Sự thương-ghét của con người


Không hiểu con người biết thương-ghét tự bao giờ. Chắc chắn khi còn nằm trong bụng mẹ thì không có thương -ghét. Rồi khi còn chập chững biết đi, chắc cũng chưa biết thương-ghét. Thế rồi khi vào trường Mầm Non (Preschool) lúc ba tuổi chắc cũng chưa biết thương-ghét.

Không hiểu con người biết thương-ghét tự bao giờ. Chắc chắn khi còn nằm trong bụng mẹ thì không có thương -ghét. Rồi khi còn chập chững biết đi, chắc cũng chưa biết thương-ghét. Thế rồi khi vào trường Mầm Non (Preschool) lúc ba tuổi chắc cũng chưa biết thương-ghét. Có lẽ con người bắt đầu biết thương-ghét hay bộc lộ thương- ghét khi vào trường Mẫu Giáo (Kindergarten) lúc năm tuổi chăng? Một số thương-ghét do giáo dục mà có. Một số do nhồi sọ, tuyên truyền, đầu độc mà có. Một số do biên cương, biên giới khác biệt mà có. Một số thương-ghét có thể do tự nhiên mà có, mà Phật Giáo gọi là nghiệp lực của chúng sinh từ vô thủy tới nay. Sự thương-ghét có thể được truyền từ đời này sang đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác. Chúng ta không những thù ghét người sống mà thù ghét luôn cả những người đã chết và cả những người ở nơi xa lắc xa lơ mà chúng ta chưa hề biết mặt. Sự thương-ghét của con người, nếu có hình thù, cả hư không vô tận này chắc chứa cũng không hết. Chẳng hạn, ghét một người nhưng thù ghét luôn cả gia đình, họ hàng hay cả nước người ta.
Yêu nhau yêu cả đường đi.
Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng. (Tục Ngữ)
Sau đây là một số thương ghét, có thể do “bản chất” hay “bản tính” của con người và rất “tự nhiên”. Tự
 nhiên theo nghĩa nó bộc lộ liền mà không cần lý trí can thiệp.:
1) Ghét bỏ cái gì xấu xí. Thương quý cái gì đẹp đẽ. Đàn ông, đàn bà đẹp đẽ là nguồn mê đắm lớn nhất của kiếp người. Con cái trong nhà, đứa xấu xí nhiều khi bị hắt hủi. Cây trái thật ngon,nhưng trông bề ngoài xấu xí nhiều khi cũng không được ưa chuộng.
2) Ghét bỏ cái gì héo tàn. Trân trọng với cái gì tươi tốt. Hoa tươi trưng lên bàn thờ nhưng khi héo rồi thì quăng vào thùng rác không thương tiếc.
3) Ghét sợ cái gì nhọn sắc. Thích cái gì tròn trịa. Cho nên trong Phật Giáo hay dùng chữ “viên” để chỉ sự hoàn hảo như: viên dung, viên mãn, viên giác.
4) Ghét màu sắc chói lọi. Thích màu sắc dịu dàng. Màu sắc chói lọi làm chóa mắt người ta. Con bò thấy màu đỏ (màu máu) là lao vào húc.
5) Ghét thói điểm trang lỏe loẹt. Thích lối điểm trang nhã nhặn. Trong hội họa, trường phái sử dụng màu sắc của hoa rừng, thú rừng gọi là Trường Phái Dã Thú.
6) Ghét cái gì bề bộn. Thương cái gì ngăn nắp. Một thành phố dù văn minh như thế nào đi nữa mà đường phố nluộm thuộm, ngổn ngang, vẽ bậy lên tường thì cũng bị chê cười.
7) Ghét sợ cái gì bầy hầy. Thích cái gì lành lặn. Vào siêu thị, nhìn một đống thịt bầy hầy, người ta sợ. Nhưng cũng thịt đó, nếu được cắt và trình bày khéo léo thì người ta lại thích.
8) Không ưa cái gì méo mó, lệch lạc. Thích cái gì vuông vức cho nên người ta nói “Mẹ tròn con vuông” là để chỉ chuyện bình an, tốt lành. Một món đồ dù rất tốt nhưng nếu bị méo mó đi một chút, người ta cũng sẽ từ chối. Chiếc xe mới toanh, bị đụng móp một chút cũng mất giá trị.
