Văn hóa tìm gạch xây nền



Phải chăng chỉ là chuyện vặt đời thường? Trên tạp chí VHPG số 173, trong bài “Trông người mà ngẫm đến ta”, tác giả Hoàng Tá Thích đã ngao ngán dẫn ra một loạt những sự kiện mà ông cho là “… đầy rẫy những tin tức xã hội về những vi phạm giao thông, những tệ nạn xã hội, trộm cắp, đĩ điếm mà có lẽ không một quốc gia nào trên thế giới có thể có được…” và ông liệt kê sơ bộ những vụ việc như xe chạy lên cầu bất chấp tải trọng của cầu, tài xế taxi vi phạm luật giao thông bị chặn lại đã lái xe đẩy lùi người công an cả trăm thước, xe hơi đang chạy trên đường vẫn bị kẻ cắp chạy theo bẻ kính chiếu hậu, sợi dây chuyền đeo ở cổ không đáng giá mà vẫn là cái cớ để bị giết, chặt tay người chỉ vì quyết tâm cướp điện thoại di động, ăn cắp dây điện trên trời, ăn cắp cáp truyền thông dưới biển, ăn cắp cả hàng tấn thịt thối chưa kịp tiêu hủy… để rồi phải than thở rằng chỉ vì dân trí người mình quá thấp, vô cùng thấp (!). Chắc chắn sẽ có những ý kiến phản đối vì không ít người cho rằng việc xác định dân trí nước ta có thấp thật hay không và nếu thấp thì thấp đến mức nào là điều đòi hỏi phải có một hội nghị dài ngày với thành viên hội nghị là quý vị lãnh đạo các ngành giáo dục và văn hóa; không những thế, hội nghị còn phải nêu ra được những dẫn chứng có sức thuyết phục… Vì nếu không, chẳng lẽ những thành tích thường được nêu ra về xóa nạn mù chữ, phổ cập kiến thức là ảo hay sao? Lại còn những biển hiệu “khu phố văn hóa”, “xóm văn hóa”, “làng văn hóa”… được trưng ở khắp nơi chỉ là biển hiệu quảng cáo à? Nói thế nào khi đám trẻ bây giờ sử dụng iPad, iPod nhanh như chớp, liên lạc với nhau suốt ngày qua internet…? Nghĩ lại chuyện ngày xưa cách nay cũng chưa lâu lắm, nếu xét theo quan điểm học vấn, có lẽ dân trí người Việt cũng không cao bằng bây giờ. Vì lẽ lúc ấy chẳng phải ai cũng có điều kiện đi học; đặc biệt nữ giới lại càng khó có cơ hội. Sao ngày xưa tệ nạn ít hơn? Hay vì thời ấy phương tiện thông tin đại chúng chưa phổ cập như bây giờ nên tin tức không được phổ biến? Nhưng chắc chắn, tình trạng con giết cha, vợ giết chồng, gia phong bại hoại vẫn là hãn hữu. Vì lẽ, như một quy luật, chuyện xấu bao giờ cũng lan tỏa nhanh hơn và bền bỉ hơn chuyện tốt; cho nên, nếu đã xảy ra những vụ việc “động trời” như vậy thì thế nào dư luận cũng râm ran. Phải chăng ngày nay có “một bộ phận không nhỏ” người dân thiếu ý thức kỷ luật, thiếu tôn trọng pháp luật, manh động, tham lam; chứ còn đại đa số người dân vẫn có nhận thức tốt. Đó là chưa kể, nếu xét theo tiêu chuẩn bằng cấp, học vị, ngày nay có lẽ chưa một nước nào trong vùng Đông Nam Á có được nhiều giáo sư, tiến sĩ như ở nước ta. Cũng chẳng có nước nào có được các loại danh hiệu ưu tú, nhân dân để vinh danh các nghệ sĩ, các nhà giáo, các thầy thuốc… hoặc những siêu sao, siêu mẫu… Chỉ có thể nói rằng hình như những chuẩn mực văn hóa đang mất dần những phẩm chất cần thiết. Một nền văn hóa mà có lúc người ta tự hào với những giá trị được cho là ưu việt nhằm thay thế những gì mà trước đây người ta đòi xóa bỏ, đạp đổ, cái gọi là “văn hóa đồi trụy miền Nam.” Nhìn thẳng vào thực trạng ngày nay, người ta thấy gì?
