Tinh thần Yêu nước là yêu đạo trong sự nghiệp hoằng hoá của Ni sư Phương Dung


TINH THẦN YÊU NƯỚC LÀ YÊU ĐẠO
TRONG SỰ NGHIỆP HOẰNG HÓA CỦA NI SƯ PHƯƠNG DUNG

 
       Ngay từ buổi đầu khi Phật giáo du nhập vào nước ta bằng con đường văn hóa hoà bình nên đã có sự gắn bó và hoà nhập với dân tộc trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước. Mặt khác, cốt tuỷ tinh thần của đạo Phật là dân chủ, rộng mở, từ bi và hỷ xả nên nhanh chóng được tiếp nhận rồi ăn sâu vào trong tâm thức cộng đồng người Việt vốn là cư dân nông nghiệp hiền hòa chất phác. Trần Văn Giàu đã ghi nhận:  “Bình minh lịch sử dân tộc ta cũng gắn liền với Phật giáo”. Thế nên, Phật giáo được xác định như là một thực thể văn hóa tinh thần, góp phần tạo ra sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc, đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước từ xưa cho đến nay.
       Trong bối cảnh lịch sử cả dân tộc đứng lên giành quyền độc lập tự chủ, chống lại sự đồng hóa của phong kiến Trung Hoa từ những thập niên đầu thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên,  nhất là sau cuộc khởi nghĩa Hai bà Trưng, không phải ngẫu nhiên hình ảnh Tỳ kheo ni là nữ tướng, nữ vương Bát Nàn đã xuất gia, hành đạo và viên tịch tại ở chùa Tiên La đã xuất hiện, rồi quá trình tiếp biến đó đến thế kỷ II là hình ảnh Phật mẫu Man Nương hóa hiện giữa đời thường để độ chúng sinh. Thông qua các sử liệu, chúng ta còn biết được vào thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa còn có nhiều nữ tướng Thiều Hoa, công chúa Phương Dung, Công chúa Chiêu Dung xuất gia, hành đạo, độ đời. Và như thế, cốt lõi của mối quan hệ giữa khắng khít giữa dân tộc và Phật giáo Việt Nam là thực thể duy nhất bất khả phân ly, khi mỗi người Phật tử tự thân xác lập mình là thành viên của dân tộc, đóng góp cho đời chính là cho đạo. Trong ý nghĩa này, bài viết này xin trình bày tham luận: “Tinh thần yêu nước chính là yêu đạo trong sự nghiệp hoằng hóa của Ni sư Phương Dung”.
  1. Bối cảnh xã hội nước ta thời kỳ Phật giáo du nhập
      Đến đầu Công nguyên, triều đình phương Bắc có phiến loạn, Vương Mãng cướp ngôi nhà Tây Hán lập ra vương triều mới (8 – 23), lấy niên hiệu Thủy Kiến Quốc sau đó nhà Đông Hán (25 – 220) lên thay thế, trong giai đoạn này là thời kỳ đất nước Trung Quốc ổn định ở bên trong và có điều kiện bành trướng ra bên ngoài. Thực thi chính sách đồng hóa ở Giao Châu, nhà Hán chủ trương mở trường dạy lễ nghĩa và truyền bá tư tưởng đại Hán, buộc người Việt phải theo lễ nghi văn hoá của họ. Chủ trương cai trị của đế chế phương Bắc càng lộ rõ khi chúng bắt dân ta xoá bỏ các tục lệ cổ xưa của ông bà, áp dụng luật lệ nhà Hán vào Giao Châu, đồng thời ra sức tuyên truyền tư tưởng đạo đức phong kiến của mình.
      Vào năm 34, khi Tô Định lên thay Tích Quang làm Thái thú Giao Chỉ lại càng tỏ ra gian tham bóc lột dân chúng khiến dân ta oán giận dẫn đến cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40 - 43. Tháng 3 năm 40, Trưng Trắc đã cùng Trưng Nhị phát động khởi nghĩa ở khu vực cửa sông Hát (huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội ngày nay). Những người yêu nước đã hưởng ứng, kết quả chính quyền đô hộ tan rã trước sự tấn công của quần chúng. Bản thân Thái thú Tô Định đã phải bỏ thành Luy Lâu, bỏ cả ấn tín trốn về Nam Hải. Sau một thời gian cầm quyền, Hai Bà bị thất thủ bởi Mã Viện và đã hy sinh, đất nước lần nữa lại mất chủ quyền độc lập bởi tướng Mã Viện nhà Hán. Tương truyền trong các lần khởi nghĩa này của Hai Bà Trưng, có một vị nữ tướng quân của Trưng Vương là Bát Nàn phu nhân đã xuống tóc xuất gia ở chùa Tiên La, lánh xa cuộc sống bể dâu đàn áp của chế độ thống trị. Tuy vậy, lịch sử vẫn chưa xác định được vị phu nhân này theo ai để xuất gia, nhưng y cứ theo đây thì chúng ta có thể xác định lúc này Phật giáo đã có mặt tại Giao Châu[1].
