Tu tập Chỉ & Quán


GN - Dù đạo Phật có vô lượng pháp môn tu nhưng thiền định là pháp tu căn bản, cốt tủy nhất. Đức Phật Thích Ca đã tu tập thiền định chứng đắc đạo quả Vô thượng dưới cội bồ-đề.


Tìm hiểu nội dung tu tập thiền của Đức Phật Thích Ca để ứng dụng hành trì là điều cần thiết, nên làm

Căn bản của thiền Phật giáo là tu tập thiền chỉ và thiền quán hay thiền định và thiền tuệ. Nền tảng của tu tập Chỉ Quán là có giới đức, sống phạm hạnh. Hành giả cần phải tuân thủ, thọ trì, sống trong sự bảo hộ của Giới bổn thì tu tập Chỉ và Quán mới nhanh chóng thành tựu.

Nói cách khác, giới-định-tuệ là nền tảng của mọi pháp hành nhân danh Phật giáo. Các pháp môn tu tập có hình thức hay danh xưng Phật giáo mà thiếu vắng giới-định-tuệ thì xa lìa nội dung Phật giáo. Trong khuynh hướng học thiền đang nở rộ hiện nay, nhất là trong giới trẻ thì việc tìm hiểu nội dung tu tập thiền của Đức Phật Thích Ca để ứng dụng hành trì là điều cần thiết, nên làm.

“Một thời, Phật ở tại vườn Cù-sư-la, nước Câu-diệm-di. Bấy giờ Tôn giả A-nan đi đến chỗ vị Thượng tọa. Khi đến nơi ấy, Tôn giả cung kính thăm hỏi, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Thượng tọa:

- Nếu có Tỳ-kheo ở nơi vắng vẻ, dưới bóng cây, hay ở trong phòng yên tĩnh tư duy, nên dùng pháp gì để chuyên tinh tư duy?

Thượng tọa đáp:

- Này Tôn giả A-nan, nếu người nào ở chỗ vắng vẻ, dưới bóng cây hay trong phòng yên tĩnh, nên dùng hai pháp này để chuyên tinh tư duy, đó là Chỉ và Quán.

Tôn giả A-nan lại hỏi Thượng tọa:

- Tu tập Chỉ, sau khi tu tập nhiều, sẽ thành tựu được pháp gì? Tu tập Quán, sau khi tu tập nhiều, sẽ thành tựu được pháp gì?

Thượng tọa trả lời Tôn giả A-nan:

- Tu tập Chỉ, cuối cùng thành tựu được Quán. Tu tập Quán, cũng thành tựu được Chỉ. Nghĩa là Thánh đệ tử tu tập gồm cả Chỉ và Quán, chứng đắc các giải thoát giới.

Tôn giả A-nan lại hỏi:

- Bạch Thượng tọa, thế nào là các giải thoát giới?

Thượng tọa đáp:

- Này Tôn giả A-nan, đoạn giới, vô dục giới, diệt giới, đó gọi là các giải thoát giới.

Tôn giả A-nan lại hỏi:

- Thế nào là đoạn giới cho đến diệt giới?

Thượng tọa đáp:

- Này Tôn giả A-nan, đoạn tất cả hành, đó gọi là đoạn giới. Đoạn trừ ái dục, đó là vô dục giới. Tất cả hành diệt, gọi là diệt giới…”.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 464 [trích])

Thiền chỉ-định là nhiếp tâm, an trú tâm vào một đề mục thiền (như hơi thở, các đề mục thiền chỉ nói chung) để tâm được an tịnh, lắng đọng, định. Thiền tuệ-quán là tư duy, quán sát để thấy rõ sự thật khách quan về thân, tâm, thế giới là vô thường, duyên khởi, vô ngã để vượt thoát tham ái, phiền não.

Ở đây, lời dạy của vị Thượng tọa “Tu tập Chỉ, cuối cùng thành tựu được quán. Tu tập Quán, cũng thành tựu được Chỉ” cần được lưu tâm. Nghĩa là tâm an định sẽ giúp cho trí sáng tỏ, một khi trí đã sáng sẽ không còn lầm mê nên hỗ trợ cho sự lắng tâm an định nhiều hơn. Kinh nghiệm của người đi trước cho thấy Chỉ và Quán luôn hỗ trợ, nâng đỡ cho nhau rất ăn ý trong việc điều phục tâm.

Nhờ vận dụng Chỉ và Quán một cách linh hoạt, hợp lý nên hành giả từng bước thành tựu đoạn giới, vô dục giới, diệt giới. Các vọng tâm được nhiếp phục vắng bặt, bất động. Ái dục cũng nhờ Chỉ và Quán mà từng bước bị đoạn trừ. Thân khỏe, tâm an và tuệ sáng là kết quả của tu tập Chỉ  Quán. Ở cấp độ phổ thông, mọi người trong khóa tu có được kết quả này đã thật đáng quý. Với các hành giả chuyên sâu hơn, có thể phát triển định và tuệ lên đến mức cao nhất, chứng đạt giải thoát ngay trong hiện tại, hiện đời.