Tại sao Đức Phật im lặng trong 7 tuần sau khi thành Đạo?



Phần nhiều chúng sinh vì đam mê ái dục khó mà thấy được pháp lý duyên khởi, khó mà thấy được chân lý tất cả hành là tịch tịnh… Một giáo lý chỉ có người trí mới thấu hiểu, chỉ có những con người ly trần diệt nhiễm mới liễu ngộ thì thử hỏi ở thế gian được bao nhiêu người?Kinh điển ghi lại rằng trong 7 tuần hay 49 ngày sau khi giác ngộ, Đức Phật không giảng pháp cho bất kỳ ai, Ngài chỉ an trụ trong thiền định, hoàn toàn im lặng như cây đàn đứt dây bặt tiếng, chân xếp chéo trong tư thế liên hoa, tĩnh trụ vững vàng như sơn thạch, tâm an trú trong trí tuệ bản lai vốn thường hằng nơi mọi sự vật hiện tượng.

Vào tuần thứ 2 sau khi đạt giác ngộ, Đức Phật đã chăm chăm hướng mắt nhìn cây Bồ đề mà không hề chớp mắt để tỏ lòng biết ơn cây. Điều này chứng tỏ Đức Phật đã thành tựu ngũ nhãn (dục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn).

Tuần thứ 3, Đức Phật thi triển thần thông đi đến đại dương bao la, cho thấy Ngài đã thành tựu 4 cách thực hiện phép mầu của nguyện ước, nỗ lực, tư duy và phân tích.

Tuần thứ 4, Đức Phật đi chu du khắp thảy tam thiên đại thiên thế giới, điều này là chứng tỏ rằng Ngài đã đạt được năng lực thần thông vô biên.

Có ba loại thần thông tương ứng với ba cấp độ thành tựu tâm linh:

1) Thần thông do năng lực nguyện ước ví dụ như một hành giả muốn đi trên nước và mặt nước biến thành đất bằng;

2) Thần thông chuyển hóa vật chất chỉ có quả vị Bồ tát mới làm được ví dụ như bay trên không trung như chim trời;

3) Thần thông trí tuệ chỉ có quả vị Phật mới đạt được, ví dụ như Phật có thể di chuyển xuyên thời gian, không gian không bị chướng ngại gì bởi năng lực thậm thâm vi diệu của tâm giác ngộ. Để thị hiện ngay cả hai loại thần thông đầu cũng đã đòi hỏi nỗ lực tu tập và thành tựu tâm linh ở trình độ rất cao cấp, còn Đức Phật đã đạt được thần thông trí tuệ, Ngài có khả năng chu du khắp cả tam thiên đai thiên thế giới chỉ trong vòng một tuần mà không chút dụng công.

Tuần lễ thứ 5, Đức Phật đi xuống vương quốc dưới biển sâu của loài rắn thần để thăm hỏi Tanzung, chúa tế của loài rắn.

Tuần thứ 6, Đức Phật dành thời gian cho một người ngoại đạo đang ngụ dưới tàng lá rộng rãi, mát mẻ của cây Neydroda.

Vào tuần lễ thứ 7, có hai anh em lái thương Tapussa và Bhallika vô cùng may mắn được hạnh ngộ Đức Phật. Trong suốt tuần đó, dưới tán cây Tarahetu (gần giống cây sồi), họ cúng dàng thực phẩm và mật ong lên Ngài. Sau mỗi thời thọ trai, Đức Phật đều cầu nguyện và ban phước cho họ. Và Ngài cũng tiên đoán rằng trong tương lai hai anh em họ sẽ thành Phật quả.

Cũng vào tuần thứ 7 sau khi thành đạo, Đức Phật tự nhủ: “Ta đã tìm ra đạo pháp quý giá như nước cam lồ, thậm thâm vi diệu, dẫn đến đại hỷ lạc và ánh sáng toàn thiện. Nhưng dù ta có truyền giảng thì cũng chẳng ai có thể hiểu được, vì vậy ta nên ở lại khu rừng này và giữ im lặng mãi mãi”.

Nhưng rồi Ngài lại nghĩ: “Nếu một người bình thường thỉnh cầu, dù ta là hiện thân của lòng từ bi, ta cũng sẽ không truyền dạy lại đạo pháp. Tuy nhiên, vì tất cả mọi người đều có đức tin đối với đấng Phạm Thiên, nên nếu ông ta thỉnh cầu, ta sẽ chuyển bánh xe Pháp vì lợi ích hết thảy chúng sinh”.

Khi Đức Phật phóng quang, đấng Phạm Thiên, bậc thiên chủ của ba cõi hiểu được tâm ý của Ngài, ông cùng muôn vàn quyến thuộc, tùy tùng cùng chắp hai tay, thỉnh cầu Đức Phật truyền dạy giáo pháp giải thoát...
Ngày Phật thành Đạo vào 8/12 âm lịch sau 49 ngày thiền định dưới gốc cây Bồ Đề. Ngày này thường được coi là ngày quan trọng đánh dấu bước chuyển biến tới Giác ngộ của đức Phật.


Nhóm ĐBT biên dịch