      Sau thất bại của Hai Bà Trưng, nhà Hán bắt đầu bộc lộ tư tưởng và thực thi chính sách đồng hoá mạnh hơn, họ cho áp dụng luật lệ nhà Hán trên đất Việt. Trong thời gian này, đạo Phật đã được truyền bá và lan tỏa ở Giao Châu với các tín ngưỡng đa thần, thờ cúng tổ tiên, nhân quả báo ứng hay tạo phước cúng dường đã tạo nên sức mạnh cộng sinh cùng với tinh thần yêu nước để chống lại sự đồng hóa Hán tộc Trung Hoa. 
     Theo các tài liệu sử ghi lại thì từ lâu trước Tây lịch, giao thông đường biển thuận lợi hơn đường bộ. Các thương thuyền qua lại giữa Ấn Độ, Sri Lanka, Java, Indonesia, Việt Nam, Trung Hoa đã làm nên sự giao lưu, hội nhập văn hóa, văn minh giữa các quốc gia. Từ thế kỷ thứ nhất, xứ Giao Châu (Việt Nam bấy giờ) là một bến cảng cho các thương thuyền Ấn Độ ghé qua buôn bán các sản phẩm tơ lụa, vải vóc, hồ tiêu và các gia vị khác.
Trong diễn trình này, đạo Phật được biết đến ở nước ta qua những sinh hoạt hàng ngày của các tu sĩ và tín đồ thực hiện với mục đích mong cầu được bình an. Dần dần, các tu sĩ này được quần chúng tín nhiệm và cuộc sống tâm linh của dân ta trở nên phong phú. Vậy là từ buổi đầu, Phật giáo đến với nước ta được định hình bằng một Phật giáo chức năng. Theo Nguyễn Lang nói trong Việt Nam Phật giáo sử luận thì các tu sĩ đi theo thuyền buôn Ấn Độ là những người đầu tiên truyền đạo Phật vào nước ta với tín ngưỡng đơn sơ, như giữ tam quy ngũ giới, tin thuyết nhân quả, cúng dường, thờ phụng xá lợi Phật, đốt hương, kể chuyện tiền thân đức Phật.
       Với nội dung sinh hoạt buổi đầu như thế, dường như nó phù hợp với tín ngưỡng bản địa văn hóa người Việt. Người ta tin rằng ông Trời được nhìn nhận như là vị thần ở trên cao, nhìn thấu mọi việc ở dưới đất, trừng trị kẻ làm điều ác, giúp đỡ người hiền. Ông Trời có thuộc hạ gần xa. Gần thì có ông Sấm, mụ Sét. Xa thì có Sơn Tinh, Thủy Tinh, thần cây Đa, ông Táo. Khi Phật giáo vào nước ta, Bụt được nhìn nhận như là ông Trời có phép thần thông, nghe biết hết mọi chuyện trên thế gian như ông Trời, nhưng không ở trên cao nhìn xuống như ông Trời, mà rất thân cận với con người. Bụt có thể hiện ra dưới hình thức để cứu người, giúp đời, nhất là những người có lòng tốt mà bị điều oan ức. Bụt rất thương người, cứu giúp người hiền, nhưng khác ông Trời là không trừng trị kẻ ác. Bụt không bị nước trôi, lửa cháy vì Bụt có phép thần thông và biến hiện[2].
       Do đó, Phật giáo cứ thế mà được cộng đồng người Viêt tiếp biến và hội nhập một cách tự nhiên. Nó được đi vào trong đời tín ngưỡng và đạo lý sống của người Việt. Thuyết Nhân quả nghiệp báo hẳn nhiên thích ứng với quan niệm của dân gian, ông Trời thì trừng phạt kẻ làm ác, giúp đỡ người hiền; quan niệm luân hồi thì phù hợp các ý niệm linh hồn tồn tại sau khi chết. Điều đáng nói, trên nền tảng tín ngưỡng bản địa tại Giao Châu thời đó, đạo Phật thật sự dễ dàng cắm rễ trong lòng dân chúng người Việt.
      Cũng vào thời điểm này, vẫn chưa có ai trở thành những tín đồ trung kiên của đạo Khổng, Lão, bởi ý thức tự chủ văn hóa độc lập của cộng đồng người Việt rất mạnh mẽ qua hai thế kỷ đầu sau Công nguyên. Đọc Lý hoặc luận của Mâu Tử viết vào cuối thế kỷ II thì sẽ thấy rõ điều này. Chẳng hạn, khi diễn đạt về vấn đề luân hồi tồn tại thì Mâu Tử diễn đạt theo tư duy và ngôn ngữ người Việt: “Thân thể người ta cũng như cành rễ của cây, linh hồn như hạt giống còn sống. Cành rễ của cây sẽ bị hư hoại nhưng hạt giống còn sống và sẽ tạo nên cành rễ mới…” [3].
