AN CƯ , NUÔI LỚN TÂM BỒ ĐỀ
Mùa An cư ba tháng, một tháng đã trôi qua rồi, quý vị tự kiểm điểm lại xem đã làm được gì và hai tháng còn lại sẽ làm gì. Một năm Phật dành chín tháng để chúng ta đi giáo hóa, ba tháng an cư tĩnh tâm để trưởng dưỡng đạo tâm, tăng cường đạo lực; vì chín tháng đi giáo hóa, tiếp cận với xã hội có nhiều điều phức tạp làm đạo tâm chúng ta bị sa sút. Thật vậy, khi đi giáo hóa gặp việc này việc khác, gặp người tin Phật, cũng gặp người chống phá Phật, khiến chúng ta phải đối phó, làm tâm Bồ-đề chúng ta bị suy yếu. Vì vậy chúng ta cần nuôi lại tâm Bồ-đề cho vững. Trong ba tháng an cư, chúng ta ngồi yên coi chín tháng mình đã làm gì, ở đâu, tiếp xúc với ai và cách đối phó của chúng ta có thích hợp với đạo hay không. Thích hợp với đạo là giữ được tâm thanh tịnh, còn không thích hợp với đạo thì phiền não sanh khởi, kiểm điểm lại thấy điều nào còn kém, phải sửa đổi.
Trên bước đường du hóa, có đụng chạm với cuộc đời tất nhiên có phiền não sanh ra. Đụng chạm với cuộc đời nghĩa là sáu căn tiếp xúc với sáu trần, tức mắt thấy tai nghe. Làm việc, có điều mình thấy và nghe thì bằng lòng, nhưng cũng có việc nghe thấy điều bất bằng mà ta thường gọi là chướng tai gai mắt, chắc chắn phiền não nhân đó phát sanh. Nếu ta không tận diệt nó, mỗi lúc nó tăng trưởng thêm, đến lúc còn mặc chiếc áo tu, nhưng Bồ-đề tâm chúng ta đã bị chết mất và lòng chúng ta còn tham chấp phiền não nhiều hơn thì bị đọa. Vì vậy, người thấy ta không phát tâm nữa và chính quyền cũng không ủng hộ, dẫn đến Phật giáo bị suy đồi.
Ba tháng an cư, Phật dạy chúng ta dừng tất cả mọi việc và kiểm điểm việc tu hành để xóa bỏ những sai lầm, phiền não nổi lên, ta rút kinh nghiệm diệt sạch thì lần thứ hai, việc tương tự xảy ra, ta có phiền não nữa hay không. Lần thứ nhất, gặp người nói xấu, tâm ta khởi lên thế nào. Nói việc không thiệt là nói xấu, còn họ nói đúng thì không phải là nói xấu. Họ đổ cho mình việc sai quấy, luật nói rằng đem việc ác không có căn cứ để vu khống. Gặp như vậy, ta có buồn giận hay không. Nếu nổi giận thì phản ứng của chúng ta thế nào, thường là chúng ta nói trả lại, hay đính chính rằng mình không có lỗi đó. Nhưng nặng hơn nữa, chúng ta tìm cách nói xấu lại họ. Bây giờ mùa tu, chúng ta kiểm chứng lại thấy có lần mình đã nói xấu lại họ, nghĩa là chúng ta đã tổn giảm tâm Bồ-đề thì cần nuôi nó lại cho mạnh. Kiểm điểm thấy người có quyền vu khống ta, nhưng ta không có quyền vu khống, nói xấu lại họ, hay không có quyền đính chính. Vì nếu cứ nói xấu qua lại, cãi nhau là người đời. Phật dạy rằng tu hành không được nói xấu, mà mình đã phạm như vậy là đã tổn giảm đạo tâm. Nếu đạo tâm bị tổn hại mà mình không bồi dưỡng, thì người thấy ta đã hiện tướng phiền não, kết quả là trước kia họ nói xấu ít, nhưng nay họ nói xấu nhiều hơn, khiến chúng ta càng bực tức, chẳng những chửi mắng họ, thậm chí còn đánh họ; đó là do phiền não tích tụ lâu trong lòng không chịu được.
