Truyện ngắn: Thiểu dục tri túc
Ngày xưa, có hai người thân thích gần gũi và hiểu biết lẫn nhau nên không bao giờ trái ý, mất lòng nhau. Sau đó có một người phạm phải tội chết, liền chạy đến người thân kia để nương tựa.
Người kia không đón tiếp, lại lạnh lùng hỏi:
–Ngươi là ai?
Người phạm tội đáp:
–Ta là người quen thường lo lắng cho ngươi đó. Nay có tội nên đến nhờ giúp đỡ.
Người thân kia nói:
–Khi bình thường là thân thích, ngươi giúp đỡ ta, nhưng nay ngươi gặp việc gấp thì phải tìm đường mạnh ai nấy đi, không như lúc trước được.
Người phạm tội rất buồn, tự nghĩ: “Ta lúc bình thường cùng với nó thân cận tới lui, ăn uống, lo lắng cho nhau, không một phút xa lìa. Nay gặp khó khăn, sao đành lìa nhau, nó thật không phải là người bạn tốt!”
Người phạm tội kia buồn khổ đi vào trong núi, sau đó lại được gặp một vị Thiện tri thức, vị ấy lại vui vẻ đón mừng, mở cửa mời vào, tìm cách che chở và nói:
–Lúc trước ngươi với ta tuy tình cảm sơ sài, nhưng nay ngươi gặp khó khăn, ta sẽ đem ngươi đến chỗ an ổn.
Vị ấy liền dùng xe chở nhiều của báu và tự mình đưa vị ấy đến một nước khác, dẫn đến gặp gỡ, thăm viếng, làm quen với vua chúa, trưởng giả, rồi vì ông ta mà tạo lập cung điện, nhà cửa, sắp xếp ruộng vườn, tiền bạc, vật báu, cung cấp cho đầy đủ tất cả rồi mới trở về.
Đức Phật thấy việc này đều có trong mỗi người chúng ta nên dẫn làm thí dụ. Kẻ lanh lợi bị phạm tội ví cho tinh thần của con người chúng ta. Người bạn thân gần là ví cho thân tứ đại. Thiện tri thức là ví cho phước nghiệp của con người làm các công đức như giữ gìn Tam quy, Ngũ giới.
Người kia khi còn sống chỉ biết cung dưỡng thân tứ đại, thường đem đồ ăn uống ngon, áo mặc đẹp, thuốc thang, chỗ ở, tạo điều kiện giúp đỡ cho thân không thiếu thốn. Khi vô thường đến phải đọa vào địa ngục ác thú, đến cầu xin thân tứ đại kia trốn tránh trong khoảnh khắc. Thân tứ đại lại lạnh lùng đóng cửa, không xem thân thích như trước nữa!
Sau gặp thiện tri thức, vị tri thức này đem đến nước khác, đưa vào chỗ an ổn, cung cấp đồ cần dùng không có thiếu sót, ví như người có Bố thí, Trì giới, đến khi chết nhờ năng lực của phước đức dẫn đến cõi trời, ở trong cung điện bảy báu, mang áo đẹp, đồ ăn trăm vị của cõi trời tự nhiên đều có, vui sướng vô cùng.
Vì vậy cho nên người sinh ra ở đời chớ đặt nặng việc ăn uống, nuôi dưỡng bản thân, mà chúng ta phải nên cắt giảm tạo phước đức để dành cho đời sau. Nếu như chỉ biết nuôi dưỡng thân tứ đại đâu có lợi ích gì! Người hiểu biết nên thực hành như vậy.
Nguồn: Kinh Tuyển tập Thí dụ, Quyển 2, bài số 33