      Hay nói cách khác, trong buổi đầu đạo Phật mới du nhập vào nước ta, Phật giáo đã tiếp thu những yếu tố văn hóa Việt để có thể hòa nhập, tồn tại, sau đó đi sâu vào đời sống xã hội. Do đó, từ một tín ngưỡng dân gian đa thần mang màu sắc quyền năng, hình ảnh Phật thể được thiết lập; từ một con người sau khi tu chứng trở thành vị thần, được ghi nhận vào trong Lục độ tập kinh truyện 74, tờ 39b16 -20 như sau: “Tâm tịnh đắc bỉ tứ thiền, tại ý sở do, khinh cử thắng phi, đạp thủy nhi hành, phân thân tán thể, biến hóa vạn đoan, xuất nhập vô gián, tồn vong tự do, mạc nhật nguyệt, động thiên địa, động đổ triệt thính mỵ bất văn kiến, tâm tịnh quán minh, đắc nhất thiết trí” (Lòng sạch, được bốn thiền kia, theo ý tự do, nhẹ nhàng bay nhảy, đạp nước mà đi, phân thân tán thể, biến hóa muôn hình, ra vào không hở, còn mất tự do, rờ mó tới trăng, chấn động đất trời, trông suốt che khắp, không đâu là không thấy nghe, lòng sạch thấy sáng, được nhất thiết trí).
     Tiến trình tiếp biến các yếu tố quyền năng của các vị thần vào trong Phật giáo ở Giao Châu không dừng ở đó, nó được bản địa hóa hoàn toàn khi mà xã hội Việt Nam bấy giờ, con người sinh sống dựa trên nền tảng của xã hội nông nghiệp trồng lúa nước. Ngoài yếu tố cần cù lao động, con người luôn có nhu cầu  “trông trời, trông đất, trông mây; Trông mưa trông nắng, trông ngày trông đêm” để cày cấy sinh tồn. Cho nên, vị thần trong thần điện của người Việt tôn thờ tất nhiên là thần mây (vân), tiếp đến thần mưa (vũ), sau đó là thần sấm (lôi), cuối cùng là thần chớp (điện). Như vậy, trong tâm thức cư dân nông nghiệp nước ta bấy giờ, muốn có mưa (có nước) tức là phải nhờ có mây, đi chung cùng với mưa hay trước khi mưa thì sấm, chớp xuất hiện để phục vụ cho việc nông nghiệp trồng lúa nước. Hình ảnh Phật điện được cụ thể hóa thành Phật Pháp Vân, Phật Pháp Vũ, Phật Pháp Lôi, Pháp Điện được tôn thờ trong bốn ngôi chùa trùng tên.
      Rõ ràng, khi Phật giáo được truyền vào Giao Châu, sau một thời gian Phật Quang bản địa hóa giáo lý thì đến lượt Khâu Đà La là nhà sư thứ hai bản địa hóa Phật điện. Sự xuất hiện hình ảnh Phật điện trong tín ngưỡng như là nhân tố quan trọng, tích cực cùng đồng hành với dân tộc trong sự nghiệp chống lại sự đồng hóa văn hóa nô dịch Trung Hoa và phát triển văn hóa nước nhà. Nếu ở giai đoạn buổi đầu, vai trò Phật giáo quyền năng, được thiết lập một cách rõ ràng cụ thể để Phật giáo dễ dàng thâm nhập tín ngưỡng dân gian đa thần của người Việt. Từ Chử Đồng Tử, Tiên Dung và nhà sư Phật Quang, rồi đến Tu Định và Man Nương và sư Khâu Đà La, thực chất đây là cả quá trình tiếp biến, bản địa hóa đạo Phật, khiến cho Phật giáo có vị thế vững chắc trong lòng dân tộc, tạo nên sắc thái đặc biệt của Việt Nam. Một mặt, giới Phật giáo cộng đồng người Việt nỗ lực bản địa hóa giáo lý cơ bản như nhân quả, nghiệp báo luân hồi, Phật, Pháp, Tăng của nhà Phật theo đạo lý truyền thống và tín ngưỡng đa thần, được diễn đạt theo cách hiểu và ngôn ngữ Việt bấy giờ. Mặt khác giới  Phật giáo cũng nhiệt tâm xây dựng hình tượng Phật điện được cụ thể hóa cho phù hợp tư tưởng người Việt.
      Như vậy, người Việt giải trình vấn đề bản địa hóa đạo Phật bằng thể nhập niềm tin và chuyển hóa thân tâm. Con người có thể vươn tới những quyền năng bằng sự tu thân, phải hiếu thảo cha mẹ, sống có nhân nghĩa, không lấy của không cho, không tà dâm… để trở thành những con người có phẩm tính cao cả, lên trời, đi trên hư không, không vẫy đục trong bùn như Lục độ tập kinh mô tả hay như trong Lý hoặc luận mà Mâu Tử định danh là một vị Phật.
