Ý nghĩa phẩm Pháp sư thứ 10 kinh Pháp Hoa


3 châu là thuyết pháp châu, thí dụ châu và nhân duyên châu. Thuyết pháp châu là tất cả pháp do Đức Phật Thích Ca nói. Thí dụ châu là phẩm Thí dụ thứ 3, kinh Pháp hoa, Phật đã sử dụng trước nhất là thí dụ ba xe và Nhà lửa. Thí dụ này phát xuất từ bài pháp Phật nói cho ba anh em Ca Diếp trong kinh Nguyên thủy, qua kinh Pháp hoa trở thành phẩm Thí dụ.


Đức Phật - vị đại Pháp sư

Phật nói ba anh em Ca Diếp bỏ tất cả cuộc đời để tu hành qua việc thờ phụng, cúng kính, lễ bái, cầu nguyện, nhưng kết quả các ông đạt được là con số không, vì ba ông này phát xuất từ tham vọng muốn được nhiều, nhưng cuối cùng không được gì.

Thật vậy, vì tăng trưởng lòng tham biến thành lửa đốt họ và bị lòng tham che mắt khiến họ không chấp nhận việc tốt của mọi người, từ đó sanh ra tất cả nghiệp ác và nghiệp ác lại đốt cháy trở lại họ.

Thực tế cho thấy từ khi trưởng giả Cấp Cô Độc nghe Phật thuyết pháp ở thành Vương Xá, liền thỉnh Phật về Xá Vệ. Và ông đã dùng vàng đổi đất để xây tịnh xá cúng dường Phật làm cho các Bà-la-môn ganh tức, buồn phiền, vì họ tham lam muốn thu gom tất cả. Họ thường dùng quyền lực để thu tóm của cải. Ai bỏ đạo thì bị họ đánh chết, nên những người đã lỡ theo luôn sống trong sự đe dọa, sợ hãi, đi lên không được mà bỏ đạo cũng không được.

Ngày nay cũng có đạo mà ai vô đạo này rồi nếu bỏ đạo thì họ dọa rằng người đó sẽ bị ngũ lôi đánh tan xác tan hồn.

Đến hội Pháp hoa, Phật nói thí dụ, vì Phật thuyết pháp (thuyết pháp châu) chỉ có 1.250 vị đắc La-hán hiểu được. Vì vậy, Phật thọ ký cho Xá Lợi Phất thành Phật hiệu là Hoa Quang và chỉ đến kinh Pháp hoa, Thanh văn mới được thọ ký.

Và khi Phật tuyên bố vào Niết-bàn, Ngài mới nói ba anh em Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Đề Bà Đạt Đa là Bồ-tát nhiều đời, nên Phật tái sanh, họ cũng sanh lại để trợ hóa Phật. Họ cũng đóng vai ngoại đạo như ba anh em Ca Diếp lãnh đạo 1.000 đồ chúng là giáo đoàn ngoại đạo đông nhất ở thành Vương Xá.

Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp cho Phật ở phòng thờ rắn chúa để rắn cắn Phật chết. Nhưng Phật vào đó, các Bà-la-môn ganh tức đốt hỏa diệm và lần đầu tiên Phật dùng thần thông bay lên hư không khi hỏa diệm bốc cháy khiến họ khiếp sợ và nể phục, nên đã xin làm đệ tử Phật. Và 1.000 đồ chúng chỉ sau một đêm, cạo đầu, mặc áo Sa-môn kéo về Vương Xá. Vua Tần Bà Sa La thấy vậy, mới nghĩ Phật tốt và ông cúng dường Phật khu thượng uyển là Trúc Lâm.

1.000 tu sĩ ngoại đạo chỉ qua một đêm mà trở thành đệ tử Phật, thì đến kinh Pháp hoa, các vị này được lý giải là Bồ-tát tùng địa dũng xuất.

Thiết nghĩ độ 1.000 người trong thời gian rất ngắn, chỉ qua một đêm là việc không dễ và tìm người quản lý Trúc Lâm cũng rất khó. Tuy 1.000 ông này mới chuyển làm Sa môn, nhưng họ đã từng tu hành, sống nề nếp, nên việc sắp xếp ổn định chỗ tu cho đại chúng cũng dễ dàng đối với họ.

