Quan niệm về Đức Phật


Đầu tiên, đoạn ham muốn và tiếp theo là khử ái là tình cảm bên trong. Chúng ta là những người cắt ái ly thân, nhưng trên thực tế có ly được không. Nếu liên hệ với gia đình và suy nghĩ thế gian chúng ta còn, thì thân xuất gia nhưng tâm chưa vào đạo, đó là điều nguy hiểm.


DUC-PHAT
Pháp thân Phật không chỉ hiện hữu trong giáo pháp Phật, nhưng Pháp thân Phật đã chuyển thành chân lý

Tuệ Trung thượng sĩ có gia đình, cuộc sống bình thường, nhưng ông đã cắt ái, nên lúc ông chết, bà con khóc lóc. Ông liền ngồi dậy bảo không khóc nữa, rồi nhắm mắt chết. Ông thể hiện mẫu người cư sĩ hoàn hảo là: “Cư tài chi sĩ, cư gia chi sĩ, tại gia chí Phật đạo giả”. Ở Trung Quốc có ông Bàng Công Uẩn cũng được như vậy.

Ái cắt được thì trở thành Hiền, không bị tình cảm chi phối là gặp việc đáng buồn giận, đáng lo sợ, nhưng chúng ta không buồn giận, lo sợ, vì chúng ta biết nó là như thế, hay như thị. Điển hình là bà Thắng Man đang cúng dường Phật và chúng Tăng, thì nghe báo tin rằng chồng và con bà đã bị giết chết, bà vẫn bình tĩnh, vì nghĩ rằng họ đã hết số thì phải chết, có khóc thương, họ cũng không sống lại được. Còn bà đang gặp Phật thì cần làm gì.

Khử ái được, đạt Hiền vị, theo Nguyên thủy là đạt được ba quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm và A-na-hàm, nghĩa là họ đã đoạn được kiến hoặc, tư hoặc.

Và ly tình, đắc A-la-hán. Nếu không khéo, ly tình trở thành gỗ đá. Ly tình không phải là con người vô cảm như robot và trở thành người hung ác. Điểm này là pháp quan trọng nhất của Đức Phật. Ngài không kẹt tình thương nhỏ hẹp với gia đình, nhưng tình thương của Phật trở thành bao la, tới muôn loài chúng sanh gọi là phát tâm Bồ-đề. Vì vậy, đắc quả La-hán không trụ Niết-bàn, nhưng phải phát tâm Bồ-đề. Bản thân ta giải thoát rồi, nhưng đến đây nghĩ đến tứ hoằng thệ nguyện, để tình thương chúng ta trở thành bao la, muốn cứu độ chúng sanh là hành Bồ-tát đạo. Kinh Pháp hoa khẳng định rằng không có người thành La-hán thiệt mà không phát Bồ-đề tâm.

Phật khai tri kiến cho năm anh em Kiều Trần Như đến chỗ cao nhất là đã thành tựu ba pháp: đoạn dục, khử ái, ly tình thì mỗi người đi một phương là đi hoằng pháp.

Ngày nay, nếu các anh em chưa ly dục mà đi hoằng pháp, gặp cám dỗ, lòng dục khởi dậy thì gặp tai họa liền. Trên bước đường tu nên cẩn trọng điều này.

Đức Phật có trí tuệ xác định ý này rõ ràng. Ngài bảo năm anh em Kiều Trần Như nên ngồi yên quán sát Tứ niệm xứ cho chín chắn. Việc ăn uống để Ngài lo.

Làm theo Phật, tôi lo cho các anh em có chỗ nội trú, được học hành đàng hoàng và cũng xin cơm nước cho đầy đủ sức khỏe, các anh em chỉ ráng lo học cho thành tài. Trong khi trước kia Tăng Ni ngoại trú, các anh em phải tự kiếm cơm và tiền học. Ban đầu tôi nói chỉ cần cơm thôi. Gạo cúng dường chùa Phổ Quang rất nhiều, có thể đem về trường cho anh em dùng. Về sau, các Phật tử đã đổi gạo mốc lấy gạo ngon cho trường chúng ta, như vậy là tu hành đã sanh phước.

Mô hình Phật nuôi chúng Tăng tu học thành Hiền Thánh đã hình thành ở Lộc Uyển, nhưng học xong, mỗi người đi một hướng để giáo hóa chúng sanh, nghĩa là đã có trí tuệ, có bản lĩnh, biết người nên tránh, người nên đến khai thông bế tắc.

Còn Phật thì nương Phật tu, nhưng sau khi Phật vào Niết-bàn mới có quan niệm về Đức Phật. Trước tiên, không có Phật thì nương theo pháp Tứ niệm xứ, sau gọi là Tứ Thánh đế là chính.

Thứ hai là chúng ta y theo giới luật, lấy giới luật làm thầy. Tuy nhiên, nên hiểu đúng điều này, vì nếu y vào giới luật mà lại cố chấp, chúng ta sẽ bị ràng buộc, không được giải thoát.

Nương giới luật của Phật thì 250 giới của Tỳ-kheo mà ta giữ được sẽ trở thành oai nghi của Tỳ-kheo, nên 250 giới nhân cho 4 oai nghi thành 1.000 oai nghi. Giữ giới như vậy nhằm rèn luyện chúng ta trở thành người đức hạnh có oai nghi. Như vậy, chúng ta tập từ việc đi, đứng, ngồi, ăn, nói năng, nghĩa là giới luật rèn luyện cử chỉ, hành động của chúng ta cho đúng với tư chất người tu gọi là oai nghi. Và 1.000 oai nghi kết hợp với ba nghiệp thân, khẩu, ý là có 3.000 oai nghi.

