Phật Đản là ngày gì, tổ chức ngày nào, ý nghĩa của lễ này


Phật Đản là ngày sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài có tên là Tất Đạt Đa sinh vào ngày Rằm tháng Tư năm 624 trước công nguyên. Lễ Phật Đản được tổ chức vào ngày 8/4 hoặc 15/4 Âm lịch hàng năm.

 

Phật Đản là ngày nào?

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là một thái tử tên Tất Đạt Đa, dòng họ Cồ Đàm, thuộc Vương tộc Thích Ca. Ngài đản sanh tại vườn Lâm Tỳ Ni - nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal.

Phật giáo Nam tông cho rằng, ngài sinh vào ngày Rằm tháng Tư năm 624 trước công nguyên. Còn Phật giáo Bắc Tông lại coi ngày mùng 8/4 là ngày sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Do đó, hiện trên thế giới Ngày Phật Đản được tổ chức vào mồng 8/4 hoặc 15/4 (Âm lịch) tùy theo phái Nam tông hoặc Bắc tông.

Một số nước với đa số Phật tử chịu ảnh hưởng Bắc tông (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) thường tổ chức ngày lễ Phật đản vào ngày mồng 8/4 Âm lịch. Các quốc gia theo Nam tông thường tổ chức vào ngày trăng tròn trong tháng 4 Âm lịch hay là ngày trăng tròn trong tháng 5 Dương lịch.

Riêng Việt Nam, Giáo Hội Phật Giáo tổ chức Lễ Phật Đản vào ngày Rằm tháng Tư (15/4) Âm lịch.

Ý nghĩa của Lễ Phật Đản

Từ năm 1999, lễ Phật đản vào 15/4 đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Lễ Phật đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn).

Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phật Đản là dịp Tăng Ni, Phật tử cung kính suy niệm lại sự kiện Đản sinh hy hữu của Đức Từ Phụ tại vườn Lâm-tì-ni (Lumbini, ở Ấn Độ cổ xưa, nay thuộc Nepal) qua hình hài Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha), con vua Tịnh Phạn (Śuddhodana) và Hoàng hậu Ma Da (Māyā), thuộc dòng dõi Thích Ca trị vì vương quốc Ca-tì-la-vệ (Kapilavastu) thuộc Ấn Độ lúc bấy giờ.

Kinh văn ghi rằng, từ giã cảnh giới Đâu Suất thiên, Bồ-tát Tì Xá Thi (Vipassi) chính niệm tỉnh giác nhập vào mẫu thai, lúc ấy một hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa uy lực của chư Thiên hiện ra cùng khắp thế giới, đại địa chấn động.

Khi vị Bồ-tát nhập mẫu thai, Hoàng hậu Ma Da giữ giới một cách hồn nhiên, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không sử dụng các thức dùng làm mất sự sáng suốt của tâm trí, sống tiết hạnh, không khởi dục với nam nhân, luôn từ ái, tâm thường hoan hỷ, thân không bệnh tật, cho đến ngày hạ sinh Thái tử với rất nhiều điềm lành: “Vị Bồ-tát khi sinh ra, Ngài đứng vững, thăng bằng trên hai chân, mặt hướng phía Bắc, bước đi bảy bước, một lọng trắng được che trên... (Đại tạng kinh Việt Nam, Kinh Trường Bộ I, Kinh Đại Bản)

Vì Đại nguyện cứu độ hết thảy chúng sinh, Bồ-tát đã chủ động giáng sinh đi vào đời qua hình hài một con người với đầy đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của Bậc Đại nhân.

 

“Một vị hữu tình sinh ra ở đời không bị chi phối, đã sinh ra ở đời vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”. (Đại tạng kinh Việt Nam, Kinh Trung Bộ I, Đại Kinh Sư Tử Hống).

Từ đó, suốt cuộc đời của Ngài trong hoàn cảnh là Thái tử, xuất gia, thành đạo cho đến khi nhập Niết bàn, Đức Thế Tôn đã luôn “thương tưởng cho đời”, thuyết Pháp độ sinh, khai mở chân lý cho tất cả không phân biệt giai cấp, dòng dõi xuất thân, giới tính, với tinh thần khích lệ sự tiến bộ, sống hài hòa, trách nhiệm, hạnh phúc, an lạc ngay trong đời sống hiện tại. Là bậc Thầy của nhân thiên, nhưng Ngài đã không hề dành một đặc quyền riêng biệt nào.

Đức Thế Tôn là vị Giáo chủ duy nhất trong lịch sử tôn giáo thế giới, tuyên bố với tất cả đệ tử chân lý sau khi Ngài thành đạo dưới cội Bồ đề: “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành”.

Ngài như ngọc lưu ly luôn thuần khiết trong mọi hoàn cảnh. “Như Lai sinh ra ở đời là bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.” (Đại tạng Kinh Việt Nam, Kinh Trung Bộ I, Tiểu Kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi).

Vào ngày Lễ Phật Đản, Phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng), và thực hành ăn chay và giữ Ngũ giới, Tứ vô lượng tâm (từ bi hỷ xả), thực hành bố thí và làm việc từ thiện, tặng quà, tiền cho những người yếu kém trong cộng đồng. Kỷ niệm Phật Đản cũng có nghĩa là làm những nỗ lực đặc biệt để mang lại hạnh phúc, niềm vui cho những người bất hạnh như người già cao niên, người khuyết tật và người bệnh, chia sẻ niềm vui và hòa bình với mọi người.

Phật Đản là ngày kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật
Phật Đản là ngày kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật

Phật Đản 2016 là ngày nào?

Tại Việt Nam, ngày Phật Đản năm 2016 là ngày Rằm tháng Tư năm Bính Thân. Tức ngày 21/5/2016 Dương lịch.

Thái Lan tổ chức Lễ Phật Đản vào ngày 20/5 (2559PL) Dương lịch. Myanmar ngày 21/5 Dương lịch (2560 PL), Indonesia ngày 22/5 Dương lịch (2560 PL).

Trung Quốc tổ chức ngày 8/4 Âm lịch tức ngày 14/5 Dương lịch.