Chánh niệm, tỉnh giác trong mỗi bước chân


HỎI: Khi tôi đang đi thiền hành, chân giở lên tôi biết rõ giở chân lên, chân bước tôi biết rõ bước, và chân đạp xuống tôi biết rõ đạp xuống. Thực tập như vậy được một lúc thì trong tâm của tôi nói giở lên, đạp xuống và tôi nghe tiếng nói “cầu sắt” trong đầu. Tôi dừng lại và suy nghĩ tại sao “cầu sắt” lại xuất hiện ở đây và tôi suy nghĩ ai đang nói như vậy? Cho hỏi tôi thực tập như vậy đúng hay sai? Và hướng giải quyết trường hợp này thế nào?
 
(HOA MINH; ngaindray...@gmail.com)
 

Chư Tăng thiền hành - Ảnh minh họa
 
ĐÁP:
 
Bạn Hoa Minh thân mến!
 
Thiền đi là pháp thực tập phổ biến của người hành thiền. Nó vừa là đề mục của thiền Chỉ và thiền Quán. Nếu là thiền Chỉ thì hành giả cần tập trung, chú tâm, rõ biết bước chân của mình gồm ba giai đoạn “giở, bước, đạp” (tùy theo, có khi bước chân chỉ gồm hai giai đoạn là giở-đạp). Nếu là thiền Quán thì cũng tập trung, thấy rõ sự sinh diệt của từng giai đoạn trong mỗi bước chân, thấy rõ tất cả đều vô thường-khổ-vô ngã.
 
Như bạn trình bày thì bạn đang tập thiền đi với kỹ thuật thiền Chỉ. Điều bạn cần nhận ra đầu tiên là tình huống “tâm của tôi nói giở lên, đạp xuống”. Bạn đang đi trên mặt đất, bạn hãy chú tâm và rõ biết để thấy bàn chân mình thực sự giở-bước-đạp trên mặt đất chứ không phải “tâm nói giở lên, đạp xuống”. Phải đi bằng chân trên mặt đất chứ không đi trong đầu.
 
Điều thứ hai là khi có bất cứ ý niệm nào khởi lên (như trường hợp của bạn là “cầu sắt” chẳng hạn), bạn cần nhận biết nó rồi thôi, hãy chú tâm vào bước chân gồm “giở-bước-đạp”. Mọi truy tìm, suy tư ngoài đề mục bước chân “giở-bước-đạp” đều là vọng tưởng, là mất chánh niệm.
 
Thế nên khi thực hành thiền đi, bạn cần tập trung và rõ biết các giai đoạn “giở-bước-đạp” của bước chân, còn lại tất cả đều buông hết. Nếu tâm có vọng tưởng đi hoang thì hãy trở lại tập trung và rõ biết các giai đoạn “giở-bước-đạp” của bước chân.
 
Chúc bạn tinh tấn!
 
Tổ Tư vấn