Phật dạy Luật Nhân Quả
Nhân Quả là gì?
Nhân quả theo chữ Hán có nghĩa là hạt giống và bông trái. Nhân quả là hành động và kết quả của hành động. Nếu chúng ta lấy một hạt cam gieo trồng xuống đất, hạt cam lên thành cây cam, cây cam lớn lên cho ta những quả cam ngọt, đó là nhân và quả của cây cam.
Nếu ta lấy một hạt chanh đem ươm trồng, hạt chanh lên thành cây và cho những trái chanh chua, đó là nhân và quả của cây chanh. Hai ví dụ trên cho chúng ta thấy nhân nào thì quả nấy, hạt cam sẽ cho trái cam ngọt, hạt chanh sẽ cho trái chanh chua.
Hành động của chúng ta cũng vậy, nếu hành động ác là nhân ác. Kết quả của hành động Ác, chúng ta sẽ phải thọ chịu quả khổ đau. Ngược lại, hành động Thiện sẽ mang đến hạnh phúc, an vui cho chúng ta. Đó là luật nhân quả.
Nếu chúng ta làm một điều Ác, kết quả sẽ đem đến không những cho chúng ta, mà còn cho nhiều người khác những sự khổ đau, phiền muộn, tức giận, hận thù, oán ghét, tạo ra nhiều điều tội lỗi… Nếu chúng ta làm một điều Thiện, kết quả sẽ mang đến không những cho chúng ta, mà còn cho nhiều người khác sự an vui, hạnh phúc.
Do hành động chúng ta làm ra, thì chúng ta phải chịu lấy trách nhiệm về hành động đó, nên gọi là luật. Chứ ở đây không có một Đấng Tạo Hoá, một ông Ngọc Hoàng, Thượng Đế, hay bất cứ một con người nào chế ra định luật Nhân quả này, để bắt buộc chúng ta phải thi hành. Luật nhân quả không có người thi hành bắt bớ, phạt vạ hoặc giam cầm tù tội ai cả, nhưng nó phán xét rất công minh và xử phạt rất công lý do toà án lương tâm của mỗi người.
Vì thế, luật nhân quả rất công bằng, không thiên vị một ai. “Ai làm ác thì phải gặt lấy quả khổ đau”.
Luật nhân quả này không có một người nào bắt buộc chúng ta thi hành được, mà chỉ có sự khổ đau và sự an vui của chúng ta mới bắt buộc chúng ta phải thi hành nó.
Bởi vì, con người ai cũng muốn sống an vui, hạnh phúc, chứ không có mấy ai muốn sống khổ đau bao giờ. Vì thế, chúng ta tự bắt buộc chúng ta làm thiện, sống thiện để sống được an vui, hạnh phúc.
Chính vì vậy, chúng ta mới thấy được lòng người sợ khổ, ưa vui. Còn nếu ngược lại, chúng ta ta không làm thiện, không sống thiện, thì sự an vui, hạnh phúc sẽ không đạt thành, và vì vậy chúng ta phải sống khổ đau.
Luật mà không có ai có quyền thi hành, bắt buộc phạt vạ mình, mà mình phải chịu sự trừng phạt của luật ấy rất công minh chánh trực, được quy định theo sự hoạt động tự nhiên của vũ trụ, để quân bình trật tự an toàn của các vận động trong không gian. Vì thế, luật nhân quả là một đạo luật của vũ trụ được đặt ra để quân bình trật tự vạn vật trong vũ trụ.
Đạo Đức Nhân Bản- Nhân Quả làm Người
Trước khi học và rèn luyện Đạo Đức Thương Mình, tức là đạo đức nhân bản- nhân quả làm người, chúng ta cũng cần phải hiểu biết về luật nhân quả.
Luật nhân quả quân bình trật tự an toàn của các hành tinh trong không gian. Nếu không có luật nhân quả quy định trật tự thì các hành tinh trong không gian này sẽ bị đảo lộn, và như vậy muôn vật sống trên các hành tinh sẽ bị tiêu diệt.
Luật nhân quả không phải do con người quy chế hay một đấng tạo hoá nào lập ra, mà chính do các “hành” hoạt động theo sự vận hành vô minh tự nhiên của bản chất vạn vật mà lập thành. Từ khi có các hành vận chuyển trong vũ trụ, tạo thành những duyên mới, những duyên mới này phối hợp với các duyên khác sanh ra duyên mới khác nữa, và cứ như thế tiếp tục mãi mãi.
Sự tiếp tục vận hành này chính đó là nguồn gốc sinh ra vạn vật, chứ không có “Đấng Tạo Hoá” như trên chúng tôi đã nói ở trên. Sự vận hành là một sự sinh diệt của vạn vật trong vũ trụ. Khi có vạn vật xuất hiện lại tiếp tục vận hành tạo thành một môi trường sống, môi trường sống phù hợp cho loài sinh vật nào th. loài sinh vật ấy xuất hiện. Mãi đến khi môi trường sống phù hợp với loài người th. loài người mới xuất hiện. Khi có loài người xuất hiện mới biết phân định các hành ra làm hai phần:
1- Hành Thiện
2- Hành Ác
Nhưng con người cổ sơ chỉ biết Thiện, Ác, Nhân quả, mà chưa phân định luật Nhân quả như thế nào đúng và như thế nào sai.