Văn hóa đang nghèo đi Viết như thế sẽ có người mắng “Đã giàu bao giờ đâu?”. Xin thưa, có thể lúc trước mình chưa giàu nhưng không “nghèo” như bây giờ. Nghèo từ bản chất đến nhu cầu. Dựa vào đâu để có thể nhận định như vậy khi văn hóa luôn là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần của mỗi cá nhân cũng như cộng đồng, một nhu cầu mang ý nghĩa sinh tồn? Liệu những con số thống kê về số rạp hát hay nhà văn hóa có nói lên gì không? Thử nhận xét về văn hóa ở thủ đô chẳng hạn. Đã có người phê bình rằng: ”Thực tế cho thấy Hà Nội, ngay cả ở khu vực nội thành cũng thiếu thiết chế văn hóa thiết yếu. Theo số liệu của ngành văn hóa, thủ đô hiện chỉ có trên dưới mười rạp chiếu bóng đủ điều kiện phục vụ người xem, quá ít so với quy mô dân số ngày một tăng. Nhiều nhà văn hóa chỉ có ‘xác’, không ‘hồn’, chưa kể số đã xuống cấp, kém xa chuẩn rất nhiều. Sân chơi cho trẻ em, quanh quẩn có Công viên Thủ Lệ, Công viên nước Hồ Tây, Cung Thiếu nhi Hà Nội là đáng kể, lễ Tết chật ních người. Thủ đô có nhiều nhà hát, không mấy nơi ‘đỏ đèn’ thường xuyên… Tất cả những điều ấy cho thấy khả năng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật còn ở mức độ thấp (Lê Huy Anh – giaoduc.net). Mới đây trên một tờ báo có bài phỏng vấn họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng , ông nhận định rằng “Người Hà Nội có nhu cầu văn hóa rất thấp”. Nếu thế thì suy ra mặt bằng chung cả nước lại càng thấp! Để giải quyết vấn đề nâng cao nhu cầu, Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội khóa XIV đã ra nghị quyết thông qua Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, mục tiêu chung là xây dựng văn hóa Hà Nội xứng tầm với vị thế thủ đô của một quốc gia, là địa phương tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa. Trong rất nhiều mục tiêu cụ thể cần đạt được, Hà Nội xác định mục tiêu quy hoạch bảo tàng, hệ thống công viên, nghệ thuật biểu diễn, rạp chiếu phim, rạp hát, thư viện. Vấn đề là cần nhớ rằng nhu cầu, nhất là nhu cầu tâm lý, thể hiện nguyện vọng, mong muốn cá nhân về tinh thần hầu như không có giới hạn và luôn đòi hỏi nâng cao. Nhưng rất tiếc, nhu cầu vật chất có thể được đáp ứng đầy đủ khi người ta có những nhà hát, những phương tiện hiện đại thì về mặt nội dung, tầm vóc lại đang nghèo đi đến thảm hại. Chúng ta nghĩ gì khi tuổi trẻ đội mưa đạp nắng để xem một nhóm nhạc pop đến từ Hàn Quốc, chen nhau đến ngất xỉu để xin chữ ký thần tượng? Chúng ta nghĩ gì khi cho dù có bao nhiêu Nhà văn hóa nhưng tuổi trẻ học đường lao đầu vào những trò chơi trên mạng, sống thử, sống bầy đàn… hỗn láo với thầy cô cha mẹ… Cần bao lâu để giáo dục nếp sống văn hóa trong ẩm thực khi còn đó “phở mắng,” “cháo quát,”… còn đó thói côn đồ trong ứng xử nơi công cộng… Nhiều người cay đắng nhận xét: hễ ra những nơi đông người như nhà hàng, phi trường ở nước ngoài, thấy chỗ nào ồn ào thì không phải Trung Quốc ắt là Việt Nam! Vào chỗ họp, vào thính phòng nghe nhạc mà cứ nói chuyện điện thoại ầm ầm. Độc giả Lê Lân vô cùng ngạc nhiên: “Khi tham quan nước bạn Lào gặp rất nhiều biển cấm chỉ viết bằng tiếng Việt: Vừa xuống xe đã gặp ngay dòng chữ ‘Cấm XX bậy’ ở cửa nhà ga. Vào nhà vệ sinh của một hàng ăn thì gặp dùng chữ ‘đi xong nhớ dội nước’ cũng chỉ có tiếng Việt. Chao ôi, người Việt mình tiếng tăm lừng lẫy quá nên mới được nước bạn ‘ưu ái’ thế”(VN Express). Ngay cả trong các nhà hàng Thái, không khó để bắt gặp những dòng chữ như , “Ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu, ăn không hết thì bị phạt 400 baht” viết bằng tiếng Việt. Đó là về văn hóa ứng xử . Còn văn hóa đọc thì nghèo đi trông thấy! Đất nước 80 triệu dân mà sách nào in được 2.000 bản đã là best seller! Đó là bề nổi , còn phần sức mạnh nội tại thì sao?

