Oan gia nên giải không nên kết


Ngày nay, nếu chúng ta gặp phải oan gia đối đầu đến hủy báng chúng ta, đến vũ nhục chúng ta, hãm hại chúng ta, thì chúng ta phải nghĩ họ là đại quyền thị hiện, họ là Phật Bồ Tát tái lai, xem thử ta có trí tuệ hay không, xem thử chúng ta có thể nhẫn chịu hay không, họ đến để khảo chúng ta.

Khi ý niệm này vừa chuyển thì chúng ta liền khởi tâm cung kính đối với oan gia đối đầu, sẽ không khởi lên một niệm ác. Khi một niệm ác vừa khởi lên, oan oan tương báo không thể kết thúc, vậy thì phiền phức.


Oan-gia 
Nếu chúng ta khởi lên tâm cung kính, khởi lên tâm cảm ân, cho dù chân thật họ là oan gia đối đầu, thì đến chỗ này là kết thúc món nợ, nợ liền tiêu hết, lần sau gặp mặt là thiện tri thức, là bạn tốt. Đây là cổ đức dạy bảo chúng ta: "Oan gia nên giải không nên kết", làm thế nào đem oán tặc chuyển biến thành bạn tốt, vậy thì bạn chân thật biết học Phật, bạn chân thật biết dụng công, công phu của bạn sẽ có lực.

Oán tặc họ cũng là chúng sanh. "Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ", chúng ta phải độ họ, chúng ta không ghét bỏ họ, vì họ mê quá sâu cho nên họ tạo ra vô số ác nghiệp. Ta phải làm thế nào giúp đỡ họ phá mê khai ngộ, chuyển ác thành thiện.

Chúng ta giúp đỡ thầy, bạn thành tựu lẫn nhau, họ tạo tác một số ác nghiệp, chúng ta xem thấy thì lập tức quay đầu hồi quang phản chiếu, nghĩ lại chính mình có cái ý niệm ác này hay không? Có hành vi ác hay không? Nếu như có, phải mau thay đổi tự làm mới. Họ là lão sư của chúng ta, họ không làm thị hiện như vậy thì chúng ta chính mình luôn luôn có lỗi lầm cũng không nhìn thấy, không thể phát hiện.

Họ là một tấm gương chiếu của chúng ta, thiện hạnh của họ, ta phải bắt chước, phải học tập, phải tán thán; ác hạnh của họ, ta phải kiểm điểm ta có hay không, cho nên thuận cảnh nghịch cảnh, người thiện, người ác, đều là đạo tràng tu học của Bồ Tát, đều là thành tựu thiện nghiệp của thiện tri thức.