9) Ghét sợ cái gì tối tăm. Ưa thích cái gì sáng sủa. Địa ngục thì tối tăm. Cung trời thì rực rỡ. Khi tham dự đám tang, người ta mặc quần áo màu đen. Nhưng hiện nay các chiến binh Hồi Giáo lại dùng màu đen làm biểu tượng cho ngọn cờ của mình. Màu đen đang là màu ưa chuộng của thế kỷ, nhất là ở Trung Đông và Hoa Kỳ.
10) Ghét cái gì tàn bạo. Kính trọng cái gì an lành.
11) Ghét cái gì ngông cuồng. Thích cái gì vừa vừa phai phải.
12) Ghét chiến tranh. Ưa chuộng hòa bình. Nhưng có rất nhiều người hay quốc gia thích chiến tranh, rất thích chém giết mà người ta gọi đó là “diều hâu”, hiếu chiến, trong Phật Giáo gọi là quỷ thần A Tu La.
13) Ghét lời nói dữ dằn. Thích lời nói ôn hòa.
14) Ghét thói tự cao. Ưa lời khiêm tốn.
15) Ghét và khinh miệt lối sống ích kỷ. Quý trọng sự vị tha.
16) Ghét lời nói mỉa mai. Thích lời nói ý tứ.
17) Ghét lời nói bịa đặt. Thương mến người “Có sao nói vậy”.
18) Ghét thù lời nói cay độc. Thích, ưa lời nói hiền hòa.
19) Ghét, khinh lời nói đâm thọc. Kính trọng lời nói ngay thẳng.
20) Ghét khinh lời nói chia rẽ. Kính trọng lời nói đoàn kết. Nhưng trên thế giới này cũng có rất nhiều người thích lời nói chia rẽ, phổ biến lời nói chia rẽ, kích động hận thù.
21) Ghét điều gian dối. Ưa điều chân thật.
22) Ghét thói lưu manh, lường đảo. Quý, thích sự thật thà.
23) Ghét thói côn đồ. Ưa kẻ hiền lành.
24) Ghét tham quan ô. Kính trọng, quý mến, có khi lập miếu thờ các vị quan liêm chính.
25) Ghét thù  bạo chúa. Kính trọng vua hiền đức, có khi lập đền thờ.
26) Ghét bọn xu nịnh. Mến kẻ trung thần.
27) Ghét kẻ phản quốc. Yêu người ái quốc.
28) Ghét kẻ hại người. Quý kẻ cứu người.
29) Ghét kẻ phá hoại. Yêu người xây dựng.
30) Ghét kẻ gian dâm. Thương người đoan chính.
31) Ghét kẻ phản bội. Thương người trung tín.
32) Ghét kẻ phá giới. Kính người trì giới.
33) Khinh kẻ xuất gia mà còn bon chen thế tục. Kính người đạo hạnh.
34) Ghét kẻ nhố nhăng. Thương người mẫu mực. Nhưng hiện nay một số quốc gia Á Châu cũng đang bắt chước thói nhố nhăng của Âu-Mỹ. Nhố nhăng tại Âu-Mỹ lại là biểu tượng của “tự do tư tưởng” và hình như càng nhố nhăng càng được người ta chú ý và thành công nhất là ca sĩ và người mẫu. Sau vụ Chairlie Hebdo, Ô. Tony Blair nói rằng “Tự do ngôn luận không có giới hạn” tức báo chí muốn chửi ai, thóa mạ ai cũng được.
35) Ghét kẻ trọc phú. Quý kẻ thương người.
36) Ghét kẻ ăn chơi. Thương người cần kiệm.
37) Khinh kẻ ăn bám. Quý người tự lập.
38) Khinh kẻ lười biếng. Quý người chăm chỉ.
39) Ghét kẻ khinh người. Thương người khiêm tốn.
40) Ghét thói mánh mung. Yêu mến thật thà.
41) Ghét thói gian tà. Ưa người ngay thẳng.
42) Khinh ghét lối làm việc vô lương tâm. Kính trọng kẻ làm việc có lương tâm.
43) Ghét lối làm việc vô trách nhiệm. Thương người làm việc cẩn trọng.
44) Ghét thói kiêu căng, tự cho mình là  “lãnh đạo”, “number one”, “số một” hay “ông nội” người ta. Quý kẻ biết điều.