Vì thế, “Đạo Đức Nhân Bản- Nhân Quả” đã biến thành “Triết Thuyết Định Mệnh” của người xưa. Mãi đến khi Đức Thích Ca Mâu Ni xuất hiện, tính từ ngày sinh của Ngài cho đến ngày nay (năm 2006) là 2550 năm. Ngài ra đời phân định được luật Nhân quả. Từ đó, giáo lý cơ bản của Ngài là nền đạo đức Nhân bản- Nhân quả trở thành chân lý của loài người (Đạo Đế). Ngài dạy chúng ta hiểu rõ được nhân Thiện và Nhân ác qua những hành động thân, miệng, ý của mỗi người.
Nếu thân, miệng, ý của chúng ta hành động Thiện, thì đó là sự hoạt động đem lại sự no ấm, an ổn, yên vui, hạnh phúc cho sự sống của mình và của vạn vật sinh linh trên hành tinh này, gọi là “nhân Thiện”. Nếu thân, miệng, ý của chúng ta hành động Ác, thì đó là sự hoạt động đem lại sự bất công, bất an, đau khổ… cho sự sống của chúng ta và của vạn vật, gọi là “nhân Ác”.
Nhân quả báo ứng cùng Luật Nhân quả
Mỗi tôn giáo đều có phương thức lí luận Nhân quả của riêng mình, nội dung cũng không giống nhau. Luật Nhân quả báo ứng được quan niệm khác nhau, thậm chí đang tồn tại sự khác biệt khác lớn.
Phật giáo, đối với “Nhân quả báo ứng“, có cái nhìn đầy đủ và thấu triệt.
Nội dung lí luận Nhân quả trong Phật pháp rất rộng. Nhân quả báo ứng thảo luận những vấn đề cốt yếu nhất của Nhân quả báo ứng, song nó chỉ là hạt nước nhỏ bé trong biển luật Nhân quả mênh mông của Phật giáo.
Nói một cách đơn giản, “Nhân quả báo ứng” chính là làm Thiện được quả báo thiện, còn làm các điều Ác bị quả báo ác. “Luật nhân quả” chính là phương thức, qui tắc cùng định luật cố định của Nhân quả báo ứng.
Những hành vi thuộc Ác chủ yếu là “Thập Ác và Ngũ nghịch”. Mỗi hành vi xấu ác, đều phải chịu ác báo tương xứng với hành vi đó. Vả lại, căn cứ vào những hành vi xấu ác nặng hay nhẹ mà có quả báo khác nhau.
Làm mười điều Ác, sau khi chết chắc chắn phải thọ khổ trong địa ngục, còn tạo ác nhẹ hơn, sau khi chết chuyển sinh thọ khổ trong loài ngạ quỉ, nếu tạo ác nhẹ hơn nữa, thọ khổ trong loài súc sinh.
Sau khi thọ hết tất cả thống khổ trong các đường này rồi, sẽ được chuyển sinh trở lại làm người, và tiếp tục bị thọ các quả báo như dưới đây:
- Sát sinh: (Trực tiếp hoặc gián tiếp sát hại, đánh đập, ngược đãi, tổn hại người, động vật, đều thuộc hành vi sát sinh, đều bị những quả báo như trên). Sẽ bị quả báo như: nhiều bệnh, tàn tật, chết yểu, nhiều tai họa, cốt nhục chia lìa…
- Trộm cắp: (Hễ tài vật hoặc đồ dùng của người khác,chưa được sự đồng ý của họ mà ta tự lấy dùng hoặc chiếm đoạt, đều thuộc trộm cắp). Sẽ bị quả báo nghèo khổ, tài sản bị người khác chiếm đoạt…
- Tà dâm: (Làm bậy, quan hệ với nam nữ, cho đến làm những việc có liên quan đến sắc tình, đều thuộc tà dâm). Bị quả báo gặp những người vợ (chồng) hung dữ, không chung thủy, vợ con bị người khác cưỡng hiếp, bà con không vừa lòng.
- Nói dối: (Nói không đúng sự thật, làm chứng bậy, không giữ chữ tín, đều phạm vào tội nói dối). Quả báo bị người phỉ báng, khinh khi.
- Nói lời trau chuốt: (Nói những lời tà dâm, những lời khiến cho mọi người nghĩ chuyện ái ân, đều gọi là nói lời trau chuốt). Bị quả báo nói ra lời nào mọi người đều không tin, không tiếp thu, lời nói không rõ ràng, diễn đạt người ta không hiểu.
- Nói lưỡi đôi chiều: (Đâm bị thóc, thọc bị gạo, gây chia rẽ, đều phạm tội nói lưỡi đôi chiều). Bị quả báo quyến thuộc chia lìa, thân tộc xấu ác.
- Nói lời hung ác: (Dùng lời tàn bạo, độc ác mắng người, đều thuộc nói lời ác). Quả báo thường bị người mắng chửi, gặp nhiều chuyện kiện cáo tranh chấp.
- Tham dục: (Tham cầu hưởng thụ các loại như tiền tài, sắc đẹp, danh lợi… say mê không có ý niệm xa rời, tất cả những thứ này đều thuộc tham). Bị quả báo tâm không biết đủ, tham dục không chán.
- Sân nhuế: (Gặp chuyện không vừa lòng liền sinh tức tối oán hận, đây tức là sân nhuế. Bị quả báo thường bị người dị nghị, nhiễu loạn khiến cho phiền não, hoặc bị hãm hại.
- Nghi: (Những người có cái nhìn tà, không tin Nhân quả). Bị quả báo sinh vào gia đình tà kiến, sinh ra nơi xa xôi hẻo lánh thiếu Phật pháp và văn minh, tâm nịnh nọt, không ngay thẳng, nhiều mưu mô quỉ kế, thích những người có tâm nịnh hót.
Theo loiphatday.org