Điều này qua kinh Pháp hoa mới có khiến Di Lặc Bồ-tát cũng thắc mắc 1.250 người này ở đâu ra mà Phật giáo hóa họ nhanh như vậy; vì Phật mới thành Phật 40 năm thôi, làm sao giáo hóa được nhiều người đến thế. Đức Phật khẳng định rằng Ngài đã giáo hóa những người này lâu rồi. Họ đã là quyến thuộc của Phật từ kiếp quá khứ xa xưa, không phải Phật mới giáo hóa họ trong đời này.

Nói đến quyến thuộc, thực tế cho thấy người làm thiện thì có quyến thuộc của họ và người làm ác cũng có quyến thuộc ác. Điều này cho chúng ta tầm nhìn theo mắt Bồ tát mà Phật dạy rằng tu hành phải nâng cấp tầm nhìn.

Mới tu, chúng ta là phàm tăng có nhục nhãn chỉ thấy bình thường, nhưng tu một thời gian, tâm chúng ta thanh tịnh, nghiệp giảm sẽ có cái nhìn cao hơn gọi là thiên nhãn, không chỉ thấy bằng mắt. Và khi cái thấy tiến bộ hơn nữa gọi là huệ nhãn.

Vì vậy, mới tu, Tỳ-kheo nhìn đời bằng mắt thịt (nhục nhãn), nhưng trải qua quá trình tu hành thanh tịnh, có tầm nhìn xa ngang tầm chư Thiên và gia công tu thiền định, phát huệ có huệ nhãn và tiến lên pháp nhãn của Bồ-tát.

Thật vậy, Thanh văn tu hành có định thì có huệ, nhưng xả định thì mất huệ. Vì vậy, không thể dừng lại ở cái thấy bằng huệ nhãn, mà phải tiến tu để đạt được pháp nhãn của Bồ-tát; vì với pháp nhãn của Bồ-tát mới thấy được sự thật của cuộc đời.

Và từ pháp nhãn quán sát, Bồ-tát biết rõ người nào là quyến thuộc của mình thì giúp họ tăng trưởng thiện căn, cùng với Bồ-tát làm việc lợi lạc cho đạo, tốt đẹp cho đời. Nghĩa là có pháp nhãn, Bồ-tát mới tạo quyến thuộc Bồ-đề. Còn ở huệ nhãn của Thanh văn thì họ cách ly cuộc đời, rất ngại tiếp xúc với người khác vì dễ bị người quấy rầy làm mất chánh niệm và mất luôn huệ.

Trong khi với pháp nhãn, Bồ-tát nhận thấy không thể giải thoát một mình mà cần phải nuôi dưỡng quyến thuộc của mình. Thực tế cho thấy hành Bồ-tát đạo, người có quyến thuộc càng đông càng làm được nhiều việc, có ít quyến thuộc thì làm được ít và không có quyến thuộc, không làm được, dù đắc A-la-hán.

Với pháp nhãn, quyến thuộc của Bồ-tát được ví như sen mới nứt mầm trong hồ sen, tức họ còn nhiều yếu kém, chỉ được một số ít điểm tốt. Bồ-tát cũng ráng nuôi điểm tốt này cho lớn, vì họ mới phát tâm tu, chưa làm được, nên phải mất thời gian lâu dài để nuôi dạy họ trưởng thành trên đường đạo. Thật vậy, từ sen nứt mầm trở thành ngó sen, cây sen và chuyển thành hoa sen thì phải lâu, không thể ngày một ngày hai mà làm được. Dưới pháp nhãn của Bồ-tát, thấy rõ ai mới phát tâm Bồ-đề, ai ở chặng đường nào, 52 chặng đường hành Bồ-tát đạo, Bồ-tát thấy đầy đủ.

Còn Thanh văn chỉ có một đường là phải thế này, nếu khác, không được chấp nhận. Vì vậy, tu Thanh văn, nếu tụng kinh thì tất cả phải tụng kinh; nếu ngồi thiền, tất cả phải ngồi thiền; đi quả đường thì tất cả phải đi quả đường, không thể khác. Tất cả mọi người làm, mà một người ở không là không được. Thanh văn là như vậy, nhưng Bồ-tát thấy khác.

Thật vậy, khi Phật tại thế, có một Tỳ-kheo bệnh, phóng uế bừa bãi khiến chúng ở chung không được. Phật đích thân tắm cho ông, giặt giũ quần áo dơ bẩn của ông, dọn quét vệ sinh cho ông, đút cơm cho ông…

Phật nói Tỳ-kheo này làm người, nhưng nghiệp nặng, chỉ còn một mắt, không thể làm ông mù luôn, Phật phải nuôi ông. Ông ở trong chúng, ai cũng chán ghét. Nếu đuổi ông ra ngoài, tất nhiên ông sẽ oán giận và chống đối, dù ông chẳng thể làm gì được ai.