Văn hóa thiếu sức đề kháng Chúng ta thường nêu ra trong các hội nghị là làm sao phục hồi hay xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa luôn tồn tại trong tâm thức mỗi con người và là nền tảng để tạo thành tính cách của mỗi dân tộc. Nền văn hóa của mỗi dân tộc không thể cô lập, đứng yên mà là một thực thể động trong sự giao thoa, thậm chí va đập với những cơn sóng văn hóa từ bên ngoài, của các quốc gia khác. Quá trình “hội ngộ” trước khi hội nhập giữa các nền văn hóa là tất yếu trong lịch sử. Vấn đề là gìn giữ thế nào bản sắc, cốt cách dân tộc trước sự tiếp cận tự nhiên của văn hóa ngoại lai, trong đó có những nền văn hóa mang tính chất “chauvinist,” có tham vọng “xâm lăng“ từ trong tư tưởng. Trở lại lịch sử, ta thấy văn hóa nghệ thuật của Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có sự giao lưu trong quá khứ và chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa từ rất sớm. Tuy nhiên, mỗi nước đều có những cách tự bảo vệ hay phản kháng để duy trì bản sắc riêng của dân tộc mình. Thời Bắc thuộc, cha ông đã sáng tạo chữ Nôm trong ý thức phản vệ mãnh liệt, thậm chí sử dụng trong những văn bản hành chính thời nhà Hồ, và chứng kiến những năm tháng huy hoàng ở thời Lê với những Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Hồng Đức quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông, Bạch Vân am thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm, những vần thơ bất hủ của Hồ Xuân Hương, và đỉnh cao là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Văn hóa Việt Nam có sức đề kháng tuyệt vời, thể hiện lòng tự tôn dân tộc, ý chí quật cường, bất khuất. Đó là nguyên nhân khiến chính sách đồng hóa của bá quyền phương Bắc dẫu trải qua nghìn năm đô hộ vẫn không sao làm chúng ta “hòa tan” vì ý thức cảnh giác rất cao của cha ông chúng ta trước mọi mưu đồ đen tối. Đã thế, chúng ta còn vận dụng tinh hoa của đối phương, học thuyết Khổng, Lão để hòa vào cùng dòng chảy chính là tư tưởng Phật giáo làm thành triết lý sống và làm việc của mọi tầng lớp từ quan đến dân. Nhiều nhà triết học và sử học nhận định đây là một nét đặc thù của văn hóa Việt. Nhưng bản sắc ấy hôm nay đang đứng trước nguy cơ xâm thực của các trào lưu văn hóa thế giới, có tốt có xấu, có đề cao tâm hồn, có dục vọng bản năng… Lại thêm tác động của công nghệ thông tin với sự phát triển ồ ạt của các hãng phim, truyền hình, công ty giải trí… tạo nên “thế giới phẳng,” làm một sân chơi cho các quốc gia tiếp xúc thường xuyên với tần số cao, giao lưu văn hóa chưa bao giờ thuận tiện và dễ dàng như bây giờ, đến nỗi những rào cản nhanh chóng bị xóa nhòa, các luồng tư tưởng, các hình thái văn hóa, nghệ thuật nhanh chóng thâm nhập qua internet, TV, phim ảnh… Hãy xem chúng ta đang làm gì: nếu mở TV thì thế nào cũng thấy tràn ngập phim, đứng đầu vẫn là Trung Quốc, sau đó là Hàn Quốc và các nước khác, đến nỗi có người đã nói đùa HTV là Hoa TV hay Hàn TV. Nhưng không chỉ có HTV, Đài Trung ương hay địa phương nào cũng tràn ngập phim Tàu. Có giáo viên đã cay đắng: “Riết rồi học trò biết Phổ Nghi nhiều hơn Hàm Nghi!”