Phật giáo mới có thể giúp chúng ta những điều sau


Vậy người ta tìm thấy điều gì ở Phật giáo để rồi tin sâu, nguyện thiết và thực hành theo lời Phật dạy. Dưới đây là những điểm khác  biệt chỉ duy nhất Đạo Phật mới có đã khiến hàng tỉ người cảm thấy vô cùng hoan hỉ vì được hưởng pháp lạc vô biên.


 
1. Đức Phật là một con người chứ không phải là Thượng đế
 
Điều đầu tiên mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy điểm khác biệt chỉ duy nhất đạo Phật mới có là về giáo chủ của Phật giáo – Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài không phải là một thần linh hay thượng đế đầy quyền uy thưởng phạt, mà là một con người thật sự như bao người khác. Tên Ngài là Sĩ Ðạt Ta (Tất Ðạt Ða), tiếng Phạn là Siddhàrtha. Ngài thuộc giai cấp Sát Ðế Lợi, dòng dõi vua chúa, con của Vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Da. Ngài sinh ra, lớn lên, đi học; vợ Ngài là Công chúa Da Du Ðà La, con Ngài là La Hầu La. Nghĩa là Đức Phật cũng có một cuộc đời rất bình thường và gần gũi với chúng ta. Ngài cũng có gia đình, có địa vị, danh vọng như chúng ta. Thế nhưng, vì thấu rõ những nỗi thống khổ sinh, già, bệnh, chết…, chứng kiến những lầm than cơ cực của dân chúng trước những bất công của xã hội Ấn thời bấy giờ, Ngài đã từ bỏ tất cả, một mình ra đi tìm đoạn trừ khổ đau.

Trải qua những năm tháng tu khổ hạnh với các vị đạo sĩ, Tất Đạt Đa vẫn không thể tìm ra lời giải đáp cho những thắc mắc của mình. Cuối cùng, Ngài đã quyết định ngồi thiền dưới cội cây bồ đề trong suốt 49 ngày. Ngài đã thấu đạt được chân lý, rõ được chân tướng của vạn pháp, Ngài đã giác ngộ thành đạo, hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Như vậy, giáo chủ của đạo Phật rõ ràng cùng bình thường như bao nhiêu người khác, những quả vị mà Ngài đạt được hoàn toàn là do quá trình tu hành tinh tấn, vượt qua biết bao nhiêu cám dỗ mới đạt thành quả vị. Điều đó đã cho thấy một rằng bất cứ ai cũng có thể thành Phật nếu không ngừng tinh tấn, tu học theo chính pháp.

2. Phật giáo không hình thành tổ chức giáo quyền trên thế giới

Khác với nhiều tôn giáo luôn có một đức giáo chủ nắm mọi quyền hành của giáo phái mình trên toàn thế giới, Phật giáo chủ trương không hình thành một tổ chức giáo quyền nào thế giới. Phật giáo khi du nhập vào đất nước nào cũng tùy theo văn hóa bản địa và truyền thống địa phương mà phát triển các tông phái, hệ phái Phật giáo phù hợp với đất nước đó.

Do đó, đạo Phật không bị tác động cũng như ảnh hưởng chi phối bởi hệ thống giáo quyền toàn thế giới. Dựa vào những giáo lý căn bản của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng như hàng vạn pháp môn tu mà Ngài hướng dẫn cho hàng đệ tử, các tổ chức, hệ pháp Phật giáo tự mình phát triển độc lập phương pháp tu tập cho Phật tử tại bản địa.

3. Quả vị đạt được là do tu tập chứ không phải tự nhiên sinh ra hay do một đấng bậc nào ban phát

Chúng sanh muốn giải thoát phải “tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Như chúng tôi đã nói ở trên, cuộc đời Đức Phật là minh chứng hùng hồn cho lời Ngài nói “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Nghĩa là mọi chúng sanh đều có thể thành Phật, đều có thể là một vị Phật trong tương lai nếu nỗ lực tu tập, giữ gìn giới luật. Trong đạo Phật, không phân biệt thành phần, đẳng cấp để đạt đến giác ngộ, tứ chúng của Phật giáo đều có thể tu tập và đều có thể đạt đến mục đích tối thượng – giải thoát, giải thoát cho chính bản thân mình và giải thoát cho những người khác.

Một bà lão ăn xin, một người bị căn bệnh ung thư quái ác, cận kề với cái chết, một Phật tử thuần thành đều có thể trở thành một vị Phật, vị Bồ Tát hay vãng sanh Tây Phương, đạt giải thoát rốt ráo. Tuy nhiên, Đức Phật chỉ là một hướng đạo sư, còn mỗi người phải tự thân tu chứng, tự giải thoát lấy mình khỏi biển khổ luân hồi.

