Tụng kinh kéo dài tuổi thọ


Thời Nam triều, nhà Lương, ở Chung Sơn, chùa Khai Thiện, có sư Trí Tạng (458 - 522). Sư họ Cố, người Ngô Quận (Giang Tô, huyện Ngô ngày nay). Sư vốn có tên là Tịnh Tạng. Tuổi nhỏ chứng tỏ thiên tư thông minh, tánh tình khiêm hòa. 16 tuổi xuất gia. Niên hiệu Thái Thủy thứ 6 (470 tl), vua sắc trụ trì chùa Hưng Hoàng.
Sư liên kết với Tăng Viễn, Tăng Hữu ở chùa Định Lâm, cùng với Hoằng Tông ở chùa Thiên An, theo hai sư Tăng Nhu và Tuệ Thứ cầu học, tinh thông kinh luận và giới luật. Thái tể Văn Tuyên Vương thiệu long Phật giáo, đem giảng Tịnh Danh kinh, triệu tập tăng chúng tinh thông kinh luận có hơn 20 người. Sư tuổi còn nhỏ, phải ngồi ở cuối cùng, nhưng đến phiên giảng, sư phô bày nghĩa lý, không một ai theo kịp. Bấy giời Lương Vũ Đế lãnh thọ sùng tín, sắc sư trụ trì chùa Khai Thiện.
 
Năm 29 tuổi, nghe thầy tướng số nói sư chỉ sống đến 31 tuổi, bèn thôi giảng giải, chuyên tâm tu đạo, phát đại thệ nguyện không ra khỏi cửa chùa. Từ đó, ngày đêm sư trì tụng kinh Kim Cang Bát Nhã. Đến năm 31 tuổi, sư lấy nước thơm tắm gội thân thể, lên điện tụng kinh chờ chết. Bỗng nghe trong không trung có tiếng nói rằng: “Bởi thần lực của kinh Bát Nhã, khiến cho tuổi thọ của ngài tăng gấp đôi”.
 
Từ đó, vùng Giang tả, đạo tục đua nhau tụng kinh Bát Nhã, tất cả đều có cảm ứng vi diệu. Vũ Đế từng nghĩ cho bạch y làm Tăng chính, theo giới luật mà lập pháp, chỉnh trị Tăng kỷ, không người nào dám kháng chỉ. Sư bèn thượng thư can gián: Phật pháp như biển lớn, người thế tục làm sao có khả năng đảm đương và biết hết được? Rồi cùng vấn đáp với Hoàng đế. Đế bội phục nghĩa lý, việc ấy mới dừng.
 
Về sau, sư phụng sắc giảng Thành Thật luận ở chùa Bành Thành, giảng kinh Bát Nhã ở Tuệ Luân Điện. Cuối đời, sư trụ ở chùa Khai Thiện. Lúc Võ Đế thọ giới Bồ tát, thỉnh sư làm giới sư. Hoàng thái tử cũng rất kính trọng sư, từng thân lâm đến pháp tịch, nghe sư giảng kinh Đại Niết Bàn. Tháng 9, niên hiệu Phổ Thông thứ 3, sư thị tịch, thế thọ 65.
 
Lời bình:
 
Tuổi thọ dài ngắn tuy là vận mệnh của mỗi người, nhưng lễ Phật sám hối, tụng kinh có thể kéo thêm tuổi thọ, như thế sống chết do số mệnh đời trước có thể thay đổi. Thí như vào triều nhà Đường, ông Tấn Quốc Công Bùi Độ, mới đầu thầy bói tướng nói ông ta đã hết mạng, sẽ chết đói. Một hôm ông đi chơi ở chùa Hương Sơn, gặp một thiếu nữ cha bị phán tội oan; cô này đi xin mọi người cho mượn ba viên ngọc, một sừng tê giác, để hối lộ quan lớn cứu cha. Lúc cô ta đến trước tượng Phật lễ bái, để các vật đó ở ngoài hiên, rồi quên mất và bỏ đi. Bùi Độ tìm kiếm cô ta để trả lại, cuối cùng ông ta cứu được một mạng người.
 
Sau đó gặp lại vị thầy bói tướng, ông ta nói: “Số mạng của ngài đã thay đổi, nhất định ngài đã làm một việc gì đó tích âm đức, cho nên đoản mạng đã tiêu mất, ngược lại tương lai còn muôn dặm”. Lại giống như vào triều nhà Tống, có ông Tống Tường (tức Tống Giao), người Ung Khâu, cùng với em là Tống Kỳ, đồng đỗ tiến sĩ, người đời gọi là Đại Tống, Tiểu Tống. Một hôm, một vị Hồ Tăng hỏi Đại Tống rằng: “Thần phong của ngài tôn quý đốn dị, như có thể cứu sống hàng vạn mạng người, rốt cuộc vì nguyên nhân nào đột nhiên hiện tướng mạo tôn quý này”? Tống Tường suy nghĩ một lát rồi nói: “A, dưới mái hiên nhà tôi có một hang kiến càng, vì gió lớn mưa to ngập hết, tôi chơi trò bắc cầu tre cho kiến bò qua khiến chúng khỏi chết ngộp”! Hồ Tăng nói: “Thì ra là do công đức này”.
 
Xem hai chuyện trên đây, sức người đời có thể hoán đổi được thiên mệnh huống chi sức mạnh công đức bất khả tư nghì của Tam Bảo? Chỉ sợ rằng không thành kính lễ Phật sám hối giống như hai vị pháp sư Pháp Sủng và Trí Tạng mà thôi! Nếu như là, lúc tụng kinh thì tụng vài tiếng giống như thổi cái loa nhỏ, ỏn à ỏn ẻn, không chú trọng vào lời kinh để tu quán hoặc do nơi văn kinh mà vào lý; còn lúc lễ sám thì chỉ giống như người giã gạo, trước sau đụng đầu vài cái, căn bản là không có một chút xấu hỗ, tàm quý và tâm chí thành sám hối. Tụng kinh sám hối như vậy lại trách vì sao Phật, Bồ tát không có linh ứng!
 
Thích Nguyên Hùng