. Chuyện giới trẻ nước nhà biết về lịch sử Trung Quốc nhiều hơn lịch sử nước nhà là một điều đáng xấu hổ! Nên nhớ cuộc “xâm lăng” văn hóa sẽ mở đường cho trận chiến kinh tế sau đó. Vì ngưỡng vọng tài tử Hàn Quốc như thần tượng nên tuổi trẻ, có cả người lớn, đổ xô mua mỹ phẩm và hàng hóa Hàn Quốc. Còn Trung Quốc thì khỏi phải nói, hàng hóa tràn ngập nông thôn thành thị, chất lượng thì… bất chấp sinh mạng! Một số vị lãnh đạo Cục Báo chí (Bộ Thông tin - Truyền thông) đã có ý kiến về việc: Các đài phát thanh, truyền hình phải nâng cao chất lượng và thời lượng chương trình tự sản xuất, hạn chế việc khai thác quá nhiều phim truyền hình nước ngoài, nhất là phim của Trung Quốc, Hàn Quốc… Đây không chỉ là một lời nhắc nhở của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Ở mọi phương diện, đây là lời cảnh báo ở mức độ cao. Nếu không cải thiện sức đề kháng của nền văn hóa, chúng ta không thể miễn nhiễm trước những âm mưu cực nguy hiểm: ví dụ như sách giáo khoa in cờ Trung Quốc, những quả cầu vẽ bản đồ Việt Nam thiếu Hoàng Sa, Trường Sa… Không hề vô tình nếu chúng ta biết họ làm những việc ấy với tất cả sự tham lam độc ác của các vương triều Đại Hán ngày xưa. Trong số những luồng gió độc thì đó là luồng “hắc phong” có thể quật ngã chúng ta! Nội lực của chúng ta hôm nay ra sao? Tất cả tùy thuộc vào nhiều thành tố bên trong nền văn hóa. Những thành tố ấy không mới vì gồm những giá trị truyền thống: cần cù - thông minh - nhân ái - dũng cảm - trung thực (Bi – Trí – Dũng), hay nói theo ngôn ngữ thông thường là văn hóa hướng đến Chân - Thiện - Mỹ, nghĩa là hướng thượng và hướng thiện, thì nội lực của nền văn hóa sẽ được nâng cao đủ sức miễn nhiễm những căn bệnh tai hại của thời đại: độc ác – ích kỷ – vô cảm – đam mê vật dục. Những căn bệnh khiến cơ thể “văn hóa” Việt liệt kháng, tàn phá lương tri con người, xã hội, hủy hoại mối quan hệ thân tình giữa người với người, cả những tế bào gia đình truyền thống khi người ta ích kỷ chỉ biết phần mình và cư xử độc ác với người thân. Tính Người đang biến mất dần trong các mối quan hệ. Một điều đáng trách nữa là khi phủ nhận văn hóa cũ, vô tình chúng ta làm mất đi phần tinh túy của nó nhưng lại giữ lấy phần cần phải bỏ: những hủ tục mê tín mang màu sắc cổ hủ như chọi trâu, giật ấn đền Trần, hầu đồng… Còn về những yếu kém trong quản lý xã hội hay văn hóa, chúng ta vội vã quy chụp cho một thủ phạm mơ hồ “mặt trái kinh tế thị trường” để rồi kết tội chính nó làm băng hoại đạo đức chứ không phải lòng tham không được tiết chế do thiếu giáo dục, hay vì thiếu cơ chế kiểm soát nên phát tác thành đủ mọi hình thái gian tà, lừa đảo… Người trên kẻ dưới quen lối sống “giả dối,” lập lờ đen trắng nên làm sao đủ nội lực đương đầu với những làn sóng văn hóa cổ vũ lối sống phù phiếm, hào nhoáng bề ngoài, rỗng tuếch tâm hồn đang