Nhưng Phật đã nuôi ông bằng tất cả tình thương vô bờ bến. Ông còn một mắt là chỉ còn niềm tin với Phật thôi, chứ ông không công nhận giáo đoàn, nhưng may phước, ông còn biết thương Phật!

Trở lại vấn đề thọ ký, trong chúng hội, ai cũng công nhận Xá Lợi Phất có trí tuệ bậc nhất, nên Phật thọ ký cho Xá Lợi Phất thì đại chúng chấp nhận dễ hơn.

Trước tiên, Phật thọ ký cho Di Lặc, tiếp theo, Phật thọ ký cho Xá Lợi Phất. Và kế tiếp, bốn Trưởng lão là Ca Diếp, Mục Kiền Liên, Ca Chiên Diên và Tu Bồ Đề nói phẩm Tín giải, ví mình như thân phận cùng tử hốt phân. Nhờ theo Phật dọn dẹp tất cả phân nhơ bên ngoài là từ lời nói, đến hành động, suy nghĩ đều trang nghiêm thanh tịnh, nên chỉ tu mấy ngày thì trở thành A-la-hán. Vì vậy, bốn vị Trưởng lão này thay Phật quản lý, dìu dắt Tăng đoàn, thay Phật thuyết pháp giáo hóa. Nhờ làm được việc công đức như vậy, trong hội Pháp hoa, các ngài biết các Bồ-tát, được làm bạn với các Bồ-tát.

Phật khen ngợi các vị này làm việc rất siêng năng, khác với người làm công hèn hạ. Người làm công hèn hạ là người lười biếng và tham lam, họ cũng ở trong nhà Phật, nhưng suốt đời trở thành ăn hại.

Riêng tôi thuở nhỏ, tu học phẩm này tự nghĩ mình cần học theo các vị này. Nghĩa là siêng năng làm việc cho đại chúng và làm việc của thầy, nên tôi được tiếp xúc với nhiều người có uy tín.

Phẩm này dạy chúng ta rằng một mình không làm được, nhưng nhờ thay Phật, thay thầy mà làm tốt, được nhiều người biết và cuối cùng được Phật phú chúc gia tài. Phật nói Ngài chỉ giao gia tài cho người tốt và Ngài khen rằng ông là người tu thiệt, có đóng góp cho Phật pháp.

Trên bước đường tu, chúng ta thấy những người không ham có chùa riêng, nhưng có. Còn người luôn nghĩ đủ cách và dùng thủ đoạn để được lợi riêng thì luôn gặp trở ngại.

Quý vị thấy các bậc cao đức làm thầy, làm Tổ được Phật phú chúc, gọi là Phật bổ xứ, tức Phật giao cho làm, không phải tự mình làm được. Thí dụ tôi xây Việt Nam Quốc Tự là Phật bổ xứ. Làm việc gì cũng nghĩ là Phật bổ xứ.

Xưa kia, Hòa thượng Thiện Tường nói với tôi là Ngài muốn tu, không muốn làm, nhưng Phật tử đem tiền cúng thì phải làm Phật sự. Nhưng làm dang dở, không có tiền thì muốn làm cũng không được. Khi muốn thì không được, không muốn lại được. Phẩm Tín giải diễn tả ý này rằng những điều không mong cầu tự đến, vì đã đoạn tham, sân, si. Các thầy về sau trải nghiệm sẽ thấy lý này.

Đức Phật đã thọ ký cho các Thanh văn và sau cùng, Phật thọ ký cho A Nan. Ngài nói A Nan là vị thị hiện Thanh văn đã phát tâm tu Bồ-tát đạo một lượt với Phật Thích Ca; nhưng Phật Thích Ca dồn tất cả sức lực tu hành thành Phật, còn A Nan nguyện đời đời kiếp kiếp hộ trì Chánh pháp. Việc này rất quan trọng, vì có Phật, nhưng không có người hộ trì, Chánh pháp sẽ bị mai một. Nếu không có A Nan kiết tập thì ngày nay chúng ta làm gì có kinh điển để tu. A Nan có nguyện như vậy, nên nghe Phật nói gì, ông đều hiểu rõ và nhớ không sót. Phật Thích Ca cho biết A Nan đã từng hộ trì Chánh pháp ở các Đức Phật quá khứ.

