Về Thời Hùng Vương và Phật giáo Thời Hùng Vương
VỀ THỜI HÙNG VƯƠNG VÀ PHẬT GIÁO THỜI HÙNG VƯƠNG
Nói đến Phật giáo thời Hùng Vương thì ta phải nói đến triều đại Hùng Vương. Triều đại này cần phải được xác định một cách rõ ràng, bởi vì trong lịch sử ngay cả trong thời hiện đại tức mới gần đây thôi, đã có những quan điểm không thừa nhận sự tồn tại của triều đại này cho triều đại này là một hoang tưởng của lịch sử không tồn tại trong thực tế. Thậm chí cả bộ sử xưa nhất hiện còn của nước ta là Đại Việt sử lược, ngay trang đầu tiên khi nói về triều đại sơ khai của đất nước mà bộ sử này gọi là Hùng Vương thì nghĩa là đã xác định luôn sự ra đời của triều đại này là ngang hàng với triều đại Trang Vương nhà Chu của Trung Quốc tức từ năm 696TCN trở xuống. Đại Việt sử lược viết: “Xưa hoàng đế đã dựng nên muôn nước, cho Giao Chỉ xa ở ngoài Bách Việt chẳng thể thống thuộc, bèn đặt giới hạn ở góc Tây Nam. Bộ lạc nó có 15 là Giao Chỉ, Việt Thượng Thị, Vũ Ninh,Quân Ninh, Gia Ninh, Ninh Hải, Lục Hải, Thang Tuyền, Tân Xương, Bình Văn, Văn Lang, Cửu Chân, Nhật Nam, Hoài Hoan, Cửu Đức. Chúng đều là vùng mà bản đồ Vũ Cống không đề cập tới. Đến thời Chu Thành Vương (696-681TCN), bộ Gia Ninh có dị nhân, có thể dùng huyễn thuật, chế phục được các bộ lạc, tự gọi mình là Hùng Vương đóng đô ở Văn Lang đặt tên nước Văn Lang, dùng thuần chất làm phong tục, gút dây làm chính trị, truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương. Câu Tiễn nước Việt sai sứ đến dụ, Hùng Vương cự lại. Đến cuối đời Chu (314-255TCN)thì bị con Thục Vương là Phán đuổi đi mà thay thế. Phán xây thành ở Việt Thường đặt hiệu là An Dương Vương, rốt cuộc không thông hiếu với nhà Chu....”[1]
Thế rõ ràng bộ sử xưa nhất của nước ta hiện còn thì triều đại Hùng Vương chỉ bắt đầu từ năm 696TCN trở đi. Phải đợi 200 năm sau, khi viết ĐạiViệt sử ký ngoại kỷ toàn thư[2] viết thành kỷ Hồng Bàng thì ghi nhận sự tồn tại của triều đại Hùng Vương gồm 18 đời kéo dài 2622 năm tức bắt đầu từ năm 2879 cho đến năm 258 TCN kế nghiệp bởi kỷ nhà Thục của Thục Phán An DươngVương từ năm 257-208 TCN. Tiếp theo là kỷ nhà Triệu của Triệu Đà từ năm 207- 111 TCN. Rồi đến kỷ thuộc Tây Hán bắt đầu từ năm 110-39 TCN. Những sử sách của nước ta về sau đều viết theo mô hình này. Cho đến nửa sau thế kỷ XX thì nổi lên cuộc tranh luận trong giới sử học về việc có thật sự tồn tại những triều đại Hùng Vương hay không? Cuộc tranh luận này xảy ra một cách ngắn ngủi và câu hỏi về việc có thật sự tồn tại triều đại Hùng Vương hay không đã được giải đáp. Nói cách khác, người ta hoàn toàn đồng ý là có sự tồn tại của triều đại Hùng Vương. Nhưng vấn đề bây giờ được đặt ra là triều đại Hùng Vương của nước ta chấm dứt vào thời điểm nào? Hầu hết các sử liệu cũ đều ghi nhận triều đại Hùng Vương chấm dứt vào năm 258TCN như Đại Việt sử lược và Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư đã chép. Tuy nhiên, các sử liệu hiện còn và cũng do chính các nhà sử học ghi lại trong đó bộ Chính sử của Trung Quốc như Sử Ký, Tiền Hán thư, Hậu Hán thưcũng như Đại Việt sử ký toàn thư đều ghi nhận triều đại Hùng Vương vẫn còn tồn tại cho đến thời Hai Bà Trưng. Và Hai Bà Trưng cũng có thể coi như là những vị vua Hùng cuối cùng của đời Hùng Vương thứ 18.
