Quán niệm về cuộc đời thấy không có gì bằng tu học Phật
Ngoài hiên tiếng gió rít se lạnh trong đêm thu, như vọng lại ký ức về một mùa Vu lan thuở nào khi còn trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, tôi nhất tâm vào từng câu niệm Phật, nhỏ dần nhỏ dần rồi chìm vào giấc ngủ tự lúc nào.
Tiếng còi xe vang lên ngoài phố làm tôi giật mình, ánh bình minh cũng bắt đầu thức dậy sau một đêm dài. Tôi ngồi dậy cố nhớ lại những gì trong đêm qua, dòng ký ức bỗng tràn về, tôi vội vàng ngồi vào bàn và cầm bút lên…
Bồ-đề - Ảnh minh họa
Đến tháng 12 này tôi tròn 70 tuổi, con số 70 nghe sao mà khủng khiếp quá! Ngẫm nhìn lại một chặng đường đã đi qua, mình đã làm được những gì và đã sống như thế nào?
Bảy mươi năm một chặng đường của kiếp nhân sinh, thời gian lúc còn thơ ấu được kết bằng hương hoa trái ngọt trong tình thương yêu vô vàn và sự hy sinh trời biển của cha mẹ, để rồi đến khi những chú chim non kia đã đủ lông đủ cánh phải bay đi rời tổ ấm, xa vòng tay của cha, bỏ lại sau lưng những lời ru ngọt ngào của mẹ và những tiếng cười giòn tan của tình huynh đệ - bước vào một cuộc hành trình mới của cuộc mưu sinh với những thử thách đầy chông gai. Đức Phật đã từng dạy rằng “Nước mắt của chúng sanh nhiều hơn nước sông Hằng thậm chí nhiều hơn nước trong bốn bể”.
Thời gian thắm thoát trôi qua đã hơn mười năm kể từ ngày tôi rời xa Việt Nam nơi chôn nhau cắt rốn để đến một vùng đất xa xôi cách nửa vòng trái đất theo diện đoàn tụ gia đình. Đêm tháng 7 tôi thấy lòng mình ray rức, thao thức vì thương cha nhớ mẹ bởi đạo hiếu vẫn chưa tròn. Ai có nuôi con mới biết công lao trời bể của mẹ cha, có lo toan trong cuộc sống mới biết sự hy sinh to lớn mà cha mẹ đã dành cho ta. Và một lần nữa những cánh bạch hồng đượm buồn khi tiết trời vào thu trong nổi niềm mùa Vu lan nơi đất khách quê người trở về nơi chính tôi.
Nhớ đến ba tôi, là nhớ đến bến phà Rạch Miễu vào những năm 70-80 của thế kỷ trước. Hằng ngày, những chuyến phà nhẹ nhàng lướt sóng xuôi ngược trên dòng sông Tiền hiền hòa chở nặng phù sa nối liền đôi bờ Tiền Giang - Bến Tre đưa đón khách bộ hành qua lại. Nơi đó có hình bóng của một ông già đã gần bảy mươi tuổi với tấm lưng còng rám nắng, hai bàn tay gân guốc chai sần cùng đôi chân gầy guộc làm bạn với chiếc xe đạp cũ, kót két dưới cái nắng hè cháy da trên những con đường đất gập ghềnh ổ voi ổ gà. Những giọt mồ hôi len theo nếp nhăn trên gương mặt, cái miệng móm móm ướt đẩm vị mặn nhưng vẫn luôn nở nụ cười với niềm vui mang về cho chị em tôi những xâu bánh tét, bánh ú, bánh dừa… treo tòn ten trên ghi-đông (“Guidon” tiếng Pháp là tay cầm xe đạp).
Vào những tháng mưa dầm để cho kịp chuyến phà chiều, ba tôi phải cố đạp xe dưới những cơn mưa phủ trắng cả cánh đồng; có lúc phải cố sức để chiến đấu với những cơn gió lốc ngược dòng, chở đầy ắp nào là dừa, chuối, củi… và những thứ khác từ quê (xã Giao Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) mang về cho vợ con có cái mà dùng, đỡ phải mua tốn kém nơi phố thị “củi quế gạo châu”.
Nhớ đến má là tôi nhớ đến những tháng ngày tay xách nách mang những túi đồ ăn nặng trịch nhận nuôi cơm tháng kiếm từng đồng nuôi tám đứa con còn trong độ tuổi ăn tuổi học. Trời tờ mờ sáng từng bước chân chầm chậm của má tay bưng từng cốc (tách) cà phê nóng hổi thơm lừng, những ly trà đá hay dăm ba điếu thuốc lá… bán cho mấy chú phu xe ngựa chở khách bộ hành.
Nhà tôi lúc bấy giờ ở gần bến xe ngựa đưa đón khách mỗi sớm từ ngã ba Trung Lương đến chợ Hàng Bông (TP.Mỹ Tho).
Dòng thời gian vẫn trôi theo năm tháng, chị em tôi ngày một lớn dần, người thì có chồng, có vợ, mỗi người mỗi cảnh khác nhau, lâu lâu mới về thăm ba mẹ một vài ngày rồi lại đi. Tôi nhớ nhất là ánh mắt vui mừng, nụ cười phúc hậu của má mỗi khi chị em tôi có dịp nghỉ hè hay nghỉ lễ, Tết về thăm nhà và không sao quên được ánh mắt đượm buồn như cố giấu đi những giọt lệ mỗi khi chị em tôi chào tạm biệt.