Phật giáo truyền vào nước ta luôn có những cải biến thích hợp để hòa nhập với tín ngưỡng văn hóa bản địa, do đó được dân ta tích cực đón nhận. Sự nội sinh của dân tộc một mặt bảo vệ thành quả nền tảng văn hoá đã được thiết lập từ thời Hùng Vương, mặt khác nó cũng tạo ra sức mạnh để định hướng và phát triển một nền văn hoá mới vào một thời kỳ lịch sử mới. Cũng chính nhờ tinh thần này mà Phật giáo khi du nhập vào quốc gia nào cũng có thể chuyển mình để thích ứng với văn hóa nơi đó. Phật giáo đi vào các quốc gia hầu hết bằng sự hòa bình chứ không dựa vào thế lực chính trị quân sự. Đây là thành công mà Phật giáo đã tạo ra cho các nước trong tiến trình truyền bá giáo lý đi khắp năm châu.
       Theo như học giả Lê Mạnh Thát trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam, “quá trình bản địa hoá giáo lý tư tưởng và Thần điện - Phật điện thành công với sự ra đời của Lý hoặc luận hay Lục độ tập kinh và sự xuất hiện các vị Phật của Việt Nam như Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện”. Với những tín ngưỡng này, người dân đã đặt lòng tin của mình tuyệt đối vào các đấng quyền năng siêu thế để nương tựa và tìm lại nguồn sống mới cho tâm linh. Đây cũng là thời điểm để người học Phật tại Việt Nam thực hiện công cuộc tổng kết nhằm khẳng định vị trí và vai trò của mình với dòng văn hoá Việt trong mối quan hệ với nền văn hoá phương Bắc đang ào ạt tràn sang nước ta bấy giờ”.[4]
       Đó cũng là câu trả lời vì sao vào thời Hai Bà Trưng, xuất hiện một loạt công chúa, cũng là nữ tướng của Hai Bà, xuất gia tu hành phụng đạo tốt đời được tôn vinh là Thần điện,Phật điện trong tâm thức người Việt như sử sách, thần phả đã ghi: Tỳ kheo ni Bát Nàn là công chúa, họ Vũ từng là nữ tướng, nữ vương của Hai Bà Trưng, đã xuất gia, hành đạo và viên tịch tại ở chùa Tiên La, Thái Bình; sau đó còn có nữ tướng Thiều Hoa sau chiến thắng quân Nam Hán đã xuất gia chùa Phúc Khánh, làng Hiền Quang, huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ; Tỳ kheo ni Vĩnh Huy tu ở chùa Cổ Châu, phủ Tiên Du Bắc Ninh; Tỳ kheo ni Nguyệt Thái, Nguyệt Độ tu tại núi Thiên Thai vùng Đông Cứu, Gia Bình, Bắc Ninh và Yên Tử Quảng Ninh; Tỳ kheo ni Công chúa Chiêu Dung (Lý Thị Ngọc Ba) học đạo thiền sư Đạo Uẩn ở chùa Hương Lan, huyện Chương Mỹ, Hà Nội; Tỳ kheo ni Hương Thảo; Tỳ kheo ni, công chúa Phương Dung, nữ tướng xuất gia tu chùa Thanh Vân, trang Yên Phú, huyện Thanh Đàn, nay là thôn Yên Phú, huyện Thanh Trì, Hà Nội sau khi Hai Bà Trưng tuẫn tiết.
      Đó là những con người dân Việt xứ Giao Châu thời Hai Bà Trưng đầy đủ phẩm chất nền văn hóa Hùng Vương với những chân giá trị về tinh thần yêu nước, nhân nghĩa, thành tín, hiếu đạo, nhân ái được ghi trong bản kinh Lục độ tập kinh(được phổ biến rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân và tác động sâu sắc vào cách cư xử của người đương thời). Để rồi sau này Mâu Tử khi viết sách Lý hoặc luận đã tổng kết có bàn luận về việc xác lập kinh Lục độ tập kinh tiếng Việt đã lưu truyền từ thời Hùng vương cho đến thời Hai Bà Trưng và sau này. Thông qua các truyện, tất cả đã minh chứng và khắc họa cho ta thấy tình hình sinh hoạt ở nước ta đương thời, nhất là hình ảnh những Phật tử đầy bản lĩnh tích cực tham gia vào quá trình giành độc lập cho Tổ quốc và biến nền văn hóa Hùng Vương kết hợp chặt chẽ với Phật giáo trở thành thành trì chống lại chính sách diệt chủng đồng hóa nhà Hán.[5]
  1. Tinh thần yêu nước chính là yêu đạo của Nữ tướng – Ni sư Phương Dung
      Thể theo sử liệu còn ghi chép, nhất là căn cứ vào Thần phả đang lưu trữ tại chùa Yên Phú xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội[6], Sư bà Phương Dung là hiện thân con người lịch sử gắn liền huyền sử, có đầy đủ phẩm chất, có tinh thần yêu nước là yêu đạo, yêu đạo là yêu nước.
Mở đầu bản thần phả ghi rằng:  “Xưa trời Nam mở vận, núi sông thẳng hướng sao Dực, sao Chẩn; phương Bắc mới phong, phân dã thẳng hướng sao Đẩu, sao Ngưu. Triều Hùng vương, từ Kinh Dương vương nối nghiệp vua cha, phong nối dõi làm đế vương nước Việt. Hoan Châu thắng địa, đóng làm kinh đô; trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, sửa sang miếu điện.