45) Và còn cả ngàn vạn thứ thương-ghét khác nữa, không sao kể hết.
            Cái mà mình thích thì thương. Thương thì quý trọng, có khi hy sinh cả thân mệnh để bảo vệ. Thử đụng tới con chó mà mình thương thử xem. Có khi giết người ta luôn không biết chừng.
 Còn ghét… nhẹ lắm thì, chửi rủa, nói xấu, xa lánh, kỳ thị (không chơi, không giao tiếp), xua đuổi.  Mạnh hơn là đốt phá nhà của người ta, giết hại cả gia đình người ta. Những vụ thanh lọc chủng tộc, giết cả trăm ngàn người là chuyện thường.
            Đối phó và giải quyết chuyện đúng-sai,thương-ghét là chuyện hàng ngày của thế tục. Nhưng có rất nhiều nơi, trong quá khứ lịch sử cũng như hiện nay, tôn giáo đã can dự vào để giải quyết, khiến giáo luật trở thành luật pháp quốc gia.
Đối với các tôn giáo thờ Thần Linh, đúng-sai, thương-ghét phải phân biệt rõ ràng và trong kinh điển, họ không ngần ngại tuyên bố loại trừ, tiêu diệt hoặc giết hại những gì “đáng ghét”, chẳng hạn ra lệnh giết chết những kẻ ngoại đạo/dị giáo, tức những người theo một tôn giáo khác với tôn giáo của họ. Sự thương-ghét này đã gây thảm họa cho nhân loại trong một thời gian rất dài.
Thế nhưng đối với Phật Giáo thì có khác. Phật Giáo không bao giờ dung chứa sự kỷ thị, loại trừ, ghét bỏ. Phật Giáo là đạo của bao dung, như biển cả có thể dung chứa cả ngàn con sông đổ vào, như một mẹ có thể nuôi được trăm con. Điều đó không có nghĩa là Phật Giáo “ba phải” hoặc không ý thức được thế nào là đúng-sai, phải-trái. Trong Kinh Viên Giác Đức Phật nói rằng, “Một hạt mưa trong thế giới ta-bà này Như Lai đều biết.” Thế nhưng do lòng thương xót chúng sinh, Đức Phật dạy đức Từ-Bi-Hỉ-Xả. Hơn thế nữa, bản thể của vũ trụ này vốn từ Nhất Nguyên/Nhất Thể rồi tách ra thành Nhị Nguyên/Âm Dương/Lưỡng Cực. Cái Tối cái Sáng, cái Sinh cái Diệt, cái Đúng cái Sai, cáiPhải cái Trái, cái Thương cái Ghét cùng tồn tại và lấn đuổi nhau. Ngàn đời trước đã có đúng-sai và ngàn đời sau đúng-sai vẫn tồn tại. Khi Đức Phật chưa ra đời, con chim đã ăn con sâu. Khi Đức Phật ra đời con chim vẫn ăn con sâu. Khi Đức Phật thành đạo và chuyển pháp luân, con chim vẫn ăn con sâu. Và khi Đức Phật nhập diệt, con chim vẫn ăn con sâu. Điều đó có nghĩa là “thế giới này vẫn y như thế” vẫn vận hành bởi “vô minh và tham dục”. Hình tướng thế giới này có đổi thay, nhưng tham-dục và bạo lực vẫn còn nguyên đó. Những cái tốt không bị hủy diệt đã đành mà những cái xấu, cái đáng ghét, cái bất ưng cũng không bao giờ bị hủy diệt. Do đó, không thể có chuyện toàn thể thế giới này chỉ có Thương và cũng không thể chỉ toàn có Ghét.
Tình cảm Thương hay Ghét, Đúng hay Sai đều do “nhân duyên giả hợp mà thành”. Khi mình thích và thương thì tội ác tày trời cũng thấy tốt. Còn khi mình đã ghét thì chuyện tốt, đúng cũng thấy sai. Chẳng hạn, cũng là cái xấu, nếu đứng ngoài thì chúng ta thấy đó là xấu. Nhưng nếu là “đồng bọn” thì chúng ta lại thương và yêu thích cái xấu đó. Một bọn trộm cướp ngồi trong quán nhậu, hả hê cụng ly, khoe khoang thành tích vừa ăn cắp được một chiếc xe hơi chẳng hạn …mà không hề biết đó là hành vi xấu xa. Thấy một người đàn bà bị ném đá tới chết, dù phạm bất cử tội gì, chúng ta đều rùng minh, thương xót. Thế nhưng ở tại các quốc gia như Saudi Arabia, Pakistan, A Phú Hãn, Ấn Độ…ở một vài nơi, đám đông reo hò, và cả bố mẹ cũng rất “hân hoan” khi người ta ném đá tới chết người con gái của mình chẳng may lỡ dại hoặc không nghe lời bố mẹ trong  vấn đề hôn nhân.
