Văn minh, công nghệ & lằn ranh đạo đức
Ngày nay, con người sống và làm việc mỗi lúc mỗi gắn chặt với công nghệ cao, với kỹ thuật số, với kỷ nguyên kết nối vạn vật... Vì thế, đòi hỏi con người phải có khả năng nhận thức, hiểu biết, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhóm... để hòa nhập và phát triển.
Cũng từ đó, chúng ta cần một lối sống văn minh mới và từ bỏ lối sống lạc hậu vốn đã đeo bám và ăn sâu vào tâm trí rất nhiều thập niên qua. Một lối sống văn minh với công nghệ 4.0 sẽ là lẽ đương nhiên trong bối cảnh xã hội chúng ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới.
Tuy mới tiếp cận, nhưng những tiện ích công nghệ mang lại cho con người và xã hội là không nhỏ và không thể phủ nhận. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng là ta có thể kết bạn, xem tin tức, tìm kiếm tài liệu, học tập, điện thoại bằng hình ảnh, chăm sóc cây trồng vật nuôi... từ rất xa, thậm chí từ bên kia quả địa cầu. Sự tiện lợi, tiện ích do công nghệ, do kỷ nguyên số mang lại cho con người vô cùng lớn. Nhưng cũng do công nghệ, do kỷ nguyên số mà con người phải đối mặt với cuộc sống từ không gian mạng ảo đang từng bước bước ra cuộc đời thực. Đó là các tệ nạn xã hội, hoạt động tội phạm lây lan nhanh, thu hút nhiều người tham gia hơn!...
Văn hóa ứng xử, trách nhiệm cá nhân của người tham gia trên không gian mạng ngày càng bị tha hóa nghiêm trọng dẫn đến các hành vi ứng xử ngoài đời thực cũng bị tha hóa theo, gây bất ổn cho xã hội. Đơn cử là các hiện tượng “giang hồ mạng”, “anh hùng mạng” gần đây nhất đã làm xôn xao dư luận. Các hành động và ứng xử của những cá nhân này không chỉ gây nên sự hoang mang trong xã hội mà còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật và nguy hại hơn là kéo theo rất nhiều người cùng vi phạm pháp luật.
Ở khía cạnh cá nhân, công nghệ 4.0 đã mang lại một môi trường thuận lợi cho sự phát triển. Nó cho phép chúng ta trò chuyện với người thân, bạn bè khắp năm châu bốn bể; cho phép tìm kiếm kiến thức mình cần và trao đổi kiến thức với nhau; cho phép nâng cao hưởng thụ những giá trị giải trí (xem phim, nghe nhạc, đọc báo...) bất cứ lúc nào muốn và còn cho phép kiếm tiền trên nền tảng hệ sinh thái các công nghệ này. Vì thế, đòi hỏi các cá nhân phải có cách sống trách nhiệm, có văn hóa, có đạo đức.
Tuy nhiên, lại có không ít người “lụy” và lợi dụng sự văn minh tiến bộ đó mà “a dua” trào lưu công nghệ đánh bóng mình một cách thô thiển, kệch cỡm, lố bịch... trong sự thỏa mãn đắc thắng nông cạn. Một số người không tên tuổi nhưng muốn nổi tiếng nhanh đã bất chấp tất cả để được “nổi tiếng” nhằm mưu lợi cá nhân. Hay như các “nghệ sĩ” trong lĩnh vực showbiz đã có một chút tiếng tăm rồi nhưng muốn nổi tiếng hơn nữa nhưng không bằng cách lao động nghệ thuật chân chính mà chọn cách gây ra những vụ “scandal”...
Cuối cùng rồi tất cả cũng đã bị bóc mẽ, kẻ thì “ôm hận” trở về với đời thực, kẻ thì mất hết danh tiếng và bị tẩy chay... Tất cả họ đã nhận được rất nhiều “gạch, đá” đủ lớn để xây cho mình một “nấm mồ” danh vọng bất chính và ảo tưởng do chính mình tạo ra!
Nếu như tất cả họ nhận thức được một cách chín chắn rằng: Muốn có được quả ngọt thì phải trồng cây lành, gieo điều thiện đức thì chắc chắn họ sẽ được người đời trân quý. Luôn trau dồi chia sẻ mạng mạch yêu thương, nhận ra “thiên đường” không ở đâu xa mà ở quanh ta, nơi chỗ ta nằm, nơi ta ngồi với bạn hữu, một bữa ăn no đủ, một giấc ngủ an nhiên, một đồng tiền sạch chi tiêu mà không nơm nớp bạc đầu suy nghĩ.
Cho dù có trình độ, học thuật cao nhưng tâm địa vô minh che chắn đạo đức, tình người vắng bóng, bản thân người ấy không chóng thì chầy cũng nhận nghiệp quả xấu. Triết lý nghiệp báo của Đức Phật chính là đuốc tuệ soi tâm. Luôn luôn tỏa sáng soi rọi dọn dẹp, định tâm an lành vun bồi đức hạnh từ bi là hành động thực chất biện giải cụ thể và gạn đục khơi trong. Luôn “cảnh giác” vô minh như thứ độc tố “lấp ló” trong tiềm thức chờ cơ hội phát triển gây tang tóc đau thương lẫn nhau!
Chỉ có “Tình thương đối với tất cả chúng sanh là thứ duy nhất để tạo nên thiên đường ở thế gian...” (Sri Dahammananda).