      Truyền nước đời sau cho Lạc Long Quân, vợ là tiên nữ Động Đình. Sống trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, nơi này có mây lành ngũ sắc tỏa ánh sáng soi. Âu Cơ mang thai, sinh ra bọc trứng, nở ra trăm người con trai. Đó đều là những chàng trai khôi ngô tuấn tú, đức độ hơn người. Đến tuổi trưởng thành, vua phong cho tước hầu, cắt cử cai trị 15 bộ trong nước.
Đầu tiên Long Quân gọi Âu Cơ lại nói: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, tuy khí ngũ hành hòa hợp mà sinh được con cái nhưng Thủy, Hỏa vốn hai giống khắc nhau, không thể ở cùng một nơi nên phải chia ra”. Bèn chia 50 con theo cha xuống biển là Thủy Thần, cai quản nguồn sông, góc biển; 50 con theo mẹ về núi làm Sơn Thần, cai quản các ngọn núi và ruộng đồng. Trong thời gian đó nếu ai có chuyện xảy ra thì các anh em cùng nhau đến giúp đỡ, không để diệt vong.
      Nhà Hùng kể từ đó khắp núi sông đều có thần. Các thần có thể đầu thai làm con cái các gia đình phàm trần để giúp đỡ cho đất nước, nhà nào có phúc tất sẽ được hưởng”.
      Lại nói: cuối thời Hùng Vương thứ 18, ý trời đã định, lúc đó vào thời Đông Hán, ở làng Lưu Hàm, huyện Thượng Hiền, phủ Nghĩa Hưng, đạo Sơn Nam Hạ có Trương Công Điều (tên húy là Điều) là người được kế thừa tập ấm, lấy vợ là Phùng Thị, tên húy là Huệ, vốn là người cùng quận, dòng dõi trâm anh nức tiếng đã lâu, cũng là chỗ môn đăng hậu đối. Ông bà đã sinh mấy người con trai, sau này sinh thêm con gái đặt tên là Phương Dung. Nàng có sắc đẹp  “chim sa cá lặn”, mặt hoa da phấn, mày cong tựa vầng trăng khuyết, dáng vẻ yểu điệu thướt tha không ai sánh bằng”.
Rõ ràng, Thần điện - Phật điện được hình thành trên nền tảng truyền thống văn hóa Việt, tất cả mọi người dân Việt đều được sinh ra và lớn lên trong một bào thai  “trăm trứng nở trăm con” của cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ, từ đó mới có khái niệm đồng bào, đồng chí cùng chung huyết thống của đại gia đình Việt Nam, hòa chung triết lý Phật giáo: “Tất cả chúng sinh đều từng làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị của chúng ta trong dòng chảy luân hồi” mà người Việt tiếp thu từ bản kinh Tương ưng của đạo Phật. Sự phân chia 50 con theo cha xuống biển là Thủy Thần, cai quản nguồn sông, góc biển; 50 con theo mẹ về núi làm Sơn Thần, cai quản các ngọn núi và ruộng đồng. Trong thời gian đó nếu ai có chuyện xảy ra thì các anh em cùng nhau đến giúp đỡ, không để diệt vong. Có thể nói, từ cội rễ nguồn gốc văn hóa đồng bào này mà từ đó mà cộng đồng người Việt khắp nơi được truyền trao Thần điện Phật điện như Thần phả ghi: “Nhà Hùng kể từ đó khắp núi sông đều có thần. Các thần có thể đầu thai làm con cái các gia đình phàm trần để giúp đỡ cho đất nước, nhà nào có phúc tất sẽ được hưởng”.
      Một quan điểm về Thần điện, Phật điện như thế sẽ tác động mạnh mẽ vào tâm thức con người trong chiều hướng thăng tiến, được xây dựng trên nền tảng của  “nguyên lý đạo đức của con người, là đầu mối của thần minh”, chứ không phải gì khác ngoài hiện thực con người đang sống. Chính ý nguyện đó, mà ta có hiện thân hình ảnh Phương Dung xuất phát từ sự kết nối tổ tiên nhà Hùng, sinh ra trong một gia đình hội tụ từ các tinh túy từ cha ông dòng dõi.
