CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH - MỘT NHÂN CÁCH LỚN MANG ĐẬM DẤU ẤN PHẬT GIÁO


      Phật giáo ra đời ở Ấn Độ vào cuối thế kỷ VI (tr.CN) và ngày nay đã trở thành một trong ba tôn giáo lớn của thế giới (Công giáo, Phật giáo và Islam giáo). Phật giáo được truyền vào Việt Nam khoảng thế kỷ I đầu công nguyên và trở thành quốc giáo thời Lý - Trần. Với tư cách là một triết thuyết về giải phóng, đề cao đức từ, bi, hỷ, xả, vô ngã vị tha, cứu khổ, cứu nạn, khi du nhập vào Việt Nam, đạo Phật đã sớm được chấp nhận và trở thành một tôn giáo truyền thống của dân tộc.

      Chủ tịch Hồ Chí Minh: anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, chịu nhiều ảnh hưởng của triết lý Phật giáo. Mặc dù Hồ Chí Minh sinh ra trong gia đình nho sĩ tiến bộ, có ý nguyện an dân dựng nước. Nhưng ngay từ thuở thiếu thời, Người đã được ông ngoại, cha và các cụ đồ nho nổi tiếng rèn rũa về lịch sử dân tộc, về lòng yêu nước thương dân, căm ghét bất công. Người cũng được học tập khá kỹ lưỡng những tri thức phù hợp với truyền thống dân tộc của Nho giáo, Lão giáo và đặc biệt là Phật giáo. Sang tuổi thanh niên, phần lớn thời gian, Hồ Chí Minh sống ở kinh thành Huế - nơi đây có thời điểm được coi là thủ đô Phật giáo Việt Nam. Do vậy, sau này, trong tư tưởng của Người luôn mang đậm dấu ấn Phật giáo. Hệ thống di sản tư tưởng phong phú và vô giá mà Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta ngày nay cho thấy có nhiều điểm tương đồng với tinh hoa tư tưởng của Phật giáo, trong đó nổi bật là giá trị cốt lõi về triết lý nhân sinh, coi con người là trung tâm hướng đến chân, thiện, mỹ, từ, bi, hỷ, xả, vô thường, vô ngã, vị tha, cứu khổ cứu nạn, để sống “tốt đời, đẹp đạo”. Điều đó được thể hiện qua các khía cạnh sau:

       Một là, Phật tổ hàng nghìn năm trước đã dày công tu luyện, chụi khổ ải để cứu chúng sinh, giải thoát con người khỏi trầm luân khốn khổ thì Hồ Chí Minh cũng đã hy sinh cả cuộc đời mình cho dân tộc Việt Nam và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Sự ra đời của Đức Phật không ngoài mục đích giải quyết những khổ đau cho con người, nghĩa là, khi con người còn khổ đau thì Phật giáo còn tồn tại., Phật giáo coi thế giới là một bể khổ và mụcđích cuối cùng của Phật giáo là tìm con đường giải thoát con người khỏi bể khổ luân hồi đó. 

      Theo đạo Phật, “Từ bi” là tìm cách đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người, quên đi hạnh phúc của bản thân và không mong báo đáp. Nhẫn nhục là một trong những đức hạnh cần thiết của con người, nhất là người đệ tử học Phật. Người khác làm nhục, bêu xấu ta mà ta không oán giận gọi là nhẫn nhục. Nhẫn nhục là điều hết sức quan trọng đối với sự tu dưỡng của một người.

