Ở rể
Em thân yêu,Ngày về nhà em ở rể, anh bị mọi người xoi mói với cặp mắt xem thường đến lạ. Hàng xóm lời ra tiếng vào rằng: “Tướng tá coi vậy mà ăn bám nhà vợ”. Nghe những câu nói đó anh buồn lắm, nỗi tự ái đàn ông dâng trào trong lồng ngực, nhiều lúc muốn đưa em về quê anh cho xong chuyện, dẫu nghèo nhưng vẫn nhẹ lòng hơn. Nhưng em và cả ba má em khuyên nhủ hết lời nên một phần nào xoa dịu nỗi buồn trong anh. Thực ra ngày trước gia đình anh cũng khá giả, có đến vài cửa hàng kinh doanh chứ nào thua kém gì ai. Bản thân anh cũng là một chàng sinh viên lịch lãm, ga-lăng, được nhiều cô gái mến mộ. Nhưng rồi chuyện không thể ngờ được khi tài sản gia đình anh tan theo mây khói chỉ vì chuyện đỏ đen của ba mẹ. Mẹ anh vì ham mê đề đóm mà nợ nần chồng chất, mấy tiệm kim hoàn phải đóng cửa vì bị chủ bạc xiết nợ. Mấy cửa hàng xe gắn máy cũng trở thành nhà kho trống hoác vì ba anh đã thế chấp ngân hàng để đi đánh bài. Anh bàng hoàng trước cảnh không may xảy đến bất ngờ như vậy. Ngậm ngùi dở dang chuyện học hành, anh đi làm kiếm tiền trang trải cho cuộc sống cá nhân và phụ giúp gia đình. Từ một chàng công tử bột chẳng biết làm gì, anh biến mình thành một người lao động hăng say, làm việc không ngơi nghỉ. Anh chỉ mong mình cố gắng làm kiếm thật nhiều tiền để trả nợ cho ba mẹ. Nhưng anh quá hoang đường, vì với đồng lương ít ỏi của một người làm công thì không bao giờ đủ để giải quyết số nợ khổng lồ. Rồi em đến cứu vớt đời anh. Anh chẳng cho em được gì ngoài tình cảm. Ngược lại, em đã giúp đỡ anh cả về vật chất, lại chân tình khuyên nhủ và động viên anh vượt qua nỗi buồn này. Chỉ quen nhau nửa năm thôi đủ để anh thấy em quan trọng trong cuộc đời anh như thế nào. Gạt hết những phong lưu, đa tình sang một bên, anh cầu hôn em và em nhận lời trong hạnh phúc. Đám cưới chúng ta không rình rang, hoành tráng để tránh sự dòm ngó của các chủ nợ. Một bữa cơm giản dị thay cho bữa tiệc linh đình cũng đủ làm vợ chồng và gia đình hai bên ấm cúng. Sau đám cưới, em khuyên anh nên về nhà em, giúp gia đình em quản lý số nông trại. Lúc đầu anh do dự vì nghĩ rằng thật mất mặt khi phải về quê vợ, rồi còn ăn bám lẫn phụ thuộc công việc từ nhà vợ. Nhưng những lời tha thiết của em đã cảm hóa anh. Thôi kệ, về quê biết đâu đổi đời - anh nghĩ thế! Những tháng đầu tiên ở quê em, anh không dám giao tiếp nhiều trong xóm vì sợ điều tiếng; anh sợ nhất thông tin ba má anh thiếu nợ lọt đến nơi đây. Em ân cần dắt anh đi làm quen khắp xóm, rồi chỉ dẫn anh cách lấy lòng họ. Em còn khuyên anh: “Vợ chồng mình cố gắng làm thật tốt, rồi ba mẹ giao vườn trái cây riêng, lúc đó người ta sẽ nhìn anh bằng cặp mắt dễ chịu hơn.” Nghe lời em, anh gạt bỏ chuyện tự ái, mặc cảm mà lao vào làm quần quật. Sau những tháng ngày miệt mài dãi nắng dầm mưa, tưới nước, bón phân cây trái… cuối cùng ba mẹ cũng cho vợ chồng mình một mẫu xoài đương vụ. Nhìn vườn xoài sắp thu hoạch, anh vui lắm, thầm cảm ơn nhà vợ, cảm ơn em. Cũng từ đấy, hàng xóm bắt đầu thân thiện với anh. Khi đã thu hoạch xong vụ đầu tiên, em khuyên anh đem số tiền này để trả nợ cho ba mẹ. Điều này làm anh thảng thốt hơn, không có xúc động nào hơn thế. Anh thỏ thẻ: “Đây là công sức của vợ chồng mình, anh không thế làm của riêng rồi đem về trả nợ cho nhà anh được. Như vậy thật bất công với em”. Em cười, nụ cười trong trẻo như bông xoài lỡ vụ, đẹp và ngạt ngào: “Mình nên giải quyết cái khó khăn trước mắt, anh ạ! Thấy anh buồn, em cũng chẳng vui gì!”. Anh chẳng biết nói gì hơn, lòng tự hứa sẽ không làm em thất vọng. Ngẫm lại khoảng thời gian chúng ta yêu nhau rồi lấy nhau, anh thấy mình nợ em rất nhiều, em ơi! Thư này là tiếng lòng của anh. Anh không gửi cho em, nhưng anh vẫn mong em đọc được. Qua đó, em hiểu rõ sự yêu thương trân trọng mà anh dành cho em.
Đặng trung Thành