Do đó, nếu tất cả trái đất này toàn là những người ác hay toàn là quỷ dữ thì: trộm cướp, hiếp dâm, giết người, gian trá, đâm cha chém chú, lừa thầy phản bạn, thác loạn… đều được coi là “đạo đức” hay “phẩm hạnh” đúng như lời Phật dạy ngài Bồ Tát Thanh Tịnh Tuệ dưới đây.
Chính vì giác ngộ được như thế cho nên Chư Phật, chư vị Bồ Tát  ba đời hiện tại, quá khứ, vị lai, đều đều vượt lên trên chân lý, đúng-sai, tức không bị chân lý hay đúng-sai, thương-ghét ràng buộc. Đó là giải thoát, là an nhiên tự tại. Và khi đã chứng đắc được điều này thì gọi là cái Tâm Viên Giác hay cái Tâm Bình Đẳng, Không Động.
            Chúng ta hãy nghe Đức Phật dạy Ngài Phổ Nhãn Bồ Tát, “Thiện nam tử! Đã thành tựu được tính giác thì Bồ Tát không bị pháp buộc, không cầu pháp cởi, không nhàm chán sinh tử, không yêu mến nát-bàn, không kính người trì giới, không ghét người phá giới, không trọng người học lâu, không khinh người mới học, Là vì sao? Tất cả là tính giác. Ví như con mắt sáng thấy rõ cảnh trước mắt. Cái sáng ấy tròn khắp, không có yêu, không có ghét. Vì sao thế? Cái thể của sáng không có hai, không có ghét, không có yêu.” (Kinh Viên Giác, Cụ Huyền Cơ dịch năm 1951)
            Và Đức Phật dạy Ngài Thanh Tịnh Tuệ Bồ Tát, “Thiện nam tử! Tất cả chướng ngại tức là giác hoàn toàn. Niệm chính hay niệm không chính đều là giải thoát. Lập được pháp hay phá pháp đều là Nát-bàn. Trí tuệ hay ngu si cũng là Bát Nhã. Bồ Tát hay ngoại đạo thành tựu các pháp đều là Bồ-đề. Vô minh, chân như không khác cảnh giới. Giới, định, tuệ và dâm, nộ, si đều là phẩm hạnh. Chúng sinh, quốc độ đều đồng một pháp tính. Địa ngục, cung trời đều là tịnh độ. Có tính, không tính đều thành Phật đạo. Tất cả phiền não hoàn toàn giải thoát. Bể tuệ pháp giới soi rõ các tướng cũng như hư không. Đấy gọi là tính giác tùy thuận của Như Lai.” (Kinh Viên Giác, Cụ Huyền Cơ dịch năm 1951)
            Hiện nay thế giới không còn đối đầu về chủ nghĩa, tức là sự khác biệt về xây dựng quốc gia, xã hội theo một mô thức chính trị nào đó - nhưng lại xuất hiện một sự đối đầu khốc liệt giữa đúng -sai và thương-ghét xuất phát từ tín điều - tức xây dựng quốc gia, xã hội theo mô thức tôn giáo. Cuộc xung đột này có nguy cơ nổ ra “thánh chiến” và có thể “thánh chiến” đã nổ ra rồi. Cuộc đối đầu này đang lan rộng trên quy mô “quốc gia đối đầu với quốc gia” hoặc “nhiều quốc gia đối đầu với nhiều quốc gia”.