      Hồ Chí Minh cũng tìm mọi cách giúp nhân dân Việt Nam thoát khỏi khốn khổ của quân xâm lược. Nhớ lại những năm, tháng đất nước ta bị đô hộ bởi giặc ngoại xâm, nhân dân cực khổ, lầm than chịu thân phận của kiếp người nô lệ, Hồ Chí Minh đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Vượt qua muôn trùng khó khăn, thử thách, Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn đời mình cho dân tộc, như Người đã tự sự: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo là vì mục đích đó”[1]. Cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người chỉ có một tâm nguyện và ham muốn: “...ham muốn đến tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”[2]; cho đến khi phải từ biệt thế giới này, Người chỉ tiếc: “… không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”[3]. Chính ham muốn và mục đích vô cùng cao đẹp ấy, đã tạo cho Người một ý chí và nghị lực vô cùng mãnh liệt để: “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”; đó là điểm tựa giúp Người vượt qua mọi khổ ải, khó khăn, dẫn dắt nhân dân ta đến bến bờ hạnh phúc.

      Hồ Chí Minh rất am hiểu và thấu tỏ đạo Phật, Người thường viết thư thăm hỏi gửi đến các Tăng ni, tín đồ Phật tử Việt Nam nhân ngày Rằm tháng Bảy và lễ Đức Phật Thích ca thành đạo (tháng chạp). Trong Thư gửi các vị tăng ni và đồng bào tín đồ Phật giáo nhân dịp lễ Đức Phật Thích ca thành đạo năm 1957, Người có lời khen ngợi các vị tăng ni và tín đồ đã sẵn lòng nồng nàn yêu nước, hăng hái làm tròn nghĩa vụ của người công dân và xứng đáng là Phật tử. Hồ Chí Minh viết: “Tôi có lời khen ngợi các vị tăng, ni và tín đồ đã sẵn lòng nồng nàn yêu nước, hăng hái làm tròn nghĩa vụ của người công dân và xứng đáng là Phật tử... Trong cải cách ruộng đất, tuy có nơi đã vi phạm sai lầm trong việc thực hiện chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, nhưng Đảng và Chính phủ đã có chính sách kiên quyết sữa chữa. Hiện nay... đời sống nhân dân dần dần càng được cải thiện, cũng giống như tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui no ấm... Tôi mong các vị tăng, ni và đồng bào tín đồ đã đoàn kết thì càng đoàn kết hơn để góp phần xây dựng hòa bình chóng thắng lợi. Hãy ra sức giúp đỡ cán bộ, hăng hái thực hiện mọi công tác của Chính phủ, chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, ngăn chặn âm mưu của Mỹ - Diệm và bọn tay sai lợi dụng tôn giáo hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, hãy ra sức đấu tranh giành thống nhất đất nước”[4]. Điều đó cho thấy, hình ảnh của Hồ Chí Minh tỏa sáng như một ông Phật trong lòng nhân dân: vĩ đại mà không cao xa; thanh cao mà vô cùng giản dị, gần gũi, thân thiết và gắn bó với quần chúng; hết lòng, hết sức chăm lo cho sự nghiệp độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; mong muốn xây dựng một nước Việt Nam mạnh giàu; nhân dân ta có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Hình ảnh Hồ Chí Minh đã khắc sâu vào tiềm thức của thế hệ Phật giáo Việt Nam, do vậy, Giáo hội Việt Nam đã khẳng định: “Những tư tưởng đạo đức, tác phong và việc làm của Bác Hồ thì hoàn toàn phù hợp với giáo lý của đạo Phật. Bác Hồ không những là anh hùng giải phóng dân tộc, là nhà văn hóa lớn mà Bác Hồ còn là hiện thân của đạo Phật và là một vị Bồ Tát sống”[5].

     Hai là, triết lý của Phật giáo khẳng định “Nhân thị tối thắng”[6] - con người cao hơn tất cả và tư tưởng “lục hòa” (sáu pháp hòa hợp) của Phật giáo rất phù hợp với truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam, chính vì lẽ đó, Phật giáo nhanh chóng bám rễ sâu vào mọi mặt đời sống của con người Việt Nam. Những nội dung trong tư tưởng “lục hòa” của Phật giáo như: Thân hòa đồng trụ; Khẩu hòa vô tranh; Ý hòa đồng duyệt; Giới hòa đồng tu; Kiến hòa đồng giải; Lợi hòa đồng quân. Có thể hiểu lục hòa là không nói lời dữ; không tranh hơn thua; ý của các thành viên trong cộng đồng hòa hợp với nhau; chia sẻ những hiểu biết của mình cho mọi người cùng hiểu; có lợi thì cùng chia sẻ với nhau... là cơ sở để xây dựng một tập thể gắn bó, đoàn kết nhằm kiến tạo một môi trường chung, giúp nhau cùng phát triển. Phật giáo Việt Nam đã vạch ra một con đường mới đi đến giác ngộ, bằng cứu dân độ thế và trên con đường này tâm con người ngày càng khai mở bao trùm thiên hạ, muôn loài, vạn pháp, tức đạt đến tâm Phật. Phật giáo Việt Nam mang trong mình tinh thần yêu nước. Không thể nói yêu nước thương dân mà lại không lấy nguyện vọng, mong muốn của dân làm nguyện vọng, mong muốn của mình. Ngược lại, đã là người yêu nước chân chính thì phải lấy nguyện vọng, mong muốn của dân làm nguyện vọng, mong muốn của mình. Đạo đức Phật giáo dường như đã gạt bỏ hoàn toàn những triết lý cao siêu, khó hiểu để trở về hòa nhập với cuộc sống trần thế hằng ngày.

     Khi ở cương vị là Chủ tịch Nước, Hồ Chí Minh luôn dành nhiều thời gian đi thăm nhiều chùa, nhiều cơ sở Phật giáo, tiếp xúc với nhiều tăng ni, phật tử. Với một giác quan chính trị nhạy bén và sự mẫn cảm kiệt xuất, Hồ Chí Minh sớm nhìn thấy Phật giáo là một điểm tựa vững chắc cho quần chúng nhân dân, họ sẽ tạo thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho mọi người dân.

      Hồ Chí Minh cũng luôn đề cao vai trò “tối thượng” của đại đoàn kết toàn dân tộc: “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”. Khát vọng dân tộc được độc lập, tự do và thống nhất, nhân dân được sống ấm no, hạnh phúc là mẫu số chung, là điểm gốc để quy tụ tất cả mọi người dân Việt Nam vào khối đại đoàn kết dân tộc. Do đó: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê đê, Xê đăng hay Ba na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sướng khổ cùng nhau, no, đói giúp nhau... Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên, tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta...”[7].

      Để giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã xác định: “trở về nước đi vào dân chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập”. Tư tưởng thức tỉnh nhân dân, đoàn kết dân tộc, giác ngộ trí thức… mang đậm dấu ấn Phật giáo. Việc đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp nhân dân, các đảng phái, các dân tộc anh em, giữa đồng bào lương với đồng bào các tôn giáo khác được thực hiện theo phương châm “cầu đồng tồn dị”, lấy cái chung để hạn chế cái riêng, cái đặc thù, để cùng nhau sống hoà thuận, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

      Ba là, tư tưởng khoan dung của Phật giáo và Hồ Chí Minh. Trong bài Gửi đồng bào Việt Nam, người Pháp và người thế giới của Hồ Chí Minh có câu: “than ôi, trước lòng bác ái, thì máu người Pháp hay người Việt cũng đều là người”[8]. Đó cũng là tư tưởng bình đẳng bác ái của Phật tổ được thể hiện qua câu nói của Ngài: “Con người ta khi mới sinh ra không có ai mang sẵn dấu nô lệ ở trên trán” hay “mọi người đều có dòng máu đỏ”. Phật cho rằng, tính thiện và tính ác tồn tại tự nhiên trong mọi người, một người không thể được tôn vinh hay bị coi thường chỉ vì đẳng cấp xuất thân. Phật giáo xây dựng hệ thống giáo lý của mình trên cái nền bình đẳng giữa người và người, cơ sở trực tiếp của nó ở tinh thần vô ngã, vô chấp, vị tha và Tứ Vô Lượng tâm. Phật giáo xác định rõ quyền tự do của mỗi người và cũng yêu cầu con người phải tự suy nghĩ, cân nhắc, tính toán trước khi hành động, tự quyết định tương lai và vận mệnh của mình, bởi vì, “làm dữ ở nơi ta, mà ô nhiễm cũng bởi ta…”. Theo Phật, tất cả những cuộc chiến tranh, tất cả những điều nhiễu nhương… trong xã hội, suy cho cùng đều do cái tâm hữu ngã của người loạn động từ tham, sân, si mà ra. Nếu con người hữu minh từ bỏ “tam độc” đó bằng cách bỏ tâm ác, tinh tấn tâm thiện, tâm vô ngã thì sẽ góp phần đem lại hòa bình trên trái đất, hạnh phúc cho người dân. 

     Trong thư gửi Hội Phật tử Việt Nam ngày 30/ 08/ 1947 (tức ngày 15 tháng 07 âm lịch) của Hồ Chí Minh có đoạn: “… từ ngày nước ta trở nên dân chủ cộng hoà, hiến pháp tôn trọng tự do tín ngưỡng, thì Phật giáo cũng phát triển một cách thuận tiện. Bọn thực dân Pháp muốn cướp nước ta. Chúng đốt chùa chiền, phá tượng Phật, hành hạ tăng ni, tàn sát đạo hữu. Chúng hòng phá tan đạo Phật… Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải, xương máu,… làm theo lòng đại từ bi của đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ”[9]. Điều này cho thấy, Hồ Chí Minh luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng Phật giáo của nhân dân. Tôn trọng tự do tôn giáo của nhân dân là tôn trọng một trong những quyền cơ bản của con người, tôn trọng giá trị làm người, chứ không phải đơn thuần là vấn đề chính trị, mang tính chất tình thế. Nó thể hiện cái nhìn rộng lượng đối với những quan điểm khác biệt, ở sự tôn trọng niềm tin của người khác, không áp đặt ý kiến của mình lên người khác, rất xa lạ với mọi thái độ kỳ thị, cuồng tín, giáo điều. Ý nghĩa sâu xa ẩn chứa trong đó chính là triết lý nhân sinh, tầm nhìn và tư tưởng khoan dung, nhân văn sâu sắc của Hồ Chí Minh đối với Phật giáo. 

      Trong bài Lời kêu gọi sau Hội nghị Giơnevơ thành công, Hồ Chí Minh viết: “Đồng bào miền Nam kháng chiến trước hết, giác ngộ rất cao. Tôi chắc rằng đồng bào sẽ đặt lợi ích cả nước trên lợi ích địa phương, lợi ích lâu dài trên lợi ích trước mắt, mà ra sức cùng đồng bào toàn quốc phấn đấu để củng cố hòa bình”[10]. Ở đây có tư tưởng giác ngộ của nhà Phật và tư tưởng đại thừa của Phật đường thông qua câu tụng kinh rất phổ biến của Phật tử: “Nam mô đức cứu khổ, cứu nạn, đại từ, đại bi Quan thế âm bồ tát”. Khi tuyên bố với quốc dân, Hồ Chí Minh nói: “Không được báo thù báo oán. Đối với những kẻ đi lầm đường lạc lối, đồng bào ta cần phải dùng chính sách khoan hồng. Lấy lời khôn, lẽ phải mà bày cho họ”[11]. Đó là sự kết hợp tư tưởng khoan dung đại độ của dân tộc Việt Nam với tư tưởng vị tha “lấy đức báo oán” của Phật học. Tư tưởng “vô thường”, “vô ngã” của Phật giáo cũng được Hồ Chí Minh vận dụng để giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Người nói: “Con người ta đẻ ra, ai cũng lớn lên, già đi rồi chết”. Đó chính là luật vô ngã trong Phật học.

      Với tư cách là người đứng đầu nhà nước, ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”. Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Người chỉ đạo biên soạn khẳng định: “Nhân dân có quyền tự do tín ngưỡng”. Chính cương của Mặt trận Liên Việt, ở điểm 1 điều thứ 7 khẳng định: “tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng của mọi người”. Điều 8 trong Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam, cũng khẳng định: “tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của mọi người dân”. Sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, ngày 14/6/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 234/SL về vấn đề tôn giáo gồm 5 chương và 16 điều. Sắc lệnh đã thể hiện rất rõ, chi tiết, cụ thể về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân. Sắc lệnh 234/SL của Người đã được đông đảo đồng bào có đạo, trong đó có đạo Phật hoan nghênh và ủng hộ.

      Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng rất quan tâm về vấn đề bình đẳng giới. Người đã từng khẳng định: Công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình. Như vậy, ta có thể nhận thấy nét tương đồng trong tư tưởng “tôn trọng nữ giới” của Phật Giáo và tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, hơn ai hết, Đức Phật và Hồ Chí Minh đều sống trong thời đại mà ở đó quyền lợi của người phụ nữ bị tước đoạt, bị áp bức, chịu đau khổ và chịu nhiều thiệt thòi nhất.

      Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh toát lên một nhân cách lớn - nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh. Người là người giàu lòng vị tha, bao dung, nhân ái, thấm đượm tinh thần Phật giáo. Nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh là lòng tin vào bản tính thiện - một giáo lý mang đậm chất Phật giáo. Người là hiện thân sinh động của lòng yêu nước, yêu nhân loại, là một chiến sỹ suốt đời đấu tranh cho tự do, bình đẳng, bác ái. Ở Người, luôn toả sáng những tư tưởng cao đẹp, kết tinh những giá trị tinh tuý nhất của văn hóa truyền thống dân tộc và của nhân loại, trong đó có các giá trị tư tưởng của Phật giáo. Hoà thượng Kim Cương Tử cũng đã khẳng định: “Hồ Chí Minh, tinh hoa dân tộc, Người là kết tinh mọi truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam, trong đó có truyền thống Phật giáo”[12]. Người chính là một biểu tượng nhân bản, nhân văn đặc sắc không chỉ của Việt Nam, mà còn của thế giới. Nhân cách mang đậm dấn ấn “từ bi, hỉ xả, vô ngã vị tha, cứu khổ chúng sinh” của Người là một tấm gương đạo đức nhân bản cao cả đối với tất cả mọi người, mọi dân tộc, mọi tầng lớp nhân dân. Lý tưởng sáng ngời sáng ấy của Hồ Chí Minh luôn là ngọn đuốc soi đường cho thế hệ con cháu sau này đi theo.

      Trong cuộc sống chúng ta hiện nay, nhiều người thấm nhuần tinh thần từ bi hỉ xả, rồi thực hành điều này sẽ giúp cho xã hội tốt đẹp, góp phần đẩy lùi lối sống vị kỷ, lối sống thực dụng đề cao cá nhân, đồng thời biết quan tâm và chia sẻ với người khác. Hơn thế nữa, nó góp phần hóa giải những xung đột, hận thù và bạo lực trong thời đại này nếu tinh thần từ bi hỉ xả được thấm nhuần đến nhiều người. 


PGS.TS. Lê Thị Thanh Hà
Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.272.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.187.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.615.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 9, tr.290 - 291

[5] Chủ tịch Hồ Chí Minh với đạo Phật” - Nội san số Đặc biệt, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 1991, tr.16 - 17

[6] Kinh Hoa Nghiêm

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.249.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.510.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.228.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 9, tr.2.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.471.

[12] Hoà thượng Kim Cương Tử: Diễn văn khai mạc Hội thảo:”Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo”, năm 1990