Căn cứ thứ nhất là lá thư của Triệu Đà viết gửi cho Hán Văn Đế vào năm 179 TCN có chép cả trong Sử ký (113 tờ 1a4-7b4): “Lục Dã đến Nam Việt, vương (Đà) rất sợ viết thư tạ lỗi: “Man di đại trượng phu, thần, Đà ngày trước Cao hậu ngăn cách kỳ thị Nam Việt, trộm nghĩ Trường Sa vương sàm tấu thần. Lại xa nghe Cao hậu giết hết bà con Đà, quật đốt mộ tiên nhân Đà. Vì thế, tự bó mình phạm biên cảnh Trường Sa. Và phương Nam ẩm thấp, mọi rợ xen vào giữa. Phía Đông Mân Việt, đông ngàn người gọi hiệu là vua. Phía Tây Âu Lạc nước ở truồng cũng xưng vua. Lão thần xằng trộm gọi đế, chỉ để tự vui, há giám vì nổi tiếng với thiên vương ư”.[3]
Lá thư này, Tiền Hán thư, truyện Nam Việt vương Triệu Đà cũng có chép: “Lục Dã đến, Nam Việt vương sợ, bèn cúi đầu tạ lỗi, xin theo chiếu vua, mãi làm phiên thần, vâng giữ chức cống. Do thế, bèn hạ lệnh ở trong nước rằng: “Ta nghe lưỡng hùng không cùng đứng, hai người hiền không cùng ra đời. Hoàng đế nhà Hán là thiên tử hiền. Từ nay trở đi bỏ gọi đế, bỏ nhà vàng, cờ độc”. Nhân thế bèn viết thư nói: “Man di đại trưởng lão phu, thần, Đà, quên chết tái bái, dâng thư lên hoàng đế bệ hạ. Lão phu là một quan cũ ở Việt, may được Cao hoàng đế ban cho thần Đà chiếc ấn tỷ để làm vua Nam Việt, khiến làm bề tôi bên ngoài, tùy lúc đem cống nạp đúng chức. Hiếu Huệ hoàng đế lên ngôi nghĩa không nỡ dứt, vì thế ban cho lão phu rất nhiều. Cao hậu tự lâm triều, xét việc, gần kẻ sĩ nhỏ nhen, tin bề tôi tâu bậy, phân biệt man di, ra lệnh nói: “Đừng cho man di ngoại Việt vàng sách, đồ dùng làm ruộng, ngựa, trâu, dê, có cho thì cho con đực đừng cho con cái”. Lão phu ở chốn hẻo lánh, ngựa trâu dê tuổi đã lớn, tự đem cúng quảy không đủ có tội chết, nên sai nội sử Phan, trung úy Cao, ngự sử Bình, phàm ba nhóm dâng thơ tạ lỗi, đều không thấy trở về. Lại nghe phong phanh là phần mộ cha mẹ của lão phu đã bị phá bỏ, anh em bà con đã bị giết mất. Quan tướng bàn nhau nói: “Nay trong, không được sánh với Hán, ngoài không lấy gì để tự cao khác nên đổi hiệu là đế để tự làm đế nước mình, chẳng giám có hại đối với thiên hạ”. Cao hoàng hậu nghe, rất giận, tước bỏ sổ bộ Nam Việt sai sứ không thông. Lão phu trộm nghĩ Trường Sa vương sàm tấu thần, nên giám đưa quân đánh biên giới nó. Vả lại, Phương Nam ẩm thấp, trong đám mọi rợ, phía Tây có Tây Âu, bọn chúng một nữa yếu đuối mà cũng xây mặt về phía Nam xưng vương. Phía Đông có Mân Việt, bọn chúng mấy ngàn người cũng xưng vương. Lão phu có giám xằng trộm gọi đế, ấy chỉ để tự chuốc vui. Lão phu thân định cư ở đất trăm ấp, Đông Tây Nam Bắc mấy ngàn vạn dặm, quân mang vũ khí trăm vạn có dư, mà vẫn xây mặt về Bắc, xưng thần thờ Hán, là sao? Vì không giám quay lưng lại với tổ tiên. Lão phu ở Việt 49 năm, đến nay bồng cháu, mà sớm dậy tối ngủ không yên chiếu, ăn không thấy mùi ngon, mắt không thấy sắc đẹp mỹ miều, tai không nghe tiếng chuông trống, ấy là vì không được thờ Hán. Nay may mắn được bệ hạ thương xót cho là hiệu cũ, thông sứ với Hán như xưa, lão phu chết xương không nát, cũng không giám cãi hiệu làm đế, kính cẩn xây mặt hướng Bắc. Nhân có sứ giả xin dâng ngọc bích trắng một đôi, chim thúy một ngàn, sừng tê mười chiếc, sò tía 500 con, mọt quý một hũ, thúy sống 40 đôi, chim công hai đôi. Quên chết tái bái, xin tâu hoàng đế bệ hạ”[4].
Qua lá thư này của Triệu Đà, mà cả Sử ký lẫn Tiền Hán thư đều có ghi chép thì nước ta vẫn là một nước độc lập. Điều này có nghĩa Triệu Đà đã không tiến đánh nước ta và chiếm lấy như Đại Việt sử lược và Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư đã ghi. Nói cách khác, nước ta mà lá thư gọi là nước Âu Lạc hay Tây Âu vẫn còn vua nghĩa là không có chuyện Triệu Đà đánh Thục An Dương Vương. Vì thế, căn cứ vào lá thư này thì những ghi chép về việc Triệu Đà đánh An Dương Vương để chiếm nước ta mà các sử liệu hậu kỳ như Giao Châu ngoại vực ký, Quảng Châu ký, Nam Việt chí của Thẩm Hoài Viễn và Nhật Nam truyện ghi lại[5] đã không xảy ra, thừa nhận Tây Âu Lạc Việt là một quốc gia độc lập. Trước năm 179 TCN, tức năm Triệu Đà viết lá thư vừa dẫn, Sử ký (113 tờ 2b2-3) và Tiền Hán thư (95 tờ 7b3-4) đã cung cấp cho chúng ta một chứng cứ thứ hai. Chúng viết: “Cao hậu băng hà, liền bãi binh, Đà nhân thế đem quân uy hiếp biên giới và đem của cải hối lộ Mân Việt và Tây Âu Lạc nhằm dịch thuộc chúng” (Cao hậu băng, tức bãi binh, Đà nhân thử, dĩ binh uy biên, tại vật lộ di Mân Việt, Tây Âu Lạc dịch thuộc yên). Vậy khi Lữ hậu mất vào năm 180 TCN, Đà mới đem quân đến uy hiếp biên giới và dùng của cải để hối lộ Mân Việt cũng như Tây Âu Lạc để dịch thuộc hai nước đó. Thế “Dịch thuộc “ là gì?. Trước đây, Aurousseau coi dịch thuộc có nghĩa là biến hai nước Mân Việt và Tây Âu Lạc thành chư hầu của Triệu Đà (comptaient parmi ses vassaux). Cách hiểu này của Aurousseau hoàn toàn sai lầm, vì nếu ta đọc Tiền Hán thư (95 tờ 2a8-10) trước đó 5 trang khi viết về nước Dạ Lang thì “Nam Việt đã dùng của cải để dịch thuộc Dạ Lang, phía Tây tới Đông Sư, nhưng cũng không thể sai khiến nó như bề tôi” (Nam Việt dĩ tài vật dịch thuộc Dạ Lang, tây chí Đông Sư nhiên diệc bất năng thần sử giả). Thế rõ ràng dịch thuộc không phải là thần sử nghĩa là biến nước này thành chư hầu của nước kia, thành một vassal. Từ đó, rõ ràng Tây Âu Lạc Việt vẫn là một nước độc lập.
