Thăm chùa Huệ Quang ở Bạc Liêu
Từ tập ảnh tư liệu do Ban Trị sự Phật giáo Bạc Liêu biên tập phát hành, tôi có đúng hai tấm ảnh về ngôi chùa từng có tên "Chùa Phật Học Bạc Liêu", nay là chùa Huệ Quang: Một tấm ảnh đen trắng được in lại, chân dung Hòa thượng khai sơn tạo tự Thiền Định - một bậc tăng tài miệt này. Hình còn lại chụp màu ngôi già lam, tòa công trình đứng hơi cao cao và không rộng, hết.
Tôi có trong tay một tài liệu khác ký tên tác giả Thích Thiện Lộc cung cấp một số thông tin về lịch sử ngôi chùa này. Không nhiều, nhưng có chút hình dung ban đầu.
Thêm nhân duyên, tại Đàn Dược Sư Thất Châu tổ chức tại Tịnh xá Bửu Linh, Hòa Bình (Bạc Liêu) tôi vinh dự đảnh lễ lần đầu Thượng tọa Thích Quảng Thới, trú trì Huệ Quang tự - Phó Ban Trị sự Phật giáo Bạc Liêu, và Thầy mời tôi về thăm chùa. Để đến Huệ Quang tự, tôi "tậu" một vé xe buýt đỗ tại bến Chợ Bạc Liêu- kết tiếp, "giao thông" bộ hành quen thuộc theo cung phố nhộn nhịp, chẳng mấy chốc nhận ra ngay tòa công trình cao cao đã từng thấy qua ảnh.
Tọa lạc nơi khu phố chợ, chùa Huệ Quang không khác một tòa nhà dân dụng, các hạng mục cơ bản "chất" lên nhau trên các tầng không rộng, và từ tầng cao nhất của chùa, một bề nhìn ra bờ kênh, không xa Cầu Quây và cụm nhà Công tử Bạc Liêu bao nhiêu! Cổng chùa hướng ra con đường nhỏ, chênh chếch rất gần ngôi Miếu Bà Thiên Hậu nhỏ nhắn nhưng có kiến trúc tinh xảo.
Vấn an Thầy trú trì bên bàn trà, tôi được biết thêm: Kiến trúc hiện tại được xây dựng mới, công trình cũ chỉ còn lại chút dấu vết ở tường và phía sau (cũng lại là phía… trước ngày cũ!) vẫn nhận ra chút mái cong cạnh gốc Bồ đề được cho là chứng nhân ngôi già lam thời đầu.
Tham khảo thông tin, tôi biết thêm chùa "được" Nhà nước trưng dụng quản lý đúng 21 năm, làm cơ quan Mặt trận tổ quốc, đương nhiên sự tu học, sinh hoạt đạo tràng, phật sự… ở ngôi tam bảo từng được gọi "Chùa Phật Học" bị gián đoạn chừng ấy năm.
Ảnh: Internet |
Một buổi ở chùa Huệ Quang, tôi thắp hương hết các ban thờ, ghi được cận cảnh mấy chú chim trên cội Bồ Đề ngày cũ hướng ra dòng kênh xáng, thắp hương thi lễ trước di ảnh Hòa thượng Thiện Định ở gian hậu tổ. Vãn cảnh thêm chút, tôi kính biệt ra về.
Trên xe khách Phương Trang trở về trong đêm, vấn vít hình ảnh ngôi chùa không khác tòa nhà dân dụng cao cao, mặt tiền ngày trước lại là mặt hậu bây giờ, xung quanh ồn ã bán mua, ngay nội ô thành phố mà có chút quê quê, bờ kè dang dở ngổn ngang vật tư cạnh chùa, và xóm lao động nghèo có lối sỏi cứ như ở một xã vùng sâu nào đấy, nơi mà đứng nhìn về bên phải thấy ngay cầu Quây và gần đấy là tòa nhà Công Tử Bạc Liêu…
Nguyễn Thành Công
- Thần phả làng Yên Phú, huyện Thanh Trì, Hà Nội
- Khánh thành chùa Tứ Giáp, nơi phát tích 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân
- Xem xét điều chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận quần thể di tích danh thắng Yên Tử là di sản thế giới
- Cổ tự linh thiêng bậc nhất Hà thành
- Ban Văn hoá Trung ương GHPGVN khảo sát Kiến trúc Văn hoá Phật giáo tại tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Giang