Một Tỳ-kheo phải tập đủ 3.000 oai nghi mới được xuất sư. Thực tế nhiều người thụ giới nhưng không ở với thầy, ra đời sớm quá thành hư hỏng.

Vì vậy, cần y vào giới luật để rèn luyện thành tựu 3.000 oai nghi; không được buông bỏ giới. Nhưng người cố chấp ôm luật đọc thuộc lòng, coi chừng rơi vào bệnh chấp giới điều, không thăng hoa trí tuệ thì trái với ý Phật dạy.

Thật vậy, Phật dạy chúng ta nương vào pháp Tứ niệm xứ và giới luật, nhưng nương theo đó để tiến lên Hiền Thánh trên đường đạo. Ý này Phật thường ví như qua sông cần thuyền bè; lên bờ tất nhiên không cần thuyền bè mà lại cõng thuyền bè theo thì…

Giới luật giúp chúng ta an toàn trong việc tu hành, nhưng được an  toàn, được bình yên rồi để chúng ta phát huy trí tuệ, tu cho đắc đạo, cho thành Thánh. Không phải được bình yên rồi chấp vào đó mà thụ hưởng, không tiến tu cao hơn.

Vì vậy, sau khi Phật vào Niết-bàn, người tu coi giáo pháp là Pháp thân Phật, gọi là giáo pháp Pháp thân, đó là pháp Tứ niệm xứ, mở rộng là Tứ Thánh đế. Lấy pháp này làm Phật. Cho nên nói rằng giáo pháp còn coi như Phật còn là lấy giáo pháp làm Phật. Nhận thức như vậy, người ta tôn thờ pháp, kính trọng pháp, nên lạy kinh từng câu, từng chữ, nghĩ lạy như vậy được phước.

Sau này, tu hành, trí tuệ mở ra thì thấy khác. Điển hình là Trí Giả đại sư lý giải rằng pháp Phật gồm có pháp phương tiện và pháp chân thật. Ban đầu chúng ta nương pháp phương tiện, nhưng tu đắc đạo thì chứng pháp chân thật. Thực tế cho thấy trải qua công phu thể nghiệm pháp phương tiện như lạy từng câu kinh, trí tuệ bừng sáng, giúp chúng ta thấy khác.

Pháp chân thật thì ly ngôn thuyết, ly văn tự và ly tâm duyên. Lý giải ý này, Trí Giả nói trên bước đường tu, bỏ kinh Pháp hoa văn tự trước là ly văn tự. Và ly văn tự, ly ngôn thuyết, thì ly được tâm duyên, mới chứng được pháp chân thật, mà Ngài gọi là vô tự chân kinh.

Ngài Liên Hoa Sanh của Phật giáo Tây Tạng thu gọn tinh thần Pháp hoa thành một câu thần chú là Om Ma Ni Pad Mê Hum. Và hiểu sâu câu này là đạt tới ly tâm duyên thì tâm chúng ta bừng sáng, đó là viên ngọc nằm trong hoa sen. Thân chúng ta là hoa sen vì đã đoạn dục, khử ái, ly tình và tâm chúng ta là viên ngọc, tức chứng chân lý, hay đó là vô tự chân kinh. Nói cho dễ hiểu, tâm chúng ta đã bừng sáng, thấy sự vật đúng như sự thật, lúc đó chúng ta trì được chân kinh.

Ban đầu tu pháp phương tiện, nhưng trí tuệ lần mở theo Đại thừa, cuối cùng buông hết, sống với tâm thanh tịnh, sáng suốt, vượt được tất cả chướng ngại. Học Phật là học lý này.

Và chứng được giáo pháp Pháp thân, nhìn Phật lại thấy khác, vì chúng ta không theo thân tứ đại của Phật nữa, nhưng theo trí tuệ của Phật, theo hành động của Phật. Phật khác mọi người, Ngài là bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì mọi việc làm của Ngài, tức ba nghiệp thân khẩu ý của Phật đều do trí tuệ chỉ đạo. Nhận thức như vậy, Phật giáo Đại thừa nhìn Phật là nhìn lời nói, nhìn hành động, nhìn việc làm, nhìn trí tuệ của Ngài để chúng ta phát huy trí tuệ của mình, chỉnh sửa ba nghiệp thân khẩu ý của mình theo Phật là tu, không phải tu mù.

Như vậy, theo quan niệm Đại thừa có Báo thân Phật là hành động và suy nghĩ của Phật. Và kết hợp tư tưởng này với Phật giáo Nguyên thủy, Đức Phật có Pháp thân, Báo thân và Ứng hóa sanh thân.

Đối với Ứng hóa sanh thân Phật thì quan niệm của Đại thừa và Nguyên thủy là một.

Báo thân Phật là quan niệm của Phật giáo Đại thừa.

Pháp thân Phật là quan niệm của Phật giáo Nguyên thủy.

Và kết hợp Pháp thân, Báo thân và Ứng thân Phật, các anh em tu sẽ nhận thấy Pháp thân Phật không chỉ hiện hữu trong giáo pháp Phật, nhưng Pháp thân Phật đã chuyển thành chân lý. Ta căn cứ vào đâu để nói như vậy.

Đức Phật từng xác định rằng những gì Ngài nói như lá trong tay, những gì Ngài chứng đắc và thể hiện lợi lạc trong cuộc sống cho chư Thiên và loài người ví như lá trong rừng. Thật vậy, Pháp thân Phật rõ ràng đã trở thành sự sống của nhân loại trên khắp năm châu bốn biển. Lý thậm thâm vi diệu này được kinh Pháp hoa diễn tả rằng Phật thâm nhập Pháp thân vĩnh hằng bất tử. Nghĩa là bao giờ còn chúng sanh tồn tại thì việc giáo hóa độ sanh của Đức Phật vẫn còn tác động hữu hiệu cho muôn loài.