Không những vậy, Tiền Hán thư (95 tờ 15b10-11) lại cung cấp cho ta một chứng cứ thứ ba mà không thấy Sử ký ghi lại. Đó là vào mùa Đông năm Nguyên Phong thứ nhất (110 TCN) sau khi đánh chiếm được nước Mân Việt, Hán Vũ Đế đã tiến hành việc phong thưởng cho những tướng tá có công trong việc tiêu diệt Mân Việt. Giữa những tướng tá được phong này ta thấy có tướng quân cũ của Âu Lạc tên Tả Hoàng Đồng vì có công chém Tây Vu Vương (Cố Âu Lạc tướng Tả Hoàng Đồng trảm Tây Vu Vương phong vi Hạ nhữ hầu). Tây Vu vương là ai? Cứ nghĩa đen thì đó là vua Tây Vu. Tây Vu ở đâu? Điều may mắn là truyện Mã Viện trong Hậu Hán thư khi viết về việc đánh bại được quân đội Hai Bà Trưng, Viện đã tâu Lưu Tú tức là Hán Quang Vũ Đế nói: “Tây Vu có hộ ba vạn hai ngàn, vùng xa cách huyện đình hơn ngàn dặm, xin chia thành hai huyện Phong Khê và Vọng Hải, vua đồng ý”[6]. Vậy, vua Tây Vu chính là vị vua của vùng đất Tây Vu, một đơn vị hành chánh thuộc nước Âu Lạc. Thông tin này thật là lôi cuốn, vì hai lý do.
Thứ nhất, khi đánh bại Hai Bà Trưng thì huyện Tây Vu là một huyện lớn của nước Tây Âu Lạc, nên Mã Viện phải chia thành hai huyện là Phong Khê và Vọng Hải. Điều này chứng tỏ nhà nước do Hai Bà Trưng lãnh đạo là sự kế thừa liên tục các đơn vị hành chánh từ trước đó 150 năm. Vì đơn vị Tây Vu này thời Hùng Vương là đất phong của một vị lãnh đạo chính trị quân sự được gọi là Tây Vu Vương.
Thứ hai, sự có mặt của “tướng cũ Âu Lạc” Tả Hoàng Đồng và được phong Hạ nhữ hầu tại buổi lễ phong thưởng của Hán Vũ Đế đối với các tướng lĩnh đánh chiếm thành công nước Mân Việt vào năm 110 TCN chứng tỏ điều gì? Nó chứng tỏ triều đại Hùng Vương đã chi viện quân đội cho Mân Việt để chống lại cuộc xâm lăng của Hán Vũ Đế vào năm 110 TCN do yêu cầu của vua Đông Việt tức Dư Thiện. Đội quân chi viện này, đặt dưới sự thống lĩnh chỉ huy tối cao của Tây Vu vương cùng tướng Tả Hoàng Đồng. Tuy nhiên, khi đến Mân Việt thì Tả Hoàng Đồng đã dở quẻ đứng về phía quân xâm lược của Hán Vũ Đế tiến hành đánh chém Tây Vu vương. Chính sự phản bội này của Tả Hoàng Đồng được Hán Vũ Đế đánh giá cao và được phong cho làm Hạ nhữ hầu trở thành tướng lĩnh cấp cao của nhà Hán. Sự kiện này có ý nghĩa hết sức to lớn. Nó cho ta thấy vào những năm 111-110 TCN, các nước Việt đã có liên hệ chặt chẽ với nhau, có vẻ như muốn hình thành một mặt trận đoàn kết chung chống lại sự xâm lược của nhà Hán. Không những thế có thể nói, đây là lần đầu tiên triều đại Hùng Vương qua nhân vật Tây Vu Vương đã gửi quân ra nước ngoài để chi viện cho những nước anh em chống lại kẻ thù chung. Sự hiện diện của Tây Vu Vương một lần nữa xác nhận cho ta việc Triệu Đà chưa bao giờ đánh chiếm nước ta. Và trong năm đó, sau khi đánh chiếm Đông Âu và Nam Việt, Hán Vũ Đế tiến đánh Mân Việt và đã gặp quân đội của Tây Âu Lạc dưới sự chỉ huy của Tây Vu Vương. Có thể nói đây là lần đầu tiên Chính sử Trung Quốc ghi lại việc Việt Nam dưới triều đại Hùng Vương đã có chi viện quân đội cho một nước anh em khác. Điều này rõ ràng một lần nữa chứng thực nước Việt Nam thời đó là một quốc gia độc lập do các vua Hùng lãnh đạo.
