Phật giáo trong mạch sống dân tộc


Phật giáo từ lâu đã in sâu trong tiềm thức người dân. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Phật giáo Việt Nam luôn luôn đồng hành cùng dân tộc. Văn hóa Phật giáo vẫn xuyên suốt quá trình lịch sử, tạo một dòng chảy như “mạch ngầm” thấm sâu vào lòng người dân Việt.

Trong lịch sử tôn giáo ở Việt Nam, Phật giáo là một trong những tôn giáo có sự gắn bó và đồng hành cùng dân tộc. Phật giáo đã để lại nhiều giá trị mà ngày nay các nhà nghiên cứu tôn giáo, người dân đánh giá và ghi nhận. Văn hóa Phật giáo đã trở thành một bộ phận trong nền văn hóa dân tộc. Theo ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban tôn giáo Chính phủ, cơ duyên đã đưa Phật giáo đến với vị thế như ngày hôm nay ở đất nước Việt Nam và trong lòng người dân Việt đó là: Có được cơ duyên đó, trước hết phải nói, trước hết nội tại của Phật giáo là tôn giáo nhập thế, luôn gắn với cuộc sống hiện tại của con người, làm vơi niềm đau của con người. Và điều quan trọng nữa là khi tôn giáo đó là tốt được đưa vào Việt Nam. Dân tộc Việt luôn có truyền thống gắn bó bên nhau, khi nhận được giá trị của phật giáo, dân tộc như được tiếp thêm sức mạnh… như nhiều nhà nghiên cứu đã đánh giá Phật giáo gặp dân tộc Việt như ngọn lửa được thổi bùng lên bởi luồng gió.

Khi gặp dân tộc Việt Nam, tư tưởng từ bi hỉ xả của Phật giáo gặp tư tưởng lá lành đùm lá rách của dân tộc Việt, từ bi, hỉ xả được phát huy. Chính vì vậy trong suốt 2 nghìn năm Phật giáo đã góp phần xây dựng đạo đức văn hóa lối sống cho người Việt mà như các nhà nghiên cứu về Phật giáo đã nói, xã hội khi có Phật giáo, con người sống không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sinh. Phật tử Tâm Tiến Thọ và Nguyễn Thu Huyền ở thành phố Hà Nội nói rằng, đi chùa, nghe các thầy giảng Phật pháp bà đã giác ngộ được một điều; sống ở đời phải biết giúp đỡ người khác rồi mình cũng sẽ gặp những điều tốt đẹp:

- Sống bớt tham bớt sân, bớt si, bớt sân hận. Sống giải thoát, tức là không bao giờ chấp nhặt, xả bỏ, không tức giận ai, không làm gì sai trái cả.

- Hiểu được lời kinh sẽ hướng được cuộc sống tốt hơn thiện lành hơn bằng cách không sát sinh chẳng hạn. Sát sinh là mang tội, mang quả báo rất nặng.

Mang tư tưởng “Từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha”, Phật giáo Việt Nam đã thực sự góp phần trong việc hình thành nền tư tưởng, văn hóa dân tộc Việt Nam. Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, những đóng góp về mặt tâm linh, giáo lý của Phật giáo góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước: Phật giáo không đóng góp như các ngành khoa học, công nghệ hay mang tính chất chính trị. Nhưng mà về mặt tâm linh, về mặt giáo lý của Phật giáo đóng góp rất nhiều cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Giáo lý Phật giáo là từ bi và trí tuệ, giúp con người hình thành nhân cách, đạo đức và vì thế đã hòa nhập, ngày càng sâu rễ, bền gốc trong lòng dân tộc Việt Nam.

Hà Thảo