Vì vậy, mùa tu, chúng ta kiểm điểm, hạn chế sai phạm này, thực tế họ nói xấu ta là họ có lỗi, nhưng kiểm điểm theo Phật là chúng ta có lỗi, vì ta không được quyền giận, không được ham muốn. Giận phát xuất từ ham muốn được người cung kính. Ta nghĩ rằng họ không cung kính thì cũng không được xúc phạm ta, phải để yên cho ta tu. Trước kia, có lần tôi cũng phạm sai lầm này, không cần người cung kính, nhưng cần để yên cho mình tu. Họ không cung kính và không để yên cho ta tu là bước thứ hai nặng hơn rồi, nếu ta không điều chỉnh thì bước thứ ba, ta sẽ bị đọa, khó cứu được.
Vào cuối thập niên 50, khoảng năm 1958, 1959, tôi lên Đồng Xoài thuyết pháp. Bấy giờ họ không cho chúng ta yên để tu, vì chính quyền Diệm muốn tận diệt Phật giáo, nếu để yên ta tu, họ sợ đạo Phật sẽ phát triển mạnh lên. Họ không để yên cho tôi tu thì tôi xuống đường tranh đấu, tổ chức sinh viên học sinh biểu tình chống chế độ Diệm. Họ bắt tôi nhốt vô khám và chụp mũ là cộng sản nên bị biệt giam. Ở tù bị bỏ đói khát, tôi biết mình đã rơi vô địa ngục A-tỳ. Nhưng khi đọa địa ngục rồi, nhờ căn lành đời trước, mới phát tâm Bồ-đề, tự kiểm điểm việc mình đã làm, thì nhận thấy mình hoàn toàn làm trái lời Phật dạy, thấy sự sai lầm của mình. Vì vậy, tôi mới điều chỉnh lỗi đó thì bấy giờ con người tôi có suy nghĩ hoàn toàn khác. Khi họ không cho tu, tự nghĩ mình hết phước nên không được tu. Bây giờ, các thầy còn có phước hơn tôi lúc 1963, vì hiện tại Nhà nước để yên cho mình tu, đó là điều tốt mà chúng ta phải thấy. Hết phước, muốn tu, muốn lạy Phật, tụng kinh trong ngục giam cũng không được. Cho nên khi ra tù, tôi nghĩ mình có điều kiện tụng kinh, lạy Phật, học hành, nên tôi dồn tất cả nỗ lực cho việc tu học. Ở Nhật Bản trong suốt tám năm tôi chuyên tu, chuyên học cảm thấy an lạc vô cùng. Nhờ tám năm thực tập lời Phật dạy, tâm tôi đổi khác thì hoàn cảnh cũng đổi khác. Đó là kinh nghiệm mà tôi muốn chia sẻ với quý thầy. Tôi nhiếp tâm tu học, nên chuyển đổi được nghiệp là phước sanh thì người không cấm mình tu, mà còn tạo điều kiện giúp đỡ mình tu.