Cho nên năm 111 TCN, khi tiêu diệt nước Nam Việt xong, Hán Vũ Đế cho tổ chức phong thưởng những tướng lĩnh có công, thì cả Sử ký lẫn Tiền Hán thư đều ghi nhận một Quế Lâm giám người Việt tên Cư Ông đi dụ Âu Lạc để hàng Hán. Sử ký viết: “Quế Lâm giám người Việt là Cư Ông, dụ Âu Lạc thuộc Hán đều được phong hầu”[7](Việt Quế Lâm giám Cư Ông dụ Âu Lạc thuộc Hán, giai đắc phong vị hầu). Tiền Hán thư viết rõ hơn: “Quế Lâm giám người Việt là Cư Ông dụ hơn bốn mươi vạn khẩu của Âu Lạc về hàng được làm Sương Thành hầu”[8] (Việt Quế Lâm giám Cư Ông dụ Âu Lạc tứ thập dư vạn khẩu hàng, vi Sương Thành hầu). Thế rõ ràng sau khi tiêu diệt Nam Việt, quân Hán chưa bao giờ đến đánh nước ta, mà phải nhờ một tên Việt gian là Cư Ông đi dụ và số người bị tên Việt gian này dụ cũng không phải là nhiều và cũng không chắc chắn bởi vì chỉ một năm sau Hùng Vương đã gởi Tây Vu Vương chỉ huy đội quân chi viện cho Mân Việt. Việc đưa quân qua giúp Mân Việt này có nhiều ý nghĩa là vì thế. Và nó sẽ làm rõ chứng cứ thứ 4 ta sắp nói tới đây.
Chứng cứ thứ tư là sự có mặt của quân đội Lạc Việt tại thành Lô Trung ở phía Nam Trường Giang gây bối rối không ít cho các nhà viết sử Trung Quốc. Truyện Tạng Cung trong Hậu Hán thư chép thế này: “[ Kiến Vũ ] năm thứ 11 (34 CN) Cung đem quân đến Trung Lô đóng đồn Lạc Việt. Lúc đó, tướng Công Tôn Thuật là Điền Nhung và Nhâm Mã cùng Chinh nam đại tướng quân Sầm Bành đánh nhau ở Kinh Môn. Bành đánh mấy lần bất lợi, người Việt mưu phản theo Thục, quân Cung ít, sức không thể khống chế người Việt. Gặp lúc các huyện thuộc quyền đưa xe giao lương mấy trăm chiếc đến. Cung ban đêm sai cưa cắt mức cửa thành, khiến tiếng xe chạy ngược về ra vào đến sáng. Người Việt rình xem, nghe tiếng xe không dứt, mà mức cửa bị cắt bảo nhau, do quân Hán đến nhiều. Cừ soái chúng liền đem rượu để khao quân. Cung bố trí quân đại hội, giết trâu, lọc rượu, thết đãi, an ủi mà nhậu. Người Việt do thế bèn yên...”[9]. Sự hiện diện của người Lạc Việt tại đồn Trung Lô này mấy thế kỷ sau đã làm cho Thái tử Lý Hiền (651-684) bối rối không biết giải thích tại sao có người Lạc Việt tại vùng đất này, mà chỉ viết một cách vô tội vạ: “Vì người Lạc Việt dời tới ở đó nhân thế lấy làm tên”. Nếu thế, thì tại sao Tạng Cung với tư cách là Phụ Uy tướng quân một trong những tướng giỏi nhất của Lưu Tú dở trò đánh lừa người Việt?. Ta chỉ cần đọc đoạn vừa trích, ta thấy tại sao Tạng Cung đã cho cắt cửa thành cho xe chạy ra vào liên tục cả đêm? Làm thế vì đồn Lạc Việt đó phải là nơi đồn trú của một đội quân người Lạc Việt. Nói cách khác đây là một chiến thuật quân sự đối phó với một đội quân thù địch, chứng tỏ cho đội quân đó biết quân ta đông đảo để chúng không dám tấn công. Có vẻ như Tạng Cung đã thành công trong cuộc lừa này nhưng vì sao lại có đội quân Lạc Việt ở đây?
Trả lời câu hỏi đó, đối với chúng ta bây giờ thật quá dễ dàng nếu nhớ tới sự kiện vừa nêu là triều đại Hùng Vương vào năm 110 TCN đã đưa quân đội mình lên Mân Việt dưới dự chỉ huy của Tây Vu Vương. Nói thẳng ra triều đại Hùng Vương nhân vụ Vương Mãng cướp ngôi nhà Tây Hán vào năm 9 CN và Trung Quốc xuất hiện những cuộc khởi nghĩa để chống lại việc cướp ngôi này dẫn đến tình hình chính trị cực kỳ hỗn loạn. Trong bối cảnh đó, triều đại Hùng Vương đã đưa quân lên phía Bắc để lấy lại đất đai của tổ tiên mình mà cả ngàn rưỡi năm sau khi viết Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư còn chép biên giới nước Văn Lang của Hùng Vương “phía Bắc đến hồ Động Đình”[10]. Nói thẳng ra chính việc đưa quân lên phía Bắc này cơ bản đã gây nên cuộc chiến tranh Hoa Việt đầu tiên. Việc Tạng Cung tiếp cận quân Lạc Việt đồn trú tại Lô Trung và đã có những quan hệ hòa bình với nhau. Tạng Cung sau đó đã cùng Sầm Bành đánh chiếm Kinh Môn, tiến chiếm Phù Thành rồi tiến lên Thành Đô. Tháng 11 năm Kiến Vũ thứ 12 (35 CN) cùng Ngô Hán giết Công Tôn Thuật. Trong đoạn dẫn trên, ta thấy Tạng Cung đã nhắc đến việc quân Lạc Việt “mưu phản theo Thục”. Rõ ràng, việc đồn trú quân Lạc Việt của triều đại Hùng Vương tại Lô Trung là có sự thỏa hiệp với chính quyền Công Tôn Thuật. Điều này lý giải tại sao khi Tô Định bị quân đội Hai Bà Trưng giết vào năm 39 CN, Lưu Tú đã chọn Mã Viện chỉ huy quân đánh nước ta.
