Tôn tượng Đức Phật A Di Đà song diện vùng biên giới


Tọa lạc bên dòng Bình Di, nơi có cửa khẩu Khánh Bình thuộc huyện An Phú, An Giang (Việt Nam), bên kia là cửa khẩu Chrey Thum thuộc huyện Koh Thum, tỉnh Kondal (Campuchia), tôn tượng Đức Phật A Di Đà song diện hiện ra trong ánh bình minh với những hạt nước sáng lấp lánh của cơn mưa đêm qua còn vương trên kim thân Ngài.

Với nụ cười hiền từ, pho tượng song diện một mặt nhìn về chánh điện chùa Linh Ẩn, mặt kia nhìn qua bên kia biên giới nước bạn.

vugiang1.jpg
Tôn trượng tọa lạc bên dòng Bình Di, nơi có cửa khẩu Khánh Bình thuộc huyện An Phú

Nơi “học làm người” cho Phật tử trẻ

Là một huyện nhỏ khá nghèo thuộc tỉnh An Giang, thị trấn Long Bình nằm sát với biên giới Campuchia, chỉ cách nhau một con sông, nên đứng từ chợ Long Bình nhìn qua thấy rõ cửa khẩu Chrey Thum. Nhiều năm nay, chùa Linh Ẩn vẫn bình yên hiện hữu ở đó. Nhưng có lẽ ít ai biết, từ ngày tôn tượng Đức Phật A Di Đà song diện hoàn thành, ngoài những khách hành hương là Tăng Ni, Phật tử, còn có khá đông những “nam thanh nữ tú” đến đây chiêm bái, vừa tìm cho mình một chốn yên bình hiếm có.

Ngồi nhâm nhi ly cà-phê đá trước cổng chùa, bên đường là công viên tượng Phật A Di Đà song diện, anh Hòa, 32 tuổi, nhà gần chùa, chia sẻ: “Nhiều lúc, tôi cảm thấy cuộc sống, công việc thật mệt mỏi. Tôi muốn đi tìm điều gì đó yên bình, thanh tịnh hơn”. Từ ngày tượng Phật song diện được hoàn thành, mỗi sớm mai anh đều dắt cô con gái nhỏ 3 tuổi tới chùa dạo chơi, tạo duyên cho con biết lễ Phật, mong cho con được khỏe mạnh và ngoan ngoãn.

Đại đức Thích Bửu Niệm, trụ trì chùa Linh Ẩn, cho biết ngôi chùa “hút” được Phật tử trẻ bởi lý do rất đơn giản: “Vì Phật pháp cần đi sâu vào giới trẻ, và giới trẻ cũng rất cần sự bình an chốn cửa thiền”. Đại đức giải thích, quan niệm “trẻ vui nhà, già vui chùa” là không đúng. Mọi người thường nghĩ, tuổi trẻ thì phải vui chơi, phải tận hưởng, chỉ đến khi già mới tìm về sự thanh tịnh chỉ là sự ngộ nhận. Không cứ già trẻ, chỉ cần có duyên là đến với Phật pháp được. Thực chất, Phật pháp càng đi sâu vào giới trẻ, càng mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho chúng sinh. Còn trẻ thì thấu hiểu đạo pháp nhanh chóng, già thì khả năng bị hạn chế, khó nghe mà dễ quên…

Khác với kiểu đi chùa để tạo dáng chụp ảnh theo phong trào…, nhiều bạn trẻ đến đây đã rất nghiêm túc tham gia các buổi giảng kinh, hoặc các ngày lễ lớn như lễ Vu lan, Phật đản, lễ Cầu siêu… Các bạn coi việc nghe giảng kinh Phật là cách hiệu quả nhất để “học làm người”. “Thanh niên đến nhiều, các cháu bốn, năm tuổi cũng có. Các cháu chưa đi được một mình thì bố mẹ đưa đi. Vậy nhưng, con nhỏ lại nhớ nhanh hơn. Bố mẹ nói đạo pháp chưa đúng, còn bị con mình sửa”, Đại đức vui vẻ cho biết.

Chỗ dựa tâm linh cho Phật tử vùng biên giới

Cả huyện hiện chỉ có 6 ngôi chùa cho bà con Phật tử trong vùng về sinh hoạt; chùa Linh Ẩn nằm sát biên giới Campuchia, lại ngăn cách bởi dòng sông, nên bà con Phật tử mong muốn có một tôn tượng Đức Phật ở nơi này để hàng ngày hướng về đây sinh hoạt, lễ Phật. Đáp lại ý nguyện đó, ĐĐ.Thích Bửu Niệm, trụ trì chùa Linh Ẩn đã khởi tạo công trình xây dựng tôn tượng theo tâm nguyện của bà con.

Sau nhiều lần liên hệ với điêu khắc gia Thụy Lam về ý tưởng, đến đầu tháng 7-2015, chùa đã khởi công xây dựng tượng tôn tượng Phật A Di Đà song diện. Ban đầu, công trình dự kiến cao 16m, nhưng sau khi bàn bạc, tham vấn ý kiến của bà con Phật tử trong vùng cũng như Phật tử nước bạn Campuchia - họ mong muốn thấy được chiêm ngưỡng Phật diện từ xa, nên cuối cùng thống nhất xây dựng pho tượng có chiều cao lên đến 25m.

Từ trên cao, một mặt của tượng Phật nhìn về trước chánh điện chùa Linh Ẩn, mặt còn lại nhìn qua bên kia biên giới nước bạn Campuchia, soi sáng cả khu vực giáp biên.

Dạo bước trong khuôn viên tôn trí tôn tượng, ông Tư năm nay đã 82 tuổi, chia sẻ: “Sở dĩ xây pho tượng hai mặt là do nhu cầu Phật tử vùng này thường xuyên đi lễ chùa, đặc biệt là các bạn trẻ Campuchia; vào cuối tuần, họ thường xuyên qua đây lễ Phật. Bên cạnh đó, chùa cũng tạo điều kiện thuận duyên cho Phật tử và đồng bào địa phương tu học theo đúng Chánh pháp, giúp ổn định đời sống, thực hiện tốt phương châm ích đạo, lợi đời, góp phần vào mục tiêu an sinh xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ngày một phát triển”.

vugiang2.jpg
Từ nước bạn - Campuchia - vẫn có thể thấy được Phật diện sáng ngời

vugiang3.jpg
Nơi nương tựa tâm linh của bà con vùng biên giới Việt Nam - Campuchia

*

Hoàng hôn đang lùi dần về phía dòng Bình Di. Chúng tôi rời chùa trên chiếc xe bus trở về thị xã Châu Đốc để bắt xe về lại Sài Gòn với câu chuyện thú vị của chị Tú Xuân, nhân viên kiểm soát vé. Chị nói, giờ đây quê chị đã có một chỗ dựa tâm linh mang lại sự an vui, bình yên, đáp ứng được một phần đời sống tâm linh của đông đảo Phật tử cùng những người yêu mến đạo Phật.

Còn đối với người dân nước bạn thì mỗi sớm mai được chiêm ngưỡng tôn tượng Đức Phật A Di Đà của ngôi chùa Việt bên kia bờ sông ngời sáng thấp thoáng sau lũy tre làng. Đó là một góc văn hóa tâm linh, giải mọi khổ ưu, sầu hận, là chốn trở về bình an, ấm cúng cho mỗi con người sau bao nỗi nhọc nhằn lo toan trong cuộc sống đời thường.

Bài, ảnh Vũ Giang