Thực tập trọn vẹn lời Thầy
Đọc xong, suy ngẫm, câu thiền ngôn như là một tiếng sấm giữa bầu trời xanh trong, câu nói phá tan cái ngã chấp của mình vào mọi thứ, từ thân này, cho đến mọi sự vật, hiện tượng, mà bấy lâu nay cứ cho là ta, là cái của ta, thường hằng, bất biến. Cộng với những mất mát khi thấy những người thân yêu của mình, theo luật vô thường, cũng từ từ bỏ thân tứ đại mà hòa tan vào vũ trụ mênh mông như là một sự thật hiển nhiên của kiếp nhân sinh và những va chạm trong đời sống hàng ngày, vui có, buồn có, thành, bại, được, mất, hơn, thua… làm “duyên” để tôi tìm đến những lời dạy của Thiền sư Nhất Hạnh - người được mọi người gọi bằng Sư ông đầy thương kính.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã gieo trồng niềm tin sâu chắc
về con đường tỉnh thức cho nhiều người, trong đó có những người trẻ hiện đại
Khi đó, tôi cũng không biết Sư ông là ai! Nhớ một lần trong dịp sinh nhật cách đây đã lâu, một người bạn đã tặng hai quyển sách nhỏ “Nói với tuổi hai mươi” và “Trái tim mặt trời”, hai quyển sách mà cho đến hôm nay, tôi vẫn đọc đi đọc lại, để thấy, để chiêm nghiệm những lời Thầy nhắn gởi đến thế hệ trẻ, những người đang đi hay chưa đi trên con đường tỉnh thức, hãy trọn vẹn với chánh niệm của mình bằng trái tim trong sáng, yêu thương trọn vẹn trong từng hơi thở của chính mình.
Đạo Phật không xa rời thực tế, đạo Phật không tách biệt với thế gian, với cuộc sống của mọi người. Gần gũi hơn cả khi nói về thiền, thì thiền không cao xa, không phải là những quả vị, tầng bậc mà hành giả học thiền phải đạt đến, mà thiền là quán sát, tỉnh thức, trọn vẹn trong từng hơi thở vào ra, chánh niệm ngay đây và bây giờ. Bởi, Niết-bàn là ngay đây, Tịnh độ là đây, là hiện tại trong từng hơi thở, từng tế bào đang sanh diệt trong từng sát-na của chính bản thân mình. Những lời dạy của Thầy rất gần với đời sống hàng ngày, chỉ ra cho ta thấy cái thực tại hiện tiền, để soi rọi cho chính mình luôn có chánh niệm, bởi “hơi thở luôn nuôi dưỡng và trị liệu cho mỗi chúng ta”, bởi từng bước chân trên đất Mẹ luôn mang lại niềm an lạc vô bờ mà đôi khi ta vội quên hay đánh mất.
Câu thơ của Thầy, hàng ngày khi thức dậy tôi đều đọc: “Thức dậy miệng mỉm cười, Hăm bốn giờ tinh khôi, Xin nguyện sống trọn vẹn, Mắt thương nhìn cuộc đời”, một cách tập thể dục cho từng tế bào, khởi động cho cơ thể khởi đầu một ngày mới bằng tâm yêu thương cho chính mình, và cho mọi người. Vì những lời dạy của Thầy, đã chỉ cho mình rằng, chính mình và người làm gì có sự ngăn cách, tất cả đều là sự tương tức, liên quan mật thiết với nhau, khi mình chăm sóc cơ thể mình bằng thức ăn chánh niệm, từ bi thì sự tương tức giữa mình và người trong gia đình, bạn bè, hay rộng hơn là xã hội đều có lợi lạc như một làn sóng truyền đi những rung âm an lành và tỉnh thức đến tất cả.
Xã hội càng biến động, thì những lời Thầy dạy rất hay và ý nghĩa thiết thực cho chúng ta, nhất là những người trẻ như tôi. Đôi khi, cuộc sống không bao giờ hoàn hảo, luôn có sự biến đổi không ngừng, vì con người khi sanh ra đều có một biệt nghiệp của chính mình và cũng như cộng nghiệp với nhau, do đó chúng ta luôn đối diện với những điều vừa ý với mình cũng như bất như ý. Nhưng Thầy dạy cho chúng ta cách sống bình an và chánh niệm, cách sống không sợ hãi, đối diện những khổ đau, thành bại, bất như ý cũng như là hạnh phúc đang có trong ta. Bởi ta dao động, bởi ta sợ hãi khi mình cứ xem mọi thứ là hai mặt; được mất, hơn thua, thành bại, luôn xem thân này hay mọi sự, mọi vật là thường còn, bất biến, cứ để thân tâm của mình nuôi trồng những hạt giống bất thiện, sân hận trên “mảnh đất tâm” trong chính chúng ta, mà quên đi sự có mặt của hạnh phúc, bình an luôn hiện hữu, ví như gã cùng tử luôn có hạt ngọc trong người mà không hề hay biết. Thầy dạy cho chúng ta biết cách tưới tẩm những hạt giống thiện, những hạt giống của tình thương, hiểu biết, dạy ta cách lắng nghe sâu bằng tâm từ bi rộng lớn của một Đức Quán Thế Âm đang có trong mỗi người.
Tôi có một cơ duyên khi có một nhóm những bạn trẻ trong Tăng thân, cùng thực tập pháp môn của Thầy, hàng tháng tụng giới với nhau, những buổi thiền trà hay pháp đàm, để cùng nhau lắng nghe, chia sẻ những buồn vui hay những va chạm, để năng lượng của tỉnh thức, chánh niệm, từ bi luôn được nuôi dưỡng trong tình thương của tăng thân, để những soi sáng của mọi người giúp mình trở về với hạnh phúc đang có mặt và luôn hiện hữu trong mình mà đôi khi mình thất niệm, lãng quên.
Và một điều quan trọng, Thầy luôn dạy mỗi người, hàng hậu học đừng sùng bái cá nhân hay làm theo những điều mà mình chưa tìm hiểu và trải nghiệm, cũng như Đức Phật luôn dạy chúng ta rằng các Pháp đều chỉ là ngón tay chỉ trăng, pháp môn nào cũng vậy, đừng bám víu, đừng làm con rối cho một ai, mà phải dựa vào chính mình, phải thắp đuốc lên mà đi, hãy xây cho mình một hải đảo tự thân, không nương nhờ hay chắp vá thực chứng của một người nào khác.
Nhân khánh tuế của Thầy (11-10), ngày mà Thầy biểu hiện cách đây gần tròn 93 năm và chúng ta những đệ tử kỷ niệm ngày tiếp nối này, không gì hơn là thực tập trọn vẹn với những lời Thầy dạy, chánh niệm ngay đây và bây giờ, sống trọn vẹn trong từng hơi thở, để gởi đến Thầy năng lượng bình an, vững chãi và thảnh thơi, để cùng Thầy tiếp xúc với những tươi mát, tỉnh thức và giác ngộ trên con đường sanh tử.
Tâm An Tuệ