Nói với nhau bằng trái tim


Trước nhất, chúng ta biết về tiểu sử của Tổ Huệ Đăng. Ngài xuất thân từ Tây Sơn, Bình Định. Ngài là nhà cách mạng, nhà trí thức, sau đó trở thành Tổ sư đắc đạo. Trước khi xuất gia, ngài là người trí thức có hiểu biết rộng, có tinh thần yêu nước và tham gia các phong trào tranh đấu giành độc lập cho Tổ quốc. Nhưng phong trào khởi nghĩa không thành công, nên ngài lưu lạc vào miền Nam. 

Xưa kia, huyện Đất Đỏ này là vùng hoang vắng, ngài đã ẩn cư ở khu rừng này và nghe được tiếng chuông chùa của Tổ Hải Hội. Tiếng chuông chùa ở đâu cũng có, nhưng tiếng chuông chùa của Tổ Hải Hội đã gắn liền sâu xa với Tổ Huệ Đăng là điều chúng ta phải suy nghĩ. 

 

 
Tu hành mà không nói được bằng trái tim thì biết cách đạo còn xa, tức phải cảm tâm 
với Tổ, với thầy, nương theo đạo lực của thầy tổ giúp chúng ta tiến trên đường đạo

 

Có chùa hoang vắng, không người tới. Có chùa quần chúng tập hợp, cúng dường. Và có chùa, người tới để tu hành, tìm hiểu giáo pháp một cách miên mật. Chùa hoang vắng, không người tới là chùa có xác không hồn, chúng ta không nên xây dựng. Ngược lại, chùa không có xác, nghĩa là chùa chưa thành hình, nhưng từ từ ngôi chùa vật chất hiện ra.

Thật vậy, tôi chiêm bái chùa Nam Hoa ở Trung Quốc, nghe Thiền sư kể lại rằng trước khi Lục tổ Huệ Năng tới đây, năm trăm năm trước đã có một phạm tăng từ Ấn Độ đi qua đây, cho biết nơi này năm trăm năm sau sẽ có ngôi đại già-lam và một vị Thánh tăng trụ ở đây. Quả đúng như vậy, năm trăm năm sau, Tổ Huệ Năng đắc đạo, xây chùa Nam Hoa và từ đây mở ra các tông phái của Thiền tông. Chùa chúng ta cũng thuộc gốc Tổ Huệ Năng.

Vị phạm tăng đắc đạo thấy xa đến năm trăm năm là điều mà chúng ta phải học. Phật nói người có căn lành thấy cảnh hoang vắng, nhưng ở đó tu hành quyết tâm cao, sẽ gặt hái kết quả tốt đẹp.

Chưa có chùa, nhưng thấy có chùa. Theo hướng tâm linh này, các vị Thiền Tăng ẩn tu nhiều hơn là quyên góp xây chùa. Tổ Huệ Đăng của chúng ta cũng vậy. Tổ Hải Hội đắc đạo, nên thấy ngài Huệ Đăng tuy chưa xuất gia, nhưng Tổ nói đây là ngọn đèn trí tuệ của Phật, nên đặt cho Ngài pháp danh Huệ Đăng. Nhờ căn lành có sẵn, Tổ Huệ Đăng gặp Tổ Hải Hội thì căn lành này phát lên và Tổ Hải Hội cũng thấy căn lành của Ngài Huệ Đăng, nên Tổ đã huyền ký cho ngài. Ngài Huệ Đăng nhận bộ kinhPháp hoa của Tổ Hải Hội trao cho, rồi đi vào hang ông Hổ để ẩn tu và hành trì kinh này.

Buổi tối, ông Hổ đi kiếm ăn, sáng trở về, thấy Tổ Huệ Đăng ngồi trong hang. Nếu không phải người thật tu, thấy ông Hổ chắc chắn phải khiếp vía. Tổ bình thản nói với ông Hổ bằng ngôn ngữ của tâm, điều này cũng là bài học cho chúng ta là nên nói với nhau bằng trái tim, không nói bằng ngôn ngữ tay chân.

Nói với nhau bằng trái tim là hiểu nhau. Khi tâm hai người thanh tịnh thì hiểu nhau được. Điển hình như Xá Lợi Phất là nhà hùng biện bậc nhất trông thấy Mã Thắng Tỳ-kheo là Thánh La-hán, tuy Mã Thắng không nói gì, nhưng Xá Lợi Phất liền phát tâm và đắc Sơ thiền. Trên bước đường tu, điểm này quan trọng.

Nếu người tu không có căn lành, không cảm tâm, không có niềm tin, thì con đường họ đi chắc chắn không bao giờ tới đích. Khi căn lành chúng ta phát, tâm chúng ta trở thành thanh tịnh, không nghe ngôn ngữ nữa, mà nghe bằng tâm là tha tâm thông.

