TIỂU CHÂN NHƯ


Lời tựa:

“Một tác phẩm thấm đẫm chất nhân văn về tình người, lòng từ bi hỷ xả và đạo hiếu,  hướng con người ta đến với Chân – Thiện – Mỹ. Tôi đã đọc đi đọc lại bài viết này rất nhiều lần, càng đọc càng thấy ngộ ra những giá trị to lớn trên con đường tu tập và tìm hiểu phật pháp của mình

Tác phẩm viết về kỉ niệm của một người bạn thuở thiếu thời với Đại Đức Thích Thanh Trung – chùa Đồng Đắc nay là Thượng Tọa Thích Thọ Lạc – phó ban thường trực, Ban văn hóa Trung ương, GHPG Việt Nam do nhà báo Khúc Nga – nguyên Tổng biên tập của báo tuổi trẻ Thủ Đô viết và đăng trên báo Tuổi trẻ Thủ Đô. Tác phẩm sau đó đã đạt giải nhất trong một cuộc thi viết do ngành tổ chức. Hôm nay tôi xin phép sử dụng tác phẩm này của nhà báo Khúc Nga đăng trên trang web: VanhoaphatgiaoVietnam.net để gửi tới quý độc giả xa gần”.

TIỂU CHÂN NHƯ

Quê tôi ở vùng Kim Sơn, Ninh Binh, nơi có nhà thờ đá Phát Diệm nổi tiếng với lối kiến trúc độc đáo và ngôi chùa Đồng Đắc cổ kính, uy nghi. Khuôn viên ngôi chùa rộng vài hecta. Các vị sư trồng rau, trồng cây thuốc và trồng nhiều cây ăn quả như chuối, na, bưởi…

chua dong dac
Khuôn viên ngôi chùa cổ Đồng Đắc

Tôi là một thằng bé mồ côi cả cha lẫn mẹ, ở với dì ruột. Dì tôi không chồng, nghèo rớt mùng tơi. Hai dì cháu mò cua bắt ốc nuôi nhau nhưng dì vẫn cố gắng cho tôi cắp sách tới trường. Chú tiểu Chân Như bằng tuổi tôi, học chung lớp với tôi, cha mẹ chú đều là người giàu có trong làng nhưng gửi chú vào chùa Đồng Đắc từ khi chú lên 5 tuổi. Chân Như không cạo trọc mà để hai trái đào trên đầu. Cậu ấy học giỏi, lại đẹp trai, da trắng trẻo, mắt đen tròn. Hễ ai khen đẹp trai là cậu lại cúi mặt, bẽn lẽn niệm “a di đà phật”. Sư cụ trụ trì thì bảo “đừng khen, để tiểu ấy yên tâm tu hành”.

khuan vien chua
Khuôn viên chùa Đông Đắc

Tôi chơi thân với Chân Như vì dì tôi là người mộ đạo, ngày rằm mùng một dì hay cho tôi lên chùa lễ phật. Lần nào tôi cũng được sư cụ phát lộc, khi thì quả chuối, lúc nắm xôi. Và bao giờ Chân Như cũng dành riêng cho tôi một thứ gì đó, có thể là một cuốn sách, một tràng hạt nho nhỏ hoặc thứ gì đó ăn được. Khi chỉ có 2 người, tôi hỏi Chân Như: “Tại sao bạn đi tu” – “Vì tôi có căn tu!”.

Tôi chẳng hiểu “căn tu” là gì, nhưng tôi tin rằng căn tu là một cái gì đó thuộc về bản mệnh của mỗi con người. Tình bạn của chúng tôi ngày càng thân thiết. Khi có điều kiện, tôi thường giúp tiểu Chân Như gánh hàng nông sản do các chư tăng sản xuất đem ra chợ bán. Hoặc những kỳ nghỉ hè, tôi giúp tiểu thu hái cây thuốc, phơi khô, sơ chế thành các loiaj thuốc chữa bệnh bán cho các hiệu thuốc đông y.

Năm ấy, đến ngày giỗ bố tôi mà hai dì cháu chẳng còn đồng xu dính túi. Trong hũ chỉ vừa đủ hai bơ gạo. Tôi đem chuyện đó nói với Chân Như. Chú tiểu chỉ thở dài. Toàn dân lúc đó đều ở trong thời kì bao cấp, thiếu thốn đủ đường.

Trong óc tôi bỗng lóe ra một “sáng kiến”: Vào chùa nhổ trộm su hào đem về làm thức ăn cúng bố. Thế là, chờ đến gần tối, lúc trời chạng vạng, tôi lẻn vào vườn chùa. Xung quanh vắng lặng, chỉ có tiếng chuông chùa từng tiếng thong thả buông trong thinh không.