4. Đạo Phật phản ánh khách quan chân lý thực tại

Trong Phật giáo, mọi quan hệ giữa vạn vật này đều không nằm ngoài thập nhị nhân duyên và thuyết nhân quả. Mỗi hành động tạo tác của một người đều nhận lại quả của mình ở hiện tại hay vị lai. Hạnh phúc hay khổ đau đều do tự chúng ta gieo trồng lấy chứ hoàn toàn không bị chi phối bởi quyền năng nào. Phật giáo không đưa chủ quan của mình vào trước hay trong khi suy nghiệm, sự thật và chân lý của đạo Phật là lời kết luận sau sự suy nghiệm trung thực ấy. Đạo Phật chỉ thấy và chỉ nói những sự thật mà sự vật có, không thêm không bớt. Đạo Phật không công nhận những kết quả của tín ngưỡng mê mờ, hành động manh. Đạo Phật là Đạo Chân Như tức là phản ánh thực tại những gì đang xảy ra.

5. Đạo Phật luôn lấy con người làm trung tâm

Trong thế giới quan Phật giáo, có ba cõi 6 đường. 6 đường ở đây được chia thành 6: Thiên, Nhơn, A tu la, Ðịa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Trong sáu cõi ấy, cõi người là hội đủ điều kiện tốt nhất để đạt đến cái quả vị tu chứng trong Phật giáo. Bởi lẽ, Phật giáo giải thích rằng chúng sanh ở cõi Thiên khó nhận thức được chân tướng khổ đau, vì cuộc sống của họ quá ư sung sướng.

Trái lại, ở các cõi A tu la, Ðịa ngục, Súc sanh, Ngạ quỷ, chúng sanh quá đau khổ, si mê cũng không dễ gì nắm bắt được giáo nghĩa Phật Ðà. Duy chỉ có ở cõi Nhân, con người vừa hưởng những niềm vui cũng như nếm trải những nỗi buồn, khổ đau mới có thể có quyết tâm tìm cầu giải thoát.

6. Đạo Phật hướng tới việc đào luyện con người có đầy đủ bi, trí, dũng.

Trong Phật giáo, mỗi một người khi hành trì đều được hướng đến tu tập theo 3 yếu tố: bi, trí, dũng. Bi là tâm từ, thân ái, tôn trọng sự sống của vạn loài. Trí là hành động sáng suốt lợi lạc. Dũng là quyết tâm quả cảm hành động. Dũng không có bi và trí thì sẽ thành tàn ác và manh động. Trí không có bi và dũng thì sẽ trở thành gian xảo và mộng tưởng. Bi không có trí và dũng sẽ thành bi lụy và nhút nhát. Mỗi một người cần bi trí dũng để nuôi dưỡng thân tâm.

Đặc biệt, từ bi là yếu tố cốt lõi, là chất liệu không thể thiếu trong Phật giáo. Chính tình yêu thương bằng trí tuệ sáng suốt này mà đạo Phật phát triển xuyên suốt hơn 2500 năm qua. Từ bi trong quan điểm nhà Phật không chỉ là thứ tình thương thường tình của thế gian mà còn là tình yêu thương muôn loài, không phân biệt là người hay vật, kẻ giàu hay người nghèo, là con cái hay người xa lạ… thậm chí không phân biệt giữa kẻ thù và ân nhân…Lòng thương yêu ấy tuyệt nhiên không chứa đựng bất kỳ ý niệm kỳ thị nào, dù cho đó là một tín đồ Phật giáo hay không phải. Ðối với Phật giáo, tất cả chúng sanh đều là bạn hữu, và mọi nơi chốn trên thế gian này đều là nơi chôn nhau cắt rốn, là quê hương xứ sở của mình.

7. Phật giáo được các nhà khoa học đồng tình nhất

Hiện nay, các nhà khoa học đa phần đều thừa nhận giáo lý của Đức Bổn Sư có nhiều điểm tương đồng với khoa học. Nhiều điểm trong giáo lý của đức Phật tương xứng với những phát minh của khoa học hiện đại. Nhiều quan điểm về nhân sinh quan và thế giới quan Phật giáo hoàn toàn có thê chứng minh dưới giác độ kho học. Điều đó cho thấy, Phật giáo có nhiều điểm tương xứng với khoa học. Chẳng hạn như ngày xưa, khi Phật còn tại thế, dưới nhãn tuệ của mình, Ngài đã biết trong nước có hàng ngàn vi trùng, hay trên có hằng hà sa số thế giới…

Và khoa học ngày nay, đang dần dần khám phá ra các hành tinh khác ngoài Trái Đất, thậm chí là có một hành tinh gần như giống hoàn toàn về điều kiện khí hậu, môi trường sống như thế giới mà chúng ta đang sống.

