Tâm hoài nghi sẽ đưa ta tới ngõ cụt


Nghi: là nghi ngờ. Đối với đạo lý chân chính, ta lại nghi ngờ không tin. Những phương pháp tu để được giác ngộ, giải thoát và các việc làm có giá trị thiện lành tốt đẹp, ta lại do dự chẳng muốn làm. Do đó nghi ngờ làm chướng ngại lòng tin, cản trở việc thiện ích giúp người, cứu vật.

Nghi có ba: 1-Nghi mình. 2-Nghi người. 3- Nghi pháp.

1-Nghi mình. Phật dạy: "Người quyết chí tu hành sẽ được giác ngộ, giải thoát và thành Phật", chúng ta tự nghi ngờ không biết mình có tu được hay không? Vì lòng nghi ngờ, do dự ấy, nên chúng ta phân vân, lưỡng lự không chịu tu.

Do nghi mình là người tầm thường không có khả năng, còn các bậc Thánh hiền mới có đủ năng lực tu tập đạo giác ngộ, giải thoát nên chúng ta không chịu cố gắng nỗ lực tu hành. Chính vì vậy, chúng ta bị chịu khổ báo trong 3 cõi 6 đường không có ngày thôi dứt.

Trong kinh, Phật dạy: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Tất cả chúng sinh đều có Phật tính bình đẳng như sau, ai cũng có khả năng thành Phật. Vì sao? Phật cũng là con người như bao người khác, ta cũng là con người, nếu siêng năng tu hành thì cũng sẽ thành Phật trong tương lai.

2- Nghi người có hai: Một là nghi ngờ người khác làm hại mình. Hai là chúng ta nghi người dạy mình không biết có đúng không. Như có người dạy: "Làm lành được hưởng phước báo tốt đẹp, làm ác sẽ chịu quả báo khổ đau". Chúng ta lại nghi ngờ: Không biết người ấy nói có đúng hay không? Bởi nghi ngờ nên chúng ta bán tín, bán nghi nên không ra sức thực hành.

Để minh họa về việc nghi ngờ người khác chúng tôi sẽ kể cho mọi người nghe một câu chuyện. Một thương gia có hai người con trai sinh đôi. Hai chàng trai đã lớn và cùng phụ làm việc với cửa hàng của cha mình. Trong một tai nạn người cha đó qua đời, hai anh em cùng nhau trông coi cửa hàng đó.

Một hôm người em đã để tờ giấy bạc đó trên máy đếm tiền rồi đi ra ngoài với khách hàng. Khi anh ta quay lại, không thấy tờ giấy bạc.

Ngay khi đó người em liền hỏi người anh: Hồi nãy giờ anh có thấy tờ giấy bạc 100 ngàn không?

Người anh trả lời: Không, anh không thấy, em tìm lại đâu đó xem. Nghe anh nói vậy người em vừa tìm kiếm, vừa gạn hỏi lại: Hồi nãy giờ chỉ có em và anh, vậy tại sao tờ 100 ngàn lại không cánh mà bay. Chắc chắn anh phải thấy nó và biết nó ờ đâu chứ!

Lời nói của người em, vô tình buộc tội người anh mình đã lấy tờ giấy bạc đó. Kể từ hôm đó, sự căng thẳng bắt đầu tăng lên giữa hai anh em họ. Họ không thèm nói với nhau một lời nào, vì trong lòng người em đã có ý nghĩ xấu về anh mình. Cuối cùng họ quyết định không làm ăn chung với nhau nữa và ngay khi đó cửa hàng của họ được chia làm hai và mỗi bên tự kinh doanh. Sự  oán giận thù hằn giữa hai người đã kéo dài hơn 10 năm, mọi người chung quanh ai cũng đều biết rõ chuyện này, nhưng không có cách nào khuyên nhũ để hai anh em sống vui vẻ, hòa thuận với nhau.

