Tôn giả Ưu Ba Ly và một đoạn bổn sinh


Mùa hạ trong năm Tôn giả Ưu Ba Ly xuất gia, đang khi chúng tăng cử hành lễ an cư, Tôn giả Ưu Ba Ly đã tinh tấn tu đạo và khai ngộ, do đó, Tôn giả đã thành một bậc thượng thủ trong tăng đoàn, được sự tôn kính của hai chúng tại gia và xuất gia.

Việc ấy cũng làm nhiều người kinh ngạc, một người dòng Thủ Đà La thấp hèn mà căn cơ mẫn nhuệ đến như vậy, đó không những làm rạng rỡ cho dòng Thủ Đà La, mà cũng làm vẻ vang cho tinh thần bình đẳng của Phật giáo. Nhân dịp này, đức Phật đặc biệt nói đến một đoạn bổn sinh của Tôn giả Ưu Ba Ly.

Về thời quá khứ, có hai người bạn đều sinh trong nhà bần cùng, tuy vậy cả hai đều không quên làm việc thiện, bố thí cúng dường. Do nhân duyên công đức ấy về sau họ tái sinh, một người làm quốc vương tên là Phạm Đức, một người sinh trong một gia đình Bà La Môn cao quý, tên là Ưu Bà Già.

Ưu Bà Già kết hôn với một cô nương đẹp mỹ miều, rất mực yêu dấu. Một hôm, Nhân lúc Ưu Bà Già tỏ thái độ lịch sự thân mật với một vài thiếu nữ, bị phu nhân bắt gặp và nàng không bằng lòng chút nào. Nàng hờn giận Ưu Bà Già, nằm khóc lóc ba bốn hôm rồi sau đó chẳng chịu nói chuyện với chàng, suốt ngày cứ lầm lì im lặng.

Cô vợ trẻ đa nghi dữ quá khiến Ưu Bà Già chẳng biết làm cách nào, chỉ biết rầu rĩ mà thôi, cho đến một hôm, mùa xuân đã qua, sắp sang hè, cô vợ yêu bấy lâu không nói chuyện, bỗng nhiên nay bảo chàng:

– Bữa nay chàng hãy đi ra phố mua ít hoa tươi về trang hoàng trong phòng của chúng ta nhé!

Chàng trượng phu đa tình nghe được vợ nói mấy lời rất mừng vui, lập tức ra chợ tìm hoa tươi, mua xong về giữa đường gặp lúc giữa trưa nóng bức, nhưng tâm tình chàng rất phấn khởi vì được giảng hòa với vợ, nên chàng vừa đi vừa lớn tiếng hát vang.

Lúc ấy vua Phạm Đức đang ở trong cung, nhà vua lên lầu cao quan sát phong cảnh, thấy Ưu Bà Già đi ngang qua cung vua, tiếng hát bay đến tai Phạm Đức. Nhà vua nghe hát rất lấy làm lạ, nghĩ thầm “Nhìn cách phục sức của chàng ta thì thuộc dòng Bà La Môn, nhằm lúc trời nóng đổ lửa này mà bỗng nhiên ca hát ngoài đường, nhất định chàng ta phải là một nhà lạc quan lắm”. Nhà vua nổi tánh hiếu kỳ, sai người cho gọi Ưu Bà Già đến hỏi chuyện. Hai người đàm đạo giây lâu, nhà vua rất vừa ý, phong cho Ưu Bà Già một chức to trong triều, và từ đó rất sủng ái Ưu Bà Già.

Ưu Bà Già được vua Phạm Đức tín nhiệm, uy quyền càng ngày càng lớn cho đến về sau dân chỉ biết có Ưu Bà Già mà không biết có vua Phạm Đức. Ưu Bà Già không biết đủ. Một hôm lúc vua Phạm Đức đang ngủ say, chàng khởi ý định hành thích vua để đoạt ngôi.

Đang lúc nuôi âm mưu soán đoạt, bỗng chàng giật mình mình tỉnh ngộ, cảm thấy lòng tham muốn về danh lợi quyền tước thật đáng ghê sợ. Chàng đem niệm ác độc của mình thuật lại cho vua Phạm Đức nghe, nhà vua lại càng khen ngợi lòng trung thật của chàng. Sau đó, Ưu Bà Già nguyện từ bỏ địa vị, sám hối xuất gia, tu hành không bao lâu liền được thần thông.

Lúc ấy trong hoàng cung có một người thợ cạo tên là Hằng Già Ba La nghe vua Phạm Đức khen ngợi chí xuất gia của Ưu Bà Già, ban đầu sinh tâm tùy hỷ, và cũng phát nguyện xuất gia làm đệ tử Ưu Bà Già, một lòng tu đạo rồi cũng đắc thần thông như thầy.

Hai thầy trò Ưu Bà Già đều trở thành hai bậc thánh, có thần thông ngang nhau. Một hôm, vua Phạm Đức lên núi cúng dường Ưu Bà Già, vua đảnh lễ thầy rồi lại nghĩ thầm “Đối với bậc thánh không nên so đo về chỗ xuất thân quá khứ” bèn tự mình làm gương, hướng về thầy Hằng Già Ba La đảnh lễ, và bảo cả trăm quan đại thần tùy tùng đảnh lễ Hằng Già Ba La, thầy tuy xuất thân hạ tiện nhưng do oai lực của pháp khiến ngay cả nhà vua cũng quỳ lạy.

Đức Thế Tôn kể xong câu chuyện, trân trọng bảo đại chúng.

– Ưu Bà Già thuở ấy chính là thân ta, chàng thợ cạo Hằng Già Ba La nay chính là Tôn giả Ưu Ba Ly vậy!

Trên đây tuy là một đoạn sự tích của đức Phật ngày xưa, nhưng pháp vốn vĩnh cửu bất biến, ở trong Phật pháp không kể là xuất thân từ hạng nào, đều không thành vấn đề, người khai ngộ thì không chia giai cấp.

Một đoạn cớ sự đơn giản như thế, nhưng nếu nghiền ngẫm kỹ, chúng ta sẽ thấy rõ hàm chứa biết bao ý chỉ. Vì tham quyền mà sinh tâm sát hại, trong thời kỳ tu của đức Phật đã từng nuôi dưỡng ý niệm đó, thì Tôn giả Ưu Ba Ly là dòng Thủ Đà La hiện tại được khai ngộ chứng quả, làm bậc thượng thủ trong chúng được mọi người tôn trọng, chuyện ấy không phải lần đầu, mà đã có nguyên nhân trong quá khứ.

Đức Thế Tôn nói pháp rồi, khiến tất cả lòng nghi ngờ trong chúng đối với Tôn giả Ưu Ba Ly hoàn toàn tiêu tan.


Vanhoaphatgiaovietnam.net