Vị trí, vai trò của Phật Hoàng Nhân Tông với Phật giáo Việt Nam



Ngài Phật hoàng Nhân Tông, vị vua anh minh của dân tộc Việt Nam, Người đã ghi mốc son chói lọi qua cuộc chiến tranh trường kỳ chiến thắng quân Nguyên Mông, xây dựng và kiến thiết đất nước; đồng thời đã khai sáng và làm rạng danh Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, là tôn giáo riêng có của người Việt Nam, xây dựng nền Phật giáo nhập thế tích cực trên tinh thần "Tùy thuận các duyên không chướng ngại/Niết bàn, sanh tử thảy không hoa". Người đã thiết lập và phát triển trong thực tiễn mô hình tổ chức Phật giáo Nhất tông - Thời đại của tông phái Phật giáo duy nhất với tôn chỉ hoạt động là thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động phục vụ cho Đạo pháp - Dân tộc(1). Đó chính là cơ sở nền tảng quan trọng để hình thành, phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam (PGVN) cho các thế hệ sau này.

Sinh thời, trên cơ sở nền móng Thiền phái Trúc Lâm do vua cha Trần Thái Tông thiết lập và truyền thừa, vua Trần Nhân Tông đã phát triển và hoàn thiện Thiền phái trở thành ý thức hệ tiêu biểu của xã hội lúc bấy giờ, làm cơ sở tư tưởng để thống nhất ý thức dân tộc về chính trị; là công cụ thống nhất quyền lực vào chính quyền Trung ương. Sự ra đời của dòng thiền có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu tất yếu của lịch sử dân tộc lúc đó, là xây dựng một đất nước Đại Việt độc lập tự chủ trên mọi phương diện của đời sống xã hội. Thiền phái Trúc Lâm đã kế thừa và phát huy giá trị tích cực của Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa, hội tụ cả triết lý của Nho giáo và Đạo lão. Tư tưởng triết lý và văn hóa đạo đức của Thiền phái Trúc Lâm đã phát huy ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống như một động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội, đồng thời chi phối hệ tư tưởng và văn học nghệ thuật của nước ta thời Trần và của cả các triều đại phong kiến Việt Nam sau này. Nét đặc sắc của giáo lý Thiền phái Trúc Lâm thể hiện ở chỗ, điều kiện tiên quyết cho sự giác ngộ chính là giữ cho tâm được thanh tịnh, nghĩa là “Tâm chính là Phật”,“Con người ta ai cũng có Phật tính, ai cũng có thể thành Phật”:

Bụt ở cong (trong) nhà
Chẳng phải tìm xa
Nhân khuây bản (quên mất gốc) nên ta tìm Bụt
Đến biết hay chỉn (chính) Bụt là ta (2).

Thiền phái Trúc Lâm không phân biệt người tu ở chùa hay tu tại gia. Cả hai hình thức tu tập đều hướng tới mục tiêu chung là tìm lại, thức tỉnh “bản tính Phật” trong tâm của từng cá nhân bằng con đường từ bi và trí tuệ; gắn chặt với đời để đến bến bờ giải thoát. "Ở đời vui đạo" là lối sống thanh tịnh và an lạc của Đệ Nhất Tổ Trúc Lâm và các Thiền sư, cư sĩ Trúc Lâm khi đạt đạo. Lối sống này đã tạo nên tinh thần nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm. Đó là sự thống nhất một cách tự nhiên và sinh động, không biệt lập, tách rời cuộc sống đời thường với hành trạng thiền sư: “Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tác/Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thật đã đồ công (3)”. Với triết lý nhân văn đó, Thiền phái Trúc Lâm đã dung hợp được hai yếu tố “bác học” và “dân gian”, dễ dàng thấm sâu vào tâm thức đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Đó là một thiền phái Phật giáo mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc và trở thành “máu thịt của văn hóa Việt Nam(4). Tuy đều dựa vào chủ đích “Đả khai và Đốn ngộ” của Thiền Tông nhưng tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm thể hiện sự sáng tạo của người Việt Nam là nêu cao vị trí người tu hành, dựa vào bản thân để “Tu tâm ngộ Phật”. Nhân Tông khẳng định: “Chưa rõ thì chưa làm ba giáo/Hiểu rồi thì cùng ngộ một tâm”.

Đối với quê hương, đất nước, với tư cách là một đấng quân vương, một anh hùng dân tộc, Đức Phật Hoàng Nhân Tông đã xây dựng thành công “thế trận lòng dân” để huy động sức mạnh toàn dân, toàn diện chiến thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông gấm vóc, ghi mốc son sáng chói trong lịch sử dân tộc ta. Với trí tuệ và đạo lực của vị Thiền sư đắc đạo, trong công cuộc xây dựng đất nước, Ngài đã thống nhất thể chế chính trị theo hình thức trung ương tập quyền; lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình để thu phục nhân tâm, động viên nhân dân đồng lòng, đồng sức vì mục tiêu kiến thiết quốc gia, duy trì sự ổn định và phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực xã hội. Cảm hứng đó bắt nguồn từ tinh thần Phật giáo Đại Việt do chính Ngài hình thành, phát triển đã trở thành một “linh khí” biến cả dân tộc thành một khối đại đoàn kết vững chắc, đưa đất nước vươn tới đỉnh cao hưng thịnh vào thời kỳ đó. Người làm vua là để mang thái bình, thịnh vượng cho toàn dân Đại Việt, chứ không phải để hưởng thụ cho bản thân mình.

