Thung lũng Phật giáo tại Himalaya chào đón du khách


Nhiều thế kỷ qua, thung lũng ngủ quên nằm nép mình trong dãy Himalaya - Ấn Độ được xem là vùng đất Phật giáo bí ẩn, cách biệt với thế giới bên ngoài.

Đối mặt với các điều kiện khắc nghiệt quanh năm bởi sa mạc, núi cao bao phủ, cư dân thung lũng Spiti xây dựng một cuộc sống xã hội đơn giản - gắn bó với thiên nhiên, hòa hiếu với các cộng đồng láng giềng, tránh tham lam và loại trừ tất cả sự cám dỗ cuộc sống.

Và tất cả đang bắt đầu có sự thay đổi. Kể từ khi Chính phủ Ấn Độ cho phép cư dân khu vực này cũng như du khách được tham quan thung lũng vào những năm 1990, du lịch và thương mại nơi đây có sự phát triển vượt bậc.  Và những dấu hiệu của hiện đại hóa diễn ra, gồm: cột thu năng lượng mặt trời, đường giao thông trải nhựa và các tòa nhà bằng bê-tông bắt đầu xuất hiện xung quanh các khu làng mạc nằm rải rác khắp vùng núi có độ cao 8.000m so với mặt nước biển này.

thunglungpg.jpg
Thung lũng Spiti, thuộc dãy Himalaya - vùng đất Phật giáo huyền thoại

“Năm nay thực sự bận rộn hơn bao giờ hết”, Ishita Khanna, đồng sáng lập đại lý dịch vụ du lịch sinh thái Ecosphere cho biết. Theo các nhà chức trách, cho đến cuối tháng 8 vừa qua, còn thêm một tháng nữa của mùa cao điểm du lịch, đã có khoảng 847 du khách quốc tế đến với khu vực núi non hiểm trở này, trong khi đó con số này chỉ là 726 du khách cùng kỳ năm ngoái.

Đó là chưa kể đến việc cơ quan phụ trách về du lịch không thể kiểm soát được bao nhiêu người Ấn Độ đã đặt chân đến nơi này theo những con đường núi nguy hiểm, vì họ không cần phải thực hiện các thủ tục khai báo bắt buộc. Nhưng theo một nguồn tin từ cơ quan địa phương, có khoảng 70% du khách leo lên núi là người Ấn Độ.

Nhiều gia đình cư dân Himalaya, phần lớn là người Tây Tạng sinh sống tại bang Himachal Pradesh, chào đón những dòng người hăm hở đến đây với mong muốn khám phá ngọn núi hoặc đơn thuần tận hưởng bầu không khí trong lành.

“Những năm thời tiết và đường sá thuận lợi, dòng người đến với vùng này cao hơn nhiều”, Thakur, một cán bộ địa phương thông tin. “Với tình hình đó, những người dân bản địa tất nhiên phải chuyển đổi nơi ở của họ thành những địa điểm lưu trú theo dạng trải nghiệm với gia đình người địa phương dành cho du khách - homestay”.

Trên những ngọn đồi của khu Demunl, với khoảng 250 cư dân bản địa, người ta buộc phải chia thành 2 nhóm và một trong 2 nhóm đó phải di chuyển qua sống với nhóm còn lại để nhường nhà cho du khách vào mỗi dịp hè. Khoản thu nhập có được sẽ phải chia đều cho cả 2 và nhờ đó có thể giúp việc đầu tư vào trường lớp cho học sinh tốt hơn.

“Người dân có sự sắp xếp tuyệt vời và nhờ vậy mà ai cũng có thể đến lượt cung ứng các dịch vụ du lịch”, Tom Welton, một du khách người Anh tâm sự. “Họ đã tạo nên những khoản thu nhập chung và cuối năm sẽ chia đều cho tất cả những ai sống trong khu làng”.

Đối với chư Tăng theo truyền thống Mật tông đang tu tập và hành đạo trên núi, việc gia tăng du khách mang lại nhiều cơ hội để có thể “truyền giảng giáo lý đạo Phật đến với mọi người bằng nhiều cách khác nhau”, Lama Tenzin Rizzin, vị tu sĩ Phật giáo đang sống tại một tu viện trên núi, khẳng định.

Trong xu hướng hồi sinh của Phật giáo, du khách đến đây một mặt với mong muốn chinh phục nóc nhà thế giới, mặt khác để tìm về các giá trị huyền bí của đạo Phật. Nơi đây có sự hiện hữu của những tu viện Phật giáo cổ xưa, có thời gian tồn tại hàng trăm năm và là nơi ẩn tu của nhiều bậc chân tu xuất chúng.

Tuy vậy, nhiều người dân địa phương cũng lo ngại rằng, việc mở cửa đón du khách, tạo ra khá nhiều của cải sẽ dẫn đến các cuộc tranh chấp, làm mất đi nét đẹp tình người vốn có, hoặc cũng có thể gây ra những tác động xấu về mặt môi trường. 

“Chúng ta không thể đi ra ngoài giới hạn. Du lịch mang tính rầm rộ sẽ không tốt cho nền văn hóa địa phương”, Tenzin Thinley, một nhân viên làm công tác hướng dẫn du lịch khẳng định trong phát biểu trước truyền thông. “Sự chân thành, mến khách, mộ đạo vẫn là các thành tố quan trọng trong nền văn hóa của người Spiti, và chúng ta không thể để giá trị này bị mất đi vì bất cứ lý do nào”.