Hay nói cách khác, xuất phát điểm từ con người, vì con người mà sống theo nguyên lý đạo đức của con người thiết lập mà chuyển hoá thân tâm, sống tốt đời đẹp đạo. Chính xuất phát từ nhận thức như thế, mà tự thân mỗi con người luôn nỗ lực nhiệt tâm tự giác sống đúng luật nghi, phòng hộ các căn, tẩy rửa thân tâm, tỉnh thức để thiết lập các mối quan hệ giữa người với người, giữa người với môi trường sống của xã hội. Cụ thể là sống theo nếp sống đạo, trên nền tảng xây dựng đạo đức cuộc sống. Ta chẳng ngạc nhiên gì khi Thần phả ghi: “Năm vừa tròn 16 tuổi, duyên lành chưa định, nguyện không lấy chồng, một lòng mộ theo đạo Phật. Một ngày nọ nàng đến huyện Thanh Trì (xưa gọi là Thanh Đàm), châu Thường Tín, thành Thăng Long (tên xưa là phủ Phụng Thiên), khi đến đầu làng Yên Phú thấy một ngôi chùa, ngoảnh trông bốn bề thấy phóng khoáng đẹp đẽ, cảnh vật như thắng cảnh nơi nào, bèn đặt tên là Thanh Vân cổ tự và nguyện ở lại nơi đây sớm khuya hương khói”.
       Đây chính là nếp số tu hành, thực thi giới hạnh, bố thí, cúng dường tại chùa Yên Phú mà một người phát nguyện xuất gia hành đạo như Phương Dung thực hiện; là các hạnh thuộc sáu pháp ba la mật mà như điều 1 của Lý hoặc luận vạch định: “Ngày trai giới thì chuyên tâm vào một ý, hối lỗi mà tự đổi mới. Xuất gia giữ  giới, hàng ngày trai giới. Giới ấy không phải cho ưu bà tắc được nghe vậy. Oai nghi đi đứng cùng điển lễ ngày xưa không khác…”.[7]
Một người sống theo nguyên lý đạo đức thì hoá hiện những phẩm chất cao thượng, là sống theo hạnh mà sách Lục độ tập kinh ghi:  “Lấy năm giới mười lành làm quốc chính (ngũ giới thập thiện dĩ vi quốc chính); mong muốn có được vua nhân, tôi trung, cha nghĩa, con hiếu, chồng tin, vợ trinh” (quân nhân, thân trung, phụ tín, phụ trinh)[8] được thực thi từ buổi đầu Phật giáo du nhập. Sau đó, tự thân đi đến sự an định trong tâm thức và thăng tiến trí tuệ, đó là Giác. Một người đã làm hoá hiện tính giác thì khả năng sáng tạo vô cùng to lớn và có thể làm nhiều điều kỳ diệu cho chính mình, cho mọi người và cho cả cuộc đời. Do đó, hình ảnh Phật điện được Mâu Tử ghi nhận là một con người với vẻ đẹp toàn bích cuả đạo đức và các phẩm chất năng lực siêu việt với cách diễn đạt đầy quyền năng như là một khát vọng sống. Mục đích là để con người vượt qua những chướng duyên và khó khăn từ trong cuộc đời. Và như thế, Thần điện, Phật điện cũng trở thành nhân vật lý tưởng, một mục tiêu hướng tới mà bất kỳ người nào sống trên cõi trần này đều có khả năng vươn tới và thành tựu.
      Thực tế, nguyên uỷ của nghĩa Phật là Giác, là tỉnh thức về sự thật con người và thế giới hiện hữu quanh ta. Có điều, Mâu Tử vào thời đó, ngoài việc nêu Phật là nguyên tổ đạo đức, đầu mối thần linh, còn triển khai ý nghĩa  “Giác “ qua một số yếu tính khác nữa hết sức quyền năng và thần thông như chứng tỏ khả năng vô hạn của con người là có thể khi  “trí tuệ bừng khởi” và soi sáng cho đời từ trong hiện thực khổ đau cần phải vượt thoát:  “biến hoá nhanh chóng, phân thân tán thể, hoặc còn hoặc mất, nhỏ được, lớn được, tròn được, vuông được, già được, trẻ được, ẩn được, vuông được, đạp lửa không bỏng, đi dao không đau, ở dơ không bẩn, gặp hoạ không mắc, muốn đi thì đi, ngồi thì loé sáng”. Một người Phật tử khi làm được điều này là có nghĩa thực hiện được mục đích cao cả mà Phật giáo thời đó đề ra như điều 1, Lý hoặc luận ghi:  “Phật dạy thiên hạ, cứu vớt giải thoát nhân dân”.
      Đây cũng chính là lý tưởng mà Ni sư Phương Dung cũng như các nữ tướng của Hai Bà Trưng muốn thực hiện để cứu độ cho người dân Việt thoát khỏi xiềng xích độ hộ của thế lực phong kiến Trung Hoa. Tại đây ta thấy việc cứu độ chúng sinh của người xuất gia như Ni sư Phương Dung chính là sự giải thoát nhân dân, đồng nghĩa Ni sư đặt sự tồn của quốc gia dân tộc trong sự tồn vong của Phật giáo, yêu nước chính là yêu đạo.
