Về Cố Đô Huế thăm chùa Diệu Viên


Dịp công tác phật sự hồi đầu năm 2017, tôi có đến thăm chùa Diệu Viên nơi miền đất Cố Đô Huế. Tôi thực sự ngạc nhiên trước không gian rộng khắp cùng vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa nằm sát trục đường chính. Những dấu ấn thời gian, những mảng kiến trúc phong hóa tháng năm lung linh trong nắng. Một không gian thiền tĩnh lặng, đẹp trong yên bình…
 
 Lầu Quán Âm lộ thiên trước gian Chính điện
Chùa Diệu Viên tọa lạc nơi khoảng đồi rộng ngút ngàn. Từ lối vào đường dốc đổ bê tông lên chùa, tôi đã thấy nét kiến trúc cổ xưa. Tường rào sơn trắng, có khoảng sơn vàng đã bạc màu, rêu phong hiện rõ từng mảng như đã ăn sâu vào tường, pha trộn thành màu trắng xanh hay vàng rêu khó tả. 

Ngay tầm mắt bên trái đường chính dẫn về chùa là gian Chính điện Tam Bảo có thiết kế một tầng, một gác mái. Phía trước gian Chính điện, gần đường lên là lầu quán âm lộ thiên. Khuôn viên trước Chính điện bao quanh bởi những hàng thông, những hàng cây xanh mướt.
 
Đi thêm chừng vài chục mét, ngay lề đường bên trái là một cổng chào cũ đã hoang hóa, chắc không còn là lối dẫn về chùa. Từng hàng rễ cây đại thụ rủ xuống quây quần quanh cổng chào, tôi ngắm kỹ đoán chắc cổng chào này cũng bầu bạn cùng phong hoa mấy chục năm…

Đi tiếp khoảng hai, ba trăm mét, theo phía tay trái sẽ dẫn đến lối chính về chùa. Cổng vào thoạt nhìn như cổng thành trì cổ, có thiết kế khá lạ, lối vào dạng vòm, trên là hai gác mái, một tầng đặt tôn tượng đức Quán Thế Âm Bồ Tát hướng nhìn ra ngoài. Tầng trên thiết kế tròn khá lạ mắt.
 Cổng chính dẫn về chùa
 
Qua cổng chào, phía bên phải là lối dẫn vào vườn tháp phụng thờ chư Ni khai lập chùa Diệu Viên, phía bên trái dẫn lên tháp Tổ. Vườn tháp đượm màu xanh thời gian, rêu bám sát lối vào, chen nhau quanh từng tháp, ngọn tháp; chỗ rêu xanh còn tươi, nơi rêu ngả vàng khẽ úa…
 Vườn tháp
 
 Nơi phụng thờ cố Ni trưởng Thích Nữ Hướng Đạo, người khai sơn chùa Diệu Viên
Lần đầu về chùa Diệu Viên, tôi choáng ngợp mất vài chục giây, rồi nhanh chóng trở về thực tại vì từng đi nhiều nơi, vãn cảnh nhiều chùa. Từ bên ngoài khó thấy, chỉ có thể tưởng tượng không gian vô cùng rộng. Vào lối chính nhà chùa, vẫn thấy hút tầm mắt. Đi tiếp theo lối chính dẫn đến một khoảng hậu viên, một “rừng nguyên sinh” thu nhỏ thật đẹp mắt hiện ra. Dãy tường dài rêu bám phủ kín, xanh mướt. Cây xanh có. Cây phong hóa khẳng khiu cũng có. Một bức tranh sinh thái đa dạng, tạo nên nét riêng của ngôi chùa trên đồi.
 
 Nơi đâu cũng thấy ngút ngàn màu xanh...
Chỉ dạo quanh khuôn viên theo lối đi chính mà tôi không muốn rời mắt. Đi một đoạn lại thấy có nét mới, có điều lạ lẫm… Tôi thoáng bâng khuâng trong gió đại ngàn mát rượi: Mình đang mơ? Hay lỡ lạc vào “mê cung”…
 
Không, tôi không mơ. Tôi nghe rõ tiếng lá xào xạc lối đi. Tiếng gió reo bám vờn nhành cây trên cao. Tiếng nắng réo rắt gác mái, gờ tường. Rồi, từng hồi chuông thanh tịnh ngân đều, nối nhịp mõ du dương, êm ái. 

Đúng, tôi không hề mơ…

*********
 Gian Chính điện Tam Bảo
Chùa Diệu Viên có địa chỉ tại xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế khoảng 5 km. 

Chùa do Sư bà Thích Nữ Hướng Đạo khai sơn năm 1924. Được biết, đây là ngôi chùa sư nữ đầu tiên tại Huế. Cuối năm 1926, Vua Bảo Đại sắc phong Sắc Tứ Diệu Viên Sư Nữ Tự. Chùa được trùng tu, mở rộng vào các năm 1929 và 1953.

Năm 1958, chùa mở cơ sở sản xuất tương, hương trầm, bánh in. Năm 1959, chùa thành lập bệnh xá giúp đỡ cho đồng bào nghèo, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí. Năm 1960, chùa mở nhà dưỡng lão làm nơi cư ngụ cho các cụ già neo đơn, tàn tật. Năm 1962, chùa thành lập cơ sở may tạo công việc cho các thanh thiếu niên địa phương, thành lập trường sơ học miễn phí giúp cho những người mù chữ và tổ chức trùng tu lần thứ ba. Năm 1965, chùa mở vườn trẻ Lâm Tỳ Ni. Năm 1966, chùa xây cổng Thanh Trúc động Quán Thế Âm.

Chùa được trùng tu lần thứ tư, khánh thành vào ngày 23/03/2001, trở thành ngôi tự viện khang trang. Các hoạt động từ thiện xã hội như: viện dưỡng lão, trường mẫu giáo, phòng châm cứu… đã hoạt động có hiệu quả, đem lại niềm vui cho biết bao người.

Thường Nguyên