Việc Lưu Tú lựa chọn Mã Viện làm tướng chỉ huy quân đội Trung Quốc tiến đánh nước ta không phải là ngẫu nhiên mà là một sự lựa chọn thể hiện một ý đồ rất rõ. Thứ nhất Mã Viện cùng quê với Công Tôn Thuật. Xuất thân của Viện là làm Thái thủ Hán trung thời Vương Mãng cướp ngôi khi Khôi Hiêu xưng đế thì Hiêu đã bổ viện làm Tuy Đức tướng quân. Vì biết Viện cùng quê với Công Tôn Thuật ở đất Thục, Hiêu đã sai Viện đến dò xem tình hình của Công Tôn Thuật lúc Thuật xưng đế. Thuật cũng muốn phong hầu cho Viện, nhưng Viện đã bỏ đi về với Hiêu. Mùa Đông năm Kiến Vũ thứ tư (28CN), Hiêu sai Viện đến tiếp xúc với Lưu Tú. Trở về, Viện thuyết phục Hiêu đưa con là Khôi Tuấn đến Lạc Dương làm con tin. Viện đem gia đình đi theo. Bốn năm sau, Lưu Tú tiến đánh Hiêu, Viện làm tham mưu. Năm sau đánh thắng, Tú phong Viện làm Thái trung đại phu. Hai năm sau phái Viện làm Thái thủ Lũng Tây, chuyên đánh dẹp các dân tộc thiểu số Tây Khương. Đến năm 41 CN, Viện ra quân đánh cuộc khởi nghĩa của Duy Dĩ Lý Quảng ở Hoãn Thành, Hồ Nam. Nhân đó, phái Viện làm phục ba tướng quân cùng Lưu Long làm phó tiến đánh Hai Bà Trưng khi Hai Bà Trưng chém đầu tên Tô Định vào năm 39 CN. Mùa Xuân năm Kiến Vũ thứ 18 (42 CN), quân Viện đến Lãng Bạc. Trận đánh tại Lãng Bạc này là một trận quyết chiến chiến lược. Đây là một trận đánh cực kỳ khó khăn đối với Mã Viện. Chính truyện Mã Viện trong Hậu Hán thư đã hồi tưởng lại trận đánh đó với những lời lẽ như sau: “Tùng đệ ta là Thiếu Du thường thương ta khảng khái nhiều chí lớn, nói: “Kẻ sĩ sống ở đời chỉ mong áo cơm vừa đủ, cỡi xe qua trằm đi ngược nước Kiệu làm duyện lại tại quận, giữ mồ mã tổ tiên, làng xóm khen là người tốt. Thế là được rồi, chứ mong cầu dư dã thì chỉ tự làm khổ thôi. Đương khi ta ở vùng Lãng Bạc Tây Lý, giặc chưa diệt xong, dưới thì lầy, trên thì mù, khí độc ngun ngút, ngửa trông diều bay, sà sà đáp xuống nước, nằm nghĩ lời Thiếu Du lúc bình sinh sao hạp quá! Nay nhờ sức sĩ đại phu, được vua ban ơn lớn, đứng trước các ông giữ ấn vàng, mang đai tía, vừa mừng vừa thẹn”[11].
Qua lời than này của Mã Viện ta thấy cuộc chiến Hoa Việt đầu tiên, quân đội của Hai Bà Trưng dù thất bại, nhưng đã tiến hành chiến đấu một cách ngoan cường, làm cho kẻ thù phải khiếp sợ, mà lời tự thú vừa dẫn trên của chính bản thân tên tướng chỉ huy tư lệnh cao cấp nhất của Trung Quốc đã thốt ra và thể hiện. Quân đội do hai Bà lãnh đạo như thế không phải là một đội quân khởi nghĩa ô hợp mà là một đội quân có kinh nghiệm tác chiến và dày dặn kinh nghiệm tạo nhiều tổn thất rất lớn cho quân địch. Chính bản thân Mã Viện đã đề cập đến việc: “Quân lại trải qua chướng dịch, mười người chết bốn, năm”. Mã Viện nói tới chướng dịch, nhưng thực tế qua lời tự thú trên chắc chắn cuộc giao tranh đã gây ra tổn thất cho lực lượng do Y chỉ huy. Chúng tôi căn cứ vào việc Mã Viện đưa hai vạn quân và hơn hai ngàn lâu thuyền vào đánh tướng Đô Dương ở Cửu Chân vào năm 43 CN thì cũng có thể thấy tổn thất lực lượng của Mã Viện lên tới ba, bốn vạn người.
