Hãy từ bỏ những gì không phải của mình
“Cái gì không phải của các Ông, này các Tỳ-kheo, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc an lạc cho các Ông”.1
Trên đây là lời khuyên hết sức minh triết của bậc Chánh Đẳng Giác dành cho các đệ tử xuất gia với mục đích giúp cho họ thể hiện nếp sống chơn chánh sáng suốt để vượt qua mọi vướng lụy trần thế, thoát khỏi phiền muộn khổ đau, để đạt đến cứu cánh an lạc, cứu cánh Niết-bàn. “Từ bỏ” là một từ ngữ có ý nghĩa rất hay trong đạo Phật. Nó ngụ ý thái độ tỉnh táo và trí tuệ của đạo Phật trong phương pháp thực nghiệm hạnh phúc an lạc. Thông thường, người ta có thói quen nghĩ rằng phải nắm giữ mọi thứ, phải sở hữu cái này cái kia thì mới có hạnh phúc, nhưng theo quan niệm của đạo Phật thì càng cố gắng nắm giữ bao nhiêu, con người càng bị trói buộc và càng rơi vào phiền muộn bấy nhiêu. Bởi một lẽ đơn giản: không một thứ gì tồn tại mãi mãi. Con người không tồn tại, thế giới mà con người nhận thức được cũng không tồn tại. Tất cả chỉ là giả hợp, hiện hữu tạm thời, đang chuyển biến, đi đến hoại diệt, không tồn tại mãi. Nhận lầm những gì không phải của mình hay không thuộc về mình thì phiền muộn đã đành, ngay cả những gì được xem là của mình, được chấp nhận là thuộc về mình đi nữa mà bám chấp vào nó cũng không tránh khỏi khổ đau. Nhận thức được như thế thì mới hết mê lầm, mới thấy rõ nắm giữ là một ý tưởng mệt mỏi, mới mạnh mẽ đi đến từ bỏ. Sau đây là những lời khuyên nhắc của bậc Giác ngộ:
-“Này các Tỳ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?
– Bạch Thế Tôn, vô thường.
– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
– Bạch Thế Tôn, khổ.
– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thì có hợp lý chăng khi chánh quán cái ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?
– Bạch Thế Tôn, không.
– Chư Tỳ-kheo, thọ… tưởng… hành… thức là thường hay vô thường?
– Bạch Thế Tôn, là vô thường.
– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
– Bạch Thế Tôn, là khổ.
– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại thì có hợp lý chăng khi chánh quán cái ấy là: “Cái này là của tôi… tự ngã của tôi”?
– Bạch Thế Tôn, không…
– Do vậy, này các Tỳ-kheo, cái gì không phải của các Ông, các Ông hãy từ bỏ. Các Ông từ bỏ, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các Ông. Chư Tỳ-kheo, cái gì không phải của các Ông? Chư Tỳ- kheo, sắc không phải của các Ông, hãy từ bỏ sắc. Các Ông từ bỏ sắc sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các Ông. Chư Tỳ-kheo, thọ không phải của các Ông, hãy từ bỏ thọ. Các Ông từ bỏ thọ sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các Ông. Chư Tỳ-kheo, tưởng không phải của các Ông, hãy từ bỏ tưởng. Các Ông từ bỏ tưởng sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các Ông. Chư Tỳ-kheo, các hành không phải của các Ông, hãy từ bỏ các hành. Các Ông từ bỏ các hành sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các Ông. Chư Tỳ-kheo, thức không phải của các Ông, hãy từ bỏ thức. Các Ông từ bỏ thức sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các Ông. Chư Tỳ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Trong rừng Jetavana này, nếu có người thâu lượm cỏ, cây, nhành, lá rồi đốt hay làm với chúng tùy theo ý muốn, các Ông có nghĩ chăng? Người ấy thâu lượm chúng ta, đốt chúng ta hay làm với chúng ta tùy theo ý muốn?
– Bạch Thế Tôn, không.
– Vì sao vậy?
– Bạch Thế Tôn, vì nó không phải tự ngã hay không phải sở thuộc của ngã.
– Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, cái gì không phải của các Ông, các Ông hãy từ bỏ. Các Ông từ bỏ sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các Ông. Chư Tỳ-kheo, và cái gì không phải của các Ông? Chư Tỳ-kheo, sắc không phải của các Ông, hãy từ bỏ sắc. Các Ông từ bỏ sắc sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các Ông. Chư Tỳ-kheo, thọ… Chư Tỳ-kheo tưởng… Chư Tỳ-kheo, hành… Chư Tỳ-kheo, thức không phải của các Ông, hãy từ bỏ thức. Các Ông từ bỏ thức sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các Ông.