Đối với đạo pháp, Phật Hoàng Nhân Tông đã hoàn thành một nhiệm vụ đặc biệt, đó là thống nhất các hệ phái Phật giáo có trước và khai sáng dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, đạo Phật được thống nhất và thành lập một Giáo hội duy nhất với một Thiền phái duy nhất của người Việt Nam, là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử(5) và được xây dựng thành hệ thống chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, đề cao tư tưởng nhập thế, gắn bó giữa đạo và đời, cứu nhân độ thế bằng chính những việc làm có ích với đời. Chính Ngài đã khơi nguồn, đặt nền móng và hướng đạo, phát triển tư tưởng Phật giáo, xây dựng tổ chức Giáo hội hết sức khoa học và quy củ với chủ trương, đường hướng cụ thể; có tổ chức hành chính, phong hàm giáo phẩm, có điệp đàn tăng tịch; có hệ thống các trường đào tạo tăng ni với khuynh hướng giáo dục rõ ràng. Tính độc đáo của Phật giáo thời Trần chính là ở chỗ luôn chủ động gạn lọc, tiếp thu cái hay, gạt bỏ cái dở để sáng tạo ra một xã hội luôn đổi mới, trẻ trung, cập nhật với thời thế. Với tinh thần “Hòa quang đồng trần”, Đạo Phật thời Trần đã sản sinh ra những trí thức có tinh thần phóng nhiệm, dấn thân, nhập thế, coi sinh tử là lẽ thường(6). Những tư tưởng tích cực đó đã được kế thừa, tiếp thu vun bồi, sáng tạo và tiếp tục được hoàn thiện bởi những thế hệ sau này của đất nước ta. Có thể khẳng định, Đức vua Trần Nhân Tông đã góp phần to lớn đưa Đạo Phật phát triển rực rỡ và ảnh hưởng sâu sắc đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội lúc đó cũng như đối với các triều đại phong kiến sau này. 

Sau khi đã xuất gia tu hành, từ chối mọi xa hoa vương triều để tu hạnh Đầu Đà, Ngài Nhân Tông đã đi tới nhiều nơi để được nghe, hiểu cuộc sống của nhân dân và thuyết pháp, giáo hóa, cứu độ chúng sinh, xây dựng Tịnh Độ nơi trần thế. Mặc dù khác nhau ở điểm xuất phát, nhưng Phật Hoàng cũng giống Đức Phật Thích Ca là từ bỏ cung vàng điện ngọc, dấn thân vào con đường tu hành nhằm phát huy tâm linh đến tột đỉnh(7). Ngài đã để lại cho đời sau một di sản đồ sộ về tư tưởng giáo lý triết học và phương pháp tu hành với tinh thần nhập thế:

"Ở đời vui đạo khéo tùy duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Trước cảnh không tâm chớ hỏi thiền"(8)

Mặc dù chúng ta thấy hệ thống truyền thừa của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được tiếp nối qua nhiều vị Thiền sư, tuy nhiên đó chỉ là phần biểu hiện bên ngoài, chính “tâm Thiền” mới là mạch sống thật. Dù ẩn, dù hiện, thăng hay trầm, hễ có người tỏ sáng được tâm Thiền, là tiếp nối được mạch sống Tổ Tông. Đây chính là điểm cốt lõi tạo nên truyền thống Trúc Lâm và Nhân Tông Đệ nhất Tổ trong lịch sử Thiền phái nói riêng và PGVN nói chung. Hơn 700 năm sau ngày Điều Ngự Giác Hoàng nhập Niết bàn, dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử đã được hồi phục và phát triển mạnh mẽ bởi cách tu tập và triết lý vẫn mang đậm tính thời đại: Tu thiền chính là trở lại với tâm mình, đem tâm mình trở về từng giờ từng phút, sống với nội tâm thanh tịnh. Ngài chính là linh hồn của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, vĩnh viễn bất sinh bất diệt trong lòng hậu thế. Tâm là nguồn báu truyền đời, giữ được tâm ấy thì giữ được hạnh phúc và an lạc quốc gia. Đó cũng chính là điểm tựa tinh thần tạo nên sức mạnh nội sinh to lớn của dân tộc ta qua các thời kỳ lịch sử để chiến thắng mọi kẻ thù, dù mạnh hay hung tàn đến đâu.