Giờ này sư cụ và các chư tăng phải lên Tam Bảo tụng kinh buổi chiều. Tôi yên tâm chọn 3 củ su hào bánh xe non ,ượt, nhổ phắt lên rồi chạy ù té ra cổng. Nào ngờ, ông Phát già – bảo vệ lâu năm của chùa xuất hiện. Ông ta tóm gáy tôi, lôi xềnh xệch vào trong sân.

“Thằng này láo, dám ăn trộm, mà lại trộm của nhà chùa mới to gan chứ! Mày không biết là của Bụt mất một đền mười hả? Nhà mày trả nợ “Tam Bảo” bao giờ mới xong” – giọng ông Phát rít lên từng hồi.

Tôi run lên vì sợ hãi. Làng quê tôi không ai trộm cắp và ai cũng khinh ghét thói xấu này. Năm trước có đứa ăn trộm trâu, cr nhà phải bán xới đi khỏi làng.

Nghe tiếng ông Phát quát tháo, nhiều người đi làm đồng về tò mò xúm lại xem. Dì tôi cũng được triệu đến, giọng mếu máo: “Nhuc quá con ơi, dì có dạy cháu đi ăn trộm đâu. Dì biết ăn nói thế nào với bà con làng xóm bây giờ?”.

Thấy ồn ào, sư cụ lập cập bước ra, đi sau là các sư. Tiểu Chân Như đi sau cùng. Nhìn thấy tôi trong hoàn cảnh như vậy, Chân Như tiến đến trước sư cụ, chắp hai tay kính cẩn: “Bạch thầy, con sám hối thầy. Trưa nay, anh đây giỗ bố, nhà không còn gì, con đã bao anh vào chùa lấy su hào do con nhổ sẵn để đó. Con chưa hỏi thấy,xin thầy tha cho…”.

Sư cụ vẫn điềm tĩnh lần tràng hạt, mộ lúc sau cụ mới chậm rãi: “A di đà phật! Thôi ta không bắt lỗi các con làm gì. Trong giáo lí nhà Phật thì Đạo hiếu là quan trọng, được xếp hàng đầu. Ta biết hoàn cảnh của cậu đây. Con mang su hào về, còn kịp làm cơm cúng bố…”.

Chân Như mạnh dạn hơn: “Bạch thầy, nhà chùa mới hạ buồng chuối, xin thầy cho anh dây một nải mang về…?”.

Sư cụ gật đầu. Nhận 3 củ su hào và nải chuối từ tay Chân Như, dì cháu tôi nước mắt dàn dụa, lạy tạ sư cụ. Vì quá xấu hổ, phải vài tháng sau nhằm ngày mùng một, tôi mới đánh bạo lên tìm sư cụ để thú tội và thanh minh cho Chân Như. Thật không ngờ, sư cụ nghe tôi nói xong, sư cụ cười hiền: “Ta biết cả rồi! Chân Như không có lỗi, Hạnh từ bi của Chân Như sẽ giúp chú ấy tu thành chinh quả!”.

Sau này gặp lại Chân Như, trong cau chuyện vui tôi đùa: “Để được gần bạn, có lẽ mình cũng xuống tóc đi tu thôi”.

  • “Chân Như lắc đầu nói: “Không nhất thiết ai tu cũng phải ở chùa. Tu để trờ thành người tốt. Muốn thành người tốt thì tu ở nhà cũng được, tu tại gia mới khó”.
  • “Tại sao khó” .
  • “Vì phải đấu tranh với bản thân mình trong một môi trường không thuận lợi, đầy khó khăn và nhiều cám dỗ, không như ở chùa”.
  • “Học giỏi như bạn, đi tu để làm gì?”.
  • “Để từ bỏ Tham – Sân – Si, hướng tới Chân – Thiện - Mỹ”…

Thời gian trôi nhanh như bóng câu ngoài cửa sổ, tôi lớn lên, trở thành kỹ sư xây dựng, rời xa ngôi chùa cổ kính để làm việc ở Hà Nội. Còn chú tiểu Chân Như đã lên chức Đại Đức với pháp danh Thích Thanh Trung.

thuong toa thich tho lac
Thượng tọa Thích Thọ Lạc – phó ban thường trực Ban văn hóa, Giáo hội phật giáo Việt Nam (ngày nhỏ Thượng tọa đi tu có pháp danh là Chân Như).

 

Box:

(Thời điểm tác giả viết bài, tiểu Chân Như là Đại Đức Thích Thanh Trung, nhưng hiện nay Đại Đức Thích Thanh Trung đã lên chức Thượng tọa với pháp danh Thích Thọ Lạc – giữ cương vị Phó ban thường trực, Ban Văn hóa Trung ương – Giáo hội phật giáo Việt Nam. Thượng tọa Thích Thọ Lạc trụ trì chùa Yên Phú, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội).