Tứ như ý túc



Tứ như ý túc hay bốn thần thông của người tu. Nhiều người hiểu lầm có thần thông như bay được, làm được những việc kinh thiên động địa, lấy trái đất này bỏ vào thế giới khác… Phật không dạy như vậy.

Tứ như ý túc hay bốn thần túc mà chúng ta tu hành có được là Dục tam ma địa như ý túc, Cần tam ma địa như ý túc, Tâm tam ma địa như ý túc và Quán tam ma địa như ý túc. Bốn pháp này tất yếu cũng là pháp tu trong thiền định, hay trong Tam ma địa mới được như ý mà nhiều người tưởng lầm là như ý bên ngoài.

Lâu nay, người ta thường nói vắn tắt Dục như ý túc, bỏ quên mất chữ Tam ma địa, nên nghĩ rằng Dục như ý túc nghĩa là muốn gì cũng được nhờ tu lâu. Thực sự người tu đã thuần thục Tứ niệm xứ và Tứ chánh cần, thì còn muốn gì nữa. Riêng tôi, nhận thấy rõ chỉ muốn tâm yên tĩnh, đừng bị bất cứ thứ gì quấy rầy.

Phải hiểu rằng Dục tam ma địa như ý túc là muốn gì trong tâm cũng được, nhưng đối với sinh hoạt thực tế bên ngoài thì không được. Lấy thí dụ cho dễ hiểu, Tề Thiên sử dụng tâm thì chỉ một bước nhảy là đến Tây Thiên, nhưng trở lại thực tế, hầu Tam Tạng phải mất 17 năm mới đi đến Tây Thiên.

Tâm chúng ta rất linh hoạt. Thiền sư thường sống với nội tâm hơn, vì tâm tự tại. Người sống với ngoại cảnh phải luôn bị vướng mắc, khổ đau. Vì vậy, trụ định, tâm an, mới được giải thoát.

Dục tam ma địa như ý túc nghĩa là muốn định là định. Vì trong giai đoạn trước, đã tu Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, tâm hành giả đã vững vàng, lúc nào cũng an trụ pháp Không, thường sống trong thiền định. Nếu tu thiền, đến đây đã đạt được Ly sanh hỷ lạc. Nhờ trụ trong thiền định, sức quán tưởng cao, nên được dục như ý, đó là pháp của người tu đắc đạo đang đi trên Thánh đạo và Dục như ý này ở trong thế giới giải thoát của thiền định, bên ngoài không có và cũng không phải là tham dục của thế gian. Trước ngồi thiền, muốn tâm đứng yên, nhưng không thể yên. Nay được Dục tam ma địa như ý túc, muốn tâm định là định ngay.

Theo tôi, muốn tâm lắng yên, nhưng không yên được, vì tâm rối bời do đã tạo quá nhiều nghiệp ác, phải nỗ lực sám hối cho tiêu nghiệp. Nghiệp nặng, phải tụng kinh, lễ Phật, đọc sách, quán tưởng Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần; không thực hành những pháp này để rửa sạch tâm nhơ, mà đi ngay vào thiền định, chẳng những không thể định, mà dễ dàng lạc vào thế giới ma, gọi là tẩu hỏa nhập ma.

Phải thành tựu pháp quán Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, thiện căn công đức sanh ra, mới vào định được. Vì thế, đạt được Dục tam ma địa như ý túc thì muốn tâm lắng yên là lắng yên, tức vào định dễ dàng, nhanh chóng trong chớp mắt là định, không cần dụng công quán tưởng gì cả. Và khi đã trụ định, mọi việc bên ngoài không hề tác động được, dù trời sập cũng không hay, thậm chí mất thân cũng không biết; vì đang sống với tâm, mới ở trạng thái Ly sanh cao tột như thế. Nói cách khác, là xa rời cuộc sống vật chất, xóa sạch tình cảm thế gian, trụ pháp Không, mới có được cuộc sống tâm linh, vào thế giới Định sanh hỷ lạc. Thiền sư thực sự trải qua quá trình tu, quán thuần thục Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, tự động vào định là vậy.

Ở giai đoạn trước, thành tựu được Tứ chánh cần, đã phá trừ được thức uẩn là nguyên nhân gây ra phiền não khổ đau, khiến cho tâm bị rối bời. Nay tâm đã thanh tịnh trong sáng, cho nên trụ tâm một cách dễ dàng, gọi là Tâm tam ma địa như ý túc.

Được định tĩnh, hỷ lạc, tự tại trong thiền định hoàn toàn như ý khiến cho hành giả siêng năng tu thiền định, tinh tấn an trụ trong thế giới định, được Cần tam ma địa như ý túc.

Mặc dù thấy biết rõ mọi sự việc nội giới và ngoại giới, hành giả không bao giờ chấp vô đó, vướng mắc với nó; vì hành giả đang an trụ Quán tam ma địa như ý túc, nghĩa là dùng trí tuệ sáng suốt quán sát thấy đúng như thật tận cội nguồn sự việc. Quán trí này phát sinh từ định, đó là thanh tịnh trí nên hành giả có thể thông suốt trọn vẹn các pháp một cách dễ dàng.

Vì vậy, bốn điều như ý: Dục tam ma địa như ý, Cần tam ma địa như y, Tâm tam ma địa như ý và Quán tam ma địa như ý có dễ dàng trong thiền định; còn trong thực tế cuộc sống, ham muốn theo thế gian thì muốn nhiều khổ nhiều, hay có đủ thứ vật chất như ý muốn mà vẫn mất như không.

Vào thế giới tâm linh mới có bốn điều kỳ diệu này. Hơn thế nữa, Phật dạy các vị Bồ-tát thâm nhập Hoa Tạng thế giới còn có trùng trùng điều như ý, chứ không phải chỉ có bốn.

Trên bước đường thể nghiệm pháp Phật, chỉ mới thành tựu Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần và Tứ như ý túc, tâm hành giả hoàn toàn lắng yên, thanh tịnh, không còn phiền não trần lao nghiệp chướng, từng bước chân đi an lành trên con đường giải thoát. Quả là hình ảnh trong sáng của hàng phạm hạnh xuất gia làm nơi nương tựa an lành và quý báu cho nhân loại trong thế giới hiện đại nhiều tranh chấp, bạo lực, hận thù.

HT.Thích Trí Quảng