Người ta không cho tu là biết mình hết phước, nhưng do mình làm gì mà hết phước. Kiểm tra suy nghĩ từ lòng mình, mình ghét họ, chống họ, thì chắc chắn hiện tướng không dễ thương, có lời nói không chấp nhận được. Nhưng khi lòng mình hết nghiệp này rồi, ý thức chống đối, căm ghét, nói xấu không còn, thì người chấp nhận mình. Trước kia, tôi không ưa đạo Thiên Chúa, nhưng tu hành, dẹp bỏ được nghiệp ác này rồi thì phước sanh ra. Chúng ta thấy Phật tại thế có sức cảm hóa ngoại đạo, chuyển hóa họ thành người đồng hành đồng sự với Ngài. Thật vậy, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên theo đạo thần lửa, nhưng đã trở thành đại đệ tử của Phật. Ba anh em Ca Diếp theo đạo thần rắn, họ đã từng hại Phật, nhưng được Phật cảm hóa, họ trở thành người nhiệt tình nhất trong một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo theo Phật. Đức Phật đã làm như thế, ngày nay ta tu pháp Phật, tại sao không làm theo Phật, mà lại làm khác. Ta ghét ngoại đạo thì làm sao họ thương ta được, tạo thành thế đối kháng. Thực tế tôi thương họ thì họ cũng thương được tôi. Điển hình là trong lần họp quốc tế, tôi gặp Đức Tổng Giám mục người Nhật ở Ý, ông biết tôi tốt nghiệp ở Nhật, nên ông mời tôi có dịp sang Nhật thì đến nhà thờ của ông. Vì tôi có thiện cảm với ông, nên ông cũng có thiện cảm với tôi, nghĩa là chấp nhận nhau được, nên có thể trao đổi với nhau, tôi học được điều hay của ông là cầu nguyện và ông cũng học được ở tôi về tu Thiền. Được như vậy là tôi có thêm bạn. Khi sang Nhật, các thầy mời tôi về chùa ở, nhưng tôi nói rằng ở chùa nhiều rồi, vô nhà thờ của vị Tổng Giám mục ở, một đêm nói chuyện đạo với ông, tôi đã biết thêm sinh hoạt của ngoại đạo.
Khi tâm ta dẹp bỏ được sự thương ghét thì cuộc đời này không có ai đáng ghét nữa. Còn ta không kiểm lại tâm, cứ nghĩ ta đúng, người khác là người đời, là ngoại đạo không đúng, thì như vậy ta sẽ bị cô lập, không tồn tại được. Một số vị theo Phật giáo Nguyên thủy đã rơi vô cái chấp sai lầm này, vì cứ nghĩ rằng nguyên thủy là gốc, là đúng, phải quấn y Ấn Độ mới đúng. Còn Phật giáo Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam mặc khác là không đúng, nên chỉ có Nguyên thủy đúng thôi. Rút kinh nghiệm sai lầm đó, ngày nay có sự thay đổi là tạo được mối quan hệ giữa Phật giáo Việt Nam với Phật giáo thế giới, tức xóa bỏ được ranh giới Nguyên thủy và Đại thừa; nhờ vậy chúng ta mới có những diễn đàn của Phật giáo thế giới để các vị tu theo Nguyên thủy, Mật tông, Đại thừa cùng ngồi lại với nhau để trao đổi đưa tới những điểm chung nhất làm lợi lạc cho nhân loại. Vì vậy, Phật giáo ngày nay đã có mối quan hệ mật thiết với nhau, bắt đầu hiểu nhau. Phật giáo Campuchia, Lào, Thái Lan, Sri Lanka là Phật giáo Nguyên thủy, tôi đã gặp các vị tôn túc của các nước này và trao đổi với nhau, có được mối quan hệ sâu sắc. Hòa thượng Viện trưởng Đại học Mahachulalongkorn đã trao cho tôi bằng cấp Tiến sĩ danh dự về Hoằng pháp, tức là họ đã chấp nhận Phật giáo Việt Nam, hiểu được việc làm của Phật giáo Việt Nam. Và tôi cũng mời vị này sang Việt Nam để cấp bằng Tiến sĩ danh dự. Có thể khẳng định rằng Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa là một, không khác và không có gì chống nhau. Chúng ta cùng có trách nhiệm đem lời Phật dạy truyền bá cho thế giới hiểu biết và áp dụng được lợi lạc trong cuộc sống.