Hai vị Thánh tăng lặng thinh, nhưng họ hiểu nhau, thậm chí một vị ở đây, một người ở Nhật, nhưng hiểu được nhau là nói với nhau bằng trái tim. Trong lịch sử có câu chuyện rất hay. Thánh tăng Việt Nam là Phật Triết gặp Bồ-tát Hạnh Cơ của Nhật. Vào thời đó, Thánh Vũ Thiên hoàng xây tượng Tỳ Lô Giá Na bằng đồng cao 16m. Ông ra lệnh gom hết đồng trong nước để đúc tượng này. Con mắt của Phật bề ngang 2m. Mặt của Phật bề ngang 5m. Bàn tay của Phật rộng đến 16 người ngồi được. Nhưng người ta chỉ đúc tượng đến cổ, đầu không đúc được, vì đổ đồng lên thì bị rã xuống.

Trong thế bế tắc đó, lúc bấy giờ, ngài Phật Triết ở Giao Châu (là Việt Nam) đi bè tre sang Nhật. Ngày nay đi bằng tàu đến đảo Trường Sa đã khó. Khi đến bờ biển Nhật, đã có Bồ-tát Hạnh Cơ đứng chờ. Hai vị này nói với nhau bằng trái tim.

Tu hành mà không nói được bằng trái tim thì biết cách đạo còn xa, tức phải cảm tâm với Tổ, với thầy, nương theo đạo lực của thầy tổ giúp chúng ta tiến trên đường đạo.

Trở lại vấn đề chùa có xác không có hồn. Chúng ta xây dựng chùa, phải xây dựng hồn trước, thì chùa mới thành hình đúng nghĩa. Nhớ lại tôi đi tu, phải đến sáu mươi năm sau, mới xây chùa Huê Nghiêm, nhưng không nghĩ xây chùa để ở, vì lúc đó tôi 70 tuổi rồi. Thực lòng mà nói, xây chùa để ở, coi chừng không phải đạo.

Các vị cao tăng, Thánh tăng không nghĩ xây chùa ở, nhưng xây cho bá tánh, cho thế hệ tương lai có nơi tu học. Chúng ta làm gì cũng nghĩ đến tương lai của Phật pháp được tồn tại. Thấy Phật pháp phát triển, chúng ta vui.

Khi Tổ Huệ Đăng ẩn tu trong núi, việc đầu tiên mà Ngài chứng nghiệm là giữa ngài và ông Hổ đã cảm thông với nhau qua tâm. Thật vậy, Ngài nói với ông Hổ cái gì, thì không ai nghe; nhưng về sau, các thầy kể là Tổ đã nói cho họ nghe. Tổ nói với ông Hổ rằng đây là vùng rừng núi của ngài, xin ngài cho tôi mượn cái hang này để tu một thời gian. Ông Hổ gật đầu, bỏ đi chỗ khác.

Tổ ngồi trong hang tu, không có thức ăn, không có đàn việt hiến cúng, nhưng ngài quyết tâm tu, quên đói khát và ngài đã ngộ đạo. Ngày nay, theo dấu chân Tổ, chúng ta tu, nếu còn nghĩ đến cơm áo, chỗ ở, không bao giờ chứng đạo. Miệt mài tu, chúng ta quên ăn, có thì ăn, không có cũng không sao.

Tổ làm bài kệ nói lên sở tu, sở ngộ của ngài như sau:

Tá thạch vi tường

Thục Thức lão Tăng cùng đáo để

Dĩ phong tác phiến

Thùy tri đại đạo lạc vô cương.

Nghĩa là tu trong hang núi, cuộc sống thanh đạm, lấy vách đá làm tường, lấy gió làm quạt. Nhưng đạt đến “cùng đáo để” là cùng tột chân tâm, chân tánh hiện ra, mới cảm nhận niềm an lạc của đạo thật là vô cùng (Đại đạo lạc vô cương). Cái vui tuyệt đối của đại đạo thì mấy ai biết được. Tổ ngộ đạo, đắc đạo, vượt qua đói khát, nóng lạnh, vượt qua vui buồn vinh nhục, hết phiền não, tức xả bỏ được thân tứ đại ngũ uẩn, tâm chân như mới bừng sáng.

Nếu người tu không có căn lành, không cảm tâm, không có niềm tin, thì con đường họ đi chắc chắn không bao giờ tới đích. Khi căn lành chúng ta phát, tâm chúng ta trở thành thanh tịnh, không nghe ngôn ngữ nữa, mà nghe bằng tâm là tha tâm thông.

Lãnh hội ý này, tôi dịch phẩm 28 kinh Pháp hoa rằng: “Tâm được bừng sáng thì có Pháp hoa”. Chúng ta tụng kinh Pháp hoa văn tự để tâm sáng lên, mới có Pháp hoa chân thật. “Pháp” là tâm sáng, “Hoa” là hiện tướng giải thoát. Cốt lõi của đạo Phật là giải thoát. Tu mà không giải thoát, bị lạc. Nói cụ thể là xuất gia một thời gian, trở thành khó tánh, không ai chịu nổi và dễ buồn giận. Các Ni sư nên nhớ điều này, làm sao gặp việc đáng giận, mình không giận, gặp việc đáng buồn, mình không buồn. Gặp thử thách nhỏ mà không vượt được, thì đại đạo khó mở ra cho ta.

