Trồng cây cho tâm hồn cỏ dại
Nói rồi bà vẫy vẫy tay ra hiệu cho con trai đưa điện thoại để dỗ dành cháu nội. Cầm điện thoại, bấm màn hình sáng lên, thằng bé nín bặt tức thì. Bà quay sang khoe với tôi: “Thằng Tôm nhà này cháu thông minh lắm, không cần bố nó hướng dẫn mà dùng điện thoại tìm trò chơi con mèo hay xem phim hoạt hình cứ nhoay nhoáy ấy”. Đáp lại sự chia sẻ ấy của bà, tôi chỉ cười trừ.
Đến bữa cơm, bà nội cũng phải dỗ dành, cho xem điện thoại, cu cậu mới chịu ăn. Chợt có tiếng chuông reo báo một cuộc gọi đến. Bạn lại gần giật vội điện thoại từ tay cậu con trai và chạy ra ngoài nghe. Cậu bé ngước nhìn theo, gào lên: “Bố, bố trả điện thoại cho con”, rồi giận dỗi lấy chân đạp đổ bát cơm để trên sàn nhà. Bạn quay trở vào, bực, định lấy tay phát vào mông con, thì mẹ bạn đã ôm chặt lấy cháu nội vào lòng: “Thôi thôi, bà xin. Tại bố mày hư. Ngoan lát bà cho nghịch bù điện thoại của bà. Nín nào!”.
Có lẽ câu chuyện này khá quen thuộc và diễn ra trong phần lớn các gia đình ở Việt Nam bây giờ - khi mà xã hội phát triển và điện thoại thông minh trở thành một người “giữ trẻ” hiệu quả để một đứa trẻ trở nên ngoan ngoãn, chịu nghe lời để người lớn dễ dàng tập trung vào những công việc của mình. Nhưng chúng ta cũng quên mất rằng chính sự ngoan ngoãn có điều kiện đó đã cướp đi cơ hội được tiếp xúc và trò chuyện trực tiếp - những điều cần được duy trì thường xuyên để rèn luyện khả năng giao tiếp cho trẻ nhỏ. Lâu dần, con trẻ có thể rơi vào trạng thái mất kiểm soát về cảm xúc và hành vi, không còn hứng thú với đời sống thực đang diễn ra quanh mình, kéo theo các loại bệnh tật khác như cận thị, béo phì, tự kỷ, chậm phát triển…
Tôi vẫn luôn nhớ đến thời học sinh mình - thế hệ 8X trong khoảng thời gian hơn 20 năm về trước - cái thời chưa có điện thoại, internet cũng chưa phát triển như bây giờ, các kênh thông tin giải trí chỉ xoay quanh chương trình Văn nghệ thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam cùng các tờ báo tuổi hoa như: Nhi Đồng, Thiếu Niên Tiền Phong, Hoa Học Trò, Mực Tím…, hoặc những tập truyện tranh như: Doraemon, Bảy viên ngọc rồng, Dũng sĩ Hecman, Thám tử lừng danh… Thế giới của tôi dần rộng mở theo từng trang sách, báo. Niềm vui bình dị sau lũy tre xanh đơn giản chỉ vậy.
Còn xã hội bây giờ, trẻ em có điều kiện khá đủ đầy về vật chất cũng như thỏa mãn các nhu cầu giải trí. Nhưng tận cùng tâm hồn mỗi đứa trẻ - đâu đó vẫn là một cái bóng cô đơn, trôi lăn trong sự bận rộn của người lớn, và cô đơn trong chính thế giới công nghệ của các thiết bị điện tử, thiếu đi sự quan tâm thực sự chất lượng và sự định hướng tìm đến kênh giải trí bổ sung kiến thức từ sách báo phù hợp cho từng lứa tuổi.
Một lần ghé thăm nơi tịnh tu trên một đỉnh núi nhỏ gọi là am mây của một vị sư thầy ở ngoại thành Hà Nội, thầy có nói với tôi về sự cô đơn của con người trong xã hội ngày nay. Theo sư thầy, bất kỳ con người nào tìm được 3 điểm tựa trong cuộc sống thì sẽ không rơi vào sự cô đơn hay khủng hoảng tinh thần. Khi tâm an thì xã hội cũng luôn bình an, không còn tệ nạn. Đó là: Sự bao dung, che chở của một người cha - sự hiểu biết để dẫn dắt, chỉ lối của một người thầy và sự tin tưởng, có thể trò chuyện chia sẻ thoải mái như một người bạn thân. Ba yếu tố này có thể có ở 3 con người khác nhau xung quanh ta, nhưng cũng có thể hội tụ ở cá nhân một ai đó trong cuộc sống thường ngày mà ta giao tiếp.
Suy cho cùng, thế giới tâm hồn con người từ khi sinh ra đến cuối cuộc đời cũng chỉ cần có được 3 điểm tựa này là mọi vấn đề đều có thể tháo gỡ. Nếu thiếu một trong 3 chân kiềng đó, không tìm thấy trong gia đình người thân của mình, họ buộc phải đi tìm ở bên ngoài, tìm trong men say của rượu bia, trong thế giới ảo của game, trong cảm giác mạnh của các chất kích thích hay đua xe, đánh lộn…, cùng rất nhiều điều có nguy cơ bất thiện khác.
Chuyện kể rằng lớp của Nam hôm đó họp phụ huynh, nhưng bố của Nam đến muộn. Ông mặc quần áo lao động vì là công nhân lấm lem xi-măng, đầu đội mũ bảo hộ. Ông bước vào cúi nhẹ đầu chào cô giáo, chào các bậc phụ huynh khác và xin lỗi vì đến muộn. Không một ai đáp lại lời chào của ông ngoài lời mời ngồi của cô giáo. Ông bẽn lẽn thẹn thùng, chọn ngồi ghế sau cùng - phía sau các bậc phụ huynh giàu có, các bậc thượng lưu khá giả.