Sáng hôm đó trời đẹp hẳn lên, một người đàn ông dừng xe ngay trước cửa hàng. Ông ta bước vào và hỏi người bán hàng: Dạ, xin lỗi anh đã ở đây bao lâu rồi? Người bán hàng trả lời: Tôi đã có mặt ở đây từ khi cửa hàng được thành lập. Ngay khi đó vị khách bỗng nhiên bùi ngùi xúc động nói rằng: Anh hãy tha thứ cho tôi, hơn 10 năm trước trong một lần tình cờ đi ngang đây, vì đói quá nên tôi đã lấy tờ giấy bạc 100 ngàn trên máy tính tiền, tôi đã bỏ vào túi mình rồi đi ra ngoài. Chính nhờ vậy mà tôi qua được đói khát, trong nhiều năm qua tôi không thể quên điều đó. Tôi biết nó không phải là món tiền lớn, nhưng nó làm cho tôi rất ray rức khó chịu, nên tôi phải quay lại đây để nói lên sự thật này, mong anh hãy tha thứ lỗi lầm 10 năm về trước.

Người bán hàng nghe nói vậy vừa mừng, vừa buồn, vừa tủi nên nước mắt đã lăn tròn trên đôi má, khi nhớ lại câu chuyện hơn 10 năm về trước. Người bán hàng đề nghị người đàn ông: Ông vui lòng bước sang cửa hàng bên và kể lại chuyện này cho người chủ cửa hàng đó được không? Vì câu chuyện này mà hai anh em chúng tôi phải trở nên người xa lạ hơn 10 năm nay.

Người em sau khi đã biết rõ nguyên nhân của hơn 10 năm về trước, nên đã đến bên người anh ôm nhau khóc ngay trước cửa hàng. Sau hơn 10 năm, rạn nứt giữa họ đã được hàn gắn trở lại. Kể từ hôm đó bức tường thù hận chia cắt hai anh em họ đã được phá bỏ, hai anh em vui vẻ hợp tác trở lại.

Trong cuộc sống của chúng ta có những điều nhỏ nhặt vẫn thường xảy ra và vô tình làm cho con người ta hiểu lầm với nhau, những lời nói vội vàng không suy nghĩ, những lời lẽ chỉ trích gay gắt, rồi cuối cùng buộc tội cho nhau dẫn đến oán giận thù hằn. Khi đã trở thành kẻ thù vì một chút hiểu lầm nào đó, con người ta sẽ tự đánh mất đi tình thương yêu chân thật, bởi ta là thật ngã, là ta, là của ta.

Tại sao chúng ta không tự quay lại chính mình để nhìn thấy rõ những lỗi lầm bên trong của chúng ta, là tham lam, là sân hận, là si mê, là cống cao ngã mạn và sự nghi ngờ. Chúng ta có thể cảm thông và tha thứ cho nhau khi ta hằng tỉnh giác trong ý nghĩ, lời nói và hành động có cân nhắc, thì làm gì có chuyện nghi ngờ lẫn nhau.

Nghi có nghĩa là nghi ngờ, nghi ngờ là một trong năm phiền não của tâm có thể làm tổn hại cho con người. Đó là: Tham, sân, si, mạn, nghi. Người em nghi ngờ người anh lấy tiền, nghi người anh tham lam, nghi ngờ người anh gian dối. Chính chỗ nghi này là nguyên nhân phát sinh ra mọi sự chia rẽ, li gián giữa người này với người kia hoặc nhiều người.

Ở đâu có nghi ngờ, ở đó mọi người không sống hòa hợp với nhau; ở đâu có nghi ngờ, ở đó tạo ra sự ly gián gây hiểu lầm nhau; ở đâu có nghi ngờ, ở đó dẫn đến sự ganh ghét nói xấu lẫn nhau tạo ra nỗi khổ niềm đau; ở đâu có nghi ngờ, ở đó không có tình thương chân thật.

Cho nên lòng nghi ngờ rất nguy hại, nó có thể đánh mất hết nhân cách đạo đức của con người khi không tin tưởng nhau. Khi chúng ta nghi ngờ người khác, thì tình thương chân thật sẽ bị đánh mất, từ đó con người sẽ trở nên oán giận nhau vì không có sự cảm thông và tha thứ.

Người Phật tử chân chính là phải biết vượt ra ngoài tâm nghi, nếu tâm nghi còn thì sự hợp tác giữa người này với người kia hoặc nhiều người khác sẽ bị đổ vỡ.

Chỉ có một tờ giấy bạc 100 ngàn, người em vì sự nghi ngờ anh mình đánh cắp đã làm cho hai người trở thành kẻ thù. Tiền bạc là vật vô tri nó có được là do con người tạo ra, người em vì si mê, rồi tham lam dẫn đến tức giận mà khinh thường anh mình do cố chấp…..

Chỉ vì chút nghi ngờ mà hai anh em phải chia lìa hơn 10 năm trời, giống như là kẻ thù không đội trời chung. Trong tâm mỗi người chúng ta đều có năm món triền cái, là năm cái màn ngăn che, nếu một trong năm cái màn ngăn che này khởi lên thì kể từ đó tội lỗi sẽ phát sinh. Năm thứ đó là tham lam, sân giận, si mê, cống cao ngã mạn và nghi ngờ.

Người đàn ông kia, trong khi đói đã lấy cắp số tiền của người khác hơn 10 năm mà vẫn không quên trở lại trả số tiền cho người chủ của nó. Người này không phải là kẻ xấu ác, chẳng qua vì hoàn cảnh khó khăn mà thôi.

Tất cả sự việc xảy ra trên đây, đều do nhân quả chiêu cảm khiến cho hai anh em nhà kia phải sống chia lìa hơn 10 năm đau khổ, ôm một mối oan ức trong lòng. Vì phải trả nghiệp nhân đời trước, do hai anh em người này đã tạo kế ly gián làm người khác khổ đau.

   Nếu không có người khách lạ này xuất hiện thì mối oan gia trái chủ của hai anh em nhà kia chỉ còn nước chết đem theo xuống suối vàng. Qua câu chuyện trên mọi người hãy nên cẩn thận lưu ý trong từng suy nghĩ, lời nói để khi ta phát ngôn ra không làm tổn hại người khác.

    Kế đến là phần hai nghi lời dạy của người có đúng không? Do chúng ta không tin tưởng người đó nên chúng ta nghi ngờ, từ chỗ hoài nghi nên chúng ta đánh mất cơ hội để học đạo. Đã không học thì không hiểu, không biết do đó suốt ngày sống trong đau khổ lầm mê

3- Nghi pháp; như nghe lời Phật dạy: "Người quyết tâm tu hành phước huệ song tu hành Bồ tát đạo viên mãn thì thành Phật. Nhưng ta lại nghi ngờ không biết phương pháp ấy kết quả có đúng như lời Phật dạy hay không? Do nghi ngờ như vậy nên họ mất lòng tin mà xao lãng việc tu tập của mình.

Từ sự nghi ngờ dẫn đến do dự, phân vân con đường mình đã chọn có đúng không? Thiếu quyết tâm và tin tưởng vào lời Phật dạy, khiến cho ta hoài nghi thất vọng, bởi không hiểu rõ ràng chính xác phương pháp tu của mình có đạt được kết quả viên mãn hay không?

Tâm hoài nghi là biểu hiện của sự phân vân do không hiểu biết, không chắc chắn, không rõ ràng, bởi si mê chấp ngã. Có những sự thật chúng ta còn không tin do nghi ngờ tính xác thực của nó. Khi chúng ta hoài nghi một điều gì làm cho mình lúng túng, giống như người đứng ở ngã tư đường không biết chọn đường nào vì ta cứ phân vân, do dự mãi.

Sự hoài nghi của chúng ta thường đi kèm với thói quen xấu. Do không tin nhân quả nên chúng ta phỉ báng lời Phật dạy là phi lý không có lẽ thực, ta lại còn hô hào người khác đồng hành với mình.

Nói tóm lại, vì lòng nghi ngờ không tin sâu nhân quả, không tin lời Phật dạy có kết quả thiết thực nên ta lơ là tu cho có cầm chừng. Những người có tánh đa nghi như thế, đối với gia đình, người thân họ chẳng tin tưởng một người nào hết, đối với bạn bè, họ không thấy ai là người đáng tin cậy. Đối với Phật pháp họ cho rằng không có lợi ích thật sự, nên họ đánh mất niềm tin mà bỏ qua cơ hội tốt học đạo làm người