Cái gì không phải của các Ông, này các Tỳ-kheo, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc an lạc cho các Ông”.2
Trong một văn cảnh khác, bậc Giác ngộ lại đưa ra lời khuyên tương tự:
“Và này các Tỳ-kheo, cái gì không phải của các Ông?
Mắt, này các Tỳ-kheo, không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Các sắc không phải của các Ông. Hãy từ bỏ chúng. Từ bỏ chúng, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Nhãn thức không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Nhãn xúc không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Phàm duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông… Tai… Mũi… Lưỡi… Thân…
Ý không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Các pháp không phải của các Ông. Hãy từ bỏ chúng. Từ bỏ chúng, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Ý thức không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Ý xúc không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Phàm duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông.
Ví như, này các Tỳ-kheo, trong rừng Thắng Lâm này có người mang đi, hay mang đốt, hay làm theo những gì người ấy muốn, tất cả cỏ, củi, nhánh cây hay lá, thời các Ông có nghĩ như sau: “Người ấy mang chúng tôi đi, hay đốt chúng tôi, hay làm gì chúng tôi theo ý người ấy muốn”?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
– Vì sao? Vì chúng không phải tự ngã hay không thuộc về tự ngã.
Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, mắt không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Các sắc không phải của các Ông… Nhãn thức không phải của các Ông… Nhãn xúc không phải của các Ông… Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc cho các Ông… Tai… Mũi… Lưỡi… Thân… Ý không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Các pháp không phải của các Ông. Hãy từ bỏ chúng. Từ bỏ chúng, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Ý thức không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Ý xúc không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Phàm duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông”.3
Đức Phật gọi sắc, thọ, tưởng, hành, thức hay mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và những gì phát sinh liên hệ đến chúng là không phải của mình và khuyên các Tỳ-kheo nên từ bỏ chúng. Vì theo tuệ giác của Phật thì con người (ngũ uẩn hay sáu nội xứ ) và những gì con người nhận thức được đều là giả hợp, luôn luôn thay đổi, không thực thể, không ai làm chủ được; nếu cứ ôm ấp, nắm giữ, chấp trước, không từ bỏ những gì không thực có, không nắm bắt được, không làm chủ được như thế thì không tránh khỏi phiền muộn khổ đau4. Đây chính là cách thức để thoát khỏi mê lầm, thoát khỏi phiền muộn khổ đau, để có được hạnh phúc an lạc.
Nhưng thế nào là từ bỏ sắc, thọ, tưởng, hành, thức hay từ bỏ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và những gì phát sinh liên hệ đến chúng?“Từ bỏ” là một cách nói đối lập với thói quen mê lầm cố hữu của con người theo đó mọi phiền não khổ đau không ngừng phát sinh, đó là luôn luôn ôm ấp, nắm giữ, chấp chặt những gì liên hệ đến bản thân mình gọi là chấp ngã. Hẳn nhiên, đó không phải là sự chối bỏ các hoạt động của sắc, thọ, tưởng, hành, thức hay sự đóng lại các giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Rõ là không ai ngăn được quy luật vận hành của thực tại cả. Vì vậy, từ bỏ ở đây chính là sự tỉnh giác nhận ra sự vận hành của ngũ uẩn hay hoạt động của sáu căn và sáu trần mà tâm không vướng mắc, không vọng động. Chúng hành hoạt và tương tác như thế nào thì thấy như thế ấy mà không động tâm, không can thiệp vào thì gọi là “từ bỏ”. Nói rõ hơn, đó chính là phương pháp quán niệm về ngũ uẩn hay quán niệm về sáu nội, ngoại xứ được ứng dụng theo nghĩa thấy rõ chúng chỉ là pháp sanh diệt, không thực thể, không thường hằng, là thực tại đang trôi chảy, không nắm bắt được, không nên nghĩ suy, không nên tư lường, không nên phân biệt, không nên chấp trước. Ứng dụng cách nhìn ngũ uẩn hay sáu nội, ngoại xứ theo cách như vậy thì tâm tư trở nên tỉnh táo và sáng suốt, hết vọng động, hết mê lầm, hết chấp trước, hết rơi vào phiền muộn khổ đau do không chấp trước. Đây gọi là sống hạnh phúc an lạc do từ bỏ những gì không phải là của mình.