Trên bước đường tu, nếu thực sự tu hành thì kiểm điểm thấy được sự sai trái của mình và điểm tốt của người. Đức Lục tổ Huệ Năng cũng dạy rằng nếu là người chân tu thì không thấy lỗi người, chỉ thấy lỗi của mình để sửa đổi cho tốt thì cuối cùng tất cả mọi người đều tốt. Người thấy ta mà họ không cung kính, phải biết ngay rằng mình có điều gì sai trái nên họ mới không cung kính, nghĩa là tự tìm được lỗi của mình rồi thì ta cần khắc phục khuyết điểm này. Trong thập niên 40, 50, phần nhiều tu sĩ Phật giáo thất học, ít có người học đến tú tài; trong khi đó các Linh mục xuất thân từ đại chủng viện đều có bằng cấp đại học. Như vậy, họ xem thường mình là điều tất yếu. Nhận thức sự kém cỏi này, tôi khắc phục nhược điểm bằng cách nỗ lực học và khi mình cũng có bằng cấp bằng họ hay hơn họ, chắc chắn họ không dám khinh thường ta nữa.
Đạo Phật được mệnh danh là đạo trí tuệ, vì vậy, mình dốt là có lỗi. Ngày nay, giới Phật giáo chúng ta tương đối ở tầng cao mới, cho nên tôi cố nâng cao trình độ học vấn của Tăng Ni bằng cách quy định rằng nếu không học hết lớp 12 thì không cho thọ Cụ túc giới. Còn các vị tu sĩ lớn tuổi khi thi khảo hạch cũng phải trả lời được 160 câu hỏi mới được thọ đại giới. Và hiện nay, số Tăng Ni trẻ có văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ cũng tương đối nhiều. Vì vậy, đạo Thiên Chúa chẳng những không xem thường mình mà còn mời các tu sĩ Phật giáo qua nói chuyện ở đại chủng viện. Trình độ ngang nhau thì mới có thể tương kính lẫn nhau được. Đừng phạm sai lầm một cách ấu trĩ như một số người nói ngang bướng rằng “tôi dốt kệ tôi”. Nếu không có điều kiện học ở trường lớp, thì cũng phải cố gắng tự học, tự đọc sách để nâng trình độ kiến thức của mình. Một số người cũng phạm sai lầm không cho đệ tử đi học vì sợ nó giỏi hơn mình sẽ không dạy được nó. Đệ tử giỏi hơn thì về sau họ mới dễ dàng phát triển được sự nghiệp của mình, làm rạng danh mình chứ.
Ngoài việc kiểm điểm để nâng cao tri thức, việc thứ hai chúng ta thường nghe bên ngoài phê phán rằng người tu là lực lượng ăn hại, phi sản xuất, không làm gì cho xã hội. Nghe nói vậy, cũng bực tức chứ. Riêng tôi bình tâm suy nghĩ nhận thấy họ nói vậy cũng đúng. Suy nghĩ của người ngoài phê phán Phật giáo như đã nói cũng không phải mới lạ gì, mà điều này chư vị Tổ sư xưa kia cũng đã từng suy nghĩ như vậy. Phật giáo Ấn Độ giữ đúng theo luật thì cấm chư Tăng không được làm gì. Nhưng Phật giáo truyền sang Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam là Phật giáo Đại thừa; nếu giữ đúng như Phật giáo Nguyên thủy, chắc chắn Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam không thể có đạo Phật. Thật vậy, lịch sử cho thấy Phật giáo Nguyên thủy đã vào các nước này trước, nhưng không tồn tại được, vì xã hội không chấp nhận người tu không làm gì, chỉ đi khất thực. Khi Phật giáo truyền sang Trung Hoa, họ gọi tu sĩ Phật giáo là người rợ Hồ, tức là “người mọi”, họ không thể chấp nhận các thầy khỏe mạnh mà lại theo đạo đi xin. Bấy giờ, các nhà truyền giáo kiểm điểm thấy pháp khất thực không thích hợp với phong tục tập quán của Trung Hoa và các ngài cũng hiểu rõ rằng đến đây, cần phân biệt ý nghĩa của pháp Phật dạy Thanh văn khác với pháp của Bồ-tát. Ở đâu, khi nào và đối tượng là ai thì nên áp dụng pháp Thanh văn.
