Quy y và tên pháp danh


Mọi người muốn có tên pháp danh cần phải quy y thì được gọi là phật tử, còn những người chỉ muốn lấy một cái tên để cầu mạnh khỏe, hay vì mục đích ý nghĩa riêng khi nhờ thầy đặt cho thì việc đó cũng chỉ là có một cái tên hiệu để gọi mà thôi. 

Vì đạo một đời mà tu sửa 
Quay đầu chuyển đổi nghiệp khi xưa 
Khai tâm chơn chánh xua màn tối 
Mở trí thông hành xóa mây mưa 
Y áo sửa sang lo trọn vẹn 
Mõ Chuông chỉnh đốn để xin thưa 
Mười phương phát nguyện cùng Tam Bảo 
Lạy Phật quy y cũng đã vừa! 
- (
Nguyễn Tâm)

Theo đạo Phật tức là chúng ta hành theo những điều chỉ dạy của đức Phật về sự từ bi vô lượng, thương độ hữu chúng sinh. Những người hay đi chùa thì đều biết về Tam quy ngũ giới. Đó là nơi chúng ta có thể trở về tìm lại suối nguồn chân hạnh phúc mà ta đã vô tình đánh mất từ thửa nào, một nơi nương tựa tâm linh vững chắc, quay về nương tựa Tam Bảo đó cũng chính là lúc chúng ta có một cuộc sống có ý nghĩa và an lành hơn. 

Giáo lý nhà Phật, cũng như đức Phật có quy định là có bốn hàng đệ tử Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni là những người xuất gia, còn Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di là những cư sĩ tại gia là cận sự nam và cận sự nữ luôn phụng sự Tam bảo. Theo một lẽ thông thường thì để có pháp danh tức nói nôm na là tên ở chùa thì cần phải Quy y Tam Bảo. Cái tên đó do sư thầy bổn sư đặt và lúc đó chúng ta mới là một phật tử chân chính, đệ tử của đức Phật. Đệ tử tại gia thì sẽ làm lễ Quy y trở thành một đệ tử của đức Phật và thọ năm giới. 
Đối với một số chùa thì ngày Rằm, lễ lớn hay chùa đó tổ chức Quy y thì đệ tử sẽ phải có mặt. Trong lễ Quy y đối với một số nơi vùng sâu, xa xôi thì có thể tại tư gia của một gia đình phật tử, ở đó thiết lập một bàn thờ Phật và một bàn cho sư thầy bổn sư, sau đó thầy sẽ làm lễ Quy y, truyền năm giới cơ bản cho phật tử tại gia rồi thầy sẽ đặt tên (pháp danh). Tên pháp danh thì sẽ tùy theo thầy bổn sư đặt có thể là theo dòng kệ các phái, cũng có thể đặt theo tên chùa hoặc đặt nữ là Diệu nam là Tự hay Thiện… cái đó sẽ tùy mỗi cách đặt tên của thầy bổn sư.

Chúng ta sống ở đời nhiều nên sẽ có những tập khí của cuộc sống ngoài đời, nên theo cá nhân con xin pháp danh qua mạng sẽ giống như chúng ta xin một món đồ, món ăn... Vậy tại sao ngay bây giờ mình không tách riêng biệt giữa đời và đạo, con nghĩ như vậy mình sẽ có cơ hội nhận diện bản thân mình rõ hơn.

Có nhiều người xin các thầy đặt cho một pháp danh qua mạng thì con chỉ có vài điều chia sẻ rằng đó chỉ là tên gọi mà thôi và khi đã xin pháp danh tức là chúng ta đang hạnh theo lời đức Phật, thiên hướng một phần ý niệm về Phật giáo. Vậy tại sao chúng ta không thu xếp một ngày nào đó tới một ngôi chùa và bạch thầy trụ trì xin làm lễ Quy y Tam Bảo và trong lễ Quy y đó sẽ có tên pháp danh. Con thấy hành động đó rất dễ thương. Điều đó không mấy khó khăn mà còn rất ý nghĩa.

Hãy xem trong một bát canh
Oán sâu thành biển, hận thành non cao
Muốn xem nguồn gốc binh đao
Lắng nghe lò thịt tiếng gào đêm thâu

Đường đời có muôn vạn nẻo, luôn bị đắm chìm trong biển khổ, chạy theo những lầm lũi vô minh, luôn sống trong nghiệp lực, vô định không biết đâu là bến bờ của hạnh phúc và sự giải thoát. Có bao giờ chúng ta tự hỏi mình “Mình đang tồn tại đó nhưng thật sự đã sống trọn vẹn trong từ sống đó chưa?” Quay về nương tựa hải đảo tự thân, chánh niệm là Phật soi sáng xa gần…Tam Bảo là thuyền từ cứu độ đưa người vượt qua sông mê, là ánh tuệ đăng soi sáng màn đêm u tối, đem đến an vui hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Trên đây chỉ là sự chia sẻ của con, nếu con có nói không đúng, con vẫn là chúng sinh còn vô minh nhiều, ngưỡng mong quý chư tôn hoan hỷ cho con!

Diệu Minh