Ý Nghĩa Lễ Tắm Phật


Cách đây 2640 năm tại kinh thành Ca Tỳ La Vệ xứ trung Ấn Độ, giữa loài người chúng ta và trên trái đất xinh đẹp này, một đức Phật đã ra đời đó là đức Thích Ca Mâu Ni. Theo truyền thuyết thái tử Tất Đạt Đa khi đản sinh đã bước đi bảy bước có hoa sen đở chân, cùng lúc ấy chư thiên tung hoa trời, trổi thiên nhạc đón mừng thái tử ra đời, trên không trung có chín rồng phun nước ấm mát tắm cho thái tử.
Ý Nghĩa Lễ Tắm Phật

Kể từ đó cứ mỗi độ hè về sen nở vào ngày trăng tròn tháng tư âm lịch, Phật giáo đồ khắp năm châu đều đón mừng ngày khánh đản thái tử Tất Đạt Đa. Các chùa làm lễ Phật đản mở đầu bằng một nghi thức tắm Phật, người ta nấu trầm đàn, hương thủy để tưới lên tôn tượng thái tử:

 
“Hôm nay được tắm cho Như Lai
Trí tuệ trang nghiêm công đức lớn
Chúng sanh ba cõi đang chìm đắm
Được thấy trần gian hiện pháp thân.”

 Ý Nghĩa Lễ Tắm Phật

Lễ tắm Phật hàm ẩn một ý nghĩa rất cao siêu. Pháp thân thanh tịnh, thí dụ cho Phật tánh vốn tiềm ẩn trong mỗi người, nhưng vì bụi bặm phiền não tham sân… che lấp, nên Phật tánh không hiển lộ ra được. Muốn hiển lộ Phật tánh, phải mượn nước thơm để tẩy rửa bụi trần. Lễ tắm Phật cũng là một đề tài giúp chúng ta quán niệm đến việc gột rửa thân tâm của chính mình, để tìm lại tự tánh thanh tịnh vốn sẵn có nơi tự tâm. Trong Đại Việt Sử Ký toàn thư có chép: “vào ngày mồng tám tháng tư năm nhâm tý (1072) vua Lý Nhân Tông đã ra chùa Diên Hựu dự lễ tắm Phật.” Văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh cũng ghi: “Qua các triều đại, nhà vua thường đến chùa lễ Phật, tổ chức lễ hội kỳ quốc thái dân an và dâng nước thơm tắm Phật vào những ngày sóc vọng.” Sách Lĩnh Nam Chích Quái chép: “ngày mồng tám tháng tư âm lịch, Man Nương tự nhiên thác hóa, nhân dân lấy ngày đó làm ngày sinh của Bụt.” Hàng năm cứ đến ngày này già trẻ, gái trai bốn phương tụ tập về chùa để dâng lễ, chung vui, ca hát, tục lệ này gọi là “Hội Tắm Phật”.
Ý Nghĩa Lễ Tắm Phật

Theo dòng lịch sử dân tộc, lễ Phật đản cùng nghi thức Tắm Phật, đã trở thành một nét sinh hoạt tâm linh cao đẹp trong văn hóa Việt Nam “Mồng tám tắm Bụt không mưa, bỏ cả cày bừa vất cả lúa đi”. Người con Phật với lòng tôn kính Tam Bảo, trên nền tảng của chánh kiến, mỗi khi thắp một nén hương, dâng một cành hoa lên đức Phật, hay rưới những gáo nước thơm tinh khiết lên tôn tượng Như Lai, với một tâm niệm nguyện quay về nương tựa với giác tánh nơi tự tâm, trang nghiêm cho chính mình bằng hương thơm đức hạnh, bằng cành hoa trí tuệ và bằng nước từ bi nhẫn nhục, để có khả năng tùy thuận thích ứng với mọi duyên thuận, nghịch, chuyển hóa tự thân, trang nghiêm tịnh độ. Phải chăng trong giây phút cảm ứng mầu nhiệm, ta cũng thấy được mình đang tắm gội đức Phật của chính mình. Đúng như câu châm ngôn: “Trang nghiêm tự thân chính là trang nghiêm giáo hội”.

 

Theo T.T Thích Lệ Trang