Nói về công hạnh của A Nan khiến tôi nhớ đến Hòa thượng Trí Tịnh. Khi Ngài chưa xuất gia, Hòa thượng Vạn Linh đã nói rằng vị này đã là Hòa thượng và đời này cũng sẽ là Hòa thượng Pháp sư. Hòa thượng Tổ có huệ nhãn, nên biết Hòa thượng Trí Tịnh là Bồ-tát hiện thân lại, tuy chưa tu, nhưng cung cách người tu đã có.

Người chưa tu là người phàm thì có hành động thô tháo. Nhưng người chưa tu mà cũng như người tu, hay hơn người tu là đời trước tu rồi. Điển hình là Hòa thượng Trí Tịnh thuộc lòng kinh Pháp hoa chữ Hán, vì đời trước Ngài đã học bộ kinh này và Ngài cũng hiểu nghĩa lý của kinh, nếu đời trước chưa là Pháp sư thì nay không hiểu được.

Ngài A Nan cũng vậy, đời trước đã hộ trì Chánh pháp của Phật quen rồi, Phật quá khứ nói pháp thế nào thì Phật hiện tại cũng nói pháp như vậy. Và đến khi Phật Di Lặc ra đời, A Nan cũng tái sanh để hộ trì Chánh pháp. Từ hạnh nguyện của A Nan như vậy, suy diễn rộng ra thì biết A Nan là Bồ-tát hiện lại.

Chúng ta tu, mỗi người có hạnh, có nguyện khác nhau. Có thầy thích phục vụ đại chúng, nấu ăn cực khổ nhưng thích làm. Trong lịch sử Trung Hoa ghi rằng thầy Hàn Sơn là Văn Thù Bồ-tát hiện lại, lo việc nấu ăn cho chúng, không tụng niệm, lễ bái; vì ông thấy lo cho đại chúng có sức khỏe tu hành quan trọng hơn.

Cũng vậy, năm nay mở khóa hạ ở Việt Nam Quốc Tự, tôi nghĩ ai sẽ lo việc ăn uống cho chúng; giải quyết vấn đề này cũng khó. Tự nhiên có một số thầy phát tâm nấu nướng, dọn quả đường.

Bồ-tát đa hạnh, nhưng tất cả Thanh văn phải tu một hạnh, làm khác không được. Tụng kinh thì tất cả phải tụng kinh, phải giống nhau hết.

Bồ-tát thì mỗi người một việc. Các thầy Thanh văn chỉ một hạnh duy nhất là khất thực và ăn xong, ngồi thiền. Không khất thực, không thiền thì không phải người tu.

Nhưng Đại thừa Bồ-tát đa hạnh, có thầy thích làm từ thiện. Theo Nguyên thủy, bắt buộc an cư. Nhưng Đại thừa Tăng, những gì cần thì làm. Vì vậy, có điều kiện cần cứu trợ, đi cứu trợ.

Trên tinh thần này, đến phẩm Pháp sư, việc thọ ký được mở rộng, chẳng những Phật thọ ký cho tất cả người xuất gia, cư sĩ tại gia và cả Thiên long bát bộ, mà hơn thế nữa, sau khi Như Lai diệt độ, Ngài cũng thọ ký cho tất cả những người thọ trì kinh Pháp hoa.

Phải hiểu có năm hạng Pháp sư. Một là người chỉ siêng đọc tụng kinh điển để đem kinh vào lòng mình. Muốn làm Pháp sư tất yếu phải như vậy. Một số thầy làm Pháp sư, nhưng không đem kinh vô lòng, mà lại thích nói, đến một lúc, nói toàn chuyện đời để làm cho người cười thì trở thành hề, không phải Pháp sư.

Vì vậy, việc quan trọng của Pháp sư là phải đọc tụng kinh và đem Phật vào lòng để trang nghiêm thân tâm. Nhờ đọc tụng nhiều, kinh mới thâm nhập vô lòng mình và giữ được kinh trong lòng mới có tác dụng phá tất cả trần lao, nghiệp chướng. Thật vậy, mỗi khi mình có tác ý, tự nhiên lời dạy tương ưng mình đã đọc tụng trong kinh sẽ tự động lưu xuất và phá được trần lao, nghiệp chướng.

