Phải hiểu và hành đạo từ bi như thế nào?


Lấy tôn chỉ mà luận thì ai cũng biết Phật giáo là cao thượng; lấy kinh điển mà xét, thì ai cũng phải nhận giáo lý Phật đà là man mác bao la. Nhưng nếu rút lại, có thể tóm trong hai câu vắn tắt là "Từ bi vi bổn", "Phương tiện vi môn".
Thật thế, "Từ bi" là nền tảng lâu đài Phật giáo, là chủ động lực của một đời sống phi phàm, đời sống của đức Phật Thích Ca, luôn luôn dùng đủ phương thế để giúp đỡ cứu độ muôn loài.
 
"Từ" là hay ban bố cho tất cả chúng sinh những điều vui vẻ; còn "Bi" là hay dứt trừ cho tất cả chúng sinh những điều thống khổ.
 
Há chẳng phải quá cảm xúc trước những thống khổ của muôn loài trong cảnh qua lại, lại qua của sinh, già, bệnh, chết mà khi còn làm Thái tử, đức Thích Ca quả quyết xa lìa tất cả những gì thường làm cho người đời thương yêu triều mến để tìm phương giải thoát cho tất cả chúng sinh? Trên thế gian này, từ cổ cập kim, chưa ai có một tấm lòng thương xót, từ bi rộng lớn và thâm sâu như thế. Chính cái lòng đại từ đại bi ấy đã thúc giục Ngài bỏ thành ra đi, đã nâng đỡ Ngài những khi thối chí ngã lòng, đã giữ Ngài trong Kim cang đại định và rốt hết, đã đưa Ngài đến chỗ thành công rực rỡ, lưu lại cho đời một giáo pháp mà càng nghiên cứu càng sáng tỏ như mặt trời mọc ở phương Đông, một phương thuốc cứu khổ ban vui mà chẳng một ai uống vào mà không thấy hiệu nghiệm.
 
Là người nhận rõ cái cao quý vô bờ bến của lòng Từ bi ấy, chúng tôi trong Hội Phật học Nam Việt, một bộ phận của đại gia đình Phật giáo toàn quốc, bằng chủ trương và thực thi những điều gì không quá khả năng của chúng tôi, để biểu dương đức tánh có một không hai của bậc Thiên Nhân Sư.
 
Nhưng Từ bi không có nghĩa là thụ động, là để cho ai làm gì mặc ý, là đơ mắt ngồi xem những tà thuyết xâm nhập Chánh pháp hay những tà thuật quyến rũ người, xô đẩy con người vào hang sâu vực thẳm của dị đoan, mê tín. Vì thế là phản lại lòng Đại từ Đại bi của Phật. Do đó cho nên lắm khi chúng tôi phải mạnh dạn đứng lên vạch rõ những lẽ chính lời tà, hầu thức tỉnh những ai vì nhẹ dạ non lòng nên phải bị người đánh lừa, phỉnh gạt. Trong cái công cuộc thanh trừng ấy, nếu chúng tôi được một phần dư luận trong giới đạo tâm hưởng ứng và khuyến khích, chúng tôi không khỏi bị búa rìu của một phần dư luận khác, là phần vì quyền lợi hay cảm tính chi phối, hoặc bị tà kiến hay thố giải làm mù lòa.
 
Đới với sự chống trả của những quyền lợi bị rung rinh hay những cảm tình bị kích thích, chúng tôi nghĩ không cần bàn nhiều, vì dù có nói cho lắm, chỉ sinh ác cảm chứ không lợi ích gì.
 
Ở đây, chúng tôi xin đem hết tâm chân thành kêu gọi những bạn rất giàu lòng tin tưởng ở thiêng liêng, nhưng chưa có công, hoặc chưa gặp duyên nghiêm tầm, để bị sa vào chỗ tà kiến và thố giải như vừa nói.
 