sói mòn cộng đồng chúng ta. Trong một bài viết trước đây trên VHPG, người viết đã từng nhận xét: “Văn hóa công dân đang trở thành một thách thức cho toàn thể dân tộc khi cái xấu, cái ác cứ tiếp tục hiện diện như điều bình thường. Phải chăng, đến một lúc nào đó, sự phẫn nộ trước điều xấu ác sẽ không còn? Người dân dửng dưng trước nạn tham nhũng và bất công. Cha mẹ bình thản thấy con cái hỗn láo với mình. Thầy cô giáo lặng lẽ nhìn học trò đánh nhau giết nhau trước cổng trường. Mọi người hào hứng khoe với nhau những hình ảnh tục tĩu mà mình đã sưu tầm được. Phải chăng người ta đang quen dần với tình trạng xuống dốc của phẩm hạnh, để đến lúc những người lương thiện sẽ trở thành “sinh vật quý hiếm” trong xã hội? Hẳn đó là một điều quá gay go cho sự tồn vong của cả một dân tộc!” (NC - Làm thế nào vực dậy phẩm hạnh cộng đồng). 

Phải kiến thiết lại nền văn hóa Đứng về mặt quan điểm, đường lối, chúng ta đều đã có. Đã từng thể hiện qua một loạt văn kiện của Đảng, từ “Đề cương văn hóa Việt Nam” (năm 1943) đến Nghị quyết Trung ương 5 - khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc,” và rất nhiều chương trình lớn khác. Nhưng để biến nghị quyết ấy thành hành động hay thành hiện thực, vẫn còn một con đường phải đi, dài và cam go. Chúng ta đã từng chịu đựng sự đô hộ, chứng kiến vô vàn những cái bất hợp lý, xấu xa của những ngày bị cai trị, nên khi làm cách mạng, tất yếu phải sản sinh cái mới. Xây dựng là mục đích tích cực của cách mạng. Xây dựng cái mới thành công là cách mạng thành công. Muốn vậy thì văn hóa phải có thành tựu nhất định. Luôn nhớ rằng xâm lăng văn hóa là một cuộc xâm lăng tàn khốc nhất, hủy hoại lâu dài nhất. Phải trở lại với giá trị truyền thống nền tảng, xây dựng phẩm chất cá nhân qua con đường giáo dục đạo đức, vốn đang bị xem nhẹ thậm chí lãng quên bấy lâu. Dạy tuổi trẻ biết yêu thương, biết lễ phép và luôn kính trọng mọi người. Dạy người lớn biết làm gương ít ra cho con cháu mình. Nếu lỡ suy đồi thì nay rèn tập lại. Xây dựng gia đình làm hạt nhân văn hóa, rồi đến các đoàn thể sinh hoạt có thực chất, có lý tưởng vì xã hội, phục hoạt tính cách cha ông xưa: tận tụy, kiên định, nhân ái, từ quan xuống dân đều như thế. Cuộc cách mạng văn hóa như chúng ta thường nêu trong Nghị quyết vẫn còn ở phía trước vì cách mạng là vì dân, nên phải cứu dân, vạch cho dân con đường mới, sáng hơn sạch hơn. Văn hóa cao nhất là phải dựa trên những giá trị đạo lý muôn đời, không qua việc rao giảng nghị quyết mà phải thể hiện bằng hành động, qua hành động, vượt lên chính mình. Tạo sự đồng thuận trong xã hội về những phẩm chất cần thiết cho mỗi cá nhân, sau đó là phẩm hạnh của cả cộng đồng. Làm như thế, cái xấu sẽ bị đẩy lùi từng bước. Văn hóa ứng xử sẽ “tinh lọc” và sức mạnh nội tại sẽ khiến văn hóa Việt vững vàng trước mọi dòng chảy dù thuận hay nghịch, trong hay đục khi chúng ta biết sàng lọc và tiếp thu tinh hoa nhân loại. Hãy bắt tay ngay vào công cuộc ấy! „

NGUYÊN CẨN