Những tiếng chuông phản tỉnh


GN - Thật sự bây giờ tôi mới thấy được giá trị sâu sắc lời nói của những bậc thầy khi tiếp nhận người xin xuất gia. Ngài nói rằng: “Bây giờ tạm thời tôi sẽ cho chú ở chùa làm công quả một thời gian. Khi nào tôi thấy chú phân biệt một cách tường tận giữa 'trắng và đen' thì khi đó tôi mới cạo tóc cho chú xuất gia”.


Xuất gia là đi theo lý tưởng cao đẹp - Ảnh minh họa


“Trắng và đen” là vị thầy muốn nói đến người xuất gia phải phân biệt được “thiện và bất thiện”; đâu là việc nên làm của người xuất gia, đâu là việc của người thế tục. Cần thấy rằng thời trước, xuất gia cho một người chọn lựa rất là kỹ, cho nên bấy giờ người xuất gia không được nhiều như ngày nay.

Còn ngày nay một số vị thầy vì tâm nguyện độ tha nên có tư tưởng rằng: “Tội cho họ, cứ xuất gia cho họ càng sớm càng tốt, tu được ngày nào hay ngày đó, họ tu chỉ một ngày nếu hoàn tục cũng có phước ngày đó vậy”.

Thật sự tư tưởng này không sai, nhưng chính vì điều này đã làm cho những ngoại đạo, những người không biết gì về Phật pháp, những người không tin nhân quả... cũng được xuất gia. Rồi khi họ xuất gia, cạo đi mái tóc, khoác lên mình chiếc áo tu rồi bắt đầu “mượn đạo tạo đời”. Những thành phần bất hảo này đã làm cho Phật pháp và uy tín của Giáo hội bị ảnh hưởng trong thời gian qua. Những sự việc như thế đã làm cho tín đồ Phật tử mới chập chững vào đạo, niềm tin Phật pháp chưa vững đã bị lung lay, thối chuyển.
 
Điều đó thật vô cùng đáng tiếc, vì sao thế? Chúng ta hãy tự hỏi lấy lại chính mình: “Một con sâu có thể làm sầu nồi canh chăng?”. Chẳng lẽ hạt giống bồ-đề mà chúng ta ươm mầm chăm sóc bấy lâu, lại dễ bị thối thất chỉ vì những thành phần như thế sao? Chính vì Giáo hội và bổn sư đã có những sơ hở, tạo cơ hội cho các thành phần ngoại đạo, bất hảo xuất gia, đã vô tình tạo ra “những vi trùng trong thân sư tử”. Chúng ta đã thấy nghe chuyện những thầy này, cô kia trong thời gian gần đây làm cho chúng ta ngạc nhiên, buồn...

Thời Đức Phật còn tại thế cũng đã có những hạng ngoại đạo muốn phá hoại Phật pháp, nên xuất gia làm Sa-môn. Sau khi làm Sa-môn thì họ làm tất cả những việc “hữu dư” nhằm gieo vào tư tưởng của người dân là “đệ tử Phật đã làm như thế này, như thế kia....”. Khi Đức Phật biết được có những người như thế, Ngài đã họp và tẫn xuất những người như thế ra khỏi Tăng đoàn.

“Này các Tỷ-kheo, biển lớn không chứa chấp xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên trên đất liền. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, người nào là ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh, không phải Sa-môn mà tự xưng Sa-môn, không sống phạm hạnh, nội tâm hôi hám, chứa đầy tham dục. Chúng Tăng không sống chung với người ấy, lập tức hội họp lại và đuổi người ấy ra khỏi chúng Tăng” (Kinh Tiểu bộ, chương 5, phẩm Trưởng lão Sona).

Thật vậy, khi có xác chết ngoài biển khơi, những cơn sóng sẽ đưa xác ấy tấp vào bờ. Những người phá giới cũng vậy, không thể tồn tại trong biển cả Phật pháp. Những người con Phật thấy được những điều như thế cần phải “phản quan tự kỷ”, hãy tự soi chiếu lại chính mình. Dẫu biết rằng “Phật pháp bất ly thế gian” nhưng chúng ta phải luôn cảnh tỉnh lại chính mình “hòa đồng chứ không hòa tan”, đừng bao giờ bị lôi kéo bởi những thứ cám dỗ thường tình của thế gian mà đánh mất đi lý tưởng giác ngộ, giải thoát.

Đối với người Phật tử cần phải hiểu Tứ y (bốn điều y cứ), trong đó có “Y pháp bất y nhân”. Nghĩa là chúng ta học Phật, nương tựa giáo điển mà Đức Phật đã để lại, đó chính là chân lý. Nếu như chúng ta không nương tựa vào giáo pháp mà lại nương tựa vào một vị thầy nào đó, lỡ như vị đó làm sai điều gì, sẽ khiến cho chúng ta suy sụp về tinh thần, làm cho niềm tin Phật pháp trong tâm chúng ta bị thối chuyển lung lay, thì chúng ta đã đi lầm đường, tu tập sai đường lối của Phật dạy vậy.