Với những trình bày trên, ta thấy triều đại Hùng Vương đã tồn tại cho đến thời Hai Bà Trưng. Chính sự tồn tại này, đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện của Việt luật mà Mã Viện đã đem ra so với Hán luật, để tiến hành công tác áp đặt ách thống trị lên dân tộc ta. Nếu triều đại Hùng Vương không tồn tại như các tư liệu thuộc loại đạo thính đồ thuyết như Giao Châu ngoại vực ký, Quảng Châu ký, Nam Việt chí và Nhật Nam truyện coi hai Bà Trưng như một cuộc khởi nghĩa chỉ diễn ra trong thời gian ngắn khoảng ba, bốn năm thì làm sao có thời gian để mà viết ra bộ Việt luật. Cứ nhìn vào thời đại chúng ta ngày nay, kể từ khi chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa thành lập năm 1945 cho đến lúc ra đời bộ luật tố tụng hình sự vào năm 1980 phải mất trên dưới 35 năm. Cho nên, chỉ cần sự có mặt của bộ Việt luật mà sau khi Hai Bà Trưng bị đánh bại, Mã Viện đã đem ra so với Hán luật thì những gì Chính sử Trung Quốc đã ghi lại về quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc đã xác nhận năm 43 CN nhà nước Hùng Vương mới tan rã. Sự tồn tại lâu dài của nhà nước Hùng Vương đã đặt nền tảng cho việc tạo nên một bản sắc văn hóa Việt Nam hoàn chỉnh đủ sức chống lại mọi nỗ lực đồng hóa và diệt chủng của kẻ thù.
Cũng qua những chứng cứ trên, trước khi hai Bà Trưng bị đánh bại chưa bao giờ Trung Quốc chiếm đánh nước ta. Thế thì vấn đề tại sao sau khi đánh bại Nam Việt thì chính quyền Hán đã cho thành lập 9 quận như Địa lý chí của Tiền Hán thư đã ghi. Tức là các quận Nam Hải, Lương Ngô, Quách Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Châu Nhai và Đàm Nhĩ vào năm Nguyên Đỉnh thứ nhất tức là năm Hán Vũ Đế đánh chiếm Nam Việt. Đây là cách Vũ Đế học từ tổ tiên mình là Lưu Bang nghĩa là cứ gom đại những đất mình chưa chiếm được thành đất của mình mà các sử gia Trung Quốc gọi là xa đoạt khống (Diêu hư đoạt). Tiền Hán thư viết: “Năm thứ 5 (202 TCN) lấy Trường Sa, Dự Chương, Tượng Quận, Quế Lâm, Nam Hải, lập Bà Quân Nhuế làm Trường Sa vương. Bà Quân Nhuế tức là tướng Ngô Nhuế. Bảy năm sau ở Tiền Hán thư I hạ tờ 17a2-5 lại lập Nam Vũ hầu Chức làm Nam Hải vương. Sự kiện này dẫn nhà Sử học Văn Dĩnh (160-220) đi đến nhận xét viết ngay dưới sự kiện đó ở Tiền Hán thư như sau: “Cao tổ năm thứ 5 (202 TCN) lấy tượng quận Quế Lâm, Nam Hải, Trường Sa lập Ngô Nhuế làm Trường Sa vương. Tượng quận Quế Lâm, Nam Hải thuộc Úy Đà. Đà chưa hàng, xa đoạt khống, lấy phong cho Nhuế vậy. Sau Đà hàng Hán năm thứ 11 (196 TCN) lại lập Đà làm Nam Việt vương, từ đó làm vua ba quận. Nhuế chỉ được Trường Sa, Quế Lâm và Linh Lăng thôi. Năm (195 TCN) lại phong chức làm Nam Hải vương, lại xa đoạt Đà một quận, chứ chưa được làm vua nó”.[12]
Như thế giống như Lưu Bang, Vũ Đế, Lưu Triệt chưa chiếm được đất nước ta cũng đoạt khống đất Tây Âu Lạc Việt để lập nên ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Việc lập khống ba quận này được chứng thực trong lời tâu của Dã Quyên Chi cho Hán Nguyên Đế Lưu Thích vào năm Sơ Nguyên thứ ba (46 TCN) ở Tiền Hán thưvề việc “Việt Thường Thị trùng dịch 9 lần để hiến”[13]. Hiến cái gì? Ta không đợi lâu để biết. Tiền Hán thư đã viết Nguyên Thủy năm thứ nhất TCN, mùa Xuân Tháng Giêng, Việt Thường Thị trùng dịch dâng trĩ trắng một con, trĩ đen hai con[14]. Vậy, 100 năm sau khi Vũ Đế Lưu Triệt đánh chiếm Nam Việt, nước ta thông qua Việt Thường Thị đã đem quà biếu trĩ trắng và trĩ đen cho Bình Đế Lưu Diễn nhà Tây Hán. Nói khác đi, nước ta vẫn là một quốc gia độc lập mà triều đại cai trị đất nước lúc đó chắc chắn phải là triều đại Hùng Vương.
Triều đại này xây dựng được một đất nước văn hiến có hệ thống chính trị đặt trên cơ sở luật pháp mà còn biết tới ngày nay dưới tên Việt luật có vị trí ngang hàng với Hán luật của Trung Quốc. Để có hệ thống luật pháp như thế, triều đại này chắc chắn phải có hệ thống lịch pháp và chữ viết mà hiện tại ta có thể đọc lại qua bài Việt canổi tiếng. Từ đó ta có nền âm nhạc, nền văn học và những lý thuyết sống về nhân nghĩa, về lý thuyết xây dựng nhà nước cùng với những phát hiện khoa học kỹ thuật và công nghệ mà các hiện vật được tìm thấy tại các di chỉ khảo cổ học đã cho thấy mức độ phát triển cao, hình thành nên một nền kinh tế lấy Nông nghiệp làm gốc để chống đỡ một hệ thống thượng tầng kiến trúc vừa mô tả. Đây cũng là triều đại đã biết tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại trong đó có Phật giáo.