Ngày nay, sau khi PGVN được chức sắc, tín đồ cả nước đồng lòng thống nhất thành một Giáo hội duy nhất, với phương châm hoạt động:“Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, trên cơ sở kính ngưỡng, phụng hành giáo pháp, giới luật Phật chế và tuân thủ pháp luật, PGVN đã kế thừa và phát huy tinh hoa của Phật giáo do Đức vua Trần Nhân Tông sáng lập nhằm xây dựng và phát triển Giáo hội PGVN cả ở trong nước và ra nước ngoài. Với lý tưởng giác ngộ chân lý, hòa hợp chúng, hòa bình và công bằng xã hội, suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, PGVN đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng hòa bình, an lạc cho nhân loại. Để tri ân công lao và sự nghiệp vĩ đại của Phật hoàng Trần Nhân Tông, tại khóa họp lần VI, Trung ương Giáo hội PGVN đã ra Nghị quyết công bố Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị Tổ sư người Việt đã thống nhất PGVN cách nay hơn 700 năm và quyết định chọn ngày 1/11 âm lịch hàng năm (ngày nhập diệt của Phật hoàng) là một trong những ngày Lễ lớn của PGVN.

Song, không biết tự bao giờ, ở nhiều nơi trong nước và cả ở nước ngoài, nhân dân đã tôn vinh Ngài Trần Nhân Tông là Phật hoàng và đã xây chùa, dựng tượng và thờ phụng Ngài cùng với Đệ Nhị Tổ Pháp Loa, Đệ Tam Tổ Huyền Quang rất trang nghiêm và cung kính. Tự trong tâm hồn mỗi người con Việt, núi Yên Tử đã trở thành cái nôi của PGVN, là một điểm tựa về tâm linh cho mỗi người dù ở trong nước hay ở nước ngoài. Mỗi khi hướng về nơi đó, mỗi chúng ta lại trào lên những cảm xúc bồi hồi khó tả, bởi ở đó có một vị vua đắc đạo đang yên nghỉ, thấy lòng mình ấm lại và vững chắc một niềm tin vào cuộc sống. Chính Ngài là tấm gương không ngừng học hỏi, tu tập cho đến khi thấu tỏ giáo lý Phật Đà, góp phần tạo sức sống mạnh mẽ, quan niệm sống tích cực, một niềm tin vào tiền đồ tươi sáng của đất nước; giúp con người đạt được chân lý ngay trong thực tại chứ không phải ở một thế giới nào khác. Nhân loại đang bước vào thiên niên kỷ với những biến chuyển to lớn trên mọi lĩnh vực xã hội, thế hệ con cháu Tiên Rồng hôm nay đã, đang góp sức mình xây dựng và phát triển Đạo pháp thời kỳ mới trên cơ sở kế thừa và phát triển tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm, bản sắc dân tộc Việt Nam kết hợp tinh hoa văn hóa nhân loại làm cốt tủy và là nền tảng căn bản. Các thế hệ hôm nay xin nguyện được tiếp tục kế thừa, phát huy mạnh mẽ những tinh hoa và thành tựu lớn lao của Ngài đã truyền lại để xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng vững mạnh, đàng hoàng, to đẹp hơn.

Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông, tấm gương sáng ngời của một bậc minh quân lỗi lạc, tài đức vẹn toàn, một vị Tổ sư đắc đạo; Ngài là biểu tượng cho tính nhân văn, tình yêu quê hương đất nước vô bờ bến và tinh thần đại đoàn kết toàn dân, ý chí quyết tâm đánh thắng giặc, bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước. Xin kính dâng Ngài nén tâm hương và phát nguyện phụng trì Phật pháp, phát huy chân lý Đạo nhà, giữ gìn Tổ ấn vàng son, làm rạng rỡ chốn Tổ, non sông gấm vóc thiên thành, một cõi vững bền muôn thuở, duy trì truyền thống tự lực, tự cường, phát huy nội lực, kết hợp với ngoại lực để phát huy Đạo pháp: "Mãi mãi sáng ngời gương Phật Tổ/Ngàn sau còn chiếu rạng nét Tông phong”(9).

Chú thích:

  1. Nguyễn Lang (1974),Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập 1, Lá bối, Sài Gòn, Tr. 217
  2. Ban Quản Lý Di Tích & Rừng Quốc Gia Yên Tử, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

3,8. Trần Nhân Tông, Cư trần Lạo đạo Phú, Hội thứ ba

  1. Dương Văn Quang, Chùa Vĩnh Nghiêm và thiền phái Trúc Lâm một nét văn hóa đặc sắc của văn hóa Việt Nam.

5,7. HT. Thích Trí Quảng, Đức Vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông - Vị tổ người Việt Nam của PGVN

  1. Thích Thanh Thắng, Xuân liễu tri lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình, http://www.phattuvietnam.net/phatgiaovietnam/lich-su-phat-giao-viet-nam
  2. HT. Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ TWGHPGVN, bài diễn văn ở Lễ tưởng niệm 705 năm ngày nhập Niết Bàn và khánh thành tôn tượng Đức Vua, Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong quần thể di tích Yên Tử, 2013


Nguyễn Đức Quỳnh