đạo Phật, nhưng đạo Phật đó vào Việt Nam người nông dân, người lính,... những người lao động ít chữ, ít thời gian khó tu, khó học, khó hành đạo. Trăn trở trước việc phải tìm ra một đạo Phật mà ai cũng có thể tu, ai cũng có thể biết. Sau 9 năm tu hành, Trần Nhân Tông đắc đạo với pháp tu mới phù hợp với mọi người “ Phật tại tâm”: tâm lành tính thiện là có Phật, bỏ xấu ác làm việc tốt là có Phật. Sự đơn giản hoá trong triết lý và thực hành Phật pháp là nền tảng xây dựng một xã hội an lành tốt đẹp, mọi người biết nhân quả mà bỏ xấu, làm tốt. Ngài để lại tư tưởng rất cụ thể qua bốn câu thơ dạy con trai cũng là dạy xã hội:
Đạo đức ngự cung điện,
Nhân quả sống trong dân,
Binh đao không dùng tới,
An lạc khắp xa gần”.
Thời Trần, Ni giới còn phát triển hơn nhiều các triều đại trước, điển hình như Ni sư Tuệ Thông, tu ở núi Thanh Lương, hành khổ hạnh, trì giới chuyên cần, tuệ giải thông suốt kinh điển, xa gần đều kính trọng bậc uyên bác. Thời bấy giờ tên tuổi của Ni sư được nhắc ngang hàng với các bậc cao Tăng. Vua Trần Nghệ Tông (1370-1373) ban hiệu cao quý cho Ni sư là “Tuệ Thông Đại Sư”. Thời Trần trong Ni giới còn ghi mãi hình ảnh của Ni sư Hương Tràng, chính là Huyền Trân Công Chúa (1287-1340) cành vàng lá ngọc, con gái của Đức vua Trần Nhân Tông. Người để lại bao nhiêu cảm hứng cho thơ ca qua mối tình Chiêm - Việt. Lấy chồng là vua Chiêm Thành, chưa tròn năm thì vua Chiêm là Chế Mân băng hà, Huyền Trân phải lên dàn hoả thiêu cùng chồng theo phong tục người Chăm lúc bấy giờ. Nhờ kế sách của triều đình nhà Trần, Huyền Trân được cứu đưa về nước và sau xuất gia với pháp danh là Hương Tràng tu tại chùa Hổ Sơn, (xã Liên Minh, Vụ Bản, Nam Định ngày nay). Từ một công chúa trở thành Ni sư, Huyền Trân không chỉ tu hành mà còn luôn quan tâm tới nỗi đau nhân thế đặc biệt là dân nghèo và trẻ thơ. Công đức ấy được dân chúng trong vùng ghi tạc, khi bà mất được nhân dân lập đền thờ tôn là Thần Mẫu. Các triều đại sau tôn bà là “ Trai Tĩnh Trung Đẳng Thần”. Nhờ có sáng suốt của trí đức Phật giáo, thời Trần rực rỡ không kém thời Lý..
Vẫn biết rằng có thịnh rồi có suy, khi các thế lực từ phương Bắc không nguôi mộng xâm chiếm vùng đất Nam Việt, vùng đất thèm khát của phương Bắc. vì mộng bành trướng đó mà chúng dùng trăm phương ngàn kế từ đời này tới đời khác ly gián, chia rẽ làm cho triều đình mâu thuẫn, đất nước suy vi để dễ bề thôn tính nước Nam. Nhà Trần rực rỡ mà phải suy là bởi đó.
Thời hậu Lê (1428-1789) tồn tại sau Bắc thuộc lần thứ 4, thăng trầm của lịch sử dân tộc đã kéo theo thăng trầm của Phật giáo. Song chính vì sự thăng trầm ấy mà đã bộc lộ nét đẹp của Phật giáo thời hậu Lê. Vào khoảng năm 1676- 1680 vua Lê Hy Tông, do tuổi còn trẻ đã nghe dèm pha bởi một số nhà Nho cổ hủ lúc bấy giờ, vua ban chỉ đuổi hết các vị sư ra khỏi kinh thành về các vùng thôn quê, miền núi tu hành. Việc tưởng họa lại trở thành phúc cho dân tộc bởi: sư về các miền thôn quê không chỉ mang triết lý nhân quả của Phật giáo dạy cho dân mà còn giúp dân biết chữ để đọc kinh Phật, nhờ đó nhiều người có chữ có đạo lý đứng ra giúp đời hộ quốc an dân, mặt khác sau khi vua Lê Hy Tông được thiền sư Tông Diễn cho biết vua đã hiểu sai về Phật giáo và ban chỉ đuổi sư là không đúng. Vua đã thành tâm sám hối và cho thợ tạc pho tượng vua cõng Phật để dạy lại cho hậu thế với câu nói “làm vua sai cũng phải sửa, làm vua càng phải biết trân quý điều đúng điều tốt đẹp”.