Ta đã biết hai người Phật tử đầu tiên của Phật giáo Việt Nam là Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung. Và ta biết công chúa Tiên Dung là con gái của một vị Hùng Vương đời thứ 3. Đây là lý do tại sao chúng tôi nói triều đại Hùng Vương đã chủ động tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để đến khi một quốc gia người Việt ở phía Đông dân tộc ta bị phương Bắc đánh chiếm và một số lãnh tụ của quốc gia phía Đông này đã phải chạy qua nước ta ở tại chùa Trúc Viên núi Thầy mà thiền sư Chân Nguyên (1647-1728) trong Thiên nam ngữ lục[15] đã mô tả lại như sau:
Bời bời thấy sự can qua
Binh Ngô thời mạnh quân Gia thế nghèo
Gia bỏ cửa nhà mốc rêu
Hang thần trật lối hồn phiêu đường nào?
Nước nên thấy những đồng đao
Cõi bờ tấc đất vào chầu Hán gia
Non Sài tuyệt chẳng vào ra
Thấy còn một dấu vườn là Trúc viên
Đìu hiu ngoại cảnh thiền thiên
Thuở trưa quyên khóc, thuở đêm hạc sầu
Động lòng hoa cỏ dầu dầu
Sao Giời vẫn đổi, tuyết dầu giá ngang
Người quê cám cảnh muôn ngàn
Lều tranh mỏn mọn thờ bên nẻo đường
Vào coi thấy xảy lòng thương
Ngùi ngùi thắp một triện hương phụng thờ
Nữa hiềm chẳng trọn nghĩa vua
Nữa thương quê quán thưở xưa ra vào.
Có thể ngôi chùa Trúc Viên tại Sài Sơn cùng với chùa Nê Lê với tháp A Dục có thể là những ngôi chùa đầu tiên thời Hùng Vương còn biết tới tên. Bên cạnh ngôi chùa Yên Phú của nữ tướng Phương Dung tại Thanh Trì, Thành phố Hà Nội, ta còn có chùa Phúc Khánh của nữ tướng Thiều Hoa tại làng Hiển Quang, tỉnh Phú Thọ; chùa Cổ Châu của nữ tướng Vĩnh Huy ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; chùa núi Thiên Thai của nữ tướng Nguyệt Độ ở làng Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh; chùa Tiên La của Bát Nàn phu nhân ở Thái Bình,...Đây có thể là 20 ngôi chùa mà Đàm Thiên nói tới và Thông Biện đã dẫn ra[16] để trả lời cho thái hậu Ỷ Lan vào năm 1096 khi đề cập tới sự tồn tại của Phật giáo Việt Nam trước cả Trung Quốc. Những ngôi chùa này chắc chắn tồn tại trước cả trung tâm Bành Thạnh của Vương Tử Anh tại vùng Trường Giang, Trung Quốc.
Từ đó, Phật giáo cùng với nền văn hóa Hùng Vương hình thành nên một nền văn hóa mới, chuẩn bị cho cuộc hội nhập quốc tế rộng lớn sắp diễn ra với cuộc chiến tranh vệ quốc đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng xảy ra vào năm 39 - 43 CN.
Cho nên, triều đại này cho đến ngày nay, dân tộc ta vẫn trân trọng, lấy tên đặt cho các đại lộ của thủ đô cũng như thành phố lớn nhỏ của đất nước. Vì thế, dù các bộ Chính sử của các triều đại dân tộc đã cho triều đại này chấm dứt vào năm 258 TCN, nhưng trong tâm thức sâu xa của những nhà nghiên cứu sử học Việt Nam, họ vẫn cảm thấy bàng bạc đâu đó sự có mặt của nó qua một số nhân vật lịch sử. Cụ thể là những người viết các bộ sử như Đại Việt sử lược và Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư rồi những bộ sử tiếp theo đều thống nhất chép triều đại Hùng Vương bị Thục Phán đánh bại vào năm 258 TCN. Thế nhưng, một số sử gia này, khi đề cập đến Hai Bà Trưng vẫn xếp Hai Bà Trưng thuộc dòng dõi triều đại Hùng Vương. Chẳng hạn, nhà sử học Lê Tung đỗ Tiến sĩ năm 1484 đã viết Việt Giám thông khảo tổng luận (tờ 4b8) vào năm Giáp Tuất Hồng Thuận thứ 6 (1514) hiện được khắc vào những trang đầu của Đại Việt sử ký toàn thư bản in nội các khoa bảng (1697), khi nói về Hai Bà Trưng, đã ghi nhận bà thuộc hậu duệ của Hùng Vương (Trưng Vương trụ xuất Hùng Vương chi hậu). Nói thế là muốn nói gì? Phải chăng muốn nói rằng triều đại Hùng Vương vẫn tiếp tục cho đến Hai Bà Trưng, chứ không phải triều đại này đã tiêu vong cách thời Hai Bà đến 300 năm trước tức năm 258 TCN. Ngay cả thiền sư Chân Nguyên trong Thiên nam ngữ lục khi nói về cuộc chiến tranh Hoa Việt năm 39 - 43 CN vẫn nhắc đến Hai Bà Trưng như con cháu họ Hùng:
Tôi là con gái phụ nhân
Thời loạn ơn chúng lập thân giúp đời
Do thằng Tô Định dễ ngươi
Xưa khoe cá bạc, nay soi lửa lò
Một xin rửa sạch nước thù,
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng,
Ba kẻo oan ức hồn chồng
Bốn nguyền xin vẹn thỏa công lênh này.[17]
Như thế, dù bộ Chính sử của triều Lê là Đại Việt sử ký toàn thư đã được Ngô Sĩ Liên dâng lên cho vua Lê Thánh Tông vào năm Hồng Đức thứ 10 (1479), Lê Tung và Thiền sư Chân Nguyên vẫn chịu ảnh hưởng của những nguồn thần phả mà vào thời ấy chắc chắn đang còn tồn tại rộng rãi dưới dạng này hay dạng khác liên hệ đến các nhân vật lịch sử dân tộc. Chẳng hạn, thần phả nữ tướng Phương Dung của chùa Yên Phú, thôn Yên Phú, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, thủ đô Hà Nội ngày nay là một thí dụ.