      Tinh thần yêu nước của Ni sư không chỉ được nhân dân hưởng ứng mà ngay cả Thần điện của dân tộc cũng ủng hộ như Thần phả ghi:  “Nhà ngươi đức dày, trời đã soi tỏ, lệnh cho hai vị Thủy thần đầu thai xuống làm con nên chớ có lo lắng về điều đó”. Cho nên Ni sư đã đón nhận hai người con yêu quý của mình từ cội nguồn dân tộc (trăm trứng nở trăm con) qua sự kiện mà thần phả ghi gắn liền huyền sử. Chính các yếu tố huyền sử được xây dựng từ trong Thần phả làm cho con người bình thường trần tục lại hóa thân trở thành con người phi thường ngay giữa đời này:  “Anh em chúng ta vốn là Thủy thần mà các ông thờ phụng lâu nay, một người tên là Trung Vũ, một người tên là Đài Liệu. Nay phụng mệnh Thiên đình giáng sinh để giúp đỡ cho đất nước”.
Điều đáng nói là Ni sư đã nuôi dưỡng và đào tạo hai người con trưởng thành, học lực tinh thông, đọc Binh thư mà trưởng thành về võ lược và trở thành những anh hùng cùng Ni sư Phương Dung tham gia công cuộc giải phóng dân tộc do Hai Bà Trưng phát động được ghi trong Thần phả: “Thế là mẹ con bà Phương Dung đồng tâm đứng lên trợ giúp nước nhà. Vừa nghe nữ tướng chiêu binh khắp chốn, Vũ thần lập tức trong ngày đứng lên triệu tập được mấy ngàn người trong làng, tập trung dưới trướng được 25 trai tráng khỏe mạnh ở làng Yên Phú”.
      Sự kiện này đã khắc họa phẩm hạnh cao quý của người Phật tử Việt Nam, nhất là hình ảnh Ni sư Phương Dung với tấm lòng yêu đạo, thực hành đạo chính là yêu nước khi mọi người dân Việt bấy giờ phải đứng lên giành độc lập tự chủ, sẵn sàng đối diện cuộc xâm lược và đô hộ nhà Hán quá tàn khốc mà Thần phả ghi: “Nay có phường dê chó họ Tô, tên Định thường ngông nghênh làm loạn, thi hành chính trị hà khắc, muôn dân điêu đứng, thiên địa thần nhân đều oán giận”. Rõ ràng, người Phật tử Việt Nam khi đứng trước sự tồn vong của đất nước, bao giờ cũng nhìn nhận thực thể của đạo Phật chính là thực thể của dân tộc, bất khả phân ly. Hình ảnh Ni sư Phương Dung dũng mãnh cùng cùng hai người con nuôi cử binh lên đường, cờ rong, trống mở âm vang đến nơi đóng quân của Trưng Nữ vương cho ta thấy sự hào khí anh hùng, dũng mãnh để đi đến thắng lợi như thần phả ghi: “Trong một ngày, quân đội của hai ông cùng Trưng Nữ thẳng tiến đến doanh trại của Tô Định, chia thành 5 đạo cùng lúc tiến đánh. Quân Định bỏ chạy toán loạn, ta bắt được đại tướng giặc, thu phục được 65 thành về Nam bang, Trưng Nữ lên ngôi vua”.
      Đó chính là quá trình chuyển hóa của mỗi con người dân Việt, được kết nối từ tinh thần Thần điện, Phật điện với sức sống mới để tạo ra mẫu người Phật tử yêu đạo, thực hành đạo chính là thực thi tinh thần yêu nước. Tinh thần đó được Ni sư Phương Dung và hai người con biểu hiện qua việc tự hoàn thiện bản thân, thành tựu nhân cách, an trú trong sự bình an nội tại mà thăng tiến trí tuệ, đóng góp cho đời chính là đóng góp cho đạo. Đó là bản chất của đạo Phật mà Mâu Tử đề xuất trong Lý hoặc luận được ghi trong điều 3 và 4. Cụ thể là: “… Nhìn không có hình, nghe không có tiếng. Bốn phương là lớn, nó vượt ra ngoài, tơ hào là nhỏ, nó lọt vào trong” và  “… Đạo làm ra muôn vật, ở trong nhà hiếu thảo mẹ cha, ra ngoài xã hội giúp nước hộ dân, khi một mình thì phải tu thân…”[9]. Điều này khẳng định, mục đích tối hậu của của đạo Phật có mặt ở đời không ngoài ý nghĩa giải quyết các vấn đề khổ đau từ hiện thực cuộc sống mà con người luôn giáp mặt. Trên hết, đạo Phật luôn đòi hỏi mọi người Phật tử không chỉ lo hoàn thiện đạo đức bản thân, mà còn biết sống tốt với những người thân trong gia đình và tham gia tích cực đóng góp cho đời trong một trọng trách cao quý là  “trị nước an dân”.