Một đời má tôi đã dành hết cho chồng, cho con từ lúc còn son trẻ cho đến khi trút hơi thở sau cùng. Hoàn cảnh thời cuộc đưa đẩy mỗi người đi mỗi hướng rồi không ai còn có thời gian quan tâm đến ba mình đang mắc phải bệnh gì? mẹ đang vướng phải căn bệnh nào? đến lúc bệnh tình trở nên trầm trọng mới vỡ lẽ ra rằng ba bị áp huyết quá cao mà đột quỵ, còn má thì bị đau nhức hành hạ bởi căn bệnh ung thư xương quái ác. Thế là hai đấng sinh thành đã ra đi vĩnh viễn, bỏ lại chị em tôi bơ vơ lạc lỏng giữa dòng đời xuôi ngược. Tôi cảm nhận nỗi bất hạnh cho những ai tay nâng cành huệ trắng tưởng nhớ cha và cài nụ bạch hồng thương nhớ mẹ, những giọt nước mắt muộn màng rơi xuống vì chữ hiếu không tròn.
Rồi người chị thứ hai theo chồng phương xa cũng bị đột quỵ, đứa em thứ sáu cũng đột ngột ra đi bởi căn bệnh bất ngờ, còn người chị thứ ba không lấy chồng ở vậy thui thủi một mình vừa đi dạy học vừa chăm sóc nuôi dưỡng mẹ cha lúc tuổi già đau yếu cho đến lúc mãn phần. Chị Ba là một Phật tử thuận thành, ăn chay trường, niệm Phật theo pháp môn Tịnh độ, hồi hướng công đức cầu vãng sanh cho cha mẹ và những người thân quá vãng. Chị là người đã dìu dắt chúng tôi trên con đường tu học Phật pháp từ những ngày đầu. Chị luôn sống theo hạnh Từ bi-Hỷ xả, một đồng cũng san sẻ cho các em các cháu, không nghĩ đến danh lợi riêng tư…
Tôi thương chị như thương một người mẹ vì chị đã hi sinh tất cả, thay cho các em phụng dưỡng mẹ cha lúc tuổi già bóng xế, nghĩ đến đây tôi chợt nhớ đến lời bài hát “Chị tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến mà nước mắt rơi xuống tự bao giờ “…Thời con gái lưng ong có bao người thầm mong theo; mẹ giục con gái yêu lấy chồng đi; chị thương cho các em, thương mẹ già còn đau í a… Chị tôi chưa lấy chồng…”.
Đã hơn mười năm rời xa quê hương, hai lần trở về Việt Nam thăm gia đình, có dịp cùng chị em đi chùa lễ Phật cúng dường Tam bảo, phóng sanh... Lắng lòng nơi chốn Thiền môn, tiếng chuông chùa ngân vang hòa quyện theo làn khói trầm hương nghi ngút; tôi thả hồn theo làn gió mát bên dòng sông Sài Gòn, nhìn những bè lục bình lững lờ xuôi theo dòng nước trôi về nơi phương trời vô định, tôi thầm nghĩ đời người cũng giống như những nhánh lục bình trôi kia không biết đâu là bến bờ. Thế là tôi mượn đôi dòng để gửi gắm nỗi lòng của một người con xa xứ qua bài viết “Như lục bình trôi” (Báo Giác Ngộ - Sống đạo ngày 25-3-2016).
***
Năm nay, một lần nữa tôi sẽ trở về quê hương vào dịp kỷ niệm ngày mất của ba tôi lần thứ 18. Chắc chắn tôi sẽ cùng chị em đi chùa lễ Phật, vì đó chính là nơi mà tôi đã tìm thấy được sự an lạc tự tại sau những tháng ngày rong ruổi trên đôi chân mệt nhoài, “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…”.
Nghe tiếng chuông huyền diệu giữa hư không như nhắc nhở ta hãy buông xả những lo toan phiền não; nghe tiếng mõ đánh thức tâm ta hãy buông bỏ “tham-sân-si” - vì đó chính là hố sâu vũng lầy tội lỗi làm cho mình mãi bị lặn hụp trong biển khổ không lối thoát. Tự hứa quay về với chân tâm của chính mình (là Phật tánh) để những tháng ngày còn lại của cuộc đời được an nhiên tự tại.
Bảy mươi năm, một chặng đường đã đi qua, đoạn đường còn lại quá ngắn ngủi không biết lúc nào vô thường sẽ đến, tôi nguyện cứ sống vui, sống khỏe, sống để hiểu và thương trên từng bước chân an trú ngay từ hôm nay - trong giây phút hiện tại này, để mỗi khi bình minh thức giấc có thể nói rằng: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ ta có thêm ngày nữa để yêu thương”.
Theo thời gian, chị em tôi nay mái tóc đã pha sương cùng năm tháng - đó là định luật của vô thường; cuộc sống này là quán trọ, cuộc đời này là cõi tạm, niềm vui thì ít mà đau khổ nhiều. Nhất tâm niệm Phật sẽ làm cho thân tâm an lạc, tâm thức ngày được khai sáng giác ngộ, tiêu trừ nghiệp xấu, để hạt giống Bồ-đề trong tâm ngày một đơm hoa nảy lộc.
“… Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười; An trú trong hiện tại, giờ phút đẹp tuyệt vời” (Thiền sư Nhất Hạnh).
Mùa Vu lan 2019
Bảo Trâm