Căn cứ vào thần phả chùa Yên Phú tờ 3 dòng 4[18], thì Sư bà Phương Dung sinh vào trong một gia đình thời cuối Hùng Vương thứ 18. Và kết thúc bản thần phả này ghi nhận mối liên hệ với thời điểm thu thập cứ liệu phong tặng vào thời Thiên Phúc (980 - 988) của vua Lê Đại Hành. Thời điểm xuất hiện của thần phả này rất đáng quan tâm, vì đây cũng là thời điểm ra đời sớm nhất của Hùng triều ngọc phả hiện tôn trí tại đền thờ Hùng Vương ở Nghĩa Lĩnh. Trong số 4 bản Hùng triều ngọc phả ta có hiện nay, thì bản Hùng triều ngọc phả chép vào năm Thiên Phúc thứ 5 (984) là bản sớm nhất bên cạnh bản Hồng đức thứ 6 (1475), bản Hoằng Định thứ nhất (1601) và bản cuối cùng là thời Khải Định (1916 - 1925). Sự xuất hiện của Hùng triều ngọc phả vào thời Thiên Phúc cùng các thần phả liên hệ đến Hai Bà Trưng là rất lôi cuốn. Vì những người làm công tác thu thập và biên chép này là những người đã trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc năm 980 dưới sự lãnh đạo của vua Lê Đại Hành. Nó lôi cuốn do đã chỉ cho chúng ta thấy nền chính thống của đất nước có một lịch sử lâu dài cần được bảo vệ và tôn vinh để động viên con cháu và những thế hệ tương lai tiếp tục gìn giữ nền chính thống đó. Chúng tôi cũng từng đề xuất người chủ trương công tác sưu tầm và biên chép các ngọc phả và thần phả này có ít nhiều liên hệ tới Thiền sư Đỗ Pháp Thuận (915 - 990)[19] đây là những đóng góp có ý nghĩa cuối cùng của thiền sư trước khi ra đi về với Tổ tiên, với Phật thánh.
Cảm nhận của Lê Tung về dòng dõi của Hai Bà Trưng chính xuất phát từ những thông tin về các nữ tướng của Hai Bà. Bên cạnh sư bà Phương Dung ta có Bát Nàn công chúa, công chúa Thiều Hoa, công chúa Nguyệt Thai và Nguyệt Độ, công chúa Vĩnh Huy, nữ tướng Chiêu Dung, nữ tướng Lê Chân,... Một loạt các tướng lĩnh nữ của Hai Bà Trưng đã có ít nhiều liên hệ với triều đại Hùng Vương.
Những thần phả và sắc phong liên hệ đến các vị nữ tướng này cần được sưu tầm, nghiên cứu và cho công bố để làm cơ sở dữ liệu cho việc viết lại lịch sử dân tộc trong những năm sắp tới được đầy đủ và chính xác hơn. Đây là một bộ phận lịch sử dân tộc, mà từ trước đến nay chưa được quan tâm và nghiên cứu một cách nghiêm túc. Từ đó, củng cố và xác định thêm sự tồn tại của triều đại Hùng Vương nói chung và sự có mặt của Phật giáo ở triều đại đó nói riêng vào những thập niên đầu của thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên.
Lê Mạnh Thát
[1]Đại Việt sử lược, I, tờ 1a4-11
[2]ĐạiViệt sử ký ngoại kỷ toàn thư, I, tờ 1a4-5b6
[3]Lê Mạnh Thát (2005), Lục Độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên dân tộc ta, Nxb. Tổng hợp TP.HCM, tr 259.
[4]Tiền Hán thư, 95, tờ 6b7-13b3.
[5] Lê Mạnh Thát (2006), Lục Độ tập kinh và Lịch sử khởi nguyên dân tộc ta, Nxb. Tổng hợp, tr. 79-94.
[6]Hậu Hán thư, 54,tờ 7b6-8b8.
[7]Sử ký, 113 tờ 7a5-7
[8]Tiền Hán thư, 95 tờ 13a11-12
[9]Hậu Hán thư, 48 tờ 12a9-b4
[10]Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư, quyển I, tờ 3a2
[11]Hậu Hán thư, 54 tờ 9a8-10
[12]Tiền Hán thư, 1 hạ tờ 3b6-7
[13]Tiền Hán thư, 64 hạ tờ 12b4-5
[14]Tiền Hán thư,12 tờ 2a2
[15]Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng III, Hà Nội: Nxb. Hồng Đức, tr.1408.
[16] Lê Mạnh Thát (2005), Thiền uyển tập anh, Nxb. Phương Đông, Hà Nội, tr. 228 - 230.
[17] Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng,III, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.1422.
[18] Thích Thọ Lạc và Nguyễn Hồng Dương (2020), Sư bà Phương Dung sự tích và Hành trạng, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.152.
[19] Lê Mạnh Thát (2001), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. TP.HCM, tr.513