Quản trị nguồn nhân lực, góp phần phát triển Phật giáo Việt Nam


Hiện nay, Viễn thông - Công nghệ Thông tin ngày càng phát triển và ứng dụng sâu rộng trong mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Việc quản trị nguồn nhân lực, quản trị nhân sự của một tổ chức hoàn toàn có thể thực hiện trên một hệ thống tin học được kết nối và liên thông trên toàn quốc cũng như toàn cầu.

Phật giáo Việt Nam với chủ trương “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội” đang có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong dòng chảy chung đó, bên cạnh những mặt tích cực, cũng xuất hiện những biểu hiện lệch lạc, trái với chủ trương chính sách của nhà nước, đi ngược với tôn chỉ mục đích chân chính của đạo Phật, gây mất ổn định, mất trật tự an toàn xã hội, làm tổn hại đến uy tín của Phật giáo.

Biểu hiện lệch lạc thì có nhiều hình thái, nhiều kiểu cách nhưng tựu chung lại vẫn biểu hiện thông qua con người mà cụ thể là ở các tăng sĩ, ở phật tử tín đồ.

Thẳng thắn xem xét, phân tích tìm giải pháp cho vấn đề này được xem là yêu cầu bức thiết cả về lý luận và thực tiễn, giúp làm phong phú thêm cơ sở khoa học cho chính sách của nhà nước đối với Phật giáo.

Qua đó, bản thân Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm để định hướng sự phát triển của Phật giáo theo cách bền vững, đúng phương châm hành đạo vốn có. Hội thảo của Ban Tăng sự T.Ư với chủ đề:“Thống kê tăng ni, phật tử ở Việt Nam lý luận và thực tiễn". Con xin được bày tỏ suy nghĩ của mình về những vấn đề sau.

Vấn đề quản trị đội ngũ nhân sự tăng sĩ
Tăng sĩ là lực lượng có vai trò quan trọng, quyết định trong việc truyền bá và phát triển Phật giáo. Phật giáo càng lớn mạnh và ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội thì việc quản trị đội ngũ nhân sự tăng sĩ càng cần được quan tâm. 

Từ xưa, trong lịch sử Phật giáo Việt Nam đã từng có chế độ và nề nếp cấp phát tăng điệp, độ điệp để nắm bắt tình hình sinh hoạt, tu tập, đi lại của các tăng sĩ. Triều Minh Mạng, nhà Nguyễn, đã 3 lần tổ chức sát hạch tăng sĩ vào các năm 1830, 1835 và 1840 nhằm chọn lọc và tìm ra những tăng sĩ giỏi, tạo điều kiện để họ phát huy sở trường, tích cực hành đạo; đồng thời cương quyết loại trừ những người không có thực tu, thực học ra khỏi các chùa chiền. Hình thức chọn lọc này được xem là cần thiết, có tác dụng tích cực đến sinh hoạt Phật giáo lúc bấy giờ.

Những kinh nghiệm và bài học lịch sử đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị khi mà Phật giáo Việt Nam đang phát triển sang một giai đoạn mới cùng với sự nghiệp đổi mới và hội nhập của đất nước; khi mà đòi hỏi đội ngũ tăng sĩ phải hành đạo ngày càng có tổ chức, đòi hỏi về trình độ Phật pháp, uy tín đức độ của mỗi vị tu hành ngày càng cao.

Nếu Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức thì mỗi vị tăng sĩ có thể được coi là một nhân sự, là một phần nguồn lực con người của tổ chức ấy. Theo cách diễn đạt hiện đại thì để có một tổ chức ngày càng vững mạnh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần cơ chế quản trị đội ngũ nhân sự tăng sĩ của mình.

Bước đầu tiên vô cùng quan trọng trong quản trị là công tác thống kê. Thống kê được tăng sĩ, chùa chiền, tự viện, thậm chí rộng ra hơn là cả số lượng phật tử tín đồ gắn với các vị tăng sĩ và cơ sở tu tập đó theo nhiều tiêu chí khác nhau sẽ giúp Giáo hội Phật giáo Việt Nam có cái nhìn tổng quan về nguồn lực con người của tổ chức. 

