Ngôi chùa cổ Tiên La thờ Thánh Mẫu Đại tướng Bát Nàn
Chúng tôi về lễ ngôi đền Mẫu Tiên La (Tiên La Linh Từ) ngự tại xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, lộng lẫy uy nghỉ, huyền bí, linh thiêng. Tôi ngỡ ngàng, choáng ngợp giữa không gian thiêng, mênh mông vô tận vô cùng, không biết lối vào ra.
Về nhà, tôi ngẫm rất lâu những tư liệu do ông Đặng Vũ Nhã soạn dịch theo Ngọc phả đang lưu giữ tại đền Tiên La, biết đây là ngôi chùa cổ Tiên La Linh Từ, trở thành đền thờ Nữ đại tướng Bát Nàn được triều đại Hai Bà Trưng phong Đông Nhung Đại Tướng Quân.
Ngôi chùa cổ Tiên La trở thành ngôi đền thờ Thánh Mẫu Đại tướng Bát Nàn hiển hiện một không gian Văn hóa Tâm linh Việt, thờ Phật và thờ Mẫu, thờ danh nhân Đất Việt độc nhất vô nhị với những nghi thức tôn giáo, Tâm linh Việt cổ.
Ngày nay, mọi người đến Tiên La Linh Từ được chiêm ngưỡng, nghiên cứu và thực hành những nghi lễ Tâm linh Việt cổ xưa linh thiêng.
Thánh mẫu Đại tướng Bát Nàn
Chuyện về Mẫu Đại tướng Bát Nàn hết sức cảm động, gắn với ngôi chùa cổ Tiên La, nay là đền Tiên La thờ Bát Nàn Đại Tướng cùng lăng mộ.
Câu chuyện sinh động về Thánh Mẫu Đại tướng Bát Nàn hiển linh tại ngôi chùa cổ Tiên La.
Thời Hán cai trị, tại Trang Phượng Lâu, huyện Bạch Hạc- Phú Thọ có ông Vũ Công Chất và vợ Hoàng Thị Mẫu, sống bằng nghề dạy học và cắt thuốc, có đức độ, chuyện cần việc thiện, cứu người.
Một lần ông vào rừng hái thuốc, lạc chốn sơn cùng hoang vắng, gặp một ngôi miếu đổ nát, ông bà phát tâm tu sửa ngôi điện miếu. Bà thụ thai sinh hạ cô gái mắt huyền, da trắng, môi hồng hàm tiếu, đặt tên con là Vũ Thị Thục. Nàng càng lớn càng xinh đẹp, văn võ toàn tài. Nhiều trang quân tử đến cầu hôn. Ông bà hứa gả Thục Nương cho Phạm Hương là Quận trưởng Nam Chân.
Không ngờ Thái thú Tô Định biết mỹ nữ Thục Nương, đã mời Vũ Công vào dinh, ép gả Thục Nương cho hắn. Cụ thưa chuyện nàng đã hứa hôn. Tô Định gọi Phạm Hương vào yết kiến, ép phải từ hôn. Phạm Hương chống lệnh. Hắn giết Phạm Hương và cụ Vũ Công.
Tô Định sai quân về Phượng Lâu bắt Thục Nương. Nhận tin dữ, Thục Nương gửi mẹ đi trốn, giả vờ lên kiệu. Bất ngờ, nàng dùng võ phá vòng vây, mở đường ra bến sông, thấy thuyền nan vô chủ, nàng xuống thuyền, chèo mải miết, sau một ngày đêm về tới Hương Đa Cương.
Thục Nương vào chùa Tiên La, nương thân cửa Phật. Nàng rèn võ kiếm, luyện văn, chiêu tập binh lính. Ba năm trụ trì, chùa Tiên La trở nên uy nghi. Đệ tử xa gần về tụ nghĩa. Khi quân lên tới vài ngàn người, được dân cổ súy, Thục Nương dựng cờ bốn chữ vàng “Bát Nàn Tướng Quân”, lập đàn tế Trời Đất và đem quân đánh các đồn ven biển, giải phóng cả vùng. Nàng chiêu an trăm họ, xây Thái ấp Tiên La.
Bấy giờ Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa ở Mê Linh biết danh tiếng và sức mạnh của Bát Nàn, sai công chúa Bảo Hoa về chùa Tiên La mời Thục Nương tụ nghĩa. Thục Nương lưỡng lự. Sau nghĩ đến Quốc gia đại sự, thu giang san về một mối, nàng dẫn ba quân về Mê Linh. Hai Bà Trưng duyệt quân, phong Bát Nàn chức Đốc Linh Tiền Môn (Tướng tiên phong) hiệu là Đông Nhung Đại Tướng Quân.
Bát Nàn Đại tướng cùng quân dân cả nước tế cờ và ra trận đánh các đồn giặc Hán. Tô Định thua chạy trốn về nước. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng thắng lợi, thu lại sáu mươi lăm thành trì, từ Nam sông Dương Tử về, lập nước riêng. Quân dân ca hát “Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”.
Bà Trưng Trắc được dân suy tôn làm vua, lên ngôi Nữ Hoàng đế Lĩnh Nam. Dưới triều đình Lĩnh Nam của Hai Bà Trưng, dân được vui sống Độc Lập- Dân Chủ- Hòa Hợp-Tự Do. Bát Nàn Đại tướng trở về Thái ấp Tiên La, cùng dân cấy trồng, chăm dạy con người, xây đình, đền, chùa, gìn giữ cánh đồng, dòng sông, cây đa, bến đò xanh mát vùng quê.
Mùa Xuân Nhâm Dần (năm 42 sau CN) Hán Quang Vũ sai Mã Viện làm chánh tướng và Lưu Long làm phó tướng, cùng hai mươi vạn binh, sang tái chiếm. Trưng Vương hoàng đế hạ chiếu vời Bát Nàn Đại tướng về giữ đất Lãng Bạc. Thế giặc điên cuồng. Hai Bà Trưng gửi mình theo dòng Hát Giang.
Bát Nàn kéo quân về Tiên La chấn thủ. Giặc đánh Tiên La khép vòng vây. Tình thế nguy cấp, Bát Nàn quyết tử, vung gươm chém giặc và hóa tại Gò Kim Quy. Dân làng phong bà “Mẫu Thượng Ngàn tái thế”. Lập đền thờ Mẫu, rộng lớn một vùng, bao bọc cả Gò Kim Quy vào ngôi đền trong chùa Tiên La..
Đền Mẫu Tiên La gần 2000 năm luôn thơm hươngkhói, phong cảnh uy hùng, cây cổ thụ linh tráng, đèn nến võng lọng, cờ hoa, rực rỡ năm màu dân tộc lộng lẫy “Cung văn đàn hát suốt năm canh”
Mai Thục