Vấn đáp: Nên làm gì để khởi đầu năm mới thuận lợi từ góc nhìn Phật pháp?


Tết Nguyên đán là thời điểm chuyển giao của năm cũ sau khi hoàn thành một chu kỳ thời gian bốn mùa để bước sang năm mới. Dưới góc nhìn Phật pháp, Tết còn là cột mốc để nuôi dưỡng tâm linh trong pháp lành và điều này góp phần làm cho lễ hội truyền thống này càng thêm nhiều giá trị. Tết cũng là dịp để mọi người cầu nguyện mong một năm mới an lành,  gửi gắm ước vọng cho một năm mới với nhiều may mắn, hanh thông, thuận lợi. Mà mmuốn được như vậy, người Phật tử cần phải ý thức được những điều sau để có được một khởi đầu thuận lợi trong năm mới.
Ý thức về vô thường và trân trọng
Tết gắn liền với khái niệm về thời gian. Trong khi trẻ con thì đếm ngược từng ngày chờ mong Tết đến để được xúng xính đồ mới, được vui chơi và được tiền lì-xì từ ông bà cha mẹ thì người lớn tuổi bắt đầu trầm ngâm thấy mình “già rồi” mỗi độ xuân về. Mỗi cái Tết là một dấu ấn đánh động tâm chúng ta một cách hiệu quả nhất về vô thường để mỗi người biết trân quý những gì đang có trong hiện tại. Chúng ta vẫn thường lấy cái Tết làm chuẩn về thời gian để ghi nhớ và cân đo các sự kiện, hoạt động trong năm. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã viết: “Mỗi mùa xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi. Mỗi mùa xuân sang, ngày tôi xa mẹ càng gần”. Đây là lời nhắc nhở chúng ta những điều cần làm với hai đấng sinh thành của mình trước quy luật vô thường của cuộc sống mà thời điểm được lấy làm chuẩn là Tết. Hoặc khi nói về hiện trạng sức khỏe của mình, chúng ta chợt nhận ra rằng “năm ngoái tôi còn khỏe hơn năm nay” và ranh giới giữa hai năm đó là Tết.
Nếu vô thường cứ âm thầm trôi theo thời gian như dòng sông lặng lẽ, người chưa giác ngộ như chúng ta khó lòng ý thức được sự chi phối của vô thường trong đời sống của mình. May thay, với sự nhắc nhở của vô thường vào dịp đặc biệt nhất trong năm là Tết như một cột mốc nổi cộm lên, tâm mê ngủ của chúng ta được đánh thức. Nhờ đó, chúng ta ý thức được quỹ thời gian sống của mình đang rút ngắn dần theo năm tháng để có thể chủ động sắp xếp cuộc sống mình tốt hơn. Một khi ý thức được quy luật vô thường của vạn vật, chúng ta biết cách làm cho cuộc đời mình ý nghĩa và đây là công đức lớn nhất của đời người , trân trọng hơn những gì mà mình đang có, nâng niu gìn giữ hạnh phúc hiện tại, buông bỏ quá khứ và thôi truy cầu những thứ xa vời tương lai.
Kết nối tình thân
Tết là dịp mà hầu như tất cả mọi thành viên trong gia đình đều quy tụ đông đủ để kết nối yêu thương và nuôi dưỡng tình cảm gia đình. Dù đi tha phương làm ăn suốt cả năm, thì đến những ngày này, dù đường sá xa xôi, tàu xe phức tạp cỡ nào cũng tìm mọi cách để trở về quê sum họp dưới mái ấm gia đình.
Tết là dịp để chúc Tết ông bà, cha mẹ, những người thân trong gia đình và hàng xóm láng giềng với những lời chúc cầu tốt đẹp nhất.
Tết còn là dịp để nhắc nhở mọi người hãy tha thứ lỗi lầm cho nhau trong tinh thần bao dung và thông cảm, là cơ hội để hòa giải những bất đồng. Tất cả những gì không vui, không đẹp đều được gởi lại cho năm cũ mang đi và giao thừa là thời khắc thiêng liêng để làm sạch, làm mới mối quan hệ trong yêu thương và hoan hỷ. Dưới lăng kính Phật pháp, đây là dịp tốt để mỗi người tái nạp năng lượng yêu thương, tập nuôi dưỡng tâm từ ái, bao dung đối với tất cả mọi người. Thông qua việc làm thiết thực này, tâm thiện lành được nuôi lớn và cảm giác bình an, thanh thản sẽ đến với người thực hành.
Thể hiện lòng tri ân
Tinh thần tri ân của người Việt trong dịp Tết còn được thể hiện qua truyền thống “mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy” mà sự thực hành vẫn còn được duy trì cho đến ngày nay. Suốt một năm tất bật mưu sinh, bôn ba xuôi ngược, dù đi làm ăn xa hay ở tại quê nhà, mọi người đều bận rộn với công việc của mình. Chỉ có Tết là dịp duy nhất trong năm con người cho phép mình được thảnh thơi, rảnh rang trong suốt nhiều ngày. Đây là dịp tốt nhất để thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn” vốn trở thành nếp sống cao đẹp của người Việt.
Nhìn lại và hướng tới
Tết là dịp để khởi đầu năm mới thuận lợi, mỗi người hãy tự đánh giá lại những thành tựu cá nhân, những được mất của cả một năm về tất cả mọi phương diện trong cuộc sống, như công việc làm ăn, các mối quan hệ xã hội, tình trạng sức khỏe… Với người biết thực hành lời Phật dạy, Tết còn là dịp để soi lại chính mình, nhìn lại sự tiến bộ của bản thân trên con đường tu tập để điều chỉnh sự tu học cho hợp lý hơn, với nhiều quyết tâm hơn trong năm tới. Là mốc thời gian quan trọng nhất đánh dấu cho sự đánh giá cái đã qua, mở ra cơ hội cho những mới mẻ trong thái độ, nhận thức và hành động của con người. Đây là dịp đặc biệt trong một năm nhắc chúng ta điều chỉnh mình cho hợp lý và làm mới thân tâm trên con đường hoàn thiện bản thân. 
Tóm lại, để , hãy để lòng người tràn đầy hân hoan, hy vọng và chan chứa niềm tin vào cuộc sống mới mẻ hơn, sáng sủa hơn bằng cách ý thức vô thường, nhìn lại, yêu thương và trân trọng những gì mà mình đang có, nâng niu gìn giữ hạnh phúc hiện tại, buông bỏ lòng thù hận, buông bỏ quá khứ không tốt và thôi truy cầu những thứ xa vời ở tương lai để ngày ngày đều là khởi đầu mới, đều là Tết trong tự tâm.