Vấn đáp: Có cần thay bát hương hay đồ thờ cúng vào dịp cuối năm không?
Trước hết, Bàn thờ là nơi trang nghiêm nên phải luôn được đặt ở nơi trang trọng yên tĩnh nhất trong nhà và tùy theo hoàn cảnh cụ thể mà linh động, tùy duyên thiết lập bàn thờ cho thích hợp. Bàn thờ phải luôn được sạch sẽ, tươm tất và trang nghiêm nhằm thể hiện tình cảm, sự tôn trọng và lòng thành kính của gia chủ. Trong dân gian, thường thì người ta dọn dẹp bàn thờ vào ngày 23 tháng Chạp, sau đó đưa ông Táo về trời. Người ta thường nhờ các nhà sư ở chùa hay các vị thầy pháp thực hiện việc bốc bát hương cho gia đình với một quy trình riêng. Sau đó, các thầy mới thỉnh chư vị vong linh, thần linh an nhập. Người ta tin rằng, có thầy bốc bát hương đúng quy trình thì mới linh ứng, chư thần linh, vong linh gia tiên phù hộ độ trì cho gia chủ vạn sự cát tường.
Đối với người Phật tử thì khác, tùy duyên mà làm việc chứ không chọn ngày. Họ luôn tin tưởng rằng ngày nào mà suy nghĩ, nói năng, hành động thiện lành thì ngày đó là tốt. Cho nên khi nào bạn có thời gian rảnh rỗi thì có thể tiến hành vệ sinh nhà cửa, dọn dẹp bàn thờ. Vì thực tế, mỗi ngày đều phải quét dọn bàn thờ, rút bớt chân hương, thay nước mới, giữ cho bàn thờ luôn sạch sẽ, thanh tịnh trang nghiêm. Người Phật tử không có quan niệm các thần linh hay vong linh an trụ nơi bát hương. Nên sau khi mua cát (hoặc tro) mới, tinh sạch thì người Phật tử thành tâm lễ Phật, lễ gia tiên, tỏ bày tâm nguyện rồi tự thay mới cát trong bát hương nhà mình mà không cần nhờ thầy. Mặt khác, người Phật tử luôn tâm niệm rằng nơi đặt bàn thờ là nơi trang nghiêm và yên tĩnh nhất trong nhà, việc quét dọn bàn thờ cho sạch sẽ cũng là đang quét dọn thân tâm thêm trong sạch và sáng tỏ hơn.
Đạo Phật không có tín niệm bốc bát hương, quan điểm bát hương chỉ là vật dụng để cắm hương, dâng hương trầm thơm ngát để cúng dường Tam bảo và tổ tiên, và được quán chiếu xe như mảnh đất tâm thanh tịnh để thiền giả dùng hương thơm ngũ phần hương (hương Giới, hương Định, hương Tuệ, hương Giải thoát và hương Giải thoát tri kiến), dâng hương cúng dường để nguyện thành tựu năm phần tâm hương này.
Theo đạo Phật, để “gia đạo an yên, tăng phúc thọ tài lộc” thì cần tạo phước trong đời sống hàng ngày chứ không phải nhờ bốc bát hương. Người Phật tử chân chính cần lưu tâm đến vun bồi 10 điều phước thiện (1- Bố thí, 2- Giữ giới, 3- Hành thiền-tụng kinh-niệm Phật, 4- Cung kính, 5- Phục vụ, 6- Hồi hướng, 7- Tùy hỷ, 8- Thuyết pháp, 9- Nghe pháp, 10- Chánh kiến) để gieo trồng phước đức. Khi phước đức tăng lên sẽ có năng lực chuyển hóa một hay nhiều phần các nghiệp quả xấu ác. Thế nên, thực hành các phước thiện thì chắc chắn phước báo sẽ đủ đầy, gia đạo sẽ an yên.