Tà kiến là gì? Là chỗ thấy không chân chính, tri thức kém cỏi không có một lập trường tin tưởng và hiểu biết vững vàng, nghe người khoe đạo này, khen lối tu kia, bảo linh, bảo nghiệm là vội vã tin liền. Vì thế nên danh là phật tử mà còn tin ở sự bói khoa, xin xăm, cúng vái, quên hẳn cái chân lý bất di bất dịch của Phật đã dạy, là nhân nào quả nấy. Thấy được cái lẽ nhân quả, gọi là chính kiến. Không thấy được mà cứ tưởng cúng vái cho nhiều là được Phật, Trời phò hộ, dù ăn ở không ngay thẳng hiền lành cũng không sao, đó là tà kiến. Tà kiến như thế là gây nghiệp bất thiện, tạo nhân chẳng lành, càng tạo là càng bị khổ, rồi lại đổ lỗi cho đạo Phật: tu hành mà vẫn bị chuyện không may.
 
Trong ngũ giới cấm sát sinh đứng đầu, luôn cho hai hàng tại gia và xuất gia. Tại gia tuy chưa ăn chay trường được nhưng nếu biết tiết giảm bớt sự giết chóc gà, vịt, heo, cá thì quý biết bao nhiêu. Đằng này chẳng những giữ giới cấm sát không được mà lại còn nghe lời ông này, bà kia làm những việc như cắt cổ gà, mổ bụng lợn để cúng thần, cúng quỷ, chồng chất nghiệp ác, trái lời Phật dạy, vậy thì tu hành chỗ nào đâu? Đối với những việc làm sái đạo như thế này có nên nói không? Chúng tôi nghĩ nên lắm chớ. Nên vì thể theo lòng Từ bi của Phật, không nỡ thấy cầm thú thác oan, không nỡ trông người tạo tội. Đó mới thật là Từ bi. Trái lại, biết mà không nói, không chỉ, không bảo là tâm hiểm độc.
 
Về các bậc xuất gia, tự mình đã phát tâm thệ nguyện vào cửa Phật, không ai ép, không ai buộc, mà lại vượt ngoài khuôn khổ kỷ luật của Phật ban truyền, ở chùa mà vẫn giữ thói đời, cũng tửu, cũng nhục. Như thế có quả là người giả dối không? Nhìn nhận những người như thế là những đại diện của Phật để dẫn dắt chúng sinh ra khỏi hang Ma, ví chẳng khác chịu cho kẻ mù chỉ đường. Gặp những trường hợp tu giả tu dối như thế, bổn phận của người phật tử chân chính là thế nào? Có nên vì lẽ Từ bi mà im hơi lặng tiếng, mặc ai buôn Phật bán Kinh? Hay phải thẳng thắn can ngăn, tố giác, để vừa thức tỉnh người sa ngã, vừa chặn đường những người nhẹ dạ nghe lầm? Chúng tôi thiết nghĩ cử chỉ sau mới xứng đáng với danh hiệu phật tử, vì lòng từ mẫn mà tránh họa cho muôn người.
 
Còn thố giải là gì? Thố là sai lầm. Giải là cắt nghĩa. Học hiểu sai lầm, thấy nghe nông cạn, suy gẫm hẹp hòi, đọc kinh sách thì cứ chữ đâu nghĩa đó, không tìm cái lý ẩn sâu, hoặc cứ nghe người giải sao là bắt chước theo giải như thế, không hay kẻ quán manh đương dẫn người mù. Đó là kết quả của sự lười biếng về trí óc, đó là tánh nô lệ cho thành kiến.
 
Những lối giải thích sai lầm kinh sách Phật, nếu kể ra, thật không sao nói cho cùng tận. Xin đương cử vài thí dụ. Thấy kinh sách nói "thuyền Bát Nhã" rồi giải và tin là có một chiếc thuyền Bát Nhã thật sự, như những chiếc thuyền ta dùng để đi sông, không dè nó là một lối nói bóng ví cái trí Bát nhã, tức là cái Đại Trí huệ, như chiếc thuyền, có thể đưa người qua sông mê để đến bờ giác. Lại như nghe kinh sách nói Bồ tát Quán Âm có thiên thủ thiên nhãn rồi đinh ninh rằng ngài có ngàn tay ngàn mắt, không dè đó cũng là một lối ngụ ý khác. Thậm chí, đến đọc truyện Tây du, một truyện bịa đặt như tiểu thuyết ngày nay, mà cứ tin có Tề Thiên Đại Thánh thiệt, rồi lên cót, vẽ tranh mà thờ, và xem truyện Tây du đồng một giá trị với lời kinh của Phật.
 