Thế thì con người ngũ uẩn hay con người sáu nội xứ vẫn hành hoạt, mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe, mũi vẫn ngửi, lưỡi vẫn nếm, thân vẫn xúc chạm, ý vẫn nhận thức, nhưng phải tập làm sao cho tâm thức không dao động, không phân biệt, không phán xét, không thuận ứng hay nghịch ứng, không rơi vào ý niệm “tôi” hay “của tôi”, đạt được tự do, tự tại, giải thoát, an lạc. Nói cách khác, đó chính là lối sống chánh niệm tỉnh giác, viễn ly vọng niệm, buông bỏ mọi vọng tưởng, rời xa mọi ý niệm liên hệ đến tự ngã hoặc nói theo cách triết lý của Phật thì “trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy, trong cái nghe sẽ chỉ là cái nghe, trong cái thọ tưởng sẽ chỉ là cái thọ tưởng, trong cái thức tri sẽ chỉ là cái thức tri”.5 Bậc Giác ngộ chỉ cho chúng ta cách thực tập từ bỏ để để đạt đến hạnh phúc an lạc như thế này:
“Ở đây, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo không tư lường con mắt, không tư lường trên con mắt, không tư lường từ con mắt, không tư lường: “Con mắt là của ta”. Vị ấy không tư lường các sắc, không tư lường trên các sắc, không tư lường từ các sắc, không tư lường: “Các sắc là của ta”. Vị ấy không tư lường nhãn thức, không tư lường trên nhãn thức, không tư lường từ nhãn thức, không tư lường: “Nhãn thức là của ta”. Vị ấy không tư lường nhãn xúc, không tư lường trên nhãn xúc, không tư lường từ nhãn xúc, không tư lường: “Nhãn xúc là của ta”. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; vị ấy không tư lường cảm thọ ấy, không tư lường trên cảm thọ ấy, không tư lường từ cảm thọ ấy, không tư lường: “Cảm thọ ấy của ta” Cũng vậy đối với tai… mũi… lưỡi… thân…
Vị ấy không tư lường ý, không tư lường trên ý, không tư lường từ ý, không tư lường: “Ý là của ta”. Vị ấy không tư lường các pháp, không tư lường trên các pháp, không tư lường từ các pháp, không tư lường: “Các pháp là của ta”. Vị ấy không tư lường ý thức, không tư lường trên ý thức, không tư lường từ ý thức, không tư lường: “Ý thức là của ta”. Vị ấy không tư lường ý xúc, không tư lường trên ý xúc, không tư lường từ ý xúc, không tư lường: “Ý xúc là của ta”. Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; vị ấy không tư lường cảm thọ ấy, không tư lường trên cảm thọ ấy, không tư lường từ cảm thọ ấy, không tư lường: “Cảm thọ ấy là của ta”.
Cho đến các uẩn, giới, xứ, này các Tỳ-kheo, vị ấy không tư lường pháp ấy, không tư lường trên pháp ấy, không tư lường từ pháp ấy, không tư lường: “Pháp ấy là của ta”. Vị ấy không tư lường như vậy nên không chấp thủ một vật gì ở đời. Dokhông chấp thủ nên không ái luyến. Dokhông ái luyến nên tự mình được hoàn toàn tịch tịnh. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.6
Buông bỏ mọi ý niệm liên hệ đến tự ngã hay thực hành nếp sống vô ngã là việc làm minh triết nhưng chắc chắn không phải dễ làm đối với hết thảy mọi người. Đấy chính là lối sống không còn phiền muộn khổ đau, lối sống hạnh phúc lớn nhất mà Đức Phật, bậc Giác ngộ, đã chứng nghiệm và mong muốn nhắn nhủ lại với mọi người. Rõ ràng, không ai tự cho rằng mình đã thoát ly hết mọi ý tưởng liên hệ đến tự ngã, nhưng những ai có hành trì lời Phật dạy thì hiểu rất rõ sự quay cuồng vùng vẫy rất mệt mỏi của lối sống bị ám ảnh bởi ngã tưởng và mong muốn ra khỏi thế giới mê lầm mệt mỏi ấy. Ở đây, lời khuyên của Phật vẫn luôn luôn là nguồn khích lệ lớn đối với mọi người: “Hãy từ bỏ những gì không phải là của mình”.
Diệu Hòa