Khi Tổ ngộ đạo, đắc đạo, tự nhiên hòa đồng được với thiên nhiên, thì sức mạnh của thiên nhiên hỗ trợ Ngài. Ngài cũng ở trong khu rừng này, nhưng người người muốn tìm đạo tự động lặn lội tìm tới học với Ngài. Thật vậy, những vị kề cận Tổ mà tôi có duyên gần gũi là Hòa thượng Minh Nguyệt. Ngài cho biết Tổ có sức thu hút kỳ diệu khiến ngài phải lặn lội tìm Tổ để cầu pháp. Hoặc Hòa thượng Thiện Hào ở An Phú Đông cũng tìm Tổ cầu học.

Ngày nay, nếu chúng ta đắc đạo, người cầu đạo sẽ tìm đến. Chưa đắc đạo mà độ chúng thì nguy hiểm, vì chưa đủ tài đức, không thể hóa giải nghiệp của người. Riêng tôi, trải qua suốt sáu mươi năm, chuyên tu, không cất chùa là vậy. Tự giải thoát cho mình thì dễ, nhưng giải nghiệp cho người rất khó.

Trên bước đường hành đạo, khi có người tìm đạo, ta mới sử dụng đạo và lựa người truyền trao. Không nhận ra ý này, ép người nghe, họ không nghe khiến mình phiền não, hay la rầy, mắng chửi là hỏng.

Người cầu đạo mà đem hết sinh mạng cầu, chưa chắc được. Hòa thượng Trí Tịnh nói rằng đạo đâu phải là cá ươn mà nài ép. Thực tế có người thấy thí chủ này, nhà giàu nọ, thì tìm cách mời. Tôi nhớ câu chuyện về ngài Ưu Ba Cúc Đa. Một bà giàu có thỉnh ngài dự trai tăng cúng dường. Ngài từ chối, nói chưa phải lúc. Trong khi có người chờ được mời đi trai tăng. Có người không mời cũng tới là xấu. Mời mà tới cũng chưa hẳn là tốt. Hạng thứ ba, mời cũng không tới là người đắc đạo, thấy tới độ được người hay không, nếu độ không được, làm cho người phiền não là tội.

Bà thí chủ nọ cúng dường trai tăng một lúc, sanh phiền não, nghĩ mình cúng nhiều, hết tiền, đến chùa bị các thầy xem thường, nên buồn, bị đọa. Đến khi bà bị bệnh nặng, bị bỏ ngoài bãi tha ma chờ chết, không ai tới với bà. Lúc đó, ngài Ưu Ba Cúc Đa xuất hiện. Bà nói ngày trước, con giàu có, thỉnh năm lần bảy lượt mà thầy không tới. Bây giờ con không còn gì cúng dường. Ngài nói bây giờ mới phải lúc, là tới để độ người phát tâm. Không phải ai mời ngài cũng tới và không phải lúc nào ngài cũng đến để nhận cúng dường.

Với những người hết lòng tìm đạo, gặp Tổ Huệ Đăng, ngài sẵn sàng khai thị, giúp họ tu đắc đạo. Những người tới cầu Tổ, mỗi người Ngài dạy một việc. Đối với Hòa thượng Trí Đức là thầy bổn sư của tôi, Tổ bảo Hòa thượng về tụng kinh Pháp hoa quyển thứ bảy và trì chú Chuẩn Đề, lạy Ngũ hối. Hòa thượng chỉ học bao nhiêu đó với Tổ và ôm kinh Pháp hoa về núi Thị Vải tu.

Hòa thượng Trí Đức nhận được pháp của Tổ truyền trao và thực lòng tu có kết quả linh nghiệm. Ngài xuống Long Thành đến chùa Cô Hồn bỏ hoang, ngài ở đó tu, trì chú. Cả làng đều nằm mơ thấy vị Hộ pháp bảo họ đến chùa Cô Hồn cúng cho nhà sư ở trong miếu tu mà không có gì ăn. Điều này cho thấy người thật tu là vì đạo, không vì ăn, chắc chắn sẽ có thức ăn không bao giờ thiếu. Tôi học với Hòa thượng Trí Đức điều này, cầu đạo, không cầu thực, cuộc sống bao giờ cũng dư dả. Cầu thực thì không đủ sống.

Phải nói đệ tử của Tổ Huệ Đăng, gần như người nào cũng thăng tiến, người làm cách mạng thì thành công, người ẩn tu có kết quả tốt đẹp. Chùa ngày nay có chữ Thiên đứng đầu đều phát xuất từ Tổ Huệ Đăng.

Những người hữu duyên tìm tới học đạo với Tổ Huệ Đăng, tu hành gặt hái được kết quả và đem kết quả đó cứu đời, độ đời, đó là truyền thống của tông môn Thiên Thai Thiền Giáo.

GN