Từ cái nhìn tổng quan ấy sẽ tiến hành tiếp những bước quản trị sâu hơn như định hướng quy hoạch, phân bổ, bồi dưỡng, phát triển nguồn lực; đặc biệt là sẽ đi tới kiểm soát được nề nếp sinh hoạt, tu tập và di biến động của từng cá thể.

Viễn cảnh mỗi tăng sĩ sẽ có một mã số quản lý và toàn bộ dữ liệu về sinh hoạt, hoạt động tu tập, di trú, hoằng pháp của tăng sĩ sẽ thống nhất lưu trữ ở server của Giáo hội không phải quá xa vời. Việc này có thể hình dung giống như mỗi công dân sẽ được chính quyền cấp một “ID” vừa để chứng minh quyền hợp pháp của công dân ấy trong xã hội đồng thời cũng sẽ phản ánh những nghĩa vụ mà công dân phải đáp ứng theo nguyên tắc của nhà nước.

Để hiện thực hóa viễn cảnh nói trên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần sớm lưu tâm xây dựng một đề án tổng thể về quản trị đội ngũ nhân sự tăng sĩ trong toàn quốc và có thể mở rộng cả ở nước ngoài (đối với Chư tăng Việt Nam đang sinh hoạt, tu học, hành đạo ở nước ngoài).
Ảnh minh họa (Sưu tầm: Internet)
Đề án sẽ quán xuyến toàn bộ các việc cần làm như: đầu tư xây dựng hạ tầng Viễn thông – Công nghệ Thông tin; đầu tư giải pháp và quy trình tập hợp dữ liệu; phân tích xử lý dữ liệu; nghiên cứu quy hoạch, điều tiết và định hướng phát triển đội ngũ tăng sĩ; xây dựng các bộ nguyên tắc và chuẩn mực về nhân sự tăng sĩ,…. 

Có một đề án tổng thể và đề án ấy được vận hành thường xuyên bởi một bộ phận chuyên trách thì việc vạch ra các kế hoạch thực hiện cụ thể sẽ thuận lợi và thông suốt.

Vấn đề tổ chức đội ngũ phật tử - tín đồ
Đối với các phật tử - tín đồ, rất cần phải định vị họ theo những hệ thống tiêu chí riêng biệt để phân luồng, phân nhóm sao cho phù hợp. Lấy ví dụ về tiêu chí tần suất tham gia tu tập, sinh hoạt tại chùa thì các phật tử - tín đồ có thể chia về các nhóm như sau: Nhóm những người đến chùa tu tập & sinh hoạt thường xuyên; nhóm những người chỉ một tháng đôi ba lần vào các ngày sóc, ngày vọng và nhóm những người thỉnh thoảng đến chùa thực hiện nhu cầu tín ngưỡng, cầu nguyện.

Hay lấy tiêu chí về tuổi thì có thể chia thành nhóm người cao tuổi, nhóm trung niên đã ổn định cuộc sống và nghề nghiệp, nhóm thanh thiếu niên bắt đầu có nhu cầu tìm hiểu, học hỏi, sinh hoạt Phật pháp…. Nhờ có việc thống kê chia nhóm như vậy mà Giáo hội có thể đánh giá được mức độ phát triển của Phật giáo trong từng nhóm cộng đồng dân cư.

Một câu hỏi cũng cần mạnh dạn đặt ra là: “liệu chúng ta cứ phải cần một đội ngũ phật tử - tín đồ thật đông đảo hay không?”. Lẽ dĩ nhiên, việc hướng tới một số lượng ngày càng đông đảo những người hiểu đạo và theo đạo là điều cần thiết và ai cũng mong muốn. Tuy nhiên, như cổ nhân đã có câu: “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Đông nhưng không tinh, nhiều nhưng không có chất lượng thì sự đông và sự nhiều chưa phải là lý tưởng.

Niềm mong mỏi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là ngày càng có nhiều bậc nhân sĩ Phật giáo, nói cách khác là đông những vị trí thức tham gia sâu hơn vào phật sự chung của Giáo hội. Họ vẫn được đặt cho danh xưng là “Cư sĩ phật tử tại gia”.