Từ bi phải chăng là đừng đụng chạm đến những sai lầm to như trái núi kia không? Nếu hiểu Từ bi như thế, thì còn gì cái đạo chuyển mê khải ngộ của Phật?
 
Vừa rồi nhân việc dỡ chồng báo cũ, chúng tôi được đọc một bài giải thích nghĩa hai chữ Từ bi, xin trích lục để hiến chư vị. Cho hay cách nay trên hai chục năm mà nhân tâm vẫn đồng ở chỗ hiểu lầm chủ trương và việc làm của những người chân thành phụng sự đại Từ bi của đức Phật.
 
Xin trích dẫn như sau:
 
"... Bởi có lòng hiền lành thương xót, nên đức Thích Ca mới hết sức lo sợ cho chúng sinh hoặc quá ham muốn theo bề vật chất giả dối mà chìm mình trong bể ái sông mê, hoặc lầm lạc theo lời ngoại đạo phỉnh phờ, mà sẩy bước giữa đường chông hầm lửa, rồi đời đời kiếp kiếp phải chịu nỗi đắng cay.
 
Vậy nên trong 49 năm, Phật mới nói đủ kinh pháp mà cứu độ cho loài chúng sinh, hiện đủ thần thông mà hàng phục những bọn ngoại đạo. Chúng sinh nhờ có kinh pháp ấy mới thoát thân khỏi luân hồi, ngoại đạo sợ thần thông ấy mới quay đầu về chính giáo.
 
Nếu những người ngoại đạo đã quày về chính giáo thì mới hết nỗi khổ tận; nếu chúng sinh thoát khỏi luân hồi thì đặng phần an lạc. Đó biết là có hiền thánh mới có thương xót, mà có thương xót mới có trăm phương ngàn pháp cứu cho hết khổ, làm cho đặng vui.
 
Cái năng lực của Từ bi lưu động khắp nơi, dõng mãnh hết bực như vậy, chớ có phải cứ làm thinh ngồi một chỗ mà gọi là Từ bi đâu.
 
Nếu chấp rằng hễ còn ý để công kích và nói những sự lỗi của người, thì chưa phải là Từ bi, xin thí dụ một chuyện sau đây là đủ rõ. Như cha mẹ thấy con, đứa thì theo nghề cờ bạc mà hết tiền, đứa thì mê hoa nguyệt mà sinh bệnh, mà cha mẹ cứ tránh tiếng làm thinh hoài, để cho con hư con khổ, vậy có thể nói là hiền lành, nói là thương yêu được không? Còn như cha mẹ rầy la, đánh mắng, rồi giảng dạy cho con biết rằng: Trai gái là một sự mất liêm, mất tiết, cờ bạc là một sự hư cửa hại nhà. Nếu làm người mà tránh không khỏi hai sự ấy thì chẳng những hại về phần tư tưởng tinh thần, mà lại còn dây oan mối nợ ràng buộc trăm bề, tiếng nhục danh ô tràn lan khắp xứ, chắc không có diện mục nào đối với nhân quần và cũng không còn giá trị đứng trong xã hội đặng nữa.
 
Có thể lấy sự quở răn ấy mà cho là cha mẹ chẳng hiền lành, chẳng thương yêu được không? Nếu biết đặng lẽ cha mẹ vì thương con, sợ con hư con khổ nên mới rầy la quở phạt, thì sẽ biết lòng Từ bi của Phật đối với chúng sinh cũng thế.
 
Lòng Từ bi của Phật đã vậy, thì những người đứng trên địa vị hoằng pháp cũng phải thể theo ý nghĩa Từ bi, phá chỗ mê lầm, bày điều chính đáng, để làm một phương châm mà dắt người lên đường giải thoát.
 
Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật nói: "Có những hạng người muốn cho định tâm của mình được sáng suốt ra sức tham cầu các sự khôn khéo để mà giáo hóa độ sinh. Do một niệm tham muốn đó mà ma quỷ nhập vào, rồi những người ấy cũng không biết là mình bị ma ám, tự xưng là chứng bực "Vô thượng Niết bàn" đi tới các nhà cầu thỉnh kia mà nói pháp. Trong lúc nói pháp ấy, thì hoặc làm thầy Tỳ khưu, hoặc làm ông Đế thích, hoặc làm đàn bà, hoặc làm bà vải, vì trong giây phút mà biến hóa thân hình ra nhiều cách lạ như vậy, nên kẻ ngu mê lầm là Bồ tát, mới tin theo lời giáo hóa, xao lãng định tâm, mà trở lại làm sự tham dục theo đời, phá cả giới luật của Phật.
 
