Ðừng tuyệt vọng!


GN - Rửa bát hát và cười. Nhặt rau hát và cười. Hát gì? Câu hát Trịnh cứ tự nhiên bật ra. “Tôi là ai? Mà yêu quá đời này!”.

Tôi là ai? Là một ông tuổi đã lục tuần, nhà chỉ có cô con gái lại theo chồng, bà thì đi làm nhà trẻ đến chiều tối mới về. Thành ra tôi phải tự nấu bữa trưa, nhặt rau rửa bát, tâm tình với con Ky; nó nghe tôi vừa làm bếp vừa hát nhạc Trịnh liền vểnh tai chăm chú dẫu chẳng hiểu gì nhưng ngoan lắm!


Tôi là ai, là ai, là ai…mà yêu quá đời này - Ảnh minh họa

Câu hát ấy là một kỷ niệm khó quên với tôi cách đây chừng mười năm. Hồi đó tôi bị một chứng bệnh về đường ruột, bác sĩ cho rằng cần phải phẫu thuật, độ rủi ro 50%, có nghĩa là 5 ăn, 5 thua. Lịch phẫu thuật đã xếp, trước khi tôi chuẩn bị lên bàn mổ, người bạn đến thăm tặng tôi một máy nghe nhạc MP3, bạn ấy đã tải một số nhạc Trịnh để tôi nghe cho vui trong khi chờ ngày lên bàn mổ. Tôi lo lắm! May sao khi nghe bài hát “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” đã giúp tôi có niềm tin, lạc quan hơn và không hiểu sao vào thời điểm đó tôi rất bình tĩnh, dũng cảm khi lên bàn mổ. Ca mổ thành công tốt đẹp. Các xét nghiệm hậu phẫu đều cho thấy kết quả rất tốt. Tôi vui mừng khôn xiết, như được sinh lại lần thứ hai.

Đương nhiên tôi vượt qua được ca mổ là nhờ vào nhiều yếu tố; nhưng đối với tôi, câu niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm và câu hát Trịnh ấy thật mầu nhiệm, cho tôi nhiều năng lượng nội lực. Cái tôi lúc ấy thật mong manh, thật tuyệt vọng bên bờ sinh tử, nhưng câu hát cứ văng vẳng bên tai: “Đừng tuyệt vọng em ơi đừng tuyệt vọng/ Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông/ Đừng tuyệt vọng em ơi đừng tuyệt vọng/ Em là tôi và tôi cũng là em/…/ Tôi là ai, là ai, là ai…mà yêu quá đời này”.

Tôi là ai? Cái tôi đó thật quen thuộc với chúng ta biết chừng nào, mà đồng thời cũng xa lạ vô cùng! Không có từ ngữ nào trong ngôn ngữ loài người lại ôm trọn sự bí mật bằng cái từ “Tôi” nhỏ bé kia. Dòng sông đến và đi nhưng bí mật về cái tôi vẫn chưa hề khám phá đến tận cùng gốc ngọn. Tôi là cái gì? Cái tôi đang chình ình ra đó, là cái rõ ràng nhất và cũng không chắc chắn nhất trong trong toàn vẹn tri thức của loài người.

Nhạc sĩ họ Trịnh viết ca khúc “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” khi tuổi ông đã quá ngũ thập tri thiên mệnh; ông không giải thích câu hỏi “Tôi là ai” như những triết gia khác, mặc dù ông đã hốt nhiên bừng sáng ra được cái bản ngã, cái tôi hồi quang lấp lánh trong ông. Nhưng ông vẫn khiêm tốn tự hỏi: “Tôi là ai mà yêu quá đời này!”, để cho chúng ta tự mình quay về với cái tôi đích thực, tự nhìn sâu vào bên trong, nhìn kỹ lại chính mình mà tư duy, mà trò chuyện để hiểu được cái tôi hồn nhiên nhưng dũng mãnh đầy lạc quan yêu đời ấy; khai mở cái tôi của những ai đang còn lún sâu chìm nổi trôi lăn dưới đáy bể khổ đau thương tuyệt vọng, tự họ biết cách ngoi lên khỏi mặt nước sự sống, tự họ biết tôi là ai để mà yêu quá đời này.

Tôi thầm tạ ơn nhạc sĩ họ Trịnh bằng cách viết vẽ trên đá và trên giấy khoảng gần 100 bức thư họa tên ca khúc của ông như: Hạ trắng, Mưa hồng, Nắng thủy tinh, Biết đâu nguồn cội, Đêm thy ta là thác đổ, Dấu chân đa đàng… Tên mỗi ca khúc là hình bóng của người phụ nữ, đó là mẹ hay là em, những người phụ nữ mà ông trân trọng nhất, như là món quà dâng tặng ông.

Dù vị Ta-bà có ngọt, đắng, cay, tôi vẫn vừa rửa bát hát và cười; vừa nhặt rau hát và cười. Hát gì? “Tôi là ai, là ai, là ai… mà yêu quá đời này!”.