Và tiếp theo là thọ trì Pháp sư (Thọ là nhận) nghĩa là trong lòng mình giữ kinh không mất. Việc này rất quan trọng.

Tôi thường đọc kinh, đọc thuộc lòng càng nhiều càng tốt và giữ lại kinh trong lòng.

Nhờ giữ kinh trong lòng lâu ngày, qua giai đoạn bốn, bắt đầu giảng nói. Pháp sư giảng kinh bằng ba nghiệp thanh tịnh của mình.

Một là ta chưa chứng, nhưng lòng ta có kinh ngự trị, nên kinh được chuyển thành oai nghi, cử chỉ của ta khiến người nhìn thấy ta, họ phát tâm. Giống như vua Tần Bà Sa La thấy Phật khất thực ở thành Vương Xá, ông liền phát tâm. Lúc đó, Phật có nói gì đâu là điều quan trọng của Pháp sư dùng thân thuyết pháp. Vì vậy, Phật vào làng khất thực để người thấy tướng giải thoát của Ngài mà họ phát tâm. Chưa giải thoát thì họ nghĩ mình cũng giống như họ mà thôi.

Một là thân thuyết pháp. Hai là thăng tòa thuyết pháp bằng miệng. Hòa thượng Trí Tịnh dạy rằng nói nhiều lỗi nhiều, nói ít lỗi ít. Nhiều khi lên pháp tòa, tâm mình chưa thanh tịnh nên dễ nói sai Chánh pháp.

Năm 1963, tôi được ủy nhiệm lên Hòa thượng Trí Tịnh. Lúc đó, tôi còn quá trẻ, nên đã có ý nghĩ sai lầm rằng Hòa thượng yếm thế. Nhưng lớn lên, chín chắn hơn, tôi thấy khác.

Tôi thấy các thầy theo hoàn cảnh xã hội bấy giờ, lên pháp tòa đều nói lời thô ác phát xuất từ tâm sân của mình. Hòa thượng Trí Tịnh dạy tôi khi bực tức thì đừng nói. Anh em tu hành cẩn thận, bực tức, nổi nóng mà nói dễ sai phạm thì tai họa sẽ đến liền, Phật pháp không thể có trong hoàn cảnh xấu như vậy. Vì vậy, theo tôi, nên hạn chế khẩu thuyết.

Điều thứ ba quan trọng nhất là tâm thanh tịnh thuyết pháp. Người cảm tâm, cảm hạnh nghe theo và tu thì đó là con đường truyền bá Chánh pháp đúng đắn nhất.

Một số thầy hỏi tôi rằng các Phật tử qua Mỹ, Pháp, Úc… vẫn nghĩ đến tôi và tu. Còn các thầy ở đó nói mà họ không nghe. Vì các thầy nói bằng miệng và bằng tâm muốn thuyết phục. Nhưng tu hành giữ tâm mình thanh tịnh, họ nghĩ đến mình, họ được an là họ theo. Điển hình như Hòa thượng Trí Tịnh ở trong thiền thất, nhưng người theo. Vì vậy, việc quan trọng là tâm thuyết.

Thật vậy, Phật nhập Niết-bàn đã hơn 25 thế kỷ, nhưng Phật tâm của Ngài vẫn hằng hữu và có tác dụng mãnh liệt, nghĩa là tâm Phật thuyết pháp. Cho nên, những người có nhân duyên căn lành với Phật, họ vẫn tu theo Phật.

Thân thuyết thì mình còn hiện hữu, họ nghe. Nhưng tâm thuyết, họ chỉ nghĩ đến mình là họ tu, dù mình không còn, giống như Phật, hay chư vị Tổ sư vậy. Nghĩ đến đức hạnh của các Ngài thúc đẩy mình tinh tấn dũng mãnh hơn trên bước đường thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh.

Và cuối cùng là Pháp sư biên chép kinh điển để lại đời sau. Thí dụ tôi học được kinh Pháp hoa với Trí Giả đại sư từ đời Tùy ở Trung Hoa. Đó là nhờ đệ tử của Ngài là Quán Đảnh biên chép Pháp hoa tam đại bộ để lại.

Tóm lại, trong năm hạng Pháp sư, từ ngoài đi vô, cuối cùng sử dụng tâm thuyết quan trọng nhất. Và kỵ nhất là khẩu thuyết, tức chỉ nói suông mà không tu, dễ lỡ lời, phạm lỗi lầm làm trở ngại bước đường tu.


HT.Thích Trí Quảng