Muốn diệt tận dục nhiễm, cần cắt bỏ tất cả mọi việc bên ngoài để đắc quả A-la-hán, sống với Niết-bàn tức là không lệ thuộc trần gian, tuy còn sống trên cuộc đời nhưng không cần đến ăn uống, ngủ nghỉ. Tuy nhiên, đối với hàng Bồ-tát, Phật dạy phải cứu nhân độ thế, không dạy người ta trở thành người ăn hại. Vì vậy, theo Bồ-tát thừa hay Đại thừa, đạo Phật muốn tồn tại, tu sĩ phải là lực lượng hữu ích cho xã hội. Từ đó, các nhà truyền giáo Đại thừa triển khai bộ kinh Pháp hoa thay cho kinh Nguyên thủy.
Kinh Pháp hoa có hai phần, phần một chuyển từ Nguyên thủy sang Đại thừa và phần hai thuần Đại thừa. Phần một gọi là Tích môn, chuyển từ Nguyên thủy sang Đại thừa; cho nên trước khi nói kinh Pháp hoa, Phật nói kinh Vô lượng nghĩa, hay nói cách khác, trước khi nói Đại thừa, Phật nói kinh Nguyên thủy. Thật vậy, trước khi nói Pháp hoa, Phật nói rõ rằng Ngài xuất hiện trên cuộc đời này là vì lợi ích cho số đông, tức là việc của Bồ-tát, không phải xuất hiện để ôm bình bát đi xin; nhưng vì lòng từ bi đối với những người căn tánh hạ liệt, nếu bảo họ cứu đời thì họ không theo Phật được. Vì vậy, Phật phải khai phương tiện bằng cách nói kinh Vô lượng nghĩa là nói tất cả các pháp môn để thích ứng với từng chỗ, từng người, từng lúc khác nhau giúp cho mọi người thăng tiến theo Phật được. Bấy giờ, đối với hàng Tỳ-kheo là người nhàm chán sanh tử, hướng tâm đến Niết-bàn, Phật bảo họ phải bỏ hết để đi khất thực và trở về thiền định. Mục đích của pháp môn này nhằm rèn luyện con người trở thành người đức hạnh là người không ham muốn, không bực tức và quyết định sáng suốt, không si mê. Chính vì vậy mà Tỳ-kheo bắt đầu bỏ thế duyên để tâm thanh tịnh, còn lo xây chùa, phải nghĩ đến tiền bạc, sắt thép, thợ thuyền… làm sao giải thoát được. Muốn giải thoát, phải bỏ hết, đi xin, ngủ ở gốc cây, tâm hoàn toàn thanh thản; như vậy họ là người đạo đức, không làm tốt cho cuộc đời cũng không làm cuộc đời xấu hơn, thì cũng tiêu biểu cho mẫu người dễ thương. Còn người khất thực được cho thì vui, không cho thì mắng người ta, đó là sai lầm.
Hàng đệ tử nhỏ của Phật cũng có điểm dễ thương là có đạo đức; nhưng nếu cứ ăn rồi chờ chết thì không phải là đệ tử Phật. Vì vậy, phẩm thứ hai của kinh Vô lượng nghĩa đề cao trí tuệ, nghĩa là hàng Thanh văn không vướng bận việc cơm ăn chỗ ở để còn rộng thì giờ làm việc cao hơn. Ý thức lý này, tôi luôn tâm niệm rằng nhường tất cả cho mọi người, nhưng việc học thì không nhường ai, phải học bằng hay hơn người. Học tới già vẫn học, năm nay tôi đã 75 tuổi, có thì giờ vẫn đọc sách, vì sợ hiểu biết của mình bị đóng khung. Như vậy, các thầy không làm để thì giờ học, không vướng bận việc lặt vặt để còn suy nghĩ giáo pháp; đó là việc thứ hai của kinh Vô lượng nghĩa.