Chẳng những như vậy mà thôi, người bị ma ám ấy lại hay nói ra những sự tai tướng quái gỡ, như là nói chỗ kia chỗ nọ có Phật ra đời, nói lửa kiếp cháy thiêu, nói đao binh giết hại, làm cho kẻ mê tín sợ hãi, bỏ nhà trốn đi, gia tài tan nát, rốt lại thì không có sự gì là thiệt cả.
 
Đó là loài quỷ quái lâu năm thành ma, nhập vào người mà quấy rối. Đến khi nó nhàm chán bỏ đi, thì người ấy không còn chút gì làm oai làm phúc cho ai được như ngày trước nữa, mà cái họa yêu vọng lại phát ra, rồi thầy trò người ấy bị chết về phép vua luật nước.
 
Lời Phật chỉ trích những chỗ mê lầm của chúng sinh và những sự láo dối của ma thuyết như thế còn lắm, kể ra không xiết. Đây chỉ lượt thuật một ít để chỉ rằng Phật xưa thiệt hết lòng Từ bi thương xót chúng sinh, nên mới tỏ bày đường chân nẻo vọng, đặng cho người đời thức tỉnh hồn mê, bỏ tà về chính, đúng với tấm lòng "Xuất thế độ sinh" của Phật, chớ không phải công kích người và nói sự lỗi của người mà chẳng gọi là Từ bi đâu".
 
Để cho tròn nghĩa hai chữ Từ bi của Phật, chúng tôi có mấy lời xin nói thêm.
 
Muốn đừng phản lại hai chữ Từ bi thì khi vạch lỗi người phải có những tâm niệm và phải có những hành động như thế này mới được:
 
1. Đừng có cái tâm vạch lá tìm sâu, nghĩa là phanh phui những cái không hay của người với ác ý là đưa việc xấu của người để làm tăng cái tốt của mình, hay để ngấm ngầm trả thù một cách hèn nhát.
 
2. Không có cái tâm làm tổn hại danh giá của người, tức phải có cái tâm tốt lành là nói để thức tỉnh một người còn quây quần trong mê muội, tức là thể theo lòng Từ bi mà chỉ bảo. Mà như thế thì phải hết sức ôn tồn, đừng ra mặt thầy đời, mà phải làm người bạn tốt khuyên nhau, chỉ chỗ lợi hại, bạn có nghe thì tốt, bạn không nghe thì thôi, đừng tỏ vẻ bực tức hay khinh bỉ.
 
Thật ra, phải để cho mọi người được quyền tự do sống theo chí hướng của họ. Nhưng nếu đối với một người bạn thân yêu, thì nên lấy lòng Từ bi thanh tịnh mà giảng giải và thức tỉnh nếu cái chí hướng ấy quá thiêng về vật chất hoặc quá mê tín dị đoan. Bổn phận chúng ta đối với bạn như thế là đủ rồi, đến như việc nghe cùng không nghe là quyền của bạn, đừng quá cố ép. Còn đối với hàng đồng đạo, sống và hành động dưới danh nghĩa của đạo, cái bổn phận trọng quyền tự do của họ, chỉ có khi nào họ không làm những việc gì có hại cho thanh danh của đạo, hay có nguy cho sự tu dưỡng của kẻ khác. Nếu chính họ không giữ đúng hai điều kiện này, đem tà thuyết mê hoặc lòng người để thủ lợi riêng, thì chúng ta phải theo lòng Từ bi của Phật mà vạch rõ cho mọi người cùng biết, để tránh cho những ai nhẹ dạ non lòng cái nguy sa hầm sụp hố, nhưng phải nhớ là luôn luôn chúng ta phải giữ tâm cho thật thanh tịnh, đừng thừa cơ mà buông lung ý ác nói xấu người.
 
Cư sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền
(Trích Tạp chí Từ Quang số 30 tháng 6 năm 1954)