Một lúc sau cô giáo thông báo với cả lớp: “Xin mời bố của em Nam. Em Nam là một trong ba học sinh đạt thành tích cao nhất môn Toán năm nay. Xin anh có thể chia sẻ kỹ năng dạy con của anh ở nhà được không?”.
Bố của Nam đứng dậy, cúi nhẹ đầu và bày tỏ ông không biết chữ. Ông chỉ luôn nói với con trai mình rằng: Những cái nhà cao tầng kia kìa, bố xây đấy nhưng bố không có được ở. Những ô-tô kia kìa, bố biết nó sang trọng và đắt tiền đấy - nhưng cả đời bố chưa từng một lần được ngồi lên, chỉ vì bố thiệt thòi, bố không biết chữ. Bố không muốn sau này con phải như bố.
Điều đặc biệt nhất ở vị phụ huynh này đó là buổi tối, dù có ốm đau hay bận rộn thế nào đi chăng nữa, ông luôn cố gắng làm một việc duy nhất: ngồi cạnh con ít nhất 2 giờ đồng hồ. Ông chia sẻ rằng: “Tôi cứ ngồi gần con tôi, dù không biết chữ, nhưng thấy con quay quay cái bút, hay kiếm cớ đi uống nước là tôi biết bài toán đó khó. Tôi bảo với con rằng cứ bình tĩnh mà làm, bố ngồi đây, bao giờ con làm xong thì bố con mình đi ngủ. Bố tin rằng không ai làm ổ khóa mà không làm chìa cả, cứ bình tĩnh làm nghe con. Còn lần nào tôi thấy con tôi nhoẻn miệng cười, viết thật nhanh, là tôi biết bài toán đó dễ. Tôi sẽ nói với con rằng nhanh vội sẽ dẫn đến sai lầm, cứ bình tĩnh mà làm, bố ngồi đây đợi con. Tôi chỉ làm được thế thôi ạ!”.
“Chỉ thế thôi ạ!”- là câu nói mà mỗi bậc phụ huynh cần thức tỉnh. Đó là mỗi một tối ngồi cạnh con 1-2 giờ đồng hồ, ngồi cùng bàn học với con. Con cứ học, còn mình có thể thiết kế, hay làm bất cứ thứ gì thuộc công việc của mình, chỉ cần con cảm nhận thấy có bố mẹ ngồi bên cạnh và đồng hành cùng mình - đó là điều mà mỗi phụ huynh nên làm. Đừng để cho con cảm thấy lạc lõng, bơ vơ cả trong cuộc sống và trong học tập, trong thế giới công nghệ mà đôi khi chính bố mẹ cũng “nghiện” khó dứt được ra.
Trên thực tế việc trẻ xem điện thoại, máy tính không phải là xấu nếu cha mẹ biết cách kiểm soát và tạo cho con cơ hội tiếp cận đúng đắn. Những chương trình có nội dung về giáo dục sẽ có lợi cho trẻ tùy thuộc vào từng độ tuổi và môi trường giáo dục. Điều cốt lõi đơn giản chỉ là cha mẹ dành thêm thời gian làm bạn và định hướng, truyền cảm hứng để con biết chủ động tìm đến những điều tích cực nơi thế giới công nghệ và trong cuộc sống. Và, khi các con còn nhỏ, chúng có nhiều thời gian, mình không chịu chơi và làm bạn cùng con thì khi về già mình có thời gian - lúc đó chúng lại không có thời gian để chơi và làm bạn với mình.
Với riêng tôi, tôi nghĩ rằng mỗi con người trong cuộc sống ngoài những điểm tựa về vật chất, tinh thần sẵn có, còn cần có một điểm tựa quan trọng khác: điểm tựa tâm linh để chăm sóc sức khỏe cho tâm hồn, niềm tin mà vững bước làm một người tử tế giữa cuộc đời.
Không khó để dễ dàng nhận thấy, các vị phụ huynh trẻ bây giờ, hầu như ai cũng quan tâm đến ươm mầm tài năng, đặt kỳ vọng ở các con về: tài năng âm nhạc, tài năng toán học, tài năng thể thao… Hình như ít ai chú ý đến việc ươm mầm tâm linh cho mỗi đứa trẻ.
Đạo Phật chính là đạo đức, và chúng ta gọi Phật là Đức Phật. Các ông bố, bà mẹ thay vì để con trẻ thần tượng các ca sĩ, diễn viên bằng việc tạo ra môi trường, định hướng lấy ông Phật, bà Bồ-tát là tấm gương để yêu kính và học tập theo, luôn có ý nghĩ về những lời nói, hành động đẹp và giúp đỡ mọi người - thì năm tháng qua đi, ta sẽ có một rừng bồ-đề trên khắp mọi miền.
Trong tâm hồn mỗi con người như mảnh vườn cất giữ cả trăm hạt giống cảm xúc, ý niệm, hành vi... Hãy gọi tên, tưới tẩm cho những cảm xúc tích cực, những ý niệm của thương yêu và thiện lành, những hành vi cao quý mỗi ngày được ươm mầm lên xanh ngay từ những năm tháng đầu đời. Để theo lộ trình lớn khôn, sẽ có một cây lớn trùm bóng mát che khuất và làm cỏ dại trên mặt đất tâm hồn dần héo hon. Như bông hoa nở xòe, thơm hương cho chính mình, cho mặt đất, bầu trời và những ai đủ đầy nhân duyên nhìn thấy.
Lương Đình Khoa