      Và điều quan trọng hơn nữa, người Phật tử Việt Nam mỗi khi đã tự mình hoàn thiện cá nhân, và tự mình làm tròn trách nhiệm với quốc gia không bao nghĩ mình đã đóng góp gì cho quốc gia xã tắc mà thường nghĩ mình đã thực sự đóng góp gì cho đất nước dân tộc. Tinh thần này không chỉ được thể hiện qua sự kiện Ni sư Phương Dung và hai người con nuôi hóa về trời như thần phả đã ghi:  “Hai ông cùng mẹ lên thuyền rồng trở về đến giữa sông Kim Ngưu thì thấy một đám mây vàng như dải lụa xà thẳng xuống thuyền rồng. Thấy vậy ba mẹ con chạy lên đứng ở bãi đất đầu sông bên làng Yên Phú, bỗng chốc thấy trời đất tối xầm, mưa to gió lớn nổi lên, rồi thấy Thái bà mình mặc áo gấm, ngồi trên kiệu hoa cưỡi mây mà đi, rồi hai ông tự bay lên lao xuống lòng sông mất hút, lúc đó vào ngày mùng 7 tháng 11”. Về sau các thiền sư tham gia chính sự triều thời Lý – Trần như Pháp Thuận, Vạn Hạnh, Mãn Giác khi nước nhà độc lập tự do, các ngài liền về chốn am thiền hành đạo giáo hóa trong Tinh thần vô trụ, vô trú, vô trước mà đạo Phật hun đúc.
  1. Thay cho lời kết và kiến nghị
      Phật giáo từ thuở ban đầu cho đến nay, trong tiến trình bản địa hóa đã trở thành một tôn giáo có tầm ảnh hưởng lớn đối với một dân tộc. Một đạo Phật có nếp sống đạo không chỉ giáo dục tự thân đối với từng cá nhân, gia đình, xã hội mà còn có thể xem như là một học thuyết chính trị giúp dân tộc Việt chống lại sự đồng hóa xâm lược, nhằm bảo tồn bản sắc nền văn hóa quốc gia, bảo vệ chủ quyền độc lập trọn vẹn biên cương lãnh thổ.
Xuất phát từ nhận thức như thế, mỗi người dân Việt khi tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của Ni sư Phương Dung trong công cuộc hoằng hóa từ điểm nhìn Thần – Phật điện chúng ta mới thấy hết ý nghĩa biểu trưng về giá trị sự thật huyền thoại gắn liền giá trị hiện thực của một con người được dân tộc ta tôn vinh. Nếu Ni sư Diệu Nhân được tôn vinh trong Thiền uyển tập anh tiêu biểu Ni giới thời Lý – Trần thì Ni sư Phương Dung, một trong vị sư đầu tiên của Ni đoàn Phật giáo Việt Nam thời Hai Bà Trưng hiện thân của Thần điện, Phật điện cần được Nhà nước tôn vinh như danh nhân văn hóa, một nhân vật lịch sử phụng sự Phật giáo và Dân tộc trong thời đại ngày nay.
      Từ công nghiệp hoằng hóa của Nữ tướng - Ni sư Phương Dung cho ta thấy tinh thần yêu nước là yêu đạo và yêu đạo là yêu nước, thực chất là hai phẩm chất hình thành nên phẩm chất cốt cách người Phật tử Việt Nam bao gồm cả giới xuất gia và tại gia, từ đó làm nên Phật giáo Việt Nam có bản sắc riêng trong tiến trình dựng nước, giữ nước và mở nước từ xưa đến nay mà không có thể nhầm lẫn với Phật giáo nước nào cả. Do đó việc tôn tạo bảo tháp Ni sư, bảo tồn, và phát huy mọi giá trị lịch sử văn hóa của quần thể Di tích chùa Yên Phú - nơi lưu dấu ấn công nghiệp hoằng pháp của Nữ tướng – Ni sư Phương Dung là việc làm cấp thiết, Bởi giá trị lịch sử - văn hóa của một thời đại thường bắt đầu từ sự lưu truyền từ những con người làm nên lịch sử - văn hóa.

Tài liệu tham khảo:
  1. Minh Chi (2003), Truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội
  2. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb. Lá Bối, Sài Gòn.
  3. Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên), (2002), Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.
  4. Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb Thuận Hóa, Huế.
  5. Lê Mạnh Thát (2006), Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên dân tộc ta, Nxb Tổng Hợp TP. HCM.
  6. Lê Mạnh Thát (2008), Nghiên cứu về Mâu Tử, Nxb Văn Hóa Sài Gòn.
TT.TS. Thích Phước Đạt
Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM
[1] Lê Mạnh Thát (2008), Nghiên cứu về Mâu Tử, Nxb. Văn hóa Sài Gòn.
[2]Nguyễn Lang (1974), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb. Lá Bối, Sài Gòn, tr. 40.
[3] Xem Lê Mạnh Thát (1982), Nghiên cứu về Mâu Tử, tập 2, Tu thư Vạn Hạnh.
[4] Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.179.
[5]Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 96 – 97.
[6] Tác giả bản Thần phả là Hàn lâm Viện Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào tháng 2 năm Hồng Phúc (1572). Bản dịch do Hoàng Thị Thu Hường Viện Nghiên cứu Tôn giáo dịch.
[7]Lê Mạnh Thát (2008), Nghiên cứu về Mâu Tử, Nxb Văn Hóa Sài Gòn, TP.HCM, tr.502.
[8]Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 82, 83.
[9] Lê Mạnh Thát (2008), Nghiên cứu về Mâu Tử, Sđd, tr.505.