Nếu các tăng sĩ là những vị mô phạm ở chùa, là nơi nương tựa, đặt niềm tin cho phật tử, quần chúng, là người hướng đạo cho quần chúng thì những cư sĩ phật tử tại gia là những người hiểu giáo lý Phật Đà với nếp sống chân chính, nương theo tam quy, ngũ giới, thập thiện, bát chính đạo,… họ mới là người cảm hóa, thu hút bạn bè, thân quyến theo đạo, thực hành đạo trong nếp sống hàng ngày góp phần làm cho xã hội an hòa, phát triển. 

Thực tiễn cho thấy, nhiều vị tu sĩ, thậm chí là cả các bậc cao tăng, sở dĩ biết đến đạo là do nhân duyên nơi gia đình, phụ huynh, người thân, bạn bè dìu dắt bước đầu và sau đó mới tiến đến mức vào chùa xuất gia tu tập.

Nhìn về lịch sử Phật giáo cận đại, khoảng những thập niên 30 và 40 của thế kỷ trước, đã xuất hiện những vị cư sĩ phật tử tại gia, nhân sĩ trí thức phật giáo tiêu biểu, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp chấn hưng của Phật giáo. Có thể kể ra đây các cụ Nguyễn Đăng Quốc, cụ đồ Nam tử Nguyễn Trọng Thuật, cụ Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Tố, cụ Minh Tâm - Lê Đình Thám, cụ Thiều Chửu,… hay các huynh trưởng như cữ sĩ Võ Đình Cường, cư sĩ Tống Hồ Cầm,…

Họ là những trí thức luôn ở bên cạnh tăng già với lý tưởng và nhiệt huyết, đã góp phần cùng với tăng già làm cho Phật giáo chuyển mình, phát triển. Còn nhìn trở lại với hiện tại, vừa là thiếu hụt nhưng cũng là thiếu sót khi mà Giáo hội vẫn chưa thực sự hội tụ được một lớp người tiêu biểu giống như gần 100 năm trước đã từng có.

Là một tôn giáo có bề dày lịch sử hơn 2000 năm đồng hành cùng với dân tộc, ảnh hưởng nhiều mặt tới đời sống chính trị - kinh tế - xã hội - văn hóa, Phật giáo đã và đang đóng một vai trò nền tảng cho đời sống đạo đức và tinh thần của người Việt Nam. Để tiếp nối sứ mệnh cao cả đó, việc xây dựng một đội ngũ phật tử - tín đồ vững mạnh, làm động lực cho sự phát triển của Phật giáo và Giáo hội là điều vô cùng cần thiết.

Đó phải là những phật tử - tín đồ hiểu đạo, hành đạo bằng niềm tin giác ngộ, đưa giáo lý Phật Đà vào trong từng nếp nghĩ, nếp sống hàng ngày. Họ là lực lượng hộ pháp, xiển dương giáo pháp, tạo nên lợi lạc cho bản thân, gia đình và xã hội bằng chính sự thực hành giáo pháp, lan tỏa giáo pháp trong nếp sống hàng ngày của phật tử.

Một số định hướng tư tưởng cần quán triệt trong công tác quản trị nhân sự tăng sĩ và tổ chức phật tử - tín đồ
Đối với tăng sĩ, từ xưa đức Phật đã chỉ dạy nếp sống sinh hoạt rất đẹp qua tinh thần lục hoà cộng trụ của tăng chúng. Trong kinh Du Hành, kinh Bộ Trường A-Hàm đức Thế Tôn chỉ dạy về bảy phương pháp giữ gìn cho chính pháp hưng thịnh và tăng đoàn không bị tổn hại suy thoái như sau:

Thứ nhất, chư vị Tỳ kheo nên thường xuyên hội họp đông đủ để trao đổi luận bàn về chánh pháp.

Thứ hai, các vị Tỳ kheo nên đến với nhau trong sự hoà thuận đoàn kết và giải tán trong tinh thần hoà hợp đoàn kết vui vẻ.

