Tấm lòng của một Sư cô


Chùa Từ Ân (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là nơi cưu mang hơn 145 trẻ mồ côi. Ở đó, có vị Ni "bỏ qua" căn bệnh nan y của bản thân, luôn dốc tâm sức vào việc nuôi dưỡng các em nên người…                                    

 

Nhân duyên nuôi trẻ

Tôi đến thăm chùa Từ Ân (tổ 16, ấp Mỹ Tân, xã Mỹ Xuân, H.Tân Thành) do SC.Thích nữ Minh Hải trụ trì và có duyên gặp được cô. Ngôi chùa được thành lập năm 1990, nằm trong một con hẻm nhỏ, cách xa đường lộ hơn 1 cây số. Sư cô trụ trì cho biết, chùa đang nuôi dưỡng 147 em có hoàn cảnh khác nhau, trong đó có 4 em bị khuyết tật, 3 em bị khiếm thị và hơn 10 cụ già neo đơn không nơi nương tựa. 

tam-long-cua-su-co
Sư cô Minh Hải bên cặp song sinh - Ảnh: Mỹ Nhung

Nhiều em vì hoàn cảnh khó khăn nên ba mẹ gửi vào chùa nhờ Sư cô nuôi dưỡng như trường hợp em Nguyễn Thị Hòa Bình - trẻ đầu tiên được cô nhận nuôi khi còn học lớp 3. Trường hợp đặc biệt khác là một cặp sinh đôi bị bỏ rơi trong thùng giấy. Trong một lần tụng kinh khuya, khi ra mở cổng, sư cô nghe tiếng khóc trẻ con, đi tới thì thấy một cặp song sinh còn đỏ hỏn, đứa trẻ còn nguyên dây rốn đang khóc vì khát sữa. Bế hai cháu vào chùa và đặt tên là Lê Đặng Ngọc Duyên, Lê Đặng Ngọc Thuận.

“Mấy ngày sau đó, tôi luôn trằn trọc vì nhớ lại tiếng khóc của trẻ giữa canh khuya, thấy thương xót vô cùng và phát nguyện - mình sẽ làm việc gì đó để cứu giúp những hoàn cảnh bất hạnh ấy”, SC.Minh Hải nhớ lại.

Một thời gian sau, cứ thế, những trẻ bị bỏ lại trước cổng chùa đã được Sư cô tiếp nhận nuôi dưỡng với tất cả tình yêu thương. Các em không có giấy khai sinh nên khi đặt tên đều mang họ Sư cô trụ trì.

Sư cô tâm sự, lúc đầu chưa có kinh nghiệm chăm trẻ nên mỗi khi các bé quấy khóc, cô phải thức nguyên đêm để dỗ dành đủ cách. Việc đút sữa cho trẻ sơ sinh cũng rất khó khăn, vì mỗi em có “đòi hỏi” khác nhau, nhưng với tình yêu thương nên “người mẹ đặc biệt” là cô đã vượt qua tất cả để chăm sóc các em khôn lớn nên người.

Ngoài việc nuôi dạy các em ở chùa, Sư cô còn thực hiện các chuyến thiện nguyện, kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Không ngại khó nhọc, cô thường tìm đến những vùng xa xôi hẻo lánh, nơi rất cần sự giúp đỡ. Từ năm 1990 đến nay, Sư cô đã thực hiện nhiều công trình như: xây cầu, làm giếng, xây nhà tình thương, trao tặng xe lăn cho thương binh và khuyết tật, trao học bổng cho trẻ em nghèo…

Khi đến những nơi đó người dân không những nhận món quà về vật chất mà còn cả những bài học ý nghĩa trong cuộc sống từ vị Ni có tâm nguyện thiện lành này.

Biến nghịch cảnh thành quà tặng

Các em ở đây được đi học và tự định hướng cho tương lai của mình. Có những em sau khi học lớp 12 - nếu muốn tu học thì sẽ được Sư cô cho đi thọ giới theo luật nhà Phật và em nào muốn ra tự lập cuộc sống thì cô sẽ tạo điều kiện cho các em học theo ý thích của mình.  

Bạn Nguyễn Thị Hòa Bình là một trong số những em đã nhận được bằng cử nhân. Đến nay, chùa đã và đang nuôi 2 bạn học thạc sĩ, 11 bạn học đại học và nhiều em học phổ thông các cấp.

tam-long-cua-su-co
Sư cô Minh Hải trong lễ tốt nghiệp của Nguyễn Thị Hòa Bình

Hòa Bình chia sẻ: “Tôi rất thương sư phụ! Cách đây không lâu, sư phụ phát hiện có khối u trong người, đi khám bác sĩ bảo ung thư giai đoạn 2. Giờ sư phụ lại bị thêm bệnh tiểu đường và bao tử. Chỉ uống thuốc nam, thuốc bắc chứ không dám mổ vì sợ bệnh tiểu đường không thể lành vết thương”.

Hòa Bình cũng cho biết thêm, vì hiểu được sự vất vả của thầy nên các em trong chùa ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc phụ giúp làm kinh tế. Các em làm ra các món quà như móc khóa, xâu chuỗi, làm chao, nhang để “góp kinh phí cùng thầy nuôi các em sau, có hoàn cảnh như mình”.

Cô Ngô Thị Nguyệt là Phật tử ở chùa Từ Ân được 10 năm chia sẻ: “Tôi có gia đình, nhà ở gần đây nhưng vì một lần thấy sư cô vừa nấu ăn vừa giặt đồ, tắm rửa cho các em - hình ảnh đó khiến tôi không cầm lòng được nên tới ở lại đây phụ giúp việc nấu nướng cho các cháu để sư yên tâm phần nào”.

Theo cô Nguyệt, các cháu ở chùa rất ngoan và nghe lời người lớn. Riêng sư cô trụ trì, dù bệnh tật nhưng vẫn lạc quan.

tam-long-cua-su-co
Ai cũng nghĩ các em bị bỏ rơi thật đáng thương, nhưng biết đâu,
với tình thương nơi cửa thiền - lại là một may mắn khác? - Ảnh: Mỹ Nhung

Cùng làm công quả ở chùa, cô Huỳnh Thị Tư bày tỏ: “Tôi làm công quả ở đây được 7 năm, giúp việc chăm sóc các cháu sơ sinh. Vì tôi đã là mẹ nên biết cách chăm các cháu nhỏ và đã xin sư cô cho ở lại chùa để tiện chăm các em”.

Cô Tư xúc động kể, có lần tình cờ nghe Sư cô Minh Hải nói sẽ biến những nghịch cảnh trở thành những món quà để sống giá trị hơn mỗi ngày nên đã quyết định phải ở lại đây để có thể sống đẹp hơn mỗi ngày.

Chùa Từ Ân cưu mang các em từ năm 1990, Sư cô Minh Hải nhận được nhiều ghi nhận qua các bằng khen, tuyên dương như:

- Tấm lòng vàng vì sự nghiệp an ninh xã hội (Hội Chữ thập đỏ Việt Nam).

- Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi

- Tấm gương điển hình về “Văn hóa - Xã hội - Từ thiện”

- Tôn vinh người con của Đức Phật...