Thời Nguyễn (1802-1945) lịch sử dân tộc Việt có nhiều biến cố không chỉ về chính trị mà cả về tôn giáo với sự xuất hiện của nhiều tôn giáo mới cả tôn giáo ngoại nhập như Công giáo (1533), Tin Lành (1911),.. cùng với các tôn giáo nội sinh như Tứ ân hiếu nghĩa, Bửu sơn kỳ hương, Hòa Hảo, Cao Đài, Tịnh độ Cư sĩ,…dù rất nhiều các tôn giáo và các tư tưởng khác nhau nhưng dân tộc Việt vẫn ghi nhớ câu của Chúa Nguyễn Hoàng, vị Chúa có công lập nên triều Nguyễn đã được ghi vào bia đá tại chùa Thiên Mụ, Huế để day con cháu và thần dân “Cư Nho, mộ Thích” nghĩa là cư xử theo nghi lễ phép tắc của đạo Nho, nhưng ngưỡng mộ và sống theo lối ứng xử đạo đức và triết lý sống của đạo Phật Thích Ca.
Thời đại Hồ Chí Minh (1945- nay) thời đại mà tất cả các lãnh tụ đều đánh giá cao tinh thần Phật giáo, một tôn giáo lớn gắn bó đồng hành cùng dân tộc. Thời đại mà nhiều tấm gương Phật giáo đã vì độc lập dân tộc mà xả thân vì nước như hình ảnh “cởi áo cà sa khoác chiến bào” của nhà sư thanh niên Thích Thế Long chùa Cổ Lễ- Nam Định cùng với 34 nhà sư khác trong chiến tranh chống Pháp. Sau ngày hòa bình Lập lại sư Thích Thế Long trở lại chùa trong sắc áo tu hành và Ngài làm tới Phó Chủ tịch Quốc Hội khóa VII, Phó Chủ tịch Phật giáo châu Á vì hòa bình.
Đặc biệt năm 1963 trong phong trào Phật giáo đấu tranh chống chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, ngọn lửa Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu đã trở thành ngọn đuốc thắp sáng lương tri nhân loại tiến bộ, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Đối với Ni giới, ở miền Bắc các vị Ni sư tích cực tham gia phong trào kháng chiến, kiến quốc, thắng Pháp miền Bắc tiến lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội, tiếp tục ủng hộ miền Nam đánh Mỹ. Ở miền Nam, đến đầu thế kỷ XX, nhiều Ni sư đã có công lao đóng góp cho sự hưng khởi phong trào tu tập của ni giới như Ni sư Diệu Ngọc (1885-1952), Ni sư Diệu Tịnh (1910-1942). Nối tiếp truyền thống xuất gia tu học hành đạo của chư trưởng lão Ni tiền bối, chư Ni thời chống Pháp, chống Mỹ đã tham gia hoạt động chống lại ách thống trị của giặc ngoại xâm giành lại độc lập cho Tổ quốc như các Ni trưởng: Đàm Thu, Đàm Soạn, Đàm Hữu, Đàm Tín, Đàm Xương,...Trong hệ phái Khất sĩ có Ni trưởng Huỳnh Liên, Ni trưởng Bạch Liên… không chỉ nghiêm trì giới luật, trang nghiêm Tăng đoàn mà còn là tấm gương làm sáng danh Tổ quốc, như hai câu thơ đã thể hiện:
“Nguyện dâng hiến trọn đời mình.
Cho nguồn đạo pháp cho tình quê hương”,
Câu thơ của Ni sư Huỳnh Liên đã góp phần thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh giành độc lập dân tộc trước 1975.
Các bậc trưởng lão của Ni giới Việt Nam do tu hành cẩn trọng, trì giới nghiêm mật, nên xứng đáng là những chư Ni gương mẫu của Đức Phật mà điển hình trong số ấy có thể kể đến là Ni trưởng Như Thanh (1911-1999), người có công vận động thành lập Ni bộ Bắc tông. Ni trưởng Giác Nhẫn (1919 - 2003), một đời phạm hạnh thanh tịnh và công đức viên mãn. Ni trưởng Trí Hải (1938-2003) người có kiến thức Phật học và thế học uyên thâm đã để lại cho đời nhiều công trình nghiên cứu, trước tác và dịch thuật có giá trị.
Khi đất nước thống nhất, chư Ni tiếp tục cuộc sống tu hành, nghiêm trì giới luật, hoằng dương chính pháp độ chúng đệ tử xuất gia và tại gia, tu sửa trang nghiêm tự viện, nhiều chư ni được nhân dân tín nhiệm bầu vào đại biểu Quốc hội, HĐND, UBMTTQ, BCH Hội Liên hiệp Phụ nữ và hội Chữ Thập đỏ các cấp… Nhiều chư ni đã được Nhà nước trao tặng Huân chương, Huy chương, Anh hùng lao động, các tổ chức khen thưởng bằng khen, giấy khen… tiêu biểu Ni sư Đàm Đăng trụ trì chùa Diên Khánh được Chính phủ tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng 2; Ni trưởng Huỳnh Liên (tịnh xá Ngọc Phương), được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất; Ni trưởng Thích Nữ Từ Nhẫn được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2016; Ni sư Thích Nữ Tín Liên là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Thành hội Phật giáo TP HCM…
Phật giáo trong dòng chảy của lịch sử dân tộc Việt như nước với sữa. Dù trải qua bao thăng trầm biến cố Phật giáo vẫn gắn bó cùng dân tộc, chịu chung nỗi đau, chung niềm vui cùng dân tộc. Trong suốt chiều dài lịch sử từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, thời nào cũng có những bậc Tăng, Ni thạc đức đứng ra giúp đời hộ quốc an dân.