Bên cạnh đó, hiện nay tại  Hoa Kỳ, tội phạm do thù ghét (hate crime) gia tăng, mặc dù luật pháp rất nghiêm minh trong việc xử trị tội phạm này. Thống kê của Viện Khảo Sát PEW cho biết số người chết từ sau vụ Khủng Bố 9/11 vì nhóm Da Trắng Là Ưu Việt (White Supremacy) và các nhóm cực đoan lớn hơn là do nhóm Hồi Giáo quá khích. Tội phạm  “hate crime” xuất phát từ lòng thương-ghét: Ghét cái màu da không giống với màu da của mình. Ghét cái tôn giáo không giống với tôn giáo của mình. Ghét cái lối để râu tóc không giống với râu tóc của mình. Ghét lối ăn mặc, trang phục không giống với lối trang phục của mình. Ghét lối sống hay văn hóa không giống với văn hóa của mình. Sau cùng…cho rằng Da Trắng là thông minh, ưu việt hơn tất cả các sắc dân khác. Chỉ Da Trắng mới đáng sống, còn Da Màu thì không đáng sống hoặc chỉ làm nô lệ.
 Ngày nay thương-ghét do khác biệt tôn giáo hoặc cùng tôn giáo nhưng khác hệ phái, đang là cội nguồn của biết bao tội ác, gây bất an trong xã hội và cho cả thế giới nói chung.
Trong cuộc sống hàng ngày, là Phật tử khiêm tốn, nương theo giáo lý của Đức Phật, để tạo an vui cho chính mình, cho cộng đồng và xa hơn cho đất nước, chúng ta:
-Không làm những gì bị loài người ghét bỏ. Chẳng hạn như chúng ta không gian dối.
-Cố gắng làm những gì mà mọi người thương mến. Chẳng hạn như chúng ta học đức tính thật thà.
-Nhưng chúng ta không bao giờ kỳ thị, ghét bỏ, loại trừ, thậm chí giết hại những người đang làm những chuyện bị người đời khinh ghét. Nhưng những người làm chuyện bị loài người khinh ghét sẽ gặp quả báo hay nhân quả. Thí dụ: Giết người, buôn bán, chuyển vận ma túy bị tử hình. Lưởng gạt, gian dối bị tù tội. Vu không bị bồi thường. Tắc trách bị mất chức. Hung hăng thì có nhiểu kẻ thù. Tham vọng thì chuốc nhiều đau khổ. Hiếu chiến thì đất nước lâm nguy, tan nát…Những quả báo này không phải lỗi của chúng ta hay do chúng ta làm ra.
Xin nhớ cho, một khi đã có lòng thương-ghét, đã khởi móng tâm thù ghét ai, tôi bảo đảm rằng khi có điều kiện chúng ta sẽ tạo ác nghiệp. Chẳng hạn khi đất nước yên bình thì không thấy gì. Nhưng nếu một cuộc đảo chính hay loạn ly xảy ra, người ta có thể vác dao kiếm, gậy gộc, súng ống đi giết hại, để trả mối thâm thù trước đó - có khi ba, bốn chục năm. Cứ nhìn vào những cuộc đảo chính, lật đổ chế độ trên toàn thế giới thì sẽ thấy.
Cũng là một chuyện “đáng ghét” - chẳng hạn như một cô ca sĩ ăn mặc quá lộ liễu, bẩn mắt trên sân khấu. Nếu chỉ phê bình rồi bỏ qua hoặc tha thứ thì không có gì. Nhưng nếu tất cả cùng xúm lại chửi rủa, lên án và đòi hành động thì sẽ thành chuyện lớn. Nếu như tại các quốc gia Hồi Giáo, cô ca sĩ này có thể bị ném đá tới chết. Do đó “Tâm bình, thế giới bình” là như vậy.
 Không phân biệt, không kỳ thị, không thương-ghét, không loại trừ ai… là cốt tủy và sinh mệnh của Đạo Phật. Giáo lý của Đức Phật đang được trân quý trên toàn thế giới cũng vì những đức tính đó. Đánh mất những đức tính này thì Phật Giáo cũng giống như những tôn giáo khác. Do đó, dù ai có “nói ngả nói nghiêng” rằng Phật Giáo yếm thế, tiêu cực nhưng “ta đây vẫn vững như kiềng ba chân”. Chính cái đức tính bị gán cho là “tiêu cực” hay “yếm thế” đó đang là “ngọn đuốc trí tuệ” cho nhân loại ngày hôm nay. Còn cái gọi là “tích cực” tự hào là mình biết “thương-ghét ” đã gây thảm họa cho nhân loại hơn 2000 năm nay và còn dài dài mãi về sau này.
 
Đào Văn Bình

(California ngày 4/1/2016)