Việc thứ ba của kinh Vô lượng nghĩa, sau khi có được đạo đức và hiểu biết thì phải giúp cuộc đời, phải làm lợi ích cho chúng sanh, không phải để ăn hại. Vì vậy, phẩm thứ ba nói về mười điều công đức của Vô lượng nghĩa, hay của Pháp hoa. Điều thứ nhất là người chưa phát tâm Bồ-đề, ta phải làm cho họ phát tâm, người chưa an, ta phải làm họ an, là cứu đời; nhưng muốn cứu đời, như trên vừa nói phải xây dựng cho mình có đạo đức và trí tuệ.
Đi vào cuộc đời làm lợi ích cho người thì cuộc đời mới quý trọng chúng ta. Phật giáo thời Lý Trần còn lưu danh thơm trong sử sách cho đến ngày nay là nhờ những đóng góp to lớn cho xã hội thời ấy. Vào thời Lý, Phật giáo chúng ta có được Sư Vạn Hạnh, ngài đào tạo được Lý Công Uẩn làm vua nổi tiếng là bậc minh quân nhân từ nhất trong lịch sử Việt Nam. Làm lợi ích cho cuộc đời là như thế. Ông làm vua, đã xây dựng biết bao nhiêu ngôi chùa để người phát tâm, nghĩa là người chưa phát tâm thì làm cho họ phát tâm.
Đến đời Trần, Phật giáo mạnh hơn nữa, xuất hiện cứu đời. Điển hình là vua Trần Nhân Tông chống giặc ngoại xâm, hết lòng vì nước vì dân. Lúc ngài mới trên 40 tuổi, cái tuổi sung mãn mà ngài nói một câu khiến người tu chúng ta phải suy nghĩ, rằng quân Nguyên Mông không dám xâm lăng nước ta nữa, nên ngài đi tu. Như vậy, xã hội không an thì ngài làm cho an; nếu không, để quân Nguyên Mông cai trị thì nhân dân ta phải khổ; vì vậy, ngài phải lãnh đạo chống giặc, nhưng thắng giặc xong, ngài rũ áo lên núi Yên Tử ẩn tu. Rõ ràng ngài đã thể hiện công đức thứ hai của Vô lượng nghĩa kinh là người không an thì làm cho an.
Phật giáo ở thời đại ngày nay, chúng ta tổng hợp Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa, hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ai ở vị trí nào thì phát huy mặt đó. Hành giả muốn cầu giải thoát phải tu theo Nguyên thủy, buông bỏ tất cả để tâm được giải thoát, nghĩa là chứng cho được pháp không và sanh không, tức chúng sanh nhẫn, cuộc đời có làm gì thì chúng ta coi đó là đối tượng để tu. Làm sao ta hóa giải tất cả đều không, họ chống, ta vô hiệu hóa thì họ không chống được ta và ta cũng không hại họ. Ngoài ra, hành giả không lệ thuộc cuộc sống, không vướng bận việc ăn ở, hiện hữu để làm đạo là việc chính và phấn đấu cho đạt được những pháp căn bản của Phật giáo Nguyên thủy.
Đối với người chưa phát tâm, chúng ta xuất gia tu hành, làm biểu tượng cho họ thấy được rằng Đức Phật là thái tử bỏ ngai vàng đi tu khiến cho Trời người phải cung kính quy ngưỡng hàng ngàn năm. Thấy như vậy, họ cũng phát tâm sống theo lời Phật dạy. Tuy nhiên, người phát tâm tu được cũng phải có căn lành.
Tóm lại, Đức Phật và chư vị Tổ sư đã thành tựu quả vị giác ngộ giải thoát, bước theo dấu chân các Ngài, chúng ta phấn đấu làm theo, nếu không được như các Ngài, nhưng trong tương lai, hay trong các kiếp sau, chúng ta cũng sẽ được. Trong mùa cấm túc an cư, cầu nguyện cho tất cả hành giả xóa phiền não, nuôi lớn tâm Bồ-đề để sau mùa an cư, dùng tâm thánh thiện này cảm hóa người, khiến cho họ phát tâm và được an lành.
HT.Thích Trí Quảng(Giác Ngộ)