Thứ ba, hội chúng Tỳ kheo nên tôn trọng giới luật đã được ban hành, không nên tự ý hủy bỏ, và sống đúng với giới luật đã chế định.

Thứ tư, các vị Tỳ kheo biết tôn trọng, vâng lời các bậc Trưởng thượng đạo cao đức trọng, có kinh nghiệm tâm linh, và nghe theo lời dạy của các vị đó.

Thứ năm, chư vị Tỳ kheo nên sống thanh khiết đạm bạc, đừng để cho tham dục trần tục lôi cuốn.

Thứ sáu, các vị Tỳ kheo nên biết trân quý đời sống tĩnh lặng.

Thứ bảy, hội chúng Tỳ kheo tự thân an trú tỉnh giác chánh niệm, khiến các bạn đồng tu đến nương tựa và cùng nhau sống an lạc giải thoát.

- Này chư vị Tỳ kheo! Ngày nào các vị còn thực hành bảy pháp bất thối chuyển này thì chánh pháp sẽ mãi hưng thịnh và tăng đoàn sẽ không bị thối chuyển, không một thế lực nào bên ngoài có thể phá hoại được.

Hàng năm, tại các kỳ An cư Kiết hạ các cấp Giáo hội thường xuyên tổ chức các khóa bồi dưỡng trụ trì thông qua nhiều hình thức chia sẻ kinh nghiệm tổ chức, hành đạo tu tập, kinh nghiệm hoằng pháp....góp phần làm cho tăng già được chấn chỉnh, Phật pháp được hưng long.

Tuy nhiên, hình thức sinh hoạt sơn môn, pháp phái cũng rất cần chú trọng. Xây dựng sơn môn gắn kết vững mạnh; lấy giới luật làm nền tảng; lấy lý tưởng đạo pháp thanh tịnh giải thoát làm định hướng, "truyền đăng tục diệm" giáo lý Phật Đà đến với nhân sinh xã hội, thì tăng già sẽ lớn mạnh và phát triển.

Đối với các phật tử - tín đồ, nhất là các cư sĩ phật tử tại gia thì cần sớm được phổ cập những kinh sách Phật học, kiến thức Phật học phổ thông, các nghi lễ phổ cập để mỗi người thường ngày thực hành học hỏi. Nhất là đối với các phật tử, quần chúng tín đồ vùng sâu vùng xa, đồng bào thiểu số cần có những quan tâm đặc biệt, phù hợp với văn hóa vùng miền, nếp sống văn hóa, nếp suy nghĩ của đồng bào. Cần trú trọng đến việc hoằng pháp từ chính những người bản địa.

Thực tế cho thấy ở các vùng sâu vùng xa, các tỉnh miền núi, chính những phật tử là người dân tộc lại là những người thu hút, hướng dẫn được nhiều người dân tộc theo đạo, trong đó đã có người phát tâm xuất gia (vấn đề này Giáo hội cần có chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm riêng, chuyên sâu).

Giáo hóa để mọi người hiểu rõ bản chất của tu là sự chuyển hóa thân tâm, là thực hành các thiện pháp, hiểu thấu giáo lý về nhân quả, nghiệp báo chứ không hiểu một cách chung chung, không thấu đáo, vô tình tầm thường hóa hoặc thần bí hóa những chân lý rất khoa học, rất thiết thực của nhà Phật.

Giáo lý Phật Đà cao quý, kỳ diệu giá trị nhân văn chính ở chỗ luôn lấy con người làm trung tâm, thể hiện tinh thần dân chủ trong nếp sống sinh hoạt, coi trọng tính "giác" ở nơi mỗi con người, đặt niềm tin nơi con người. Chính các phật tử - tín đồ, chính quần chúng nhân dân có cảm tình với Phật pháp sẽ là những người hoằng pháp, hộ trì Phật pháp, lan toả sức mạnh của Phật pháp tốt nhất.
 
Tỳ kheo Thích Thanh Huân, Phó Chánh Văn phòng 1 Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Pháp Vân, Hà Nội.