8. Phật giáo là tôn giáo bình đẳng

Nhắc đến Phật giáo, ai ai cũng phải thừa nhận đó là một đạo tôn trọng hòa bình, tự do và bình đẳng. Bởi lẽ, nếu như nhiều tôn giáo, các tín đồ đều có lời thề phải phụng sự cho vị giáo chủ của mình thì Phật giáo không hề ép ai phải theo Ngài. Mỗi người tìm đến Phật giáo và muốn trở thành Phật tử đều xuất phát từ tâm mến mộ, yêu thích đạo Phật. Đạo Phật chủ trương con người coi trọng bình đẳng. Tứ chúng đều có thể tu hành đắc đạo. Trong Lục hòa của Phật giáo thì yếu tố lợi hòa đồng quân là sức mạnh để kết nối nhân tâm. Phật giáo không phân biệt cũng như phân chia đẳng cấp trong đạo, chỉ có người đắc đạo và sẽ đắc đạo bởi tinh tấn và tu tập mà thôi.

Trong hơn 2500 năm lịch sử, những nơi Phật giáo thâm nhập đều đến trong hòa bình. Những giáo lý của Ngài được truyền bá hoàn toàn không xung đột với bất kỳ một tôn giáo nào khác, để gây ra những tác hại tiêu cực. Phật giáo đích thực là một tôn giáo khoan dung và hoà bình. Cũng vậy, người Phật tử luôn luôn được giáo dục không chỉ tin sâu đạo của mình mà còn tôn trọng các tôn giáo khác, không được phép có bất kỳ sự kỳ thị nào. Bằng thái độ như vậy ngoài việc giúp cho tôn giáo của chính mình phát triển mà các vị còn hoàn thành trách nhiệm của mình đối với những tôn giáo khác.

Cuộc đời Đức Phật chính là tấm gương sáng ngời về tinh thần bình đẳng, lợi tha. Suốt quá trình từ khi còn trẻ đến lúc xuất gia tu hành, chứng đắc rồi đi hoằng hóa lợi sanh, Ngài đều dùng tâm bình đẳng, vô sai biệt đối với chúng sanh. Từ hạng người cùng đinh như gã gánh phân, thợ cạo tóc cho đến những người giàu sang phú quý, từ những hạng người thấp hèn ti tiện như gái giang hồ cho đến các bậc vua chúa quyền uy, Ðức Phật luôn thương yêu, chân tình giúp đỡ, khuyên dạy để họ nhận thức được chân giá trị của cuộc sống và tự thăng hoa tâm hồn, đạt đến an lạc hạnh phúc. Lòng bình đẳng ấy không phải dừng lại ở nhân loại mà lan tỏa đến muôn loài vạn vật.

9. Phật giáo là tôn giáo tôn trọng sự sống

Trong giáo lý của đạo Phật, Đức Phật đưa ra ngũ giới như là cách để người Phật tử nhìn vào đó ngăn ngừa mình làm điều xấu ác. Giới đầu tiên và quan trọng trong Phật giáo là “không sát sanh” đồng nghĩa với việc mỗi người nên tôn trong sợ sống của tất cả vạn loài. Bởi lẽ, chúng sanh nào cũng ham sống sợ chết và sự sống nào cũng là đáng quý. Mỗi người không nên vì mục đích nuôi sống bản thân mà giết hại những chúng sanh vô tội. Phật giáo khuyến khích con người nên ăn chay vì vừa bảo về sức khỏe vừa trưởng dưỡng lòng từ, hạn chế sát sanh.

Có thể nói, những điểm khác biệt chỉ duy nhất đạo Phật mới có mà chúng tôi nói đến ở trên cũng chính là lý do khiến hàng triệu, thậm chí hàng tỉ người tìm đến đạo Phật, không cần một sợi dây trói buộc vô hình nào cũng nguyện trọn đời là Phật tử. Bởi đến với đạo Phật là tìm được chìa khóa giải quyết mọi khổ đau của con người. Để con người hưởng an lạc ngay trong đời hiện tại cũng như tinh tấn tu tập, thoát khỏi sanh tử, biển khổ trầm luân, đến bến bờ giác ngộ.